Bình luận Án: Chấm dứt Hợp đồng Lao động do Thay đổi Cơ cấu

Hannah Huynh

Bản án số 01/2018/lđ

Cấp xét xử: Phúc thẩm

Tòa án xét xử: Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng

Vấn đề: Tranh chấp về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Nguyên đơn: Ông Alparslan M (Ông M) – Người lao động

Bị đơn: Công ty TNHH Thương mại và Du lịch AVN (Công ty AVN) – Người sử dụng lao động

Tóm tắt Nội dung

Ông M là người nước ngoài, ký hợp đồng lao động xác định thời hạn với Công ty AVN từ ngày 01/12/2016 đến ngày 30/9/2018; chức danh: Chuyên gia Giám sát Điều hành; có Giấy phép Lao động số 239/2016/GPLĐ ngày 01/12/2016.

Ngày 24/3/2017, Trưởng phòng Hành chính Nhân sự của Công ty AVN giao cho Ông M Quyết định về việc chấm dứt hợp đồng lao động đề ngày 23/3/2017, không có chữ ký của người đại diện theo pháp luật, và đóng dấu treo (Quyết định ngày 23). Lý do chấm dứt hợp đồng: không tuân thủ quy định của Công ty AVN và quyết định của cấp quản lý trực tiếp, vi phạm tiếp diễn nhiều lần, không quẹt thẻ chấm công, không hoàn thành công việc theo đúng yêu cầu của quản lý trực tiếp.

Ngày 25/3/2017, Công ty AVN ra Quyết định đề ngày 25/3/2018 cho Ông M thôi việc với lý do thay đổi cơ cấu sau khi Công ty đã lập Phương án sử dụng lao động dự kiến điều chuyển Ông M sang làm ở phòng kế toán vì Ông M có chuyên môn kế toán với điều kiện Ông M phải được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy phép lao động cho vị trí nhân viên kế toán (Quyết định ngày 25).

Yêu cầu của nguyên đơn: Ông M cho rằng Công ty AVN đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và vi phạm thời hạn báo trước theo Quyết định ngày 23. Do đó, yêu cầu Công ty (i) hủy Quyết định ngày 23, (ii) nhận Ông M trở lại làm việc, (iii) thanh toán tiền lương và các khoản khác cho thời gian Ông M không được làm việc, (iv) bồi thường 02 tháng tiền lương và (v) bồi thường thêm một khoản tiền nếu không nhận Ông M trở lại làm việc.

Ý kiến của bị đơn: Công ty AVN không đồng ý với yêu cầu cầu khởi kiện của Ông M vì Quyết định ngày 23 không có giá trị pháp lý.

Quyết định của Tòa án:

  • Đồng ý với ý kiến của Công ty AVN, không công nhận giá trị pháp lý của Quyết định ngày 23.
  • Chấp nhận việc Công ty AVN chấm dứt hợp đồng lao động với Ông M theo Quyết định ngày 25 vì lí do thay đổi cơ cấu.
  • Buộc Công ty AVN thanh toán trợ cấp mất việc làm cho Ông M theo quy định của pháp luật.

Một số Vấn đề Pháp lý Liên quan và Bình luận

Giá trị pháp lý của quyết định chấm dứt hợp đồng lao động

Trong vụ việc này, tồn tại hai quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với hai lý do khác nhau là Quyết định ngày 23 và Quyết định ngày 25. Tòa án đã bác bỏ giá trị pháp lý của Quyết định ngày 23 bởi vì quyết định này không được ký bởi người đại diện theo pháp luật của Công ty AVN. Quyết định này của Tòa án là hợp lý, bởi vì căn cứ vào Điều 3, Nghị định 05/2015/NĐ-CP, người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động phải là người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền bằng văn bản; như vậy, việc chấm dứt hợp đồng lao động phải do người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền bằng văn bản thực hiện. Quyết định ngày 23 do Trưởng phòng Hành chính Nhân sự của Công ty AVN gửi cho Ông M nhưng không có chữ ký của người đại diện theo pháp luật là không có giá trị pháp lý.

