Chiến Lược Quản Lý Tranh Chấp Hiệu Quả Trong Doanh Nghiệp Tại Việt Nam

Stephen Le

Tranh chấp trong doanh nghiệp không chỉ là một thách thức  khó có thể tránh khỏi đối với các doanh nghiệp hoạt động ở nước ngoài cũng như tại Việt Nam. Dù là tranh chấp hợp đồng, mâu thuẫn giữa các cổ đông hay vấn đề pháp lý, những xung đột này có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và dẫn đến tổn thất tài chính nghiêm trọng.  Trong bối cảnh pháp lý đang phát triển của Việt Nam và sự phức tạp ngày càng tăng  giao thương quốc tế đòi hỏi các công ty phải chuẩn bị thật tốt để giải quyết các tranh chấp pháp lý một cách hiệu quả và theo chiến lược. 

Bài viết này cung cấp hướng dẫn toàn diện về việc quản lý tranh chấp trong doanh nghiệp tại Việt Nam, nêu rõ các loại tranh chấp phổ biến, các biện pháp nhằm chủ động giảm thiểu rủi ro phát sinh tranh chấp, và các biện pháp pháp lý chính hiện đang có sẵn để bảo vệ công ty của quý vị. 

 

Tranh chấp trong doanh nghiệp là gì? 

Tranh chấp trong doanh nghiệp đề cập đến bất kỳ hành động pháp lý nào liên quan đến một tranh chấp kinh doanh có thể được giải quyết thông qua hệ thống tòa án, bao gồm nhiều loại vụ việc khác nhau như vi phạm hợp đồng cho đến các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Tại Việt Nam, tranh chấp có thể đặc biệt phức tạp do các quy định pháp luật khác nhau, phong tục kinh doanh khác nhau và luật thương mại quốc tế. 

Các loại tranh chấp trong doanh nghiệp phổ biến tại Việt Nam 

  • Tranh chấp hợp đồng: Vi phạm hợp đồng vẫn là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của tranh chấp trong doanh nghiệp tại Việt Nam. Những vi phạm này có thể phát sinh từ việc không thực hiện nghĩa vụ, giao hàng chậm trễ, hoặc bất đồng về điều khoản thanh toán. Quý vị có thể tìm hiểu thêm về hành vi vi phạm hợp đồng tại đây. 
  • Tranh chấp cổ đông: Xung đột giữa các cổ đông thường xảy ra khi các thỏa thuận cổ đông thiếu tính minh bạch hoặc khi một bên cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm. Việc bảo vệ cổ đông thiểu số đang là mối quan tâm lớn trong Luật doanh nghiệp Việt Nam. 
  • Tranh chấp sở hữu trí tuệ (IP): Khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường toàn cầu, việc bảo vệ sở hữu trí tuệ càng trở nên quan trọng. Tranh chấp về bằng sáng chế, nhãn hiệu hoặc bí mật thương mại có thể cản trở hoạt động kinh doanh nếu không được xử lý đúng cách. 
  • Tranh chấp lao động và việc làm: Các xung đột liên quan đến quyền lợi của người lao động, việc sa thải  trái pháp luật hoặc tranh chấp về tiền lương thường   có xu hướng phát triển thành các vụ kiện tụng. Các doanh nghiệp phải bảo đảm tuân thủ luật lao động Việt Nam để tránh việc kiện tụng tốn kém. Tìm hiểu các phương thức chấm dứt hợp đồng lao động  đúng luật để hiểu rõ hơn về vấn đề tuân thủ. 

 

Làm thế nào để các doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro phát sinh tranh chấp?

Mặc dù một số tranh chấp là không thể tránh khỏi, các doanh nghiệp có thể thực hiện một số biện pháp để chủ động giảm thiểu rủi ro phát sinh tranh chấp. Những biện pháp này không chỉ làm giảm khả năng xảy ra tranh chấp mà còn giúp các công ty có được một sự phòng vệ tốt hơn nếu tranh chấp phát sinh. 

