Cắt giảm phụ cấp lương và tiền thưởng đối với Người lao động bị xử lý kỷ luật – Được hay không?
Ngoài những hình thức xử lý kỷ luật quy định tại Bộ luật Lao động 2019, một số doanh nghiệp rất muốn xây dựng quy định thiết thực hơn để áp dụng đối với người lao động bị xử lý kỷ luật. Qua trao đổi với nhiều doanh nghiệp, tiền chính là mục tiêu thực tế nhất mà các doanh nghiệp muốn đề cập đến. Việc cắt giảm một khoản tiền nhất định đối với người lao động bị xử lý kỷ luật có hợp pháp hay không chính là vấn đề mà doanh nghiệp rất quan tâm.
Cắt giảm tiền phụ cấp lương
Tùy thuộc tính chất mỗi công việc, vị trí, chức danh của người lao động mà mỗi doanh nghiệp quy định nhiều loại phụ cấp khác nhau, ví dụ phụ cấp chức vụ và phụ cấp trách nhiệm là 02 khoản thu nhập đối với người lao động giữ vai trò lãnh đạo, quản lý. Việc doanh nghiệp mong muốn có chế tài xử lý thực tế, khắt khe hơn để bảo đảm người lãnh đạo, quản lý có ý thức trách nhiệm cao trong công việc là lý do hợp lý. Tuy nhiên, khi xảy ra vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật, thì doanh nghiệp vẫn không được phép cắt giảm các khoản tiền phụ cấp này.
Thứ nhất, theo Điều 129 Bộ luật Lao động 2019, trách nhiệm vật chất chính là trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người lao động. Nếu người lao động bị xử lý kỷ luật nhưng không gây hư hỏng, mất mát dụng cụ, thiết bị, tài sản, tiêu hao vật tư của doanh nghiệp quá định mức cho phép hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đối với tài sản của doanh nghiệp thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Thứ hai, theo Điều 90 Bộ Luật Lao Động 2019 và điểm b khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì ‘phụ cấp lương’ (bao gồm các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động cũng như các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động) cũng là một phần của ‘tiền lương’. Pháp luật lao động của Việt Nam không quy định bất kỳ hình thức xử lý kỷ luật nào cho phép cắt giảm lương của người lao động.
Mặt khác, chỉ khi nào người lao động có hành vi làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của công ty do sơ suất, với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 102 và Điều 129 của Bộ luật Lao động 2019. Cần lưu ý, bản chất của ‘khấu trừ’ ở đây vẫn là ‘bồi thường’ do gây thiệt hại về tài sản, chứ không phải ‘cắt giảm lương’ của người lao động.
Cắt giảm tiền thưởng
Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Người sử dụng lao động được toàn quyền quyết định về khoản tiền này.
Do đó, người sử dụng lao động có quyền cắt giảm tiền thưởng đối với người lao động bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, để có cơ sở áp dụng rõ ràng, thuyết phục, tránh xảy ra tranh chấp với người lao động thì việc cắt giảm tiền thưởng và mức độ bị cắt giảm cần được quy định cụ thể trong nội quy lao động.
Tóm lại
Không có bất kỳ lý do nào mà người sử dụng lao động được phép cắt giảm lương và phụ cấp lương của người lao động, dù họ có vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật. Việc ‘khấu trừ lương’ cũng là một hình thức làm giảm số tiền lương của người lao động trên thực tế, tuy nhiên, đây không phải là ‘cắt giảm’ mà chỉ là một hình thức bồi thường có điều kiện. Vì vậy, để cân bằng lợi ích và nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động trong công việc, người sử dụng lao động có thể xem xét các mức thưởng phù hợp với mức độ hoàn thành công việc của người lao động, được quy định cụ thể trong nội quy lao động.
Bài viết này chứa đựng kiến thức pháp luật và thuật ngữ chuyên môn, quý độc giả có thắc mắc hoặc cần trao đổi về chuyên môn liên quan đến các quy định pháp luật lao động Việt Nam, vui lòng liên hệ các Luật sư Lao động của chúng tôi tại info@letranlaw.com.