An toàn lao động là gì? Vì sao doanh nghiệp cần tuân thủ ATLĐ
An toàn lao động là trách nhiệm quan trọng của mọi doanh nghiệp để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người lao động. Luật An toàn, Vệ sinh lao động Việt Nam 2015 đã đưa ra các quy định cụ thể về vấn đề này. Le Tran Law Corporation sẽ cung cấp thông tin cần thiết giúp doanh nghiệp nắm vững và xây dựng một kế hoạch an toàn lao động phù hợp với tổ chức của mình.
An toàn lao động là gì?
An toàn lao động là những biện pháp phòng chống tác động từ các yếu tố gây nguy hiểm cho người lao động trong môi trường làm việc. Để đảm bảo các yếu tố đó không ảnh hưởng đến sức khỏe, thân thể hay tính mạng của người lao động, góp phần giảm thiểu các nguy cơ xảy ra thương tật, tử vong.
Thực trạng an toàn lao động tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, thể hiện qua số liệu đáng lo ngại: 6 tháng đầu năm 2023, toàn quốc đã xảy ra hơn 3.201 vụ tai nạn lao động, làm 3.262 người bị nạn. Trong đó, số vụ tai nạn lao động chết người là 345 vụ, số người chết vì tai nạn lao động 353 người.
Việc không chuẩn bị đầy đủ và kém hiệu quả trong quản lý an toàn lao động ở nhiều tổ chức, doanh nghiệp là nguyên nhân chính gây nên tình trạng này. Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2023 bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực lao động không làm việc theo hợp đồng như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh. Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người gồm: lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, dệt may, da giày.
Do đó, việc tăng cường nhận thức và thực thi các biện pháp an toàn lao động không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của mỗi doanh nghiệp, nhằm giảm thiểu tai nạn và bảo vệ người lao động, tạo nên một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh.
Vì sao doanh nghiệp cần tuân thủ an toàn lao động?
Việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp an toàn lao động, từ phòng ngừa đến kiểm soát rủi ro – giúp người lao động yên tâm công tác, đồng thời thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm của doanh nghiệp đến đội ngũ nhân viên.
Điều này đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp phải xây dựng và thực hiện chính sách, kế hoạch đào tạo an toàn lao động cho nhân viên hàng năm. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể tạo dựng một môi trường làm việc an toàn và giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động, góp phần nâng cao hiệu quả và uy tín của tổ chức.
Việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp an toàn lao động giúp người lao động an tâm làm việc và cống hiến hết mình cho doanh nghiệp
Ý nghĩa của Luật an toàn lao động tại Việt Nam
Luật An toàn Lao động được ban hành nhằm hướng dẫn và quy chuẩn hóa hoạt động an toàn lao động trong các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam. Mục tiêu của luật này là tạo dựng một khung pháp lý vững chắc, định hình tiêu chuẩn và quy định cần thiết để đảm bảo an toàn và vệ sinh lao động. Cụ thể:
- Thứ nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai biện pháp an toàn lao động, cũng như khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ tiên tiến.
- Thứ hai, hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ như xây dựng phòng thí nghiệm, hỗ trợ thử nghiệm đạt chuẩn quốc gia.
- Thứ ba, hỗ trợ phòng ngừa tai nạn và bệnh nghề nghiệp, đặc biệt trong ngành có rủi ro cao.
- Thứ tư, phát triển các đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn tự nguyện, thiết lập cơ chế đóng phí, hưởng linh hoạt để phòng ngừa, khắc phục và giảm thiểu rủi ro cho người lao động.
Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động là gì?
Huấn luyện an toàn và vệ sinh lao động là quá trình quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và khả năng nhận diện rủi ro, giúp người lao động phòng tránh tối đa các tai nạn và bệnh nghề nghiệp. Vậy, ai cần được huấn luyện về an toàn lao động? Những đối tượng cần được huấn luyện an toàn lao động bao gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức và thành viên của lực lượng vũ trang.
- Người sử dụng lao động.
- Người lao động theo hợp đồng, người thử việc và người học nghề, tập nghề.
- Người lao động không theo hợp đồng lao động.
- Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
- Người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài.
- Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động.
Công tác huấn luyện an toàn lao động phải phù hợp với đặc điểm tính chất của từng ngành nghề, vị trí công việc cũng như quy mô lao động của từng doanh nghiệp.
Chế độ bảo hộ và chăm sóc sức khỏe người lao động
Chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động đóng vai trò trọng yếu trong việc tạo dựng một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh. Mục 3, Chương II Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 đã quy định về những quyền lợi bảo hộ mà người lao động được hưởng như sau:
Chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp
- Doanh nghiệp có nghĩa vụ khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho người lao động. Đặc biệt, những người làm việc trong môi trường nặng nhọc, nguy hiểm hoặc bị ô nhiễm bụi bặm cần được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng/lần.
- Người lao động dưới 18 tuổi và lao động cao tuổi (nam từ 62 tuổi, nữ từ 60 tuổi) sẽ không được phép làm việc trong môi trường độc hại, theo quy định của luật lao động.
- Lao động nữ phải được khám sức khỏe phụ khoa. Người làm việc trong môi trường độc hại phải được khám bệnh nghề nghiệp.
- Tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.
- Đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
- Mọi chi phí liên quan đến việc khám và điều trị sức khỏe của người lao động sẽ được doanh nghiệp chi trả, theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 của Điều 21 trong Luật An toàn vệ sinh lao động 2015.
Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động
- Người sử dụng lao động cần cung cấp đầy đủ trang thiết bị cần thiết cho người lao động khi làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại.
- Thực hiện các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật, thiết bị để loại trừ hoặc hạn chế tối đa yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động.
- Các thiết bị bảo hộ này phải được chọn lựa dựa trên mức độ tiếp xúc với môi trường lao động có khói bụi, chất độc hại và những điều kiện làm việc không an toàn.
- Tất cả phương tiện bảo hộ cá nhân phải đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định của Nhà nước.
- Tổ chức có trách nhiệm vệ sinh và khử khuẩn các dụng cụ, phương tiện sau khi sử dụng, đặc biệt những nơi có nguy cơ cao về chất độc hại.
Bồi dưỡng khi làm việc trong môi trường rủi ro cao
- Bồi dưỡng bằng hiện vật sẽ được tổ chức trong ca làm việc, nhằm đảm bảo tính thuận tiện và sự an toàn lao động.
- Đối với những nơi làm việc có yếu tố nguy hiểm hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người lao động, việc bồi dưỡng bằng hiện vật là bắt buộc.
- Người lao động làm trong các nhóm công việc đặc biệt nguy hiểm sẽ được hưởng thời gian nghỉ hàng năm là 16 ngày, và thêm 2 ngày so với nhóm công việc thông thường, nhằm đảm bảo sự phục hồi sức khỏe tốt nhất.
Cần quản lý sức khỏe người lao động
- Doanh nghiệp có nghĩa vụ quản lý hồ sơ sức khỏe của người lao động.
- Việc lựa chọn công việc cho người lao động phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của họ, phù hợp với tiêu chuẩn yêu cầu của loại công việc và ngành nghề, nhằm đảm bảo sự an toàn và hiệu quả trong công việc.
An toàn lao động không chỉ là việc tuân thủ các quy định của pháp luật, mà còn là việc tạo ra một môi trường làm việc an toàn, khích lệ sự sáng tạo và hiệu quả trong công việc. Khi người lao động được bảo vệ một cách toàn diện, họ sẽ cống hiến hết mình cho công việc, góp phần tạo nên sự thịnh vượng chung cho doanh nghiệp và xã hội.
Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com.