Conflict of Interest là gì? Giải pháp xử lý như thế nào?
Conflict of Interest nghĩa là Xung đột lợi ích – là sự đối lập, mâu thuẫn, thậm chí là loại trừ lẫn nhau trong các mối quan hệ có liên quan đến lợi ích, thường xảy ra khi các bên không thể thương thảo, dung hòa được các lợi ích về vật chất.
Lợi ích vừa là nhu cầu, là mong muốn của mọi người trong xã hội. Lợi ích có thể là tiền bạc, vật chất, địa vị,… Việc theo đuổi lợi ích là điều bình thường của các chủ thể trong các mối quan hệ.
Trong xã hội hiện đại, nhiều chủ thể có thể có cùng chung lợi ích hay mong muốn có lợi ích giống nhau, nhưng không phải lúc nào cũng đạt được lợi ích như nhau. Vì thế, các chủ thể khi cùng tham gia vào một quan hệ, có cùng lợi ích sẽ thường phát sinh các xung đột.
Xung đột lợi ích là vấn đề con người phải luôn đối mặt từ khi hình thành xã hội. Xung đột lợi ích được thể hiện dưới rất nhiều hình thức và mức độ khác nhau.
Conflict of Interest (Xung đột lợi ích) là gì?
Theo giải thích từ ngữ tại Khoản 8 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Xung đột lợi ích xảy ra khi một cá nhân hoặc tổ chức trở nên không đáng tin cậy do xung đột giữa lợi ích cá nhân và nhiệm vụ hoặc trách nhiệm nghề nghiệp, làm nảy sinh nghi vấn liệu hành động, phán đoán hoặc việc ra quyết định của họ có công bằng hay không.
Hiểu cách đơn giản khác, xung đột lợi ích cơ bản chính là quá trình trong đó một bên nhận ra rằng quyền lợi của mình hoặc đối lập hoặc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi một bên khác.
Xung đột lợi ích và hành vi tham nhũng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Có thể nói xung đột lợi ích là một trong những nguyên nhân khởi nguồn của hành vi tham nhũng. Nếu xung đột lợi ích không được kiểm soát thì dễ dẫn đến hành vi tham nhũng.
Bản chất của xung đột lợi ích
Xung đột lợi ích tồn tại rất phổ biến trong đời sống xã hội, trên mọi lĩnh vực: kinh doanh, lao động, pháp lý… Bản chất của xung đột lợi ích là sự mất phương hướng và phá vỡ sự công bằng, xâm hại tới tính liêm chính, vô tư của người thực thi công vụ.
Nếu như xung đột lợi ích trong lĩnh vực luật làm tổn hại tới nguyên tắc trung thành trong quan hệ giữa một pháp nhân và người được giao quyền, thì trong lĩnh vực công vụ, xung đột lợi ích có thể làm tổn hại đến nguyên tắc đảm bảo tính vô tư trong hoạt động công vụ.
Hoạt động công vụ là hoạt động nhân danh quyền lực nhà nước, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tác động đến mọi chủ thể trong xã hội nhằm mục đích mang lại lợi ích chung cho xã hội.
Do vậy, tiêu chí đặt lên hàng đầu là sự công bằng, vô tư trong hoạt động này để bảo vệ và tôn trọng quyền của các chủ thể khác nhau trong xã hội. Cho nên, xung đột lợi ích xuất hiện sẽ khiến chủ thể thực thi công vụ có thể vì lợi ích của riêng mình mà bỏ qua những nguyên tắc chung, xâm hại đến tính vì lợi ích chung của hoạt động công vụ.
Các hành vi xung đột lợi ích thường gặp
Xung đột lợi ích tồn tại trong các mối quan hệ có tính thứ bậc, tính hợp tác, tính tương đương, trong mọi lĩnh vực công lẫn lĩnh vực tư. Xung đột lợi ích là tình huống chứ không phải là hành vi, cho nên không phải mọi tình huống xung đột lợi ích đều dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, đa số các tình huống xung đột lợi ích có thể dẫn đến hành vi phạm pháp luật tuỳ thuộc vào cách hành xử của người thực thi công vụ. Nếu cán bộ, công chức, viên chức ở tình huống xung đột lợi ích lựa chọn hành động vì lợi ích cá nhân của mình và làm tổn hại tới lợi ích chung thì xung đột lợi ích sẽ chuyển từ tình huống sang hành vi tham nhũng, có xu hướng lạm quyền, đánh mất sự liêm chính.
