Chuyên Viên Pháp Chế – Người Lái Tàu Thầm Lặng

Stephen Le
Vania Van

Trong xu thế hội nhập hiện nay,  các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình kinh doanh, bên cạnh ý thức phải tuân thủ những quy định của pháp luật, tất yếu sẽ có những liên kết cũng như giao thương với các doanh nghiệp nước ngoài.  Điều này cũng khiến doanh nghiệp thường phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro trong những vấn đề về pháp lý đa dạng.  Với khả năng của mình, doanh nghiệp khó có thể tự giải quyết những bất trắc pháp lý xảy đến.  Do vậy, để đảm bảo thực hiện đúng những quy định, tránh rủi ro có thể mang đến những thiệt hại nặng nề nếu chẳng may vướng phải sai sót, doanh nghiệp thường thuê pháp chế nội bộ cho doanh nghiệp của mình.  Chuyên viên pháp chế hay chuyên viên pháp lý là người đảm nhận trách nhiệm về mặt pháp lý và pháp chế của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp kiểm soát những sai phạm pháp lý, điều tiết, tạo ra các pháp chế nội bộ cho doanh nghiệp, giúp ổn định và đảm bảo nội quy quy chế doanh nghiệp được thực hiện nghiêm túc.  Nhu cầu chuyên viên pháp chế vì thế ngày càng trở nên thiết thực hơn.  Thông thường, người làm lĩnh vực pháp chế doanh nghiệp thường là các luật gia, chuyên gia pháp lý, đặc biệt là đội ngũ luật sư chuyên sâu trong các mảng luật doanh nghiệp và đầu tư, lao động, tài chính ngân hàng, bảo hiểm…  Con tàu doanh nghiệp có đi đi đúng hướng hay không được quyết định bởi chuyên viên pháp chế – Người lái tàu thầm lặng.

Chuyên viên pháp chế là ai?

Chuyên viên pháp chế hay chuyên viên pháp lý là người giúp doanh nghiệp thực thi pháp luật,  người chịu trách nhiệm về mặt pháp lý và pháp chế của doanh nghiệp. Họ giải quyết những công việc pháp lý cho doanh nghiệp,  đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, đồng thời cung cấp tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp quản lý về tất cả các vấn đề liên quan. Trong nhiều trường hợp, chuyên viên pháp chế chính là người nắm vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán và thương lượng trong quá trình buôn bán, hợp tác của công ty, doanh nghiệp. Họ cũng là người có nghĩa vụ xây dựng các quy chế quản lý nội bộ trong doanh nghiệp, bao gồm việc trực tiếp soạn thảo xây dựng các văn bản, quy chế nội bộ, tham gia đóng góp ý kiến, thẩm định ở góc độ pháp lý các văn bản này trong trường hợp chủ sở hữu doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nhiệp đã xây dựng dự thảo và giao bộ phận pháp chế đóng góp ý kiến.

Phần lớn nhân viên pháp chế đều phải làm việc toàn thời gian tại văn phòng. Tuy nhiên, họ vẫn có thể làm thêm giờ để đảm bảo đúng deadline công việc. Trong một số trường hợp, chuyên viên pháp chế có thể là người trực tiếp đại diện doanh nghiệp giải quyết các vấn đề về pháp lý của công ty.

Vai trò của chuyên viên pháp chế trong sự phát triển của doanh nghiệp

Do nền kinh tế phát triển và cạnh tranh, chuyên viên pháp chế đang trở thành nhân sự được săn đón khi các ông chủ đều muốn đảm bảo an toàn cho doanh nhiệp của mình.  Điều đó cũng cho thấy vai trò quan trọng của chuyên viên pháp chế.

  • Tham mưu pháp lý cho chủ doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp, bộ phận  pháp chế có vai trò đảm bảo mọi hoạt động của doanh nghiệp có thể hoạt động đúng quy định của pháp luật, từ đó giảm thiểu mọi rủi ro pháp lý và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Là những nhà tư vấn trợ giúp cho các chủ doanh nghiệp trong việc áp dụng pháp luật một cách linh hoạt và đúng đắn vào từng hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả nhất.
  •  Xây dựng, giám sát thực hiện những quy chế nội bộ. Chuyên viên pháp chế là người xây dựng, tạo ra những quy chế nội bộ cho doanh nghiệp, chức năng này bao gồm việc trực tiếp soạn thảo xây dựng các văn bản, quy chế nội bộ và giám sát để đảm bảo tất cả nhân viên doanh nghiệp  thực hiện đúng các quy chế đó.
  • Là cầu nối giúp các hoạt động đối nội của doanh nghiệp vận hành tối hơn. Mỗi bộ phận có vai trò trách nhiệm riêng trong bộ máy doanh nghiệp. Chuyên viên pháp chế được ví như chất bôi trơn để cỗ máy doanh nhiệp vận hành thông suốt. Những vấn đề pháp lý về lao động, tiền lương, chế độ chính sách phúc lợi,  chính sach thuế, tài chính… là những vấn đề mà các bộ phận thường xuyên phải đối mặt và nhân viên pháp chế sẽ là người hỗ trợ, hướng dẫn các bộ phận xử lý các vấn đề của các bộ phận theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
  • Thực hiện các thủ tục pháp lý. Chuyên viên pháp chế doanh nghiệp giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ như: Tham gia đàm phán, thương thảo các hợp đồng quan trọng của doanh nghiệp với các đối tác trong kinh doanh, thẩm định các dự thảo thoả thuận, các hợp đồng hợp tác, các dự án đầu tư để đảm bảo không trái pháp luật, điều lệ hoặc có sơ hở, sai sót về mặt pháp luật có thể dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp.  Đồng thời chuyên viên pháp chế cũng có thể là người trực tiếp thực hiện tất cả các thủ tục hành chính pháp lý của doanh nghiệp khi cần theo sự ủy quyền của lãnh đạo doanh nghiệp.

