Có Hay Không Sự Chối Bỏ Trách Nhiệm Của Nhà Trường Trước Vấn Nạn Bạo Lực Học Đường?
Bạo lực học đường không lạ, vẫn luôn là vấn đề nóng gây lo lắng cho phụ huynh và bức xúc cho toàn xã hội. Vụ việc học sinh lớp 7 trường THCS ở Tuyên Quang ném dép, nhốt cô giáo trong lớp học lại một lần nữa khiến cả xã hội bức xúc. Bức xúc không chỉ vì đây là vấn nạn bạo lực xảy tại trường học. Mà hơn thế nữa, bức xúc vì đâu nên nỗi? Vì đâu sự việc lại đi quá xa: Học trò có hành động bạo lực cô giáo?
Tại họp báo Chính phủ chiều 6.12.2023, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Hoàng Minh Sơn rất trăn trở khi đánh giá đây là sự việc “rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận được!” và “Cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ việc, do giáo viên hay học sinh, hay thuộc trách nhiệm của nhà trường, để chấn chỉnh, xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm sâu sắc!”. Việc trăn trở của vị thứ trưởng Bộ giáo dục được thể hiện quyết liệt lần đầu tiên bằng quyết định đình chỉ công tác của hiệu trưởng trường THCS này khi để sự việc xảy ra.
Theo Bộ GD-ĐT, mỗi năm có 1.600-1.800 vụ bạo lực học đường xảy ra. Trung bình một ngày có 5 vụ học sinh đánh nhau. Mức độ của các vụ việc ngày càng nghiêm trọng. Bạo lực học đường đã không còn là những xích mích mâu thuẫn của của lứa tuổi học trò. Chúng ta phải nhìn nhận đúng hơn, quan tâm nhiều hơn khi bạo lực học đường xảy ra trong cả mối quan hệ Thầy – Trò. Bạo lực học đường không thể nói là “báo động” mà phải cần “hành động” để chấn chỉnh. Vì đâu nên nỗi? Trách nhiệm thuộc về ai khi để sự việc xảy ra? Những câu hỏi lại một lần nữa cần được đặt ra và phải tìm câu trả lời.
Có nhiều cách hiểu khác nhau về bạo lực học đường. Theo khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP thì bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp học độc lập.
Như vậy, bạo lực học đường được hiểu là những hành vi thô bạo, xúc phạm, bất chấp pháp luật gây ra tổn thương về thể xác và tinh thần cho học sinh sinh viên trong môi trường giáo dục. Cũng có thể hiểu bạo lực học đường là hành vi gây ảnh hưởng một cách tiêu cực đến một học sinh nào đó.
Bạo lực học đường bắt nguồn từ đâu?
Bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể từ phía gia đình, nhà trường và cộng đồng.
– Bản thân các em: Tâm lý lứa tuổi. Yếu tố tâm lý của tuổi dậy thì là điều đáng chú ý khi nói đến nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường. Trong giai đoạn này các em có rất nhiều biến đổi cả về thể chất lẫn tâm sinh lý. Nhận thức của các em còn hạn chế. chưa nhận thức hành vi bạo lực và mức độ nguy hại của hành vi này gây ra đối với các bạn khác . Trẻ chịu sự tác động, kích thích từ các đối tượng xấu, sẽ khiến trẻ học theo. Một số trẻ nhận thức được hành vi bạo lực là không tốt, tuy nhiên không thể kiểm soát được hành vi của mình. Trẻ từng bị lạm dụng, bạo lực, bỏ bê, chân thương tâm lý sẽ có nguy cơ bạo lực cao hơn. Một tâm lý khác là trẻ muốn khẳng định bản thân, muốn trở thành thủ lĩnh nhóm bắt nạt học sinh chung trường, chung lớp. Vì tâm lý trẻ cho rằng chỉ khi nào trở thành thủ lĩnh thì trẻ sẽ không bị người khác bắt nạt cũng như không ai làm tổn thương đến trẻ nữa.
– Gia đình: Gia đình là nền tảng giáo dục đầu tiên, tác động trực tiếp và hình thành nên tâm lý, cách cư xử của trẻ. Hành vi của các em ảnh hưởng rất lớn từ gia đình. Các em bị ảnh hưởng bởi hành vi bạo lực trong chính gia đình mình cũng là nguyên nhân khiến các em này có xu hướng bạo lực nhiều hơn những học sinh có môi trường giáo dục tại gia đình tốt. Môi trường gia đình không tốt, thiếu tình cảm gắn bó, sự giám sát của cha mẹ, xung đột trong gia đình được giải quyết bằng bạo lực, là những nguyên nhân tăng nguy cơ gây hấn, tạo cơ hội cho trẻ tham gia các băng nhóm và có hành vi chống đối xã hội, bạo hành bạn bè.
– Xã hội: Môi trường sống ảnh hướng rất lớn đến nhân cách của một đứa trẻ. Nếu như sống trong môi trường xã hội nhiều tiêu cực, nhiều hành vi phạm tội hay bạo lực xảy ra một cách rất phổ biến thì những đứa trẻ đó sẻ có xu hướng bạo lực và phạm tội nhiều hơn so với những đứa trẻ khác. Mặc khác, những tin tức tiêu cực có thể khiến trẻ cảm thấy lo sợ về sự an toàn của mình, điều này có thể khuyến khích các em sử dụng những biện pháp cực đoan để phòng vệ.
