Bảy thay đổi trong hoạt động tranh tụng có thể ảnh hưởng đến khả năng thắng kiện tại Tòa án
Với việc ban hành Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản pháp luật quan trọng khác, hệ thống tố tụng của Việt Nam gần đây đã có nhiều thay đổi. Trong bài viết pháp lý này, chúng tôi sẽ trình bày sơ lược một số thay đổi quan trọng như sau:
1. Bảo vệ người tiêu dùng và người lao động
Bảo vệ người tiêu dùng
Trong các trường hợp thông thường, nguyên đơn phải chứng minh 04 yếu tố: (i) có hành vi vi phạm pháp luật; (ii) có thiệt hại xảy ra; (iii) có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra và (iv) có lỗi của bị đơn.Đối với người tiêu dùng, khi khởi kiện, họ không buộc phải chứng minh yếu tố (iv) (chỉ cần chứng minh 03 yếu tố đầu tiên). Doanh nghiệp (bị đơn trong vụ án với người tiêu dùng) sẽ mặc nhiên bị xem là có lỗi nếu không thể chứng minh ngược lại. Quy định này giúp người tiêu dùng có thể đòi bồi thường thiệt hại từ các doanh nghiệp dễ dàng hơn.Ngoài ra, khi thụ lý vụ án do người tiêu dùng khởi kiện, Tòa án sẽ đăng công khai thông tin về vụ án đó tại trụ sở. Việc đăng công khai như vậy có thể thu hút sự chú ý của dư luận và do đó có thể gây ảnh hưởng đến danh tiếng của doanh nghiệp.
Bảo vệ người lao động
Các quy định về bảo vệ người lao động có thể được xem là chặt chẽ hơn so với các quy định về bảo vệ người tiêu dùng. Trong các vụ án về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc xử lý kỷ luật trái pháp luật, trách nhiệm chứng minh thuộc về người sử dụng lao động (bị đơn) mà không phải là người lao động (nguyên đơn). Như vậy, thông thường người lao động chỉ cần chứng minh (và không khó để chứng minh) rằng có việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật. Mặt khác, người sử dụng lao động lại phải chứng minh toàn bộ các yếu tố trong việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật (từ cơ sở để chấm dứt hợp đồng/xử lý kỷ luật cho đến các thủ tục đã tiến hành) là hoàn toàn tuân thủ pháp luật, một điều hết sức khó khăn.Vì vậy, trước khi chấm dứt quan hệ lao động hoặc xử lý kỷ luật người lao động, người sử dụng lao động cần có sự chuẩn bị đầy đủ (chẳng hạn như: chuẩn bị đầy đủ các chứng cứ để chứng minh tính hợp pháp của quy trình xử lý, tham vấn với luật sư, v.v.). Nếu không, khả năng người lao động thua kiện là rất cao.
2. Giới hạn thời gian bị đơn được nộp đơn yêu cầu phản tố
Trước đây, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.Theo Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, bị đơn chỉ có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước khi mở phiên họp hòa giải. Phiên họp này thường được mở ngay sau khi Tòa án thông báo cho bị đơn về việc thụ lý vụ án và khi bị đơn nộp bản ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện. Do vậy, bị đơn nên nộp yêu cầu phản tố cùng lúc hoặc ngay sau khi nộp bản ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện; nếu không, bị đơn có thể gặp rủi ro mất quyền đưa ra yêu cầu phản tố và buộc phải nộp đơn khởi kiện trong một vụ án khác. Điều đó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bị đơn vì:
- Nộp đơn khởi kiện một vụ án khác sẽ mất thời gian và chi phí hơn rất nhiều so với yêu cầu phản tốvà nộp đơn khởi kiện một vụ án khác có rất nhiều rủi ro cho bị đơn trong giai đoạn thi hành án về sau.
Ví dụ: Công ty A nộp đơn khởi kiện Công ty B yêu cầu thanh toán 400.000 Đô-la Mỹ theo hợp đồng xây dựng ký kết giữa hai bên. Công ty B không muốn thanh toán khoản tiền này vì công trình do Công ty A thi công có nhiều lỗi và khiến Công ty B phải bỏ ra khoảng 380.000 Đô-la Mỹ để khắc phục. Lựa chọn phù hợp nhất cho Công ty B là đưa ra yêu cầu phản tố đối với khoản tiền 380.000 Đô-la Mỹ để bù trừ với yêu cầu khởi kiện đòi 400.000 Đô-la Mỹ do Công ty A đưa ra. Tuy nhiên, vì một số lý do, Công ty B không thể đưa ra yêu cầu phản tố kịp thời hạn, và do đó, phải nộp đơn khởi kiện trong một vụ án khác. Công ty A thắng kiện với vụ án do mình khởi kiện và Công ty B theo đó phải thanh toán cho Công ty A 400.000 Đô-la Mỹ. Vài tháng sau đó, vụ án do Công ty B khởi kiện được xử theo hướng Công ty B thắng kiện; tuy nhiên, Công ty A không thể trả 380.000 Đô-la Mỹ theo bản án này vì Công ty A không còn tiền vào thời điểm đó (khoảng tiền 400.000 Đô-la Mỹ Công ty A nhận được trước đó từ Công ty B đã được dùng để trả nợ). Công ty B, mặc dù là bên thắng kiện, phải chịu mất khoản tiền trên thực tế vì bản án không thể thi hành được.Nếu Công ty B đã có thể đưa ra yêu cầu phản tố, thì Công ty B có thể bù trừ yêu cầu đối với 380.000 Đô-la Mỹ của mình vào yêu cầu đòi 400.000 Đô-la Mỹ do Công ty A đưa ra, và nhờ vậy chỉ phải thanh toán cho Công ty A 20.000 Đô-la Mỹ.
