Chiến thuật nộp đơn khởi kiện hiệu quả – Hướng dẫn để tranh tụng hiệu quả và thành công

Stephen Le

Khởi kiện là thủ tục đầu tiên trong quy trình tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích bị xâm phạm. Chuẩn bị tốt cho việc khởi kiện sẽ là cơ sở vững vàng để thực hiện hiệu quả những chiến thuật tố tụng trong suốt toàn bộ vụ kiện, từ đó đạt được mục đích khởi kiện với chi phí tối thiểu. Vì vậy, cần chú ý những vấn đề sau đây:

Nên kiện ai?

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tiến hành khởi kiện cá nhân hoặc tổ chức đã vi phạm là việc nên làm. Tuy nhiên, trong một vụ việc, có thể có nhiều người cùng thực hiện hành vi vi phạm. Một số người thì trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm trong khi đó, một số khác chỉ liên quan gián tiếp đến hành vi vi phạm. Câu hỏi đặt ra, liệu rằng chỉ nên tiến hành khởi kiện người mà có lỗi chủ yếu khi gây ra thiệt hại hay không? Trong phần lớn các trường hợp, điều này không hẳn là đúng. Thông thường, tranh tụng thường thiên về hướng kiện để đòi bồi thường hơn là kiện để trừng phạt người vi phạm. Theo đó, để kiện đòi được tối đa số tiền bồi thường, việc khởi kiện nên hướng đến cá nhân hoặc tổ chức có năng lực tài chính để thực hiện việc bồi thường trong trường hợp bản án, phán quyết được tuyên theo hướng có lợi cho nguyên đơn.

Ví dụ một vụ việc, A và B (cả hai đều là người nước ngoài) cùng ký kết một hợp đồng hợp tác kinh doanh để thành lập và điều hành một khách sạn ở Việt Nam. Theo hợp đồng, mỗi bên có trách nhiệm đầu tư 50% cho khách sạn. Tuy nhiên, trên thực tế, A là người đã thuê nhà, nâng cấp, xây dựng lại ngôi nhà thành khách sạn và chi trả cho tất cả nội thất; trong khi B không tiến hành đầu tư như đã cam kết. Theo đó, B lại dùng mối quan hệ của mình với người cho thuê nhà để chiếm đoạt khách sạn và ngăn không cho A được vào bên trong. Trong trường hợp này, việc kiện B vì đã vi phạm hợp đồng hợp tác kinh doanh là một lựa chọn rất hiển nhiên. Tuy nhiên, B lại là một người nước ngoài và hầu như không đứng tên bất kỳ tài sản nào tại Việt Nam. Như vậy, việc kiện B có khả năng không giúp cho A thu hồi tài sản được. Mặt khác, kiện người cho thuê nhà lại là một lựa chọn khả thi hơn. Người cho thuê nhà là chủ sở hữu của ngôi nhà được sử dụng để kinh doanh khách sạn, như vậy, người đó chắc chắn có thể chi trả cho A bằng thu nhập hoặc tài sản của mình. Tuy nhiên, việc kiện người cho thuê nhà cũng đồng nghĩa với việc A phải làm đơn khởi kiện theo một hướng khác với dự định ban đầu (ví dụ, kiện người cho thuê nhà vì đã vi phạm hợp đồng thuê thay vì kiện B vì đã vi phạm hợp đồng hợp tác kinh doanh).

Như vậy, việc xác định ai là người có điều kiện tài chính là rất quan trọng và có thể thay đổi đáng kể chiến thuật tranh tụng và kết quả cuối cùng của vụ kiện.

Nên nộp đơn khởi kiện ở đâu?

Thông thường, tòa án nơi đặt trụ sở chính của bị đơn (nếu bị đơn là tổ chức) hoặc nơi cư trú của bị đơn (nếu bị đơn là cá nhân) sẽ có thẩm quyền giải quyết vụ kiện. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc khởi kiện có thể thực hiện tại:

  • Tòa án nơi có chi nhánh của bị đơn, khi vụ tranh chấp có liên quan đến các hoạt động của chi nhánh;
  • Tòa án nơi thực hiện hợp đồng.