Thông qua vụ việc này, một lưu ý dành cho doanh nghiệp đó là cần phải thận trọng khi gửi bất kỳ thông báo chấm dứt nào đến cho người lao động bởi vì bất kỳ sai sót nào cũng có thể là cơ sở để cho người lao động tiến hành khởi kiện doanh nghiệp. Quyết định ngày 23 do Trưởng phòng Hành chính Nhân sự của Công ty AVN gửi cho Ông M được lý giải là một bản dự thảo được gửi cho các bên liên quan để lấy ý kiến trước khi chính thức trình lãnh đạo. Tuy nhiên, mặc dù là bản dự thảo, nhưng Quyết định ngày 23 lại được người lao động sử dụng để khởi kiện Công ty AVN có hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và yêu cầu Công ty AVN phải thanh toán nhiều khoản bồi thường. Thực tiễn cho thấy, không chỉ Công ty AVN mà bộ phận nhân sự của rất nhiều doanh nghiệp khác thường gửi bản dự thảo của các văn bản chấm dứt hợp đồng lao động (thông báo, thỏa thuận chấm dứt, v.v.) và đặc biệt là các email thông báo trước kế hoạch chấm dứt hợp đồng lao động của doanh nghiệp cho người lao động như một ‘thói quen’ trong quy trình hành chính nhưng lại không nhận ra rủi ro tiềm ẩn của ‘thói quen’ này. Bởi vì nếu các văn bản, email được gửi có các nội dung không phù hợp có thể trở thành chứng cứ chứng minh doanh nghiệp đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, dẫn đến việc doanh nghiệp phải gánh chịu những hậu quả bồi thường rất lớn. Do đó, trước khi ban hành quyết định chính thức về việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, doanh nghiệp cần phải cẩn trọng và hạn chế cung cấp cho người lao động các loại tài liệu có thể lưu trữ được dưới bất kỳ hình thức nào.

Chứng minh lý do chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu

Thông thường, việc chứng minh lý do chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu là rất khó bởi vì doanh nghiệp phải chứng minh (i) sự thay đổi này là cần thiết do nhu cầu thực tế và (ii) doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc bố trí công việc mới và đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng nhưng không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc. Ông M đã được Công ty AVN dự kiến điều chuyển từ vị trí Chuyên gia Giám sát Điều hành sang vị trí nhân viên kế toán theo Phương án sử dụng lao động do Công ty AVN lập. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định về phương án điều chuyển của Công ty AVN như sau: hiện nay, các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam đào tạo rất tốt chuyên ngành kế toán nên người lao động Việt Nam hoàn toàn đáp ứng đầy đủ yêu cầu làm việc tại vị trí này, việc sử dụng lao động nước ngoài là không thật sự cần thiết; do đó, vị trí nhân viên kế toán của Ông M không được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy phép lao động. Ý kiến của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là một trong những cơ sở để Tòa án công nhận việc Công ty AVN không thể bố trí vị trí việc làm mới và phải cho Ông M thôi việc. Mặc dù vậy, sai sót của Công ty AVN là đã ra Quyết định ngày 25 chấm dứt hợp đồng lao động với Ông M trước khi có được đầy đủ thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về việc không cấp giấy phép lao động cho vị trí công việc mới của Ông M. Từ thực tiễn này, các doanh nghiệp cần lưu ý khi tiến hành cho người lao động thôi việc vì lý do thay đổi cơ cấu thì phải tuân thủ quy định “thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh” trước khi tiến hành cho thôi việc người lao động (Điều 44. 3, Bộ luật Lao động 2012) để đảm bảo việc chấm dứt hợp đồng lao động là đúng luật, đồng thời lưu ý tuân thủ pháp luật lao động về giấy phép lao động khi việc thay đổi cơ cấu làm ảnh hưởng đến công việc của người lao động nước ngoài.

Nghĩa vụ thông báo cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu

Khi cho người lao động thôi việc vì lý do thay đổi cơ cấu, doanh nghiệp không bị ràng buộc trách nhiệm thông báo trước cho người lao động như trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại Điều 38, Bộ luật Lao động 2012 (thông báo trước ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng xác định thời hạn, hoặc ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn). Điều này đã được khẳng định bởi nhận định của Tòa án trong vụ việc của Công ty AVN. Tuy nhiên, trên cơ sở thực tiễn này, có thể thấy ranh giới giữa việc chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do thay đổi cơ cấu (Điều 44, Bộ luật Lao động 2012) và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Điều 38, Bộ luật Lao động 2012) là rất mỏng manh và phụ thuộc rất nhiều vào khả năng chứng minh lý do chấm dứt hợp đồng lao động của doanh nghiệp. Bất kỳ một sai sót nhỏ nào trong quy trình cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu có thể dẫn đến khả năng doanh nghiệp bị xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật bởi vì về bản chất, việc chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do thay đổi cơ cấu vẫn mang tính chất đơn phương xuất phát từ phía doanh nghiệp. Do vậy, mặc dù pháp luật lao động không yêu cầu nhưng doanh nghiệp vẫn nên thông báo trước cho người lao động theo Điều 38. 2, Bộ luật Lao động 2012 khi cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu – tức là vẫn thông báo cho người lao động trước ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng xác định thời hạn, và ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn.

Bài viết này chứa đựng kiến thức pháp luật và thuật ngữ chuyên môn, quý đọc giả có câu hỏi hoặc cần tư vấn các vấn đề thay đổi cơ cấu công nghệ, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao đông, xây dựng sử dụng phương án lao động, tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, thu thập và cung cấp các chứng cứ theo quy định pháp luật lao động và pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, vui lòng liên hệ các Luật sư Lao động và Luật sư Tranh tụng của chúng tôi tại info@letranlaw. com.