3. Giới hạn thời gian giao nộp chứng cứ
Trước đây, pháp luật không có quy định thời gian giao nộp chứng cứ cho Tòa án và việc giao nộp chứng cứ có thể được tiến hành tại phiên tòa.Theo Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, hiện nay thẩm phán có thể đặt ra thời hạn đối với việc giao nộp chứng cứ. Không tuân thủ thời hạn này có thể dẫn đến mất quyền giao nộp chứng cứ. Một vụ án về cơ bản là một cuộc đấu về chứng cứ, mất quyền giao nộp chứng cứ có thể đồng nghĩa với việc thua chính vụ án đó.Vì vậy, làm việc chặt chẽ với Tòa án trong quá trình tranh tụng và giao nộp chứng cứ đúng thời hạn đặt ra là những điều hết sức quan trọng.
4. Cung cấp tài liệu, chứng cứ cho các bên còn lại
Trước đây, trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án, toàn bộ tài liệu, chứng cứ chỉ phải được cung cấp duy nhất cho Tòa án và các bên phải làm việc với Tòa án để sao chụp tài liệu, chứng cứ. Quy trình này rất mất thời gian cho cả Tòa án và các bên trong vụ án.Với các thay đổi của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, khi một bên nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, bên đó cũng phải gửi bản sao của các tài liệu, chứng cứ đó cho các bên còn lại. Tòa án hiện nay không còn chịu trách nhiệm cung cấp bản sao các tài liệu, chứng cứ (trừ trường hợp các tài liệu, chứng do Tòa án đưa ra hoặc thu thập).
5. Áp dụng thời hiệu khởi kiện
Hiện nay, thời hiệu khởi kiện chỉ có thể được áp dụng nếu có yêu cầu của một bên trong tranh chấp. Nghĩa là, nếu bị đơn không đưa ra yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án sẽ không bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn trên cơ sở hết thời hiệu khởi kiện.Do đó, trong một vụ án, bị đơn cần kiểm tra cẩn trọng thời hiệu khởi kiện đối với từng yêu cầu của nguyên đơn. Nếu bất cứ yêu cầu khởi kiện nào đã hết thời hiệu, bị đơn cần nhanh chóng phản đối; nếu không, bị đơn có thể mất quyền phản đối và do đó có thể thua kiện một cách không cần thiết.
6. Áp dụng án lệ
Hiện nay, Tòa án Nhân dân Tối cao có quyền ban hành án lệ có giá trị áp dụng bắt buộc. Hệ thống án lệ vẫn đang ở giai đoạn mới hình thành và hiện tại mới chỉ có khoảng 10 án lệ.Tuy vậy, số lượng các án lệ sẽ tăng theo thời gian và ngày càng đóng vai trò là cơ sở quan trọng cho Tòa án xét xử. Như vậy, các doanh nghiệp nên chỉ đạo các bộ phận, phòng ban pháp lý cập nhật các án lệ vì có thể chúng sẽ rất hữu dụng cho các tranh chấp trong tương lai.
7. Hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
Hợp đồng không tuân thủ quy định về hình thức theo pháp luật (chẳng hạn như: không được công chứng, chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền khi pháp luật có yêu cầu) có thể trở nên vô hiệu, trừ trường hợp 2/3 nghĩa vụ trong hợp đồng đó đã được thực hiện trên thực tế.Vì vậy, một hợp đồng có thể dễ dàng trở nên vô hiệu vì không tuân thủ quy định về hình thức. Các doanh nghiệp ở Việt Nam cần kiểm tra một cách cẩn trọng các yêu cầu về hình thức có liên quan theo pháp luật trước khi ký kết hợp đồng; nếu không, không cần xét đến nội dung của hợp đồng được soạn thảo kỹ lưỡng ra sao, chúng vẫn có thể dễ dàng bị Tòa án tuyên vô hiệu trong các vụ tranh chấp.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến vấn đề tranh tụng thương mại hoặc các quy trình tố tụng tại tòa án ở Việt Nam, vui lòng liên hệ với luật sư trưởng nhóm tranh tụng thương mại của chúng tôi, Luật sư Lê Hoàng Chương (hoangchuong.le@letranlaw.com) – người đã có hơn mười năm kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp thương mại.