Áp dụng Hiệu quả các Chế tài trong Soạn thảo Hợp đồng
Theo hiểu biết thông thường, một hợp đồng được soạn thảo tốt sẽ giúp giảm thiểu các tranh chấp trong quá trình kinh doanh, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ yếu tố nào giúp soạn thảo tốt một hợp đồng. Hợp đồng được soạn thảo tốt có phải là một hợp đồng quy định rõ ràng và đầy đủ nghĩa vụ của các bên? Không phải vậy, một hợp đồng được soạn thảo tốt không chỉ phải cho các bên biết mình cần phải làm gì mà còn phải buộc các bên phải thực hiện các cam kết của mình, cho dù có muốn hay không. Để đạt được điều này, hệ thống các chế tài cần được xây dựng chặt chẽ để các bên có thể áp dụng nhằm tránh việc vi phạm hợp đồng hoặc, trong một vài trường hợp, để được bồi thường thỏa đáng cho những thiệt hại phát sinh do vi phạm hợp đồng.
Bên dưới là phân tích của chúng tôi về một số chế tài phổ biến và cách áp dụng hiệu quả các chế tài này trong soạn thảo hợp đồng.
Chế tài bằng Tiền
Bồi thường thiệt hại
Tiền bồi thường thiệt hại là khoản tiền bồi thường cho tất cả thiệt hại xảy ra do vi phạm hợp đồng. Chế tài này có thể được quy định trong hầu hết các loại hợp đồng và áp dụng cho tất cả vi phạm.
Tuy nhiên, chế tài bồi thường thiệt hại không khả thi vì đòi hỏi phải đưa ra rất nhiều chứng cứ để chứng minh thiệt hại trên thực tế. Tại phiên tòa, nguyên đơn được yêu cầu cung cấp các chứng cứ để chứng minh con số chính xác của thiệt hại như hợp đồng, hóa đơn, v.v. và thiệt hại ước tính sẽ không được chấp nhận mà theo đó trên thực hiện việc này cũng không thể thực hiện được đối với một số thiệt hại. Ví dụ trong trường hợp Công ty A không giao hàng cho Công ty B, Công ty B có thể yêu cầu Công ty A bồi thường chi phí cho việc phải mua hàng từ bên thứ ba bằng cách cung cấp các hợp đồng và hóa đơn tương ứng. Tuy nhiên, đối với những thiệt hại về lợi nhuận và gián đoạn hoạt động kinh doanh do hành vi vi phạm hợp đồng của Công ty A gây ra, thời gian mà Công ty B tìm kiếm nhà cung cấp khác, những thiệt hại này thường khó tính toán và chứng minh bằng một con số cụ thể và do đó không thể yêu cầu bồi thường trên thực tế. Hơn nữa, chi phí cho dịch vụ pháp lý và các chi phí tranh tụng khác thường không được tòa án tại Việt Nam chấp nhận. Do đó, chế tài bồi thường thiệt hại một mình nó không thể bù đắp hết những thiệt hại của nguyên đơn.
Chế tài bồi thường thiệt hại nên được quy định trong hợp đồng để bảo vệ quyền lợi của các bên nhưng nó không nên là chế tài duy nhất vì những thiệt hại mà các bên có thể yêu cầu hầu như thấp hơn thiệt hại thực tế. Do đó, bên cạnh chế tài bồi thường thiệt hại, các bên cũng nên quy định thêm những chế tài bằng tiền khác để tăng giá trị số tiền mà các bên có thể yêu cầu trong trường hợp vi phạm hợp đồng.
Phạt vi phạm
Phạt vi phạm là khoản tiền được thỏa thuận trong hợp đồng mà bên vi phạm phải trả trong trường hợp vi phạm hợp đồng. Không giống như chế tài bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm dễ tính toán và yêu cầu hơn vì mức phạt hay công thức tính toán đã được quy định cụ thể trong hợp đồng.
Tuy nhiên, mức phạt vi phạm bị hạn chế trong một vài trường hợp. Ví dụ, Luật Thương mại 2005 quy định về mức phạt vi phạm không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm đối với các hợp đồng thương mại thông thường. Khá khó để xác định bao nhiêu là 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm trên thực tế; đặc biệt trong quá trình soạn thảo hợp đồng khi mà vi phạm vẫn chưa xảy ra. Do đó, thông thường trong quá trình soạn thảo, có thể không cần quan tâm đến mức giới hạn 8% và chỉ cần quy định số tiền phạt mà các bên mong muốn; vì thậm chí nếu các bên quy định số tiền phạt vi phạm cao hơn mức phạt tối đa, sau đó tòa án sẽ chỉ giảm số tiền phạt xuống bằng với mức phạt luật định, nghĩa là không có hậu quả bất lợi xảy ra.
Phạt vi phạm không nên được quy định trong hợp đồng thành thiệt hại ước tính, tức mức bồi thường thiệt hại được xác định trước trong hợp đồng mà khi có hành vi vi phạm xảy ra bên vi phạm phải thanh toán, được áp dụng để có thể dễ dàng xác định thiệt hại khó có thể chứng minh nhưng không phải là hình thức để trừng phạt bên vi phạm như phạt vi phạm. Ở một số quốc gia, thiệt hại ước tính được phép áp dụng nhưng phạt vi phạm lại không được phép. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc này ngược lại, nếu hợp đồng sử dụng thuật ngữ ‘phạt vi phạm’, tòa án sẽ chấp nhận quy định này, nhưng nếu thuật ngữ ‘thiệt hại ước tính’ được sử dụng, tòa án sẽ tuyên quy định này vô hiệu.