Có thể dễ dàng bắt gặp các hành vi xung đột lợi ích trên mọi lĩnh vực, với nhiều nhiều hình thức, thông thường là:
- Vụ lợi
Là loại xung đột lợi ích phổ biến nhất trong giới kinh doanh. Vụ lợi trong kinh doanh sẽ xảy ra khi một chuyên gia cấp quản lý chấp nhận giao dịch từ một tổ chức khác có lợi cho chính mình và gây tổn hại cho công ty hoặc các khách hàng của công ty.
- Nhận quà tặng
Hình thức xung đột lợi ích xảy ra khi người quản lý hoặc nhân viên nhận một món quà từ khách hàng hoặc một bên tương tự và đưa ra các quyết định có lợi cho người tặng.
Các công ty thường giải quyết vấn đề này bằng cách cấm việc nhận quà của khách hàng cho nhân viên riêng lẻ.
- Thiên vị
Thiên vị trong quyết định hoặc hành động là một hình thức xung đột lợi ích phổ biến mà nhiều tổ chức và cá nhân thường không nhận biết.
Khi một người ưu ái hoặc đối xử khác biệt dựa trên mối quan hệ cá nhân, tình bạn, hay bất kỳ yếu tố không liên quan nào khác, họ không chỉ làm mất đi sự công bằng và tính chuyên nghiệp trong môi trường làm việc mà còn giảm chất lượng và hiệu suất công việc.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển và thành công của tổ chức, mà còn tạo ra một môi trường làm việc không khích lệ cho những người không được hưởng lợi từ sự thiên vị.
- Dùng thông tin bí mật của công ty cho lợi ích cá nhân
Đây là một xung đột lợi ích lớn và được cho là giống như giao dịch nội gián.
Ví dụ về hành vi xung đột lợi ích phổ biến
Xung đột lợi ích trong kinh doanh
Thông thường, xung đột lợi ích trong kinh doanh đề cập đến tình huống trong đó lợi ích riêng của một cá nhân xung đột với lợi ích chính đáng của chủ doanh nghiệp mà các chủ thể làm việc hoặc công ty mà các chủ thể đó nhận được đầu tư.
Trong các công ty cổ phần, các xung đột lợi ích thường xoay quanh mâu thuẫn về quyền lợi, lợi ích giữa nhà quản lý công ty và cổ đông. Người quản lý công ty là người đại diện cho chủ sở hữu, và khi lợi ích của người đại diện được đặt lên trên, lợi ích thực sự của công ty sẽ bị đe dọa.
Xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ
Tình huống xung đột lợi ích xảy ra trong công vụ xuất hiện sẽ khiến chủ thể thực thi công vụ có thể vì lợi ích của riêng mình mà bỏ qua những nguyên tắc chung.
Và chính vì thế, quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể khác sẽ không được bảo vệ, cũng như có thể xâm hại đến tính vì lợi ích chung của hoạt động công vụ, phá vỡ sự liêm chính, công bằng, vô tư của người thực thi công vụ. Xung đột lợi ích trong thực thi công vụ thường là nguyên nhân dẫn đến phát sinh tham nhũng.
Xung đột lợi ích theo quy định của pháp luật Việt Nam
Để cụ thể hóa các quy định và biện pháp thi hành luật phòng chống tham nhũng, tại Điều 29 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP có hướng dẫn các trường hợp xung đột lợi ích cụ thể.
Người có chức vụ, quyền hạn được xác định là có xung đột lợi ích khi có dấu hiệu rõ ràng cho rằng người đó thuộc hoặc sẽ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
- Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác.
- Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết.
- Sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác.
- Bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu.
- Góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
- Ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột hoặc để doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình khi được giao thực hiện các giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
- Có vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người có quyền, lợi ích trực tiếp liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình.
