Các phương án để dùng giải quyết tranh chấp hợp đồng

Vania Van

Tranh chấp hợp đồng phát sinh từ những mâu thuẫn và bất đồng các thỏa thuận giữa các bên liên quan. Đây là thách thức không thể tránh khỏi và đôi khi khá phức tạp, đặc biệt đối với những doanh nghiệp non trẻ và thiếu kinh nghiệm.

Các nguyên nhân của tranh chấp hợp đồng đa dạng và phức tạp. Nhưng điều quan trọng là phải hiểu rõ bản chất và các yếu tố gây nên tranh chấp để có hướng giải quyết kịp thời và hiệu quả.

Trong bài viết này, Le Tran Law Corporation sẽ đồng hành cùng bạn để khám phá và giải mã các vấn đề này, nhằm tìm ra lời giải cho những thắc mắc và tìm hướng giải quyết tranh chấp hợp đồng một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Tranh chấp hợp đồng là gì?

Tranh chấp hợp đồng là những những xung đột và bất đồng giữa các bên liên quan đến việc không tuân thủ các quyền lợi và nghĩa vụ đã được ghi nhận trong hợp đồng.

Đây là tình huống phổ biến trong giao dịch thương mại, nơi mà việc thực thi đúng đắn các điều khoản hợp đồng là nền tảng cho mọi quan hệ đối tác bền vững.

Tranh chấp hợp đồng thường xảy ra trong giao dịch thương mại, liên quan đến lợi ích giữa các bên trong hợp đồng

Đặc điểm của tranh chấp hợp đồng

Tranh chấp hợp đồng thường nảy sinh từ mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên. Trong những tình huống này, bên có quyền lực cao nhất sẽ có tiếng nói quyết định trong việc giải quyết tranh chấp, trừ khi hợp đồng ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng hoặc quốc gia. Phương pháp hiệu quả và nhanh chóng nhất để hòa giải là thông qua nguyên tắc tự nguyện và bình đẳng trong thỏa thuận.

Các yếu tố tạo nên tranh chấp hợp đồng

Việc phát sinh tranh chấp hợp đồng thường bắt nguồn từ:

  • Sự chậm trễ hoặc không thực hiện các nghĩa vụ thanh toán.
  • Sự chậm trễ trong việc giao hàng hoặc không giao hàng đúng cam kết.
  • Giao hàng không đáp ứng chất lượng, không đúng số lượng hoặc thời hạn đã thỏa thuận.
  • Cung cấp dịch vụ không đáp ứng chất lượng hoặc thời gian theo thỏa.
  • Một bên không tuân thủ nghĩa vụ theo hợp đồng.
  • Yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc chi phí do vi phạm hợp đồng.
  • Không có khả năng thực hiện hợp đồng hoặc không thực hiện hợp đồng.
  • Các hành vi lừa đảo hoặc không trung thực.
  • Vi phạm nghĩa vụ bảo hành, bảo trì sản phẩm hoặc dịch vụ.
  • Vi phạm nghĩa vụ liên quan đến tài sản đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng.
  • Hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu do trái với quy định của pháp luật.

Các loại tranh chấp hợp đồng

Tranh chấp hợp đồng mang nhiều hình thái khác nhau, nhưng phổ biến nhất là hai loại sau:

  • Tranh chấp do vi phạm quyền và nghĩa vụ: Đây là loại tranh chấp xuất hiện khi một bên trong hợp đồng không thực hiện hoặc thực hiện sai lệch những gì đã được thỏa thuận, bất kể đó là bên bán/cung cấp dịch vụ hay bên mua/sử dụng dịch vụ.
  • Tranh chấp liên quan đến tính pháp lý của hợp đồng: Loại tranh chấp này bao gồm các vấn đề phát sinh từ việc vi phạm nguyên tắc ký kết, khiếu nại về tính hợp pháp của các điều khoản, cách thức ký kết, hay hình thức của hợp đồng.

4 Phương giải quyết tranh chấp hợp đồng hiện nay

Để giải quyết tranh chấp hợp đồng, có 4 phương án được đề xuất dưới đây:

Phương án 1: Thương lượng giữa các bên

Đây là giải pháp mà các bên trong hợp đồng nên xem xét thảo luận trực tiếp, để giải quyết mọi vướng mắc một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Ưu điểm của phương pháp này là không chịu sự ràng buộc của các thủ tục pháp lý và tối ưu chi phí, đồng thời bảo vệ mối quan hệ giữa hai bên cũng như đảm bảo bí mật kinh doanh.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả mong muốn, cả hai bên cần thể hiện sự trung thực và tinh thần hợp tác, không phụ thuộc vào sự can thiệp của bất kỳ bên thứ ba nào.

Phương án 2: Hòa giải

Hòa giải là phương pháp giải quyết tranh chấp hợp đồng với sự hỗ trợ từ một bên thứ ba. Người này đóng vai trò trung gian, không chỉ giúp thuyết phục các bên mà còn hỗ trợ họ tìm kiếm giải pháp hòa bình.

Giống như thương lượng, hòa giải không tốn nhiều chi phí mà vẫn đảm bảo bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, nếu không thành công, chi phí sẽ tăng lên (được bổ sung trong hợp đồng). Đôi khi, một số bên có thể lợi dụng phương thức này để trì hoãn việc thực hiện các nghĩa vụ của mình.

Phương án 3: Trọng tài

Khi thương lượng và hòa giải không đem lại kết quả mong muốn, trọng tài trở thành lựa chọn tiếp theo để giải quyết tranh chấp. Trọng tài là người có kinh nghiệm và kiến thức về vấn đề tranh chấp, sẽ đưa ra phán quyết mà cả hai bên cần tuân theo. Tuy nhiên, do trọng tài không phải là cơ quan tư pháp nhà nước, việc thi hành các quyết định có phần hạn chế và đòi hỏi sự tự giác cao từ các bên liên quan.

Phương án 4: Tòa án

Tòa án là lựa chọn cuối cùng, đại diện cho quyền lực tư pháp nhà nước với khả năng cưỡng chế thi hành cao.   Việc giải quyết tranh chấp được tiến hành theo trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Thông thường phương thức này làm kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp.  Bản án hay quyết định của Tòa án về vụ tranh chấp nếu các bên tranh chấp không tự nguyện tuân thủ thì có thể bị cưỡng chế thi hành.

Hy vọng những thông tin này giúp khách hàng và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các phương án giải quyết tranh chấp hợp đồng và đưa ra lựa chọn phù hợp dựa trên tình huống của mình. Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com.