Các đề xuất sửa đổi quan trọng đối với Bộ luật Lao động

Hannah Huynh

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (BLĐTBXH) lấy ý kiến đối với bộ hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) từ ngày 18/12/2017 đến ngày 18/01/2018 (xem nội dung tiếng Việt tại đây). Mặc dù vẫn cần phải đợi đến khi có dự thảo chi tiết của Bộ luật Lao động sửa đổi mới có thể đánh giá chính xác các quy định mới, tuy nhiên, theo nội dung hồ sơ, có thể thấy xu hướng sửa đổi một số quy định nổi bật.

1. Bỏ trách nhiệm gửi thang lương, bảng lương đến cơ quan quản lý lao động địa phương

Việc xây dựng và gửi thang lương, bảng lương đến cơ quan quản lý lao động địa phương trên thực tế gặp nhiều bất cập bởi vì:

  • Doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương chỉ là một biện pháp mang tính hình thức nhằm báo cáo tới cơ quan nhà nước. Trong thực tế, tiền lương, thu nhập của người lao động thường cao hơn so với mức lương đăng ký trong thang lương, bảng lương.
  • Hệ thống thang lương, bảng lương của doanh nghiệp được thay đổi hằng năm cho phù hợp với việc thay đổi của mức lương tối thiểu vùng và tổ chức sản xuất, mô hình quản trị, thực tế về doanh thu và trình độ công nghệ của doanh nghiệp, gây ra chi phí tuân thủ hằng năm cho doanh nghiệp.
  • Yêu cầu khi xây dựng thang, bảng lương cần lấy ý kiến Công đoàn cơ sở hoặc Công đoàn cấp trên cơ sở là khó thực thi trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp không có Công đoàn cơ sở. Một vấn đề khác được đặt ra là sự tham gia của tổ chức công đoàn vào việc xây dựng thang lương, bảng lương, quy chế trả lương, trả thưởng, nâng bậc lương cho người lao động của doanh nghiệp còn mang tính hình thức, chưa bảo vệ tốt quyền lợi của người lao động.
  • Việc chi trả lương cho người lao động do doanh nghiệp tự quyết định vì đó là quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp nên không cần phải đăng ký cho cơ quan quản lý nhà nước.

Trên cơ sở đó, dự kiến trong Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ đề xuất phương án (i) bỏ trách nhiệm của Chính phủ trong việc đặt ra các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và (ii) không yêu cầu người sử dụng lao động phải xây dựng và gửi cho cơ quan quản lý lao động địa phương thang lương, bảng lương. Thay vào đó, người sử dụng lao động và tập thể người lao động, căn cứ vào điều kiện thực tế sản xuất kinh doanh tại từng doanh nghiệp sẽ chủ động tiến hành thỏa thuận để xây dựng thang lương, bảng lương để áp dụng và công bố công khai tại doanh nghiệp.

Chính sách này được đánh giá là tiến bộ so với Bộ luật Lao động 2012 và dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động lần 2 1 giúp loại bỏ những thủ tục không cần thiết và làm giảm chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

2. Điều chỉnh tăng tổng số giờ làm thêm của người lao động lên không quá 400 giờ/năm so với 200 giờ/năm theo chính sách hiện hành

Nội dung dự thảo sửa đổi có nêu hai phương án điều chỉnh tăng tổng số giờ làm thêm của người lao động là (i) không quá 400 giờ/năm hoặc (ii) không quá 500 giờ/năm. Tuy nhiên, giải pháp kiến nghị lựa chọn là không quá 400 giờ/năm, mặc dù so sánh cho thấy hai phương án này không có nhiều khác biệt về tác động tiêu cực đến kinh tế và xã hội, đồng thời không có khác biệt đối với tác động về bình đẳng giới, thủ tục hành chính và hệ thống pháp luật.

Bên cạnh việc đề xuất tăng tổng số giờ làm thêm của người lao động lên không quá 400 giờ/năm, phương án này còn đề xuất thay đổi mức lương trả cho thời gian làm thêm giờ. Theo đó, phương án dự kiến đối với mức lương làm thêm giờ như sau:

  • Vào ngày thường: ít nhất bằng 150% cho giờ làm thêm đầu tiên, 200% cho các giờ làm thêm tiếp theo;
  • Vào ngày nghỉ hằng tuần: ít nhất bằng 200% cho 02 giờ làm thêm đầu tiên, 300% cho các giờ làm thêm tiếp theo;
  • Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% cho 02 giờ làm thêm đầu tiên, 400% cho các giờ làm thêm tiếp theo.

Ngoài ra, quy định về giới hạn tổng số giờ làm thêm theo tháng (không quá 30 giờ/tháng) cũng được bãi bỏ.

