Covid-19 có phải là ‘Sự kiện Bất khả kháng’ trong Hợp đồng Thương mại?
Dịch Covid-19 đã gây ra những thiệt hại cho hoạt động kinh doanh thương mại nội địa và quốc tế. Việc cơ quan chức năng hạn chế nhập cảnh, hạn chế đi lại; tạm dừng các hoạt động xã hội, tụ tập đông người; tạm dừng khai thác lợi ích kinh tế ở một số lĩnh vực để kiểm soát dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng là nguyên nhân khiến cho hoạt động kinh doanh thương mại bị trì trệ, giảm sút.
Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp đang lo ngại thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra, đặc biệt là trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng thương mại (không có nguyên liệu sản xuất, người lao động nước ngoài không thể nhập cảnh để làm việc, tạm ngừng sản xuất kinh doanh trong thời gian có dịch, v.v.). Bài viết này bình luận về chế định ‘Sự kiện Bất khả kháng’ và các chế định liên quan, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp cách thức bảo vệ hoạt động kinh doanh của mình trong trường hợp xảy ra những sự kiện làm thay đổi hoàn cảnh.
Sự kiện Bất khả kháng là gì?
Điều 156.1, Bộ luật Dân sự năm 2015 định nghĩa ‘sự kiện bất khả kháng’ là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Mặc dù quy định này thuộc các quy định liên quan đến thời hiệu, định nghĩa này vẫn được áp dụng rộng rãi trong các quan hệ pháp luật dân sự và thương mại.
Theo định nghĩa trên, một sự kiện được xem sự kiện bất khả kháng nếu hội tụ đủ 03 yếu tố: (i) khách quan, (ii) không thể lường trước, và (iii) không thể khắc phục. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 không quy định tiêu chí xác định cụ thể cho từng yếu tố, việc đánh giá một sự kiện có hội tụ các yếu tố của một sự kiện bất khả kháng hay không phụ thuộc vào quan điểm của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp (Tòa án hoặc Trọng tài Thương mại) khi có tranh chấp xảy ra.
Một số văn bản pháp luật trong một số lĩnh vực có quy định ví dụ các trường hợp cụ thể được xem sự kiện bất khả kháng gồm: (i) các sự kiện tự nhiên (như động đất, bão, lũ, lụt, sóng thần, hỏa hoạn, địch họa, 1…) và (ii) các sự kiện do con người tạo nên (như bạo động, nổi loạn, chiến sự, chống đối, phá hoại, cấm vận, bao vây, phong tỏa, bất cứ hành động chiến tranh nào hoặc hành động thù địch cộng đồng cho dù chiến tranh có được tuyên bố hay không 2…).