Nhượng Quyền Thương Mại – Xu Hướng Kinh Doanh An Toàn
Những thương hiệu nổi tiếng đến từ nước ngoài như Starbucks, Highland, KFC hay trong nước như các chuỗi hệ thống siêu thị Coop food, GS 25, Trung Nguyên, Kinh Đô.… có mặt trên thị trường Việt Nam là sản phẩm của nhượng quyền thương mại. Nhượng quyền thương mại không còn xa lạ ở thời đại công nghe 4.0, có khả năng tạo dựng cho doanh nghiệp nhượng quyền một hệ thống liên kết mạnh về thương mại và tài chính. Thông qua hệ thống liên kết này, doanh nghiệp có thu được một nguồn thu tương đối ổn định. Đây cũng được coi là một kênh huy động nguồn lực tài chính vô cùng hiệu quả, an toàn và đáng tin cậy cho doanh nghiệp nhượng quyền. Với những ưu điểm sẵn có, nhượng quyền thương mại đang được nhiều doanh nghiệp, cá nhân chọn lựa xây dựng và triển khai chiến lược đầu tư kinh doanh. Nhượng quyền thương mại liệu có phải là xu hướng kinh doanh an toàn?
Nhượng quyền thương mại là gi?
Nhìn từ góc độ kinh tế, bản chất của nhượng quyền thương mại là một giao dịch có điều kiện, trong đó bên nhượng quyền – Thường là một thương hiệu đã nổi tiếng – cho phép một cá nhân hay tổ chức nào đó nhận quyền kinh doanh sản phẩm, mô hình, cách thức kinh doanh của mình. Việc nhượng quyền thực hiện theo nội dung quy định tại Điều 284 Luật Thương mại 2005.
Theo Điều 284 Luật Thương mại 2005, nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
– Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
– Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Theo quy định tại Điều 5 Luật Thương mại, sửa đổi bởi Điều 8 Nghị định 08/2018/NĐ-CP, Hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền phải hoạt động được tối thiểu 01 năm.
Đặc điểm của nhượng quyền thương mại
Cũng là kinh doanh, nhưng khác với kinh doanh thông thường, nhượng quyền thương mại có các đặc điểm sau:
– Đối tượng của nhượng quyền. Đối tượng chính của nhượng quyền là quyền được thực hiện việc kinh doanh các hàng hoá, dịch vụ theo phương thức quy định của bên nhượng quyền.
– Mối quan hệ chặt chẽ giữa các bên tham gia nhượng quyền. Giữa bên giao quyền và bên nhận nhượng quyền tồn tại một mối quan hệ chặt chẽ trong suốt quá trình hợp đồng có hiệu lực. Bên nhượng quyền phải tiến hành việc cung cấp tài liệu, đào tạo nhân viên của bên nhận quyền. Không chỉ vậy, mà cùng với sự lớn mạnh và phát triển theo thời gian của hệ thống, bên nhượng quyền phải thường xuyên trợ giúp kỹ thuật, đào tạo nhân viên của bên nhận quyền đối với những ứng dụng mới áp dụng chung cho cả hệ thống. Việc hợp tác trong hệ thống được thiết lập nhằm mục đích hướng người tiêu dùng nhận biết sản phẩm, dịch vụ của bên nhượng quyền và bên nhận quyền như là một phần của hệ thống mà không giống như người bán lẻ độc lập. Bằng cách này, bên nhượng quyền sẽ mở rộng được hệ thống kinh doanh của mình thông qua chủ thể đầu tư khác. Về phía bên nhận quyền, thông qua việc kinh doanh dưới hình thức nhượng quyền thương mại sẽ hạn chế được rủi ro bởi có sự trợ giúp kỹ thuật và trợ giúp về phương pháp quản lý của bên nhượng quyền. Và trong quá trình hợp tác, bên nhượng quyền có quyền kiểm soát, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc thực hiện các quyền thương mại của bên nhận quyền. Đây cũng là điểm chính của nhượng quyền, tạo nên sự thống nhất trong hệ thống và giúp ổn định về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, điều hành, quản lý của toàn hệ thống.
Các hình thức nhượng quyền thương mại phổ biến
Pháp luật Việt Nam không quy định rõ những hình thức nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên có thể phân loại các hình thức nhượng quyền một cách gián tiếp các quy định về hợp đồng nhượng quyền thương mại. Thực tế có thể phân loại dựa vào các tiêu chí sau:
– Nhượng quyền thương mại theo khu vực lãnh thổ. Theo hình thức này có thể nhượng quyền quốc tế và nội địa. Những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đến Việt Nam và ngược lại, đây là hình thức mà các chủ thương hiệu nước ngoài thực hiện đầu tư vào Việt Nam. Hay nhượng quyền trong lãnh thổ việt Nam giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau.
