Chờ Công Đoàn Xây Nhà Ở Xã Hội

Việc tổ chức Công đoàn tham gia xây nhà ở xã hội cho công nhân thuê thể hiện trách nhiệm xã hội và góp phần cải thiện chất lượng sống cho người lao động tuy nhiên cần tính toán kỹ lưỡng

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, trong đó có Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật Nhà ở có quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) cho đoàn viên thuê. Đây là vấn đề đang được đông đảo đoàn viên – lao động, doanh nghiệp, cán bộ Công đoàn quan tâm.

Công nhân thiếu nơi ở ổn định

Khoản 4 điều 78 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định: Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng NƠXH cho công nhân (CN), người lao động (NLĐ) thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH thuê.

Tại các buổi góp ý kiến cho dự thảo luật này, đa số cán bộ Công đoàn, NLĐ đều rất đồng tình bởi nhu cầu về nhà ở cho CN là rất lớn, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố tập trung đông NLĐ nhập cư nhưng không có khả năng tiếp cận NƠXH. Bà Phạm Thị Dung, CN Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, cho biết rất mong đợi điều này. Gần 20 năm qua, gia đình bà Dung sống trong căn phòng trọ chỉ 10 m2 trên đường Lê Đình Cẩn, quận Bình Tân, TP HCM với giá 800.000 đồng/tháng.

Do xây dựng đã lâu nên phòng trọ đã xuống cấp – mùa nắng thì nóng hầm hập, mùa mưa thường xuyên ngập nước. Nơi ở nhiều bất tiện nhưng bà Dung vẫn phải chấp nhận bởi giá thuê rẻ. “Vợ chồng tôi đều là CN, lo cái ăn đã vất vả nên không dám mơ đến mua nhà. Nếu Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư xây dựng NƠXH cho CN thuê với giá rẻ thì quá tốt” – bà Dung nói.

Bà Nguyễn Mỹ Linh, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM), cho biết nhu cầu NƠXH trong CN rất lớn nhưng hiện nay họ chưa tiếp cận được vì không biết thông tin hoặc biết nhưng không phải đối tượng được mua hoặc không đủ khả năng mua.

Theo bà Linh, nên giao Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư NƠXH, nhà lưu trú cho CN vì phù hợp với chức năng chăm lo của tổ chức Công đoàn. Khi tổ chức Công đoàn làm chủ đầu tư, CN sẽ tin tưởng và Công đoàn sẽ khảo sát để xây dựng phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của CN. Cùng góc nhìn, bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho rằng mục đích của Tổng LĐLĐ Việt Nam khi xây xong NƠXH là để cho thuê chứ không phải bán, phù hợp tình hình thực tế ở nhiều địa phương hiện nay, vì qua khảo sát, số CN đủ điều kiện để mua NƠXH không nhiều.

Nếu đề xuất được thông qua thì số đông NLĐ sẽ được thuê NƠXH với giá hợp lý. “NƠXH do Công đoàn đầu tư phải đáp ứng được các thiết chế đi kèm như trường học, nhà văn hóa, siêu thị Công đoàn để tạo sự gắn kết và phục vụ tối đa cho NLĐ” – bà Loan góp ý.

Khả thi nhưng cần xem xét thấu đáo

Đồng tình với quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam được đầu tư xây dựng NƠXH cho đoàn viên thuê trong dự thảo nhưng nhiều cán bộ Công đoàn, chủ doanh nghiệp cho rằng cần được tính toán kỹ lưỡng.

Ông Lâm Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP HCM, cho rằng nên giao Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư sẽ thuận lợi trong điều tra, khảo sát, nắm bắt nhu cầu về NƠXH, nhà lưu trú cho CN, giúp việc đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Hiện Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thành lập Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn trên cơ sở Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại KCN, KCX”. Đây cũng là cơ sở pháp lý cho Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, ông Mẫn cho rằng các dự án nhà ở cho CN thuê có vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên cần đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn; làm rõ trình tự, thủ tục đầu tư theo pháp luật đầu tư hay pháp luật đầu tư công và hình thức sở hữu đối với nhà ở hình thành trong dự án để có cơ chế quản lý phù hợp. Quốc hội có thể cho thí điểm, tập trung xây dựng NƠXH cho CN thuê tại các KCX-KCN. Nguồn kinh phí thu được từ dự án này sẽ tái đầu tư.

Ủng hộ việc Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia xây dựng nhà ở phục vụ CN giúp họ cải thiện chất lượng sống nhưng bà Đỗ Thị Hằng, Giám đốc kinh doanh tiếp thị truyền thông Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (quận Bình Thạnh, TP HCM), cũng bày tỏ lo ngại, bởi đây là vấn đề lớn, cần bộ máy có chuyên môn sâu thực hiện. Trong khi đó, biên độ lợi nhuận khi xây dựng NƠXH thấp.

Đặc biệt, đối tượng thụ hưởng là CN thì giá cho thuê hoặc bán phải phù hợp thu nhập của họ. “Nếu giao Tổng LĐLĐ Việt Nam, theo tôi, cần khảo sát nhu cầu và khả năng chi trả của đối tượng, đồng thời hợp tác với các đơn vị có chuyên môn, có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng NƠXH. Ngoài ra, nhà nước cần có cơ chế riêng cho dòng sản phẩm này để tổ chức Công đoàn thuận lợi triển khai” – bà Hằng đề xuất.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Lê Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Bình Dương, cho rằng NLĐ mong muốn được mua NƠXH bằng hình thức trả góp nhiều năm hoặc là thuê để ở với giá hợp lý – bằng hoặc nhỉnh hơn thuê nhà trọ một ít, còn nếu cho thuê với giá cao thì họ khó tiếp cận được. “Nếu Tổng LĐLĐ Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu này thì NLĐ rất ủng hộ” – bà Nhung cho hay.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM:

Phù hợp với vị thế

Quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng NƠXH cho đoàn viên thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH thuê tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là phù hợp với vị thế của tổ chức này, trong vai trò phối hợp với Chính phủ và các địa phương chỉ đạo phát triển NƠXH, nhà lưu trú CN. Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ Việt Nam không nên trực tiếp làm chủ đầu tư mà nên giao cho các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ cấp tỉnh, có đủ điều kiện theo quy định pháp luật và thực hiện theo cơ chế “Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn” trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam phải có tư cách pháp nhân, chức năng kinh doanh bất động sản và đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án NƠXH.