Lựa chọn tòa án gần với mình là một điều khá quan trọng. Điều này không chỉ góp phần tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại, mà còn giúp nguyên đơn có thể theo dõi các tình tiết mới của vụ kiện một cách kịp thời. Chẳng hạn, giả sử công ty A có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp đồng với một công ty B có trụ sở tại Thành phố Hà Nội để thực hiện một dự án ở Thành phố Hồ Chí Minh, thì công ty A có thể khởi kiện tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Thành phố Hà Nội. Nếu công ty A khởi kiện ở Thành phố Hà Nội, công ty A đã tự đặt mình vào vị trí yếu thế ngay từ đầu bởi sẽ rất bất tiện cho công ty A để tham gia và theo sát một vụ kiện tại một tòa án ở quá xa.

Những yêu cầu nên đưa vào đơn khởi kiện?

Các chiến thuật đưa yêu cầu vào đơn khởi kiện sẽ tùy thuộc vào việc khởi kiện tại tòa án hay tại trung tâm trọng tài.

Nếu khởi kiện tại tòa án

Nên cân nhắc rằng:

  • Án phí thấp, ví dụ đối với tranh chấp thương mại có giá trị 1.000.000.000 Đồng (khoảng 43.966 Đô-la Mỹ), án phí ở giai đoạn xét xử sơ thẩm là 42.000.000 Đồng (khoảng 1.847 Đô-la Mỹ) và ở giai đoạn xét xử phúc thẩm là 2.000.000 Đồng (khoảng 88 Đô-la Mỹ).
  • Việc hoàn trả án phí đơn giản:
    • Án phí sơ thẩm sẽ không được tính đối với các yêu cầu khởi kiện được rút trước hoặc tại phiên tòa xét xử sơ thẩm;
    • 50% án phí phúc thẩm sẽ được hoàn trả nếu yêu cầu kháng cáo được rút trước khi diễn ra phiên tòa xét xử phúc thẩm.
  • Rút lại yêu cầu khởi kiện thì đơn giản và thường chỉ cần một xác nhận bằng văn bản gửi đến tòa án. Tuy nhiên, việc bổ sung yêu cầu khởi kiện thường sẽ đòi hỏi nguyên đơn và tòa án phải tiến hành lại gần như toàn bộ các thủ tục tố tụng, bao gồm (i) nộp đơn khởi kiện bổ sung, (ii) xem xét yêu cầu bổ sung và ra thông báo về tạm ứng án phí, (iii) đóng tạm ứng án phí với yêu cầu bổ sung, (iv) chính thức thụ lý yêu cầu bổ sung, và (iv) mở phiên họp hòa giải giữa các bên về yêu cầu bổ sung. Trong đó, việc mở lại phiên họp hòa giải là mất nhiều thời gian nhất vì tòa án sẽ phải sắp xếp thời gian hợp lý để thông báo và triệu tập các bên có liên quan. Việc tiến hành lại các thủ tục như vậy có thể khiến kéo dài quá trình giải quyết vụ việc và gây tốn kém thời gian, chi phí cho nguyên đơn. Ngoài ra, nếu việc bổ sung yêu cầu được thực hiện sau khi mở phiên tòa thì tòa án sẽ có thể từ chối việc bổ sung yêu cầu này.

Do đó, đối với trường hợp lựa chọn khởi kiện tại tòa án thì ngay từ đầu nên đưa ra càng nhiều yêu cầu khởi kiện càng tốt và sau đó rút dần các yêu cầu không có khả năng thắng cao. Hơn nữa, việc có nhiều yêu cầu khởi kiện ngay từ đầu sẽ là lợi thế thương lượng cho nguyên đơn trước khi tòa án tiến hành xét xử (lưu ý sẽ có những vụ kiện chỉ nhằm mục đích thương lượng để giải quyết vụ việc chứ không cần phải đợi toà án xét xử).

Nếu khởi kiện tại trung tâm trọng tài

Nên cân nhắc rằng:

  • Phí trọng tài khá cao, ví dụ đối với tranh chấp thương mại có giá trị 1.000.000.000 Đồng (khoảng 43.966 Đô-la Mỹ), phí trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (“VIAC ”) là 85.800.000 Đồng (khoảng 3.772 Đô-la Mỹ).
  • Phí trọng tài sẽ không được hoàn trả toàn bộ khi rút các yêu cầu khởi kiện, ví dụ tại VIAC:
    • Trước khi hội đồng trọng tài được thành lập: 70% phí trọng tài sẽ được hoàn trả;
    • Sau khi hội đồng trọng tài được thành lập nhưng trước khi có lịch họp giải quyết tranh chấp: 40% phí trọng tài sẽ được hoàn trả;
    • Sau khi có lịch họp giải quyết tranh chấp nhưng trước khi diễn ra phiên họp giải quyết tranh chấp: 20% phí trọng tài sẽ được hoàn trả.
  • Tương tự như thủ tục tố tụng tại tòa án, việc rút lại yêu cầu khởi kiện cũng đơn giản và thường chỉ cần một xác nhận bằng văn bản gửi đến trung tâm trọng tài. Tuy nhiên, khác với thủ tục tố tụng tại tòa án, thủ tục tố tụng tại trọng tài thường đơn giản hơn, được tiến hành nhanh hơn và không bắt buộc phải hòa giải trước khi đưa ra xét xử. Vì vậy, việc bổ sung yêu cầu khởi kiện cũng có thể được tiến hành rất nhanh và không ảnh hưởng nhiều đến thời gian giải quyết vụ việc. Ngoài ra, việc bổ sung yêu cầu tại phiên họp giải quyết tranh chấp vẫn có thể được chấp nhận nếu (i) việc bổ sung yêu cầu được thực hiện trước thời điểm kết thúc phiên họp giải quyết tranh chấp cuối cùng, (ii) yêu cầu bổ sung nằm trong thẩm quyền giải quyết của trọng tài và (iii) việc bổ sung yêu cầu này không bị lạm dụng nhằm mục đích gây khó khăn, trì hoãn việc ra Phán quyết Trọng tài (vd: nguyên đơn có dấu hiệu cố tình trì hoãn trong việc bổ sung yêu cầu khởi kiện để kéo dài quá trình giải quyết tranh chấp, đưa ra những yêu cầu không liên quan đến những vấn đề đang được xem xét và giải quyết, v.v.).

Do đó, đối với trường hợp khởi kiện tại trung tâm trọng tài, điều cần thiết là phải biết chọn lọc yêu cầu khởi kiện, tức là chỉ nên đưa ra những yêu cầu nào mà có khả năng thắng cao để đảm bảo phí trọng tài được giữ ở mức hợp lý. Sau đó, tùy theo diễn biến của quá trình tranh tụng mà nguyên đơn có thể cân nhắc bổ sung thêm hoặc rút bớt các yêu cầu khởi kiện.

Nên đưa ra bao nhiêu chứng cứ và luận cứ trong đơn khởi kiện?

Nếu đó là một vụ kiện với khả năng thắng cao, việc đưa toàn bộ luận cứ và chứng cứ vào đơn khởi kiện có thể là một chiến thuật tốt để gây áp lực cho phía đối thủ. Tuy nhiên, đây không phải là chiến thuật khôn ngoan trong tất cả các vụ việc, vì:

  • Có thể làm lộ chiến thuật tranh tụng quá sớm, và theo đó, đối thủ sẽ có thời gian để chuẩn bị các biện pháp đối phó;
  • Có thể làm lãng phí thời gian một cách không cần thiết. Luận cứ và chứng cứ sẽ vẫn có thể được bổ sung trong quá trình tố tụng sau này. Do đó, việc tốn quá nhiều thời gian để chuẩn bị đơn khởi kiện không hẳn là một chiến thuật hiệu quả, đặc biệt khi thời gian là một yếu tố quan trọng (ví dụ, có thể phải khởi kiện thật nhanh để kịp thời hiệu khởi kiện).

Hơn nữa, đối với chứng cứ, chỉ nên nộp các chứng cứ mà góp phần chứng minh cho luận cứ của mình. Không nên nộp những tài liệu, chứng cứ không cần thiết, bởi vì:

  • Làm như vậy sẽ làm lãng phí thời gian của thẩm phán hoặc trọng tài, khiến họ không thể tập trung vào các chứng cứ có liên quan đến vụ việc. Việc nộp toàn bộ chứng cứ, tài liệu hiện có và mong đợi các thẩm phán hoặc trọng tài đọc tất cả các tài liệu, chứng cứ và tự hệ thống lại giúp nguyên đơn là không thực tế, bởi họ sẽ không làm như thế;
  • Làm như vậy có thể sẽ cung cấp cho bên đối thủ những thông tin cần thiết cho chiến thuật đối phó của họ, tức là bên đối thủ có thể dùng chính chứng cứ được cung cấp này để tấn công ngược lại. Điều quan trọng nhất khi nộp bất kỳ chứng cứ nào là phải kiểm tra thật kỹ xem những chứng cứ ấy có chứa bất cứ thông tin nào có thể gây bất lợi hay không; và nếu có, nên cân nhắc có thể thay thế chứng cứ ấy bằng một chứng cứ khác hay không.