Đặt cọc
Đặt cọc là một khoản tiền tạm thời chuyển cho một bên như là một khoản bảo đảm để thực hiện hợp đồng (hoặc trong một vài trường hợp để ký kết hợp đồng). Bên đặt cọc không thực hiện hợp đồng thì bên đó sẽ bị mất cọc. Nếu bên nhận đặt cọc không thực hiện hợp đồng, bên đó phải hoàn trả lại tiền đặt cọc và thanh toán một khoản tiền phạt cọc (mặc định là tương đương với khoản tiền đặt cọc, nhưng cũng có thể là gấp đôi, gấp ba khoản tiền đặt cọc hoặc thậm chí nhiều hơn tùy thuộc vào thỏa thuận giữa các bên; pháp luật hiện hành không quy định mức giới hạn trong trường hợp này).
Khoản tiền đặt cọc dễ dàng tính toán và yêu cầu giống như tiền phạt nhưng không bị pháp luật giới hạn giá trị tối đa; điều này giúp các bên có thể quy định mức phạt cọc cao nhằm ngăn chặn bất kỳ ý định vi phạm hợp đồng nào. Đặt cọc phù hợp với những hợp đồng yêu cầu thanh toán tạm ứng hoặc khoản ứng trước khi mà các bên có thể xem những khoản thanh toán đó như là tiền đặt cọc nhằm mục đích áp dụng tiền phạt cọc khi có vi phạm hợp đồng. Bằng việc sử dụng phương pháp này, nếu bên kia không thực hiện hợp đồng, bên đó buộc phải hoàn trả lại toàn bộ khoản tiền đã nhận cộng với một khoản tiền tương đương với tiền đặt cọc đủ để bù đắp những thiệt hại có thể xảy ra.
Chế tài không bằng Tiền
Chấm dứt và hủy bỏ hợp đồng
Chấm dứt hợp đồng là việc ngừng thực hiện hợp đồng, tức là những phần hợp đồng chưa được thực hiện sẽ không còn giá trị thực hiện. Hủy bỏ hợp đồng là chấm dứt hiệu lực từng phần hoặc toàn bộ hợp đồng, có thể ảnh hưởng đến những phần hợp đồng đã được thực hiện lẫn những phần hợp đồng chưa được thực hiện.
Ví dụ, trong hợp đồng mua bán, hàng hóa có thể được giao thành nhiều đợt. Chấm dứt hợp đồng sẽ làm chấm dứt hiệu lực của đợt giao hàng bị vi phạm và cả những đợt giao hàng sau; nhưng hủy bỏ hợp đồng sẽ linh hoạt hơn, cụ thể có thể chấm dứt hiệu lực của đợt giao hàng hiện tại, những đợt giao hàng sau đó hoặc kể cả những đợt giao hàng đã hoàn thành trước đó, điều này phụ thuộc vào mức độ vi phạm ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện hợp đồng.
Chấm dứt và hủy bỏ hợp đồng nên được quy định trong tất cả các hợp đồng như những chế tài đối với các vi phạm cơ bản. Hai chế tài này cho phép một bên chấm dứt thực hiện giao dịch với bên vi phạm và nhanh chóng tìm được đối tác mới để tiếp tục hoạt động kinh doanh. Nếu không có điều khoản này, một bên có thể bị ‘mắc kẹt’ với đối tác kinh doanh không mong muốn và làm cho hoạt động kinh doanh bị đình trệ.
Việc áp dụng chế tài chấm dứt hay hủy bỏ hợp đồng là tùy thuộc vào từng trường hợp, do đó sẽ không khả thi để có thể đưa ra đánh giá toàn diện trong quá trình soạn thảo hợp đồng. Thông thường, chấm dứt và hủy bỏ hợp đồng nên được quy định đồng thời trong hợp đồng và một bên có quyền chọn chấm dứt hoặc hủy bỏ tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể.
Tạm ngừng thực hiện hợp đồng
Chế tài này cho phép một bên tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ nếu bên kia vi phạm hợp đồng cho đến khi vi phạm được khắc phục trong thời hạn đã thỏa thuận. Chế tài này quan trọng vì nó được áp dụng để một bên có thể tạm ngừng thanh toán, tạm ngừng giao hàng hoặc cung cấp dịch vụ do bên kia vi phạm hợp đồng. Nếu không có chế tài này, những hành vi tạm ngừng nói trên có thể được coi là vi phạm hợp đồng, và có thể phải chịu lãi, phạt vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại.
Bài viết này chứa đựng kiến thức pháp luật và thuật ngữ chuyên môn, quý đọc giả có câu hỏi hoặc cần tư vấn về các vấn đề hợp đồng, bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm, đặt cọc, chấm dứt và hủy bỏ hợp đồng, tạm ngừng thực hiện hợp đồng và các vấn đề khác liên quan đến hợp đồng và tranh chấp hợp đồng theo pháp luật thương mại và pháp luật dân sự của Việt Nam, vui lòng liên hệ các Luật sư Tranh tụng của chúng tôi tại info@letranlaw.com.