– Nhượng quyền thương mại theo tiêu chí kinh doanh. Đây là hình thức mà người nhượng quyền cho phép người được nhận quyền phân phối các sản phẩm do mình sản xuất hay các dịch vụ do mình cung ứng trong phạm vi và theo thời gian nhất định. Tuy nhiên, người nhận quyền chỉ được phép sử dụng biểu tượng, tên nhãn hiệu, khẩu hiệu, logo,… trong các hoạt động kinh doanh, quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Có thể kể đến các thương hiệu đã được nhượng quyền cho loại hình thức này như: Coca cola, hãng xe hơi Ford,…
– Nhượng quyền sử dụng công thức kinh doanh. Đây là hình thức phổ biến nhất của nhượng quyền, bên nhượng quyền cho phép bên nhận nhượng quyền phân phối sản phẩm, sử dụng công thức kinh doanh. Đối với loại hình nhượng quyền này thì ngoài việc thực hiện chuyển nhượng sở hữu thương hiệu, chuyển giao kỹ thuật kinh doanh, những công thức kinh doanh, bên nhượng quyền sẽ còn phải hỗ trợ bên nhận nhượng quyền việc cung cấp những người quản lý và điều hành doanh nghiệp có trình độ, có chuyên môn cao, công thức điều hành quản lý doanh nghiệp hay và hỗ trợ cho các nhân viên của bên nhận nhượng quyền các yêu cầu, kĩ năng cơ bản.
– Nhượng quyền thương mại theo mục tiêu phát triển hoạt động kinh doanh. Hình thức này có thể là nhượng quyền gốc, nhượng quyền liên kết, nhượng quyền riêng lẻ, nhượng quyền đa cơ sở. Nhượng quyền gốc: Bên nhận nhượng quyền được phép thực hiện nhượng quyền lại trong một khu vực, lãnh thổ cụ thể và cam kết phát triển về số lượng đơn vị kinh doanh nhượng quyền trong từng giai đoạn. Thương nhân nhượng quyền thương mại độc quyền có thể nhượng lại cho bên thứ ba dưới hình thức nhượng quyền thương mại phát triển khu vực hay nhượng quyền thương mại riêng lẻ. Nhượng quyền liên kết: Đây là hình thức nhượng quyền mà người nhận nhượng quyền theo vùng sẽ nhận nhượng quyền từ người chủ thương hiệu hoặc người nhận nhượng quyền độc quyền để bán lại cho các người mua nhượng quyền thương mại riêng lẻ với những quy định theo thỏa thuận với công ty nhượng quyền. Nhượng quyền đa cơ sở: Ở hình thức này người nhượng quyền được độc quyền mở ra nhiều đơn vị kinh doanh tại một khu vực, lãnh thổ nhất định. Người nhận nhượng quyền trong trường hợp này không được phép nhượng quyền lại. Nhượng quyền riêng lẻ: Người nhận nhượng quyền ký hợp đồng trực tiếp với người nhượng quyền để mở ra một đơn vị kinh doanh theo hệ thống nhượng quyền của bên bán, tại một địa điểm nhất định. Người nhận nhượng quyền lẻ thường chỉ có thể mua được qua các nhượng quyền thương mại độc quyền đối với thương hiệu nổi tiếng hay các chủ thương hiệu nhỏ, điển hình như KFC, Jolibee, Loterria.
Lợi ích từ việc nhượng quyền thương mại mang lại
Nhượng quyền thương mại mang đến những lợi ích nhất định cho cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền.
Đối với bên nhận nhượng quyền
– Giảm thiểu rủi ro khi bắt đầu khởi nghiệp. Việc bắt đầu sự nghiệp kinh doanh có rất nhiều rủi ro. Nhượng quyền sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro thực tế. Khi nhận nhượng quyền thương mại, bên nhận nhượng quyền sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm, được đào tạo, huấn luyện, chỉ dẫn những bí quyết kinh doanh hiệu quả mang tính đặc thù, giúp công việc kinh doanh của bên nhận nhượng quyền sớm đi vào quỹ đạo và phát triển ổn định, hạn chế rủi ro có thể gặp phải.
– Được áp dụng mô hình kinh doanh bài bản. Khó khăn nhất là khi bắt đầu, người quản lý có kinh nghiệm nhưng cũng sẽ thiếu kiến thức để tạo lập một ngành kinh doanh mới. Ngoài việc chuyển nhượng công thức, sản phẩm, dịch vụ, bên nhượng quyền thương mại sẽ cung cấp các hoạt động hỗ trợ quản lý, bao gồm thủ tục tài chính, nhân viên, quy trình quản lý, giúp đỡ bên nhận nhượng quyền vượt qua sự thiếu kinh nghiệm. Việc áp dụng mô hình kinh doanh bài bản, kế hoạch phát triển kinh doanh của bên nhượng quyền thương mại sẽ giúp bên nhận nhượng quyền phát triển đúng hướng. Rất nhiều yếu tố của kế hoạch là những thủ tục tiêu chuẩn được đặt ra bởi bên chuyển nhượng quyền kinh doanh.