Những kỹ năng cần có của một chuyên viên pháp chế

 Mặc dù, nghề chuyên viên pháp chế không đặt ra bất cứ yêu cầu hay tiêu chuẩn nào nhưng đặc thù của nghề chuyên viên pháp chế là phải tiếp xúc nhiều với pháp luật.  Vì thế, để trở thành một chuyên viên pháp chế đầu tiên đòi hỏi phải có kiến thức nền tảng về pháp luật.  Và muốn trở thành một chuyên viên pháp chế giỏi thì đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng hơn nữa.

  • Kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề. Là một chuyên viên pháp lý, họ phải sở hữu khả năng lập luận và phân tích thật sắc bén để đảm bảo các vấn đề pháp lý không có sơ hở. Họ nghiên cứu và đánh giá các yếu tố rủi ro liên quan đến các quyết định và hoạt động kinh doanh, kịp thời giúp  lãnh đạo công ty xử lý về nhiều vấn đề pháp lý khác nhau.
  • Kỹ năng giao tiếp, đàm phán và liên kết. Không chỉ làm việc với các tài liệu, điều lệ, luật pháp, chuyên viên pháp lý còn phải làm việc với rất nhiều đơn vị và cá nhân liên đới.  Do vậy kỹ năng giao tiếp, đàm phán với đối tác bên ngoài là điều vô cùng quan trọng trong việc thiết lập các mối quan hệ đối với đồng nghiệp, đối tác, khách hàng,…
  • Khả năng bảo mật thông tinNhư đã đề cập, các chuyên viên pháp lý sẽ đóng vai trò xây dựng, kiểm tra và quản lý hệ thống chính sách, điều lệ của doanh nghiệp.  Đồng thời là người trực tiếp soạn thảo văn bản pháp lý, các hợp đồng quan trọng của doanh nghiệp.  Vì phải chịu trách nhiệm cho các thông tin quan trọng của doanh nghiệp, nên chuyên viên pháp lý cần bảo mật tuyệt đối thông tin, tuyệt đối bảo mật không để lộ bất cứ tin tức nào cho phía bên ngoài nắm bắt.
  • Khả năng thích ứng, chịu áp lực cao. Công việc pháp lý buộc các chuyên viên pháp chế đứng mũi chịu sào, nên áp lực căng thẳng là điều khó tránh.  Họ phải luôn giữ một tinh thần thép để chịu những áp lực căng thẳng từ phía bên ngoài cũng như phía nội bộ.
  • Khả năng làm việc độc lập, nhiệt tình và nghiêm túc trong công việc. Với trách nhiệm nắm bắt các vấn đề luật pháp, chuyên viên pháp chế cần nắm bắt nhanh chóng các thông tin của công ty, cũng như tình hình luật pháp của thị trường ngành kinh tế nói chung.  Thậm chí đối với những doanh nghiệp lớn, họ phải tiếp xúc với các cơ quan pháp lý và đôi lúc cả truyền thông, công chúng. Để làm được điều này, họ luôn cần phải chủ động trong quá trình cập nhật thông tin và chủ động tìm hướng giải quyết.
  • Khả năng làm việc nhóm. Vấn đề pháp lý sẽ bao hàm rất nhiều những khía cạnh nhỏ khác nhau. Chính vì thế, bên cạnh khả năng làm việc độc lập thì các chuyên viên pháp lý cũng cần khả năng làm việc nhóm thật tốt để đảm bảo công việc riêng của mình sẽ phối hợp nhịp nhàng với công việc chung của cả đội.

Chuyên viên pháp chế là một trong những lựa chọn của nghề luật.  Nhiều luật sư cũng đã thành công ở vai trò chuyên viên pháp chế.  Trong tương lai, với nhu cầu của thị trường chắc chắn đây cũng sẽ là lựa chọn của nhiều bạn trẻ yêu thích lĩnh vực này.  Hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com