Cho Thuê Lại Lao Động – Giải Pháp Nhân Sự Linh Hoạt
Trong bối cảnh kinh tế chưa phục hồi, việc sản xuất, kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn ổn định. Rất nhiều doanh nghiệp chưa thể chủ động hoạch định nhân sự cho các kế hoạch sản xuất. Khi tình huống cần kíp nhân sự cho những kế hoạch sản xuất, kinh doanh đột xuất? Khi khối lượng công việc của doanh nghiệp gia tăng trong khoảng thời gian ngắn hay đột xuất, các doanh nghiệp phải làm sao? Thuê lại lao động là giải pháp đã được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong tình huống này. Đây cũng được xem là một giải pháp hữu hiệu, linh hoạt trong tình hình thiếu lao động cục bộ, doanh nghiệp chưa kịp tuyển dụng,hoàn thiện nhân lực lao động hay chỉ cần nhân sự ở một khoảng thời gian ngắn nhất định.
Hoạt động cho thuê lại lao động
Xu hướng cho thuê lao động hình thành từ nhu cầu thực tế từ những năm 2000 khi làn sóng đầu tư nước ngoài ào ạt đổ vào Việt Nam và được pháp luật ghi nhận lần đầu tại Bộ luật Lao động 2012. Hình thành nên các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp cho thuê lao động với nhiều nghành nghề mang tính đặc thù, chuyên nghiệp. Hoạt động cho thuê lại lao động hiện tập trung chủ yếu ở những vùng kinh tế trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai…
Theo định nghĩa tại Điều 52 Bộ luật Lao động 2019, cho thuê lao động được hiểu là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động. Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định.
Theo đó doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động phải ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động. Doanh nghiệp thuê lại lao động không trực tiếp ký hợp đồng lao động với người lao động, nhưng họ có quyền quản lý, điều hành người lao động cho thuê lại. Người lao động có nghĩa vụ thực hiện công việc dưới sự điều hành quản lý của bên thuê lao động.
Điều kiện để doanh nghiệp cho thuê lại lao động được phép hoạt động
Cho thuê lại lao động là hoạt động có điều kiện, theo Điều 54 Bộ luật Lao động 2019 và hướng dẫn tại Điều 12, Điều 21 Nghị định 145/2020, doanh nghiệp cho thuê lại lao động được thành lập theo Luật doanh nghiệp và phải đảm bảo các điều kiện:
– Được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động. Doanh nghiệp cần phải có giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động mới được thực hiện dịch vụ này. Để được cấp giấy phép hoạt động, doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định 145/2020. Pháp luật Việt Nam quy định cho thuê lao động là một nghành kinh doanh có điều kiện vì vậy những hoạt động được cấp giấy phép phải nằm trong phạm vi 20 ngành nghề cho phép.
– Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ. Doanh nghiệp phải thực hiện ký quỹ theo mức quy định là 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng). Tiền ký quỹ được sử dụng vào mục đích thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ khác đối với người lao động thuê lại theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho thuê lại hoặc bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động thuê lại do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại. Người lao động làm việc theo mô hình cho thuê lại lao động, thường là lao động mùa vụ, công việc mang tính chất tạm thời và rủi ro mất việc của họ khá cao. Vì vậy, pháp luật quy định khá khắt khe điều kiện đối với các ngành, nghề này nhằm tránh sự lạm dụng của các bên trong quan hệ CTLLĐ, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động phải bảo đảm điều kiện: Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Không có án tích. Đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.
– Có tuyển dụng, giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Đây là điều kiện quan trọng nhất trong quan hệ cho thuê lao động. Bên cho thuê lại lao động thực hiện ký kết hợp đồng trực tiếp với người lao động, sau đó chuyển người lao động sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại. Mọi chế độ chính sách của người lao động sẽ do bên cho thuê lao động thực hiện chi trả nhưng phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật về nội dung hợp đồng lao động.
Nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động
Các nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động được quy định tại Điều 53 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.
Bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
– Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định.
– Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân.
– Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
Bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
– Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động.
– Không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động.
– Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.
Bên thuê lại lao động không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác; không được sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.
Danh mục ngành nghề được cho thuê lại lao động
Dù là doanh nghiệp được cấp phép cho thuê lao động, nhưng doanh nghiệp cho thuê lao động chỉ được thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động đối với những ngành nghề thuộc danh mục công việc quy định tại Phụ lục II Nghị định 145/2020/NĐ-CP sau: Phiên dịch, biên dịch, tốc ký; thư ký, trợ lý hành chính; lễ tân; hướng dẫn du lịch; hỗ trợ bán hàng; hỗ trợ dự án; lập trình hệ thống máy sản xuất; sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông; vận hành, kiểm tra, sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất; dọn dẹp vệ sinh tòa nhà, nhà máy; biên tập tài liệu; vệ sĩ, bảo vệ; tiếp thị, chăm sóc khách hàng qua điện thoại; xử lý các vấn đề tài chính, thuế; sửa chữa, kiểm tra vận hành ô tô; scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp, trang trí nội thất; lái xe; quản lý, vận hành, bảo dưỡng và phục vụ trên tàu biển; quản lý, giám sát, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và phục vụ trên giàn khoan dầu khí; lái tàu bay, phục vụ trên tàu bay/bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay, điều độ, khai thác bay, giám sát bay.