- Can thiệp hoặc tác động không đúng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền vì vụ lợi.
Như vậy, Điều 29 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP đã giúp cho người thi hành công vụ, nhiệm vụ xác định rõ các trường hợp phát sinh xung đột lợi ích để không vi phạm.
Tuy nhiên, với nền kinh tế thị trường phát triển như hiện nay và với sự đa dạng hóa các thành phần kinh tế thì việc xác định người có chức vụ, quyền hạn có xung đột lợi ích khi có dấu hiệu rõ ràng cho rằng người đó thuộc hoặc sẽ thuộc một trong 09 trường hợp xung đột lợi ích trên không phải là điều đơn giản.
Giải pháp xử lý xung đột lợi ích trong doanh nghiệp
Xung đột lợi ích sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các mặt của doanh nghiệp, từ kết quả kinh doanh, đến văn hoá, truyền thông,… là rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Vì thế, một khi có xung đột lợi ích, bằng mọi cách doanh nghiệp buộc phải tìm giải pháp xử lý, đưa doanh nghiệp đi đúng hướng, không để lợi ích cá nhân làm tổn hại đến sự phát triển chung của tập thể.
Một vài giải pháp cơ bản giúp đối phó với vấn đề xung đột lợi ích có thể kể đến:
Xác định cột nguồn của mầm mống xung đột
Tìm hiểu và ngăn chặn cũng như quy định chế tài xử phạt nếu có xung đột phát sinh. Phòng tránh và hạn chế các hành vi có khả năng gây ra xung đột. Công tác phòng bệnh hơn chữa bệnh được ví là giải pháp này.
Chính sách phúc lợi rõ ràng
Một chính sách phúc lợi rõ ràng sẽ là động lực giúp nhân viên tránh xa và hạn chế tiêu cực trong những hoàn cảnh thay đổi. Những lợi ích thiết thực và chính đáng mà doanh nghiệp mang lại cho nhân viên sẽ giúp nhân viên cân nhắc và so sánh khi thực hiện hành vi tiêu cực.
Bảo mật thông tin về xung đột lợi ích
Xung đột lợi ích là một vấn đề tuy nghiêm trọng, nhưng khá nhạy cảm và thường không được công khai để đảm bảo danh tiếng và uy tín của các bên liên quan.
Để tránh những tổn thất không đáng có, công ty nên có một kênh ẩn danh để có thể bắt kịp với những xung đột lợi ích diễn ra từ những kẽ hở nhỏ nhất trong doanh nghiệp của mình, vừa giải quyết được những tổn thất do xung đột gây ra, vừa đảm bảo uy tín của công ty.
Giúp nhân viên hiểu về xung đột lợi ích
Những kiến thức liên quan đến xung đột lợi ích như: hậu quả, ảnh hưởng, các biện pháp đối phó với xung đột lợi ích… cần được trang bị cho nhân viên qua các buổi training hay hội thảo giúp nhân viên công ty ý thức hơn về hậu quả nếu cá nhân để xảy ra xung đột lợi ích.
Thông qua các buổi học và hội thảo, công ty cũng sẽ sớm phát hiện những mầm mống xung đột lợi ích và có giải pháp thay thế để bảo vệ doanh nghiệp.
Hạn chế các vị trí nhân sự là gia đình hoặc bạn bè thân thiết
Trong môi trường làm việc, việc gia đình hoặc bạn bè thân thiết giữ các vị trí nhân sự quan trọng có thể tạo ra một môi trường mơ hồ và không chuyên nghiệp. Xung đột lợi ích không chỉ gây ảnh hưởng đến quyết định và hành động trong công việc mà còn ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của tổ chức.
Xung đột lợi ích là một vấn đề nghiêm trọng và khá nhạy cảm. Xung đột xảy ra sẽ làm xói mòn lòng tin của công chúng và nội bộ, gây tổn hại đến danh tiếng của tổ chức, tổn hại về tài chính của doanh nghiệp và thậm chí vi phạm pháp luật trong một số trường hợp.
Cùng hiểu hiểu ở những bài viết tiếp theo. Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com