– Được hỗ trợ marketing chuyên nghiệp. Một trong những thuận lợi lớn nhất khi thực hiện nhượng quyền kinh doanh là nhận được sự hỗ trợ trong hoạt động marketing từ bên nhượng quyền. Bên nhượng quyền có thể chuẩn bị và trả chi phí cho việc phát triển những chiến dịch quảng cáo chuyên nghiệp. Việc marketing trong phạm vi quốc gia hay địa phương đều có lợi cho tất cả các bên. Hơn nữa, Bên nhượng quyền kinh doanh có thể đưa ra những lời khuyên làm thế nào để phát triển chương trình marketing có hiệu quả cho một vùng, thông qua điều này có thể giúp các bên nhận nhượng quyền chia sẻ chi phí từ nguồn thu nhập của họ.
– Được hỗ trợ sản phẩm, nguyên liệu ổn định thống nhất chất lượng. Các sản phẩm, nguyên liệu là một trong những lợi thế cạnh tranh, quyết định sự thành công trong kinh doanh. Những sản phẩm, nguyên liệu ổn định, thống nhất là nên uy tín thương hiệu của bên nhượng quyền sẽ được cung cấp cho bên nhận nhượng quyền, đảm bảo sản phẩm kinh doanh đúng chất lượng. Điều này quyết định việc vì sao khách hàng chọn sản phẩm.
– Được hỗ trợ tài chính bằng sự đảm bảo khi cần thiết. Bên nhận nghượng quyền có thể nhận được sự giúp đỡ trong vấn đề tài chính thông qua bên nhượng quyền. Điều này cũng vô cùng cần thiết trong một số trường hợp. Bằng sự quen biết, kinh nghiệm kinh doanh trên thị trường, bên nhượng quyền có thể tạo ra những sắp xếp với những nơi cho vay tài chính như ngân hàng để bên nhận nhượng quyền vay vốn bằng những cam kết hỗ trợ từ phía người nhượng quyền. Điều này là đảm bảo lớn cho khả năng một khoản nợ sẽ được phê duyệt.
– Có được lượng khách hàng quen thuộc. Đây là một trong những điểm chính cần thiết của việc nhượng quyền thương mại. Nhượng quyền thương mại sẽ cung cấp một hệ thống nhất quánchất lượng trong quá trình hoạt động, mang lại những ưu điểm của lợi thế theo qui mô, nhận diện thương hiệu. Nhờ vậy mà người tiêu dùng sẽ có cơ hội nhận biết được thương hiệu và chất lượng sản phẩm, yên tâm chọn lựa, tạo ra một lượng khách ổn định và thường xuyên.
Đối với bên nhượng quyền
– Mở rộng quy mô kinh doanh. Nhượng quyền giúp thương hiệu có mặt ở khắp mọi nơi. Thông qua việc nhượng quyền, quy mô kinh doanh sẽ được mở rộng, phủ sóng độ nhận diện của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của bên nhượng quyền một cách nhanh chóng trên thị trường mà khó có hình thức kinh doanh nào làm được.
– Quảng bá thương hiệu hiệu quả. Hoạt động quảng cáo, quảng bá thương hiệu sẽ hiệu quả hơn khi bên nhượng quyền nhượng được nhiều cửa hàng. Bởi sự xuất hiện ở khắp mọi nơi sẽ giúp thương hiệu phủ sóng ở nhiều thị trường. Nhờ đó hình ảnh sản phẩm, dịch vụ sẽ đi sâu vào tâm trí khách hàng một cách nhanh chóng và dễ dàng.
– Gia tăng doanh thu từ hoạt động kinh doanh khác. Khi nhận nhượng quyền thương mại, bên nhận quyền thương mại sẽ trả một khoản phí thực hiện hoạt động cho thương hiệu, sản phẩm, nguyên liệu và sự hỗ trợ cho bên nhượng quyền. Và bên nhận quyền phải mua sản phẩm, nguyên liệu của bên nhượng quyền nhờ đó mà bên nhượng quyền có thể gia tăng nguồn thu nhập , giúp mở rộng kinh doanh nhưng vẫn giảm dược chi phí thâm nhập thị trường.
Nhượng quyền thương mại là hình thức kinh doanh an toàn, ít rủi ro, dã khẳng định vai trò và góp phần vào hoạt động nâng cao hiệu quả kinh tế cho Việt Nam. Việt Nam cũng đã có những bước khởi sắc và đang chờ thời cơ, cơ hội bùng nổ hình thức kinh doanh an toàn. Cùng tìm hiểu ở những bài viết tiếp theo. Đừng quên theo dõi và cập nhật những thông tin hữu ích trên trang web của chúng tôi. Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com.