Các Trường Hợp Công An Được Tạm Giữ, Bắt Người Theo Quy Định Của Pháp Luật

Philip Bui

Bắt người là một biện pháp ngăn chặn trong Tố tụng hình sự được áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, bị can bị cáo và người bị yêu cầu dẫn độ nhằm ngăn chặn người đó thực hiện hành vi phạm tội, bỏ trốn, gây cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử, hoặc để đảm bảo thi hành án.

Việc bắt giữ người phải đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các thủ tục tố tụng theo quy định của Pháp luật. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 109, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các trường hợp bắt người gồm:

Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp

Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự áp dụng đối với người đã bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, xét thấy cần phải tiếp tục áp dụng biện pháp bắt để tạm giữ trong một khoảng thời gian nhất định đối với người đó.

Đối tượng bị áp dụng biện pháp này chỉ là người đã bị giữ trong trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Điều 110, Bộ luật Tố tụng hình sự, khi có đủ căn cứ xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm hoặc có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Về thẩm quyền ra Lệnh bắt: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp; Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương; Đồn trưởng Đồn biên phòng; Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng; Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng; Cục trưởng cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển…

Về thủ tục thực hiện: Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người thì những người có thẩm quyền phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát xét phê chuẩn. Trường hợp Viện kiểm sát không phê chuẩn thì Cơ quan, người có thẩm quyền phải trả tự do ngay cho người bị giữ.

Bắt người phạm tội quả tang

Phạm tội quả tang được hiểu là người đó đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt.

Như vậy người được xem là phạm tội quả tang được xác định trong 3 trường hợp:

  • Người đang thực hiện tội phạm là người đang thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm cụ thể thì bị phát hiện, hành vi phạm tội chưa kết thúc.
  • Người ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện được xác định là ngay khi thực hiện hành vi phạm tội xong, người đó chưa kịp bỏ trốn, hoặc chưa thực hiện hành vi che giấu xong việc phạm tội thì bị phát hiện, thời điểm kết thúc tội phạm và thời điểm phát hiện mang tính liên tục, không bị gián đoạn về mặt thời gian.
  • Người ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị đuổi bắt là trường hợp người đó ngay khi thực hiện xong tội phạm đã bỏ chạy và bị đuổi bắt, việc người phạm tội bị phát hiện, bỏ chạy và việc bị người khác đuổi bắt phải có sự kế tiếp nhau, không gián đoạn về mặt thời gian.

Việc bắt người phạm tội quả tang được quy định tại Điều 111, Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong trường hợp này thì ai cũng có quyền bắt, tước vũ khí, hung khí và giải người đó đến Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân để chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết.

Bắt người đang bị truy nã

Truy nã là việc Cơ quan điều tra ra Quyết định để truy tìm người vi phạm pháp luật hình sự (đã có hoặc chưa có Bản án của Tòa án) khi có căn cứ cho rằng người đó đã bỏ trốn hoặc không biết rõ người đó đang ở đâu, để đảm bảo cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Đối tượng bị truy nã được quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC, gồm: Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu; Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn; Người bị kết án phạt tù bỏ trốn; Người bị kết án tử hình bỏ trốn; Người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn.

Điều kiện ra Quyết định truy nã:

  • Có đủ căn cứ xác định đối tượng nêu trên đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả;
  • Đã xác định chính xác lý lịch, các đặc điểm để nhận dạng đối tượng bỏ trốn.

Thẩm quyền ra Quyết định truy nã: Cơ quan điều tra tự mình hoặc theo yêu cầu của  Viện kiểm sát hoặc Tòa án để ra Quyết định truy nã.

Quy định về bắt người truy nã được thực hiện theo Điều 112 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Trường hợp người đang có Quyết định truy nã thì ai cũng có quyền bắt, tước vũ khí, hung khí và giải người đó đến Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân để chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết.

Bắt bị can, bị cáo để tạm giam

Bị can được hiểu là người bị khởi tố về hình sự, Bị cáo được hiểu là người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử.

Bắt bị can, bị cáo để tạm giam là một biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự nhằm cách ly bị can, bị cáo khỏi xã hội trong một khoảng thời gian nhất định để ngăn chặn người đó phạm tội mới, bỏ trốn, hoặc gây cản trở cho hoạt động điều tra, truy tố xét xử, để đảm bảo thi hành án.

Việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam được quy định cụ thể tại Điều 113, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Người có thẩm quyền ra lệnh, quyết định bắt, tạm giam đối với bị can, bị cáo là:

  • Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp được quyền ra lệnh bắt, trường hợp này phải được Viện kiểm sát phê chuẩn trước khi thi hành;
  • Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp;
  • Chánh án, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân, Tòa án Quân sự các cấp, Hội đồng xét xử.

Khi thi hành Lệnh, Quyết định bắt thì người thi hành phải đọc Lệnh, Quyết định, giải thích, lập biên bản, giao Lệnh, Quyết định cho người bị bắt và phải có người chứng kiến. Không được bắt tạm giam vào ban đêm, tức là từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Bắt tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 32, Luật tương trợ tư pháp năm 2007, quy định: Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

Đối tượng bị dẫn độ: là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng. Hành vi phạm tội không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu. Trường hợp hành vi phạm tội xảy ra ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện nếu theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam hành vi đó là hành vi phạm tội.

