Gian lận chứng khoán

Nhóm các loại tội phạm có liên quan đến hoạt động chứng khoán: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; Tội thao túng thị trường chứng khoán; Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán

Trong lúc các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, tiền số…không còn an toàn và tiềm năng, đầu tư chứng khoán lại trở thành một trong kênh đầu tư thu hút được nhiều nhà đầu tư bởi lợi nhuận, tính thanh khoản mà thị trường này đem lại. Tuy nhiên, lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro cao. Rủi ro của kênh đầu tư chứng khoán không chỉ đến từ quy luật giá cả, quy luật cạnh tranh mà nó còn đến từ việc sở hữu, sử dụng các thông tin trên thị trường. Do đó, để đảm bảo hoạt động của thị trường chứng khoán diễn ra công khai, minh bạch, giảm rủi ro cho các nhà đầu tư, Nhà nước đã quy định và xử lý các tội phạm có liên quan đến hoạt động chứng khoán. Các hành vi phạm tội liên quan đến hoạt động chứng khoán có thể chia làm ba nhóm hành vi chính, cụ thể:

Nhóm 1 bao gồm các hành vi tác động đến thị trường chứng khoán thông qua sử dụng thông tin trên thị trường chứng khoán như: lợi dụng việc có được thông tin nội bộ hoặc đưa ra các thông tin không có thật hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán để thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Nhóm 2 bao gồm các hành vi cụ thể để thao túng thị trường chứng khoán để thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho các nhà đầu tư như: (i) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với người khác để liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; (ii) Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo; (iii) Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; (iv) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán; (v) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó; (vi) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Nhóm 3 bao gồm hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán nhằm thu lợi bất chính.

Bảo vệ thông tin và giá chứng khoán trên thị trường đồng nghĩa với việc doanh nghiệp niêm yết bảo vệ tài sản của công ty và các cổ đông. Làm thế nào để phát hiện, khắc phục hậu quả và hạn chế thiệt hại do các hành vi vi phạm liên quan đến chứng khoán là một thách thức lớn với nhiều công ty cổ phần niêm yết. Nhờ có kinh nghiệm dày dặn trong việc tư vấn đầu tư, mua bán sáp nhập doanh nghiệp và tố tụng hình sự, chúng tôi có thể đánh giá tình hình hiện tại của doanh nghiệp, từ đó đề xuất những lựa chọn tối ưu khi phải đối mặt với các hành vi gian lận chứng khoán.

Với sự am hiểu về lĩnh vực hình sự, đội ngũ luật sư Lê & Trần sẵn sàng tư vấn, làm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp nhằm chống lại các hành vi phạm tội, góp phần kiến tạo môi trường đầu tư chứng khoán minh bạch, công bằng.