– Nhà trường: Không hẳn đổ lỗi cho nhà trường. Nhưng bạo lực học đường diễn ra thì một phần nguyên nhân lớn xuất phát từ chính môi trường đạo tạo của nhà trường. Nhiệm vụ chính của nhà trường là giảng dạy, cung cấp kiến thức, kỹ năng để giúp các em, dạy cho các em có thái độ sống tích cực, trở thành người tốt. Bởi thế mà khi nhà trường không có chương trình đào tạo phù hợp sẽ là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực. Giáo dục hiện mang tính hàn lâm, đặt nặng kiến thức mà quên chú trọng giáo dục nhân cách, văn hóa ứng xử cho các em. Đa phần nhà trường chưa đưa được chương trình thực tế và hoạt động có ích vào bài học, thieus tính kỷ luật và quy tắc trong văn hóa ứng xử. Bên cạnh đó việc nhà trường mãi chạy đua theo thành tích mà có những hành vi sai lệch, bao che cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo lực xảy ra một cách phổ biến.
Có hay không sự chối bỏ trách nhiệm của nhà trường trước vấn nạn bạo lực học đường?
Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường thì có nhiều, câu hỏi cần đặt ra sau những sự cố bạo lực trong trường học là làm thế nào để giải quyết vấn nạn này. Trách nhiệm thuộc về ai? Vẫn có thể thấy trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Nhưng để không có bạo lực học đường cần phải có trách nhiệm tiên quyết của nhà trường! Không hẳn đổ lỗi cho nhà trường, nhưng qua các vụ việc bạo lực học đường cũng nên nhìn lại trách nhiệm của nhà trường đã thật sự tốt chưa khi để vấn nạn này phát hiện ngày càng nhiều và không có dấu hiệu dừng lại.
Không quy trách nhiệm! Nhưng ai có thể thay thế nhà trường xử lý khi nhận thấy những mầm mống bạo lực học đường? Bạo lực học đường sẽ mãi là nỗi ám ảnh nếu nhà trường vẫn giải quyết qua loa, thờ ơ!
Nếu như nói rằng gia đình là phải quan tâm giáo dục, nâng cao ý thức, nhận thức của trẻ trong việc phòng chống bạo lực là hoàn toàn chính xác. Nhưng Nhà trường không chỉ là nơi học của học sinh. Có vẻ như hiện tại có rất nhiều nhà trường chỉ nghĩ rằng trường chỉ dạy chữ cho các con thôi chứ không có bất cứ trách nhiệm gì khác cả. Các vụ bạo lực học đường xảy ra trong và ngoài khuôn viên trường học nhưng xuất phát từ các đối tượng học sinh. Nhà trường là môi trường để các em phát triển. Vậy cái môi trường đó đã hoàn thiện, đã là cái khuôn phép tốt tạo ra những học sinh biết tuân thủ nội quy, tốt đẹp hay chưa? Vậy để xảy ra bạo lực học đường, rõ ràng trách nhiệm lớn phải là từ nhà trường. Nếu như nhà trường chỉ quan tâm đến chuyện nhồi chữ thì liệu có đúng? Những môn học giáo dục công dân, tâm lý học nhằm phát triển nhân cách, trang bị kiến thức, kỹ năng sống đã được giảng dạy nghiêm túc chưa hay chỉ là đối phó? Tất cả những vấn đề còn lại trong phát triển nhân cách của trẻ phải chăng không có bóng dáng nhà trường?
Và điều đáng nói khi sự việc học sinh ném dép giáo viên là vì sao để sự việc đến nông nỗi này? Trách nhiệm giáo viên như thế nào? Khả năng sư phạm, xử lý tình huống của giáo viên ra sao khi để dẫn đến sự việc hôm nay? Một sự việc dẫn đến đỉnh điểm phải trải qua quá trình hình thành, nhen nhúm từ nhưng mâu thuẫn nhỏ. Không thể không có trách nhiệm của cô giáo này. Một học sinh có hành động vô lễ với giáo viên thì có thể hiểu được. Có thể nghĩ đấy là hành động nông nỗi của một học sinh cá biệt. Nhưng clip đã cho thấy có hơn chục em học sinh cùng tấn công cô giáo, trong đó có cả các bạn nữ, thì phải đặt lại câu hỏi tại sao? Giáo viên như thế nào để khiến rất nhiều học sinh phải ứng như thế, dù hành động phản ứng của các em là không thể chấp nhận. Phải chăng khả năng sư phạm, tâm lý, khả năng xử lý tình huống của giáo viên hiện nay quá kém cỏi, không thể giải quyết mâu thuẫn nhỏ, để mâu thuẫn bùng phát thành hành động hôm nay? Và sau giáo viên còn có sự quản lý của Ban giám hiệu nhà trường khi không nhìn ra những mâu thuẫn âm ỉ? Và sau nữa, chung quy có hay không sự chối bỏ trách nhiệm của nhà trường khi không nhìn nhận từ thực tế chất lượng giáo viên, khả năng quản lý của nhà trường còn quá kém cỏi?
Vấn đề bạo lực học đường cần được quan tâm nhiều hơn nữa, nhất là từ những việc nhỏ như: giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức của các em học sinh bằng các môn học về đạo đức, kỹ năng sống. Tập trung khoanh vùng những đối tượng có biểu hiện tiêu cực, có nguy cơ trở thành hành vi bạo lực học đường để kịp thời ngăn chặn hành vi đáng tiếc. Bên cạnh đó Nhà trường cũng cần nhìn lại bằng những hành động kiên quyết hơn, phải nâng cao khả năng nhận thức, khả năng sư phạm, tâm lý của giáo viên và trách nhiệm quản lý của nhà trường. Có như thế trường học mới thật làm tròn vai trò giáo dục, chặn đứng bạo lực học đường. Trách nhiệm này nhà trường không thể chối bỏ!
Cùng tìm hiểu sâu hơn ở những bài viết tiếp theo. Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com.