Soạn thảo hợp đồng rõ ràng và toàn diện

Hợp đồng là nền tảng của mọi giao dịch kinh doanh. Một hợp đồng được soạn thảo tốt phải xác định rõ ràng nghĩa vụ, kỳ vọng và biện pháp khắc phục của mỗi bên trong trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Tại Việt Nam, hợp đồng cũng nên xem xét đến các  quy định pháp lý trong nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực như luật lao động, bất động sản và thương mại. Việc đảm bảo mọi điều khoản hợp đồng đều có thể được thực thi hợp pháp theo luật Việt Nam là cực kỳ quan trọng. 

Lời khuyên quan trọng: Nên đưa vào hợp đồng các điều khoản về giải quyết tranh chấp. Những điều khoản này nên quy định rõ là tranh chấp sẽ được giải quyết bằng phương thức kiện tụng, trọng tài hay hòa giải.  

Định kỳ kiểm tra các vấn đề tuân thủ và khía cạnh pháp lý 

Việc kiểm tra nội bộ định kỳ giúp đảm bảo rằng doanh nghiệp của quý vị tuân thủ cả những tiêu chuẩn pháp lý Việt Nam lẫn quốc tế. Trong các lĩnh vực như tài chính, sản xuất, và công nghệ, khung pháp lý thường xuyên  được cập nhật, sửa đổi. Việc thực hiện các cuộc kiểm tra định kỳ về mặt pháp lý, đặc biệt là trong các lĩnh vực như tuân thủ luật thuế, luật lao động và quy định pháp luật về môi trường, có thể giúp ngăn ngừa các tranh chấp tiềm ẩn trước khi chúng phát sinh. 

Thực hiện công tác quản trị doanh nghiệp chặt chẽ 

Việc quản trị doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa tranh chấp  nội bộ trong doanh nghiệp như giữa các cổ đông và cơ quan cấp cao. Bằng cách thiết lập các quy tắc rõ ràng về quy trình ra quyết định, phân chia lợi nhuận và quyền lợi cổ đông, các công ty có thể tránh được nhiều vấn đề phổ biến làm phát sinh tranh chấp trong doanh nghiệp.  

 

Các biện pháp pháp lý đối với tranh chấp trong doanh nghiệp tại Việt Nam 

Khi không thể giải quyết tranh chấp trong nội bộ, các công ty phải tìm đến các biện pháp pháp lý. Luật pháp Việt Nam  quy định nhiều phương thức giải quyết tranh chấp, tùy thuộc vào tính chất của xung đột. 

Hòa giải và Trọng tài 

Trước khi tiến đến việc kiện tụng tại Tòa án, các doanh nghiệp tại Việt Nam thường được khuyến khích áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) chẳng hạn như hòa giải và trọng tài. ADR ít mang tính đối kháng và tiết kiệm được nhiều chi phí hơn so với việc kiện tụng tại Tòa. Phương thức trọng tài là một lựa chọn phổ biến, đặc biệt là đối với các công ty nước ngoài, vì phương thức này cho phép các tranh chấp được giải quyết bởi các bên thứ ba trung lập. 

Ví dụ, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) là nơi được ưa chuộng, thường xuyên được các bên lựa chọn để để giải quyết các tranh chấp kinh doanh có tính chất phức tạp. Phương thức trọng tài cho phép các bên giải quyết xung đột nhanh chóng hơn mà không phải chịu  sự chờ đợi kéo dài bởi các thủ tục nghiêm ngặt như  trong các thủ tục tố tụng tại tòa. Bên cạnh đó, phương thức hòa giải hướng đến sự hợp tác nhiều hơn giữa đôi bên khi một hòa giải viên trung lập sẽ giúp các bên đạt được  thỏa thuận thống nhất.  