Đặc trưng của hoạt động cho thuê lại lao động
Đặc trưng nhất của hoạt động cho thuê lao động là tồn tại đồng thời ba mối quan hệ pháp lý trong lao động: doanh nghiệp cho thuê lại lao động, bên thuê lại lao động, người lao động.
– Mối quan hệ giữa doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động. Đây có thể được xem như là mối quan hệ kinh doanh thương mại vì mục đích lợi nhuận giữa một bên là thương nhân cho thuê lao động và bên còn lại có thể là thương nhân hoặc không là người thuê lao động . Hai bên sẽ ký một hợp đồng cho thuê lại lao động. trong đó có nội dung bên cho thuê lại lao động có trách nhiệm cung cấp cho bên thuê lại lao động số lượng lao động theo yêu cầu, tiêu chuẩn mà bên thuê lại lao động đó đặt ra. Đồng thời, bên thuê lại lao động có trách nhiệm trả cho bên cho thuê lại lao động một khoản phí dịch vụ. Khi hết thời hạn thuê lao động theo hợp đồng, bên thuê lại lao động sẽ hoàn trả lại số lao động đã thuê cho bên cho thuê lại lao động. Đây cũng có thể coi là một dạng hợp đồng dịch vụ.
– Mối quan hệ giữa doanh nghiệp cho thuê lại lao động và người lao động. Quan hệ này được xác lập trên cơ sở hợp đồng lao động và tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp dộng lao động. Người lao động chịu sự quản lý của bên cho thuê lại lao động. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động có trách nhiệm trả lương, đảm bảo các quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Doanh nghiệp cho thuê vẫn thực hiện hoạt động quản lý gián tiếp người lao động thông qua việc điều động, đưa người lao động đi làm việc tại các địa điểm theo yêu cầu, phân công của bên thuê lại lao động. Và Doanh nghiệp cho thuê lại lao động chịu trách nhiệm với ngượi lao động trong các trường hợp xảy ra những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động như tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
– Mối quan hệ giữa bên thuê lại lao động và người lao động. Bên thuê lại lao động có quyền quản lý, sử dụng người lao động nhưng lại không ký kết hợp đồng với người lao động. Người lao động làm việc theo sự phân công, điều hành và chịu sự quản lý, giám sát của bên thuê lại lao động trong suốt thời gian làm việc. Điểm khác biệt ở đây so với mối quan hệ lao động thông thường chính là hai bên không tồn tại hợp đồng lao động, bên thuê lại lao động không thực hiện trả lương cho người lao động, cũng như khi người lao động phát sinh bất kỳ vi phạm nào về nghĩa vụ lao động hoặc vi phạm về kỷ luật lao động, thì bên thuê lại lao động cũng không trực tiếp xử lý người lao động mà sẽ trả lại người lao động cho bên cho thuê lại lao động để xử lý.
Ưu điểm của hoạt động cho thuê lao động
Cho thuê lại lao động là một phương thức linh hoạt, đặc biệt trong những tình huống cấp thiết và đối với những công việc mang tính chất cấp thời. Ưu điểm có thể thấy của phương thức thuê lại lao động là:
– Bổ sung nhân sự kịp thời. Có ngay được nguồn lao động chất lượng phù hợp trong thời gian ngắn nhất có thể khi phát sinh nhu cầu cần gấp lao động, nhân sự để giải quyết nhanh kịp tiến độ sản xuất.
– Tiết kiệm được thời gian, chi phí tuyển dụng. Các khâu: đăng tuyển, sàn lọc, phỏng vấn… trong quá trình tìm kiếm nhân sự rất mất thời gian. Sử dụng lao động thuê giúp doanh nghiệp bỏ qua thời gian này mà vẫn tìm được nhân sự phù hợp.
– Chủ động được việc. Đối với doanh nghiệp thuê lại lao động, dịch vụ cho thuê lại lao động góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc tức thì một cách nhanh chóng, thuận tiện với những vị trí không đòi hỏi phải duy trì nhân viên thường xuyên như: dịch vụ kế toán, phiên dịch,… có thể điều chỉnh, bố trí sản xuất cho nguồn lao động có sẵn từ công ty cho thuê lại lao động.
– Giảm chi phí và thời gian quản lý. Doanh nghiệp thuê lao động không phải lo việc giải quyết các vấn đề nhân sự phát sinh như chế độ, nghĩa vụ cho người lao động, giúp hạn chế được rủi ro pháp lý trong quá trình sử dụng lao động.
– Giảm thiểu được rủi ro trách nhiệm với người lao động. Doanh nghiệp thuê lao động có thể giảm thiểu được rủi ro về việc chịu trách nhiệm đảm bảo cho cuộc sống của người lao động như việc trả lương thưởng, bảo hiểm… đặc biệt là khi doanh thu đơn hàng bị giảm. Hơn thế nữa, việc giải quyết rủi ro từ phía người lao động như tai nạn, đình công cũng đều do bên cho thuê lao động chịu trách nhiệm.
Trong trường hợp cần thiết, khi doanh nghiệp phải đối mặt với trở ngại khan hiếm nguồn nhân lực. Thuê lại lao động là một giải pháp tiết kiệm, linh hoạt và hiệu quả, cho phép doanh nghiệp được đáp ứng nhu cầu nhân sự phù hợp nhanh chóng.
Cùng tìm hiểu sâu hơn ở những bài viết tiếp theo. Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com