Việc bắt người bị yêu cầu dẫn độ để tạm giam hoặc thi hành quyết định dẫn độ xuất phát từ nhu cầu hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự. Để tạo cơ sở pháp lý cho việc này, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đã quy định tại Điều 503 trường hợp bắt tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ. Có thể hiểu: Bắt tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, do Cơ quan và người có thẩm quyền áp dụng đối với người bị yêu cầu dẫn độ để tạm giam nhằm bảo đảm việc xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết định dẫn độ.

Điều kiện áp dụng: Tòa án đã có quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ đối với người đó hoặc quyết định dẫn độ đối với người đó đã có hiệu lực pháp luật; Có căn cứ cho rằng người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn hoặc gây khó khăn, cản trở việc xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết định dẫn độ.

Thẩm quyền quyết định áp dụng: Theo quy định tại Điều 502 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thì Chánh án, Phó Chánh án TAND cấp tỉnh; Chánh án, Phó chánh án TAND cấp cao quyết định áp dụng biện pháp bắt tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ.

Về thủ tục: Việc bắt người bị yêu cầu dẫn độ để tạm giam hoặc thi hành quyết định dẫn độ được thực hiện theo thủ tục quy định tại Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự (bắt bị can, bị cáo để tạm giam).

Thời hạn tạm giam để xem xét yêu cầu dẫn độ không quá thời hạn trong lệnh bắt giam của cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu dẫn độ hoặc thời hạn phải thi hành hoặc còn phải thi hành hình phạt tù trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước yêu cầu dẫn độ. Trường hợp cần thiết, TAND cấp tỉnh, TAND cấp cao có thể gửi văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu dẫn độ ra lệnh, quyết định tạm giam hoặc gia hạn tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ để bảo đảm việc xem xét yêu cầu dẫn độ; văn bản yêu cầu được gửi thông qua Bộ Công an.

Ngoài việc quy định các trường hợp bắt người như trên, Bộ luật Tố tụng hình sự còn quy định về việc tạm giữ. Tạm giữ là một biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng đối với một số đối tượng cụ thể nhằm mục đích ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn người đó trốn, gây cản trở cho hoạt động tố tụng. Điều 117, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cụ thể về tạm giữ.

Đối tượng áp dụng: là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. Như vậy, ngoài các đối tượng bị bắt và giữ trong trường hợp khẩn cấp nêu trên, tạm giữ còn áp dụng đối với trường hợp người phạm tội tự thú, đầu thú. Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện. Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.

Thẩm quyền ra Quyết định tạm giữ: những người được quy định tại Khoản 2, Điều 110 được quyền ra Quyết định tạm giữ, gồm: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp; Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương; Đồn trưởng Đồn biên phòng; Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng; Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng; Cục trưởng cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển; Cục trưởng Cục nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển; Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng chi cục kiểm ngư vùng…

Về thủ tục: Quyết định tạm giữ phải có đầy đủ thông tin quy định, phải thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ và giao Quyết định cho người bị tạm giữ. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải gửi quyết định tạm giữ kèm theo các tài liệu làm căn cứ cho Viện kiểm sát. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

Thời hạn tạm giữ: không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú. Thời hạn tạm giữ có thể được gia hạn 2 lần, mỗi lần không quá 3 ngày. Trường hợp gia hạn tạm giữ phải được Viện kiểm sát phê chuẩn.

Ngoài các trường hợp bắt, tạm giữ được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 122, Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012, được sửa đổi bổ sung theo luật số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020, quy định về tạm giữ người theo thủ tục hành chính.

Tạm giữ người theo thủ tục hành chính được hiểu là biện pháp ngăn chặn hành chính và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính do người có thẩm quyền theo quy định áp dụng trong các trường hợp sau đây: Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác;Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.

Đối với lực lượng Công an, thì những người sau có quyền quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính: Trưởng Công an phường, Trưởng Công an xã, thị trấn đã tổ chức công an chính quy theo quy định của Luật Công an nhân dân; Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế; Trưởng trạm Công an cửa khẩu; Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng nghiệp Vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động, Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ, Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng An ninh đối ngoại; Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên. Những người này có thể giao quyền cho cấp phó thực hiện khi vắng mặt theo quy định.

Theo yêu cầu của người bị tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc hoặc học tập của họ biết. Trong trường hợp tạm giữ người chưa thành niên vi phạm hành chính vào ban đêm hoặc giữ trên 06 giờ, thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ngay cho cha mẹ hoặc người giám hộ của họ biết.

Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính: không quá 12 giờ, khi cần thiết có thể kéo dài nhưng không quá 24 giờ, đối với trường hợp tạm giữ để xác định tình trạng nghiện ma túy thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 05 ngày.

Như vậy, căn cứ theo quy định của Pháp luật bao gồm: Luật Tố tụng hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Công an được phép tạm giữ, bắt người trong các trường hợp nêu trên, đồng thời phải tuân thủ theo đúng quy định Pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn khi tiến hành các biện pháp này. Các quy định này nhằm ngăn ngừa, xử lý đối với tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội, đồng thời cũng tránh trường hợp vi phạm pháp luật trong việc bắt, giữ người.

Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com