Thủ tục tranh tụng tại các Tòa án Việt Nam 

Nếu các phương thức ADR  không khả thi hoặc không phù hợp, các tranh chấp trong doanh nghiệp có thể được giải quyết tại Tòa án. Quy trình tranh tụng tại Tòa án Việt Nam tuân theo một khung pháp lý có cấu trúc chặt chẽ, bắt đầu từ việc nộp đơn khởi kiện, theo sau là các yêu cầu từ các bên trước phiên xét xử, các phiên xử diễn ra, và cuối cùng là  thi hành án. Thủ tục tranh tụng có thể bị kéo dài và tốn kém, do đó cần phải thuê các luật sư giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực doanh nghiệp và  am hiểu  hệ thống pháp luật của Việt Nam.   

 

Vụ việc thực tế: Giải quyết tranh chấp cổ đông tại Việt Nam  

Một công ty công nghệ Việt Nam, “TechCo,” gần đây đã tham gia vào một tranh chấp cổ đông nghiêm trọng. Xung đột phát sinh khi các cổ đông thiểu số cảm thấy họ bị  hạn chế trong quá trình đưa ra các quyết định quan trọng của công ty liên quan đến giao dịch sáp nhập với một nhà đầu tư nước ngoài. Các cổ đông này cho rằng cổ đông lớn, người đồng thời là CEO của công ty, đã vi phạm nghĩa vụ của người nhận ủy thác khi không tiết lộ thông tin quan trọng về giao dịch sáp nhập.   

Phương pháp pháp lý: Công ty Luật TNHH MTV Lê & Trần đã được thuê để đại diện cho các cổ đông thiểu số. Chúng tôi ngay lập tức tiến hành xem xét kỹ lưỡng các chính sách quản trị doanh nghiệp và thỏa thuận cổ đông của công ty. Qua đó, chúng tôi phát hiện là CEO thực sự đã vi phạm các điều khoản cụ thể liên quan đến quyền biểu quyết của cổ đông và tính minh bạch. 

Chiến lược giải quyết tranh chấp: Thay vì tiến hành thủ tục tố tụng trực tiếp tại Tòa, chúng tôi đã khuyến nghị khách hàng sử dụng phương thức trọng tài thông qua Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Phương pháp này cho phép tranh chấp được giải quyết nhanh hơn và  quy mô tổ chức kín phù hợp với công ty không muốn tiết lộ thông tin mật so với một phiên Tòa được xét xử công khai. 

Sau nhiều phiên xử trọng tài, trọng tài viên đã ra phán quyết có lợi cho các cổ đông thiểu số. Giao dịch sáp nhập đã bị hoãn lại cho đến khi có sự tham vấn đúng đắn với các cổ đông, và CEO được yêu cầu phải bồi thường thiệt hại vì đã vi phạm nghĩa vụ của người nhận ủy thác. 

Kết quả: Thủ tục trọng tài đã giúp mang đến một thỏa thuận sáp nhập có lợi hơn cho tất cả các cổ đông, đảm bảo rằng lợi ích của các cổ đông thiểu số được bảo vệ và lại tránh được một cuộc chiến pháp lý tốn kém và kéo dài. 

 

Vai trò của các chuyên gia pháp lý trong tranh chấp doanh nghiệp 

Việc xử lý tranh chấp trong doanh nghiệp tại Việt Nam đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về luật pháp Việt Nam, thực tiễn kinh doanh,  cũng như am hiểu các quy định quốc tế. Việc làm việc với các chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm giúp đảm bảo rằng doanh nghiệp của quý vị được trang bị tốt để xử lý các tranh chấp một cách hiệu quả, dù là thông qua phương thức tranh tụng, trọng tài, hay hòa giải. 

Tại Lê & Trần, chúng tôi chuyên giải quyết các vụ tranh tụng phức tạp liên quan đến doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm công nghệ, tài chính và bất động sản. Kinh nghiệm chuyên môn phong phú của đội ngũ chúng tôi cho phép chúng tôi  đề xuất các chiến lược pháp lý phù hợp với mục tiêu kinh doanh của quý vị. Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn và nhận được sự hỗ trợ pháp lý cần thiết giúp quý vị giải quyết hiệu quả các tranh chấp kinh doanh phức tạp.