Như vậy, về cơ bản, dự thảo sửa đổi lần 3 này vẫn giữ nguyên các đề xuất điều chỉnh nêu tại dự thảo sửa đổi lần 2. Dưới đây là bảng so sánh giữa quy định hiện hành của Bộ luật Lao động 2012 và đề xuất sửa đổi:

Bộ luật Lao động 2012 Đề xuất sửa đổi
Tổng số giờ làm thêm
Tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm. Số giờ làm thêm và giờ làm việc tiêu chuẩn của người lao động không quá 12 giờ trong 01 ngày và tổng số giờ làm thêm của người lao động trong 01 năm không vượt quá 400 giờ.
Tiền lương làm thêm giờ
  • Vào ngày thường ít nhất bằng 150%;
  • Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
  • Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
  • Vào ngày thường: ít nhất bằng 150% cho giờ làm thêm đầu tiên, 200% cho các giờ làm thêm tiếp theo;
  • Vào ngày nghỉ hằng tuần: ít nhất bằng 200% cho 02 giờ làm thêm đầu tiên, 300% cho các giờ làm thêm tiếp theo;
  • Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương: ít nhất bằng 300% cho 02 giờ làm thêm đầu tiên, 400% cho các giờ làm thêm tiếp theo.

3. Mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động

Đảm bảo quyền tự do tìm kiếm việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng ngừa, xóa bỏ lao động cưỡng bức, đề xuất sửa đổi dự kiến nêu ra hai phương án mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động: (i) người lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động không cần có lý do theo luật định mà chỉ cần đảm bảo thời hạn báo trước hoặc (ii) người lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động không cần có lý do theo luật định và không cần phải thực hiện việc báo trước cho người sử dụng lao động. Về cơ bản, phương án sửa đổi về việc người lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động không cần có lý do đã được đề cập trong dự thảo sửa đổi lần 2.

Hai phương án sửa đổi được đề xuất đều tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề quản lý và sử dụng lao động của người sử dụng lao động. Nếu áp dụng những phương án này, người sử dụng lao động sẽ bị thiệt hại về (i) chi phí tuyển dụng và đào tạo thay thế người lao động, (ii) làm phát sinh chi phí tố tụng trong trường hợp tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, (iii) chi phí thay đổi mô hình quản lý lao động, phương pháp quản lý điều kiện làm việc (xây dựng lại nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể, hợp đồng lao động mẫu và các tài liệu quản trị nhân sự khác) và (iv) những hậu quả kinh tế vô cùng lớn khác khi mà người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không có lý do trong các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh đòi hỏi phải duy trì các vị trí lao động liên tục.

4. Nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo lộ trình kể từ năm 2021

So với dự thảo sửa đổi lần 2, lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu trong đề xuất mới không có gì thay đổi, tức là vẫn giữ tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; và từ 01/01/2021 cứ mỗi năm tăng thêm 06 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Đề xuất này trong dự thảo sửa đổi lần 2 vốn đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều bởi vì các lý do như: việc kéo dài tuổi nghỉ hưu là không phù hợp với người lao động làm việc trong các ngành nghề lao động phổ thông; nhiều người lao động không muốn kéo dài thời gian làm việc mà mong muốn được nghỉ hưu ở độ tuổi hiện hành để hưởng lương hưu hằng tháng, sau đó, nếu làm việc thêm thì họ có 2 khoản thu nhập, nên việc nâng tuổi nghỉ hưu, nghĩa là kéo dài thời gian làm việc để hưởng lương hưu sẽ làm giảm quyền lợi của người lao động (mất đi khoản lương hưu), v.v.

Thực tế, nếu muốn bảo đảm bền vững tài chính của Quỹ bảo hiểm, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu thì có hai cách: (i) nâng mức đóng của người lao động và doanh nghiệp hoặc (ii) giảm mức hưởng lương hưu của người lao động. Tuy nhiên, nâng mức đóng là khó vì tăng gánh nặng tài chính của người lao động và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp; giảm mức hưởng lương hưu cũng dẫn đến khó đảm bảo cuộc sống của người hưởng lương hưu. Vì vậy, phương án nâng tuổi nghỉ hưu để cân bằng giữa thời gian đóng, mức đóng và thời gian hưởng, mức hưởng vẫn được Nhà nước xem là một giải pháp đúng đắn nhằm thích ứng với xu thế già hóa dân số và nguy cơ mất cân đối Quỹ bảo hiểm.

Bài viết được trích dẫn từ Tạp chí Pháp luật Lao động (Tháng 2 và 3/2018), bạn có thể download và đọc bản đầy đủ của Tạp chí Pháp luật Lao động (Tháng 2 và 3/2018) tại đây


  1. Nội dung dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động lần 2 đã giữ nguyên nghĩa vụ gửi thang lương, bảng lương đến cơ quan quản lý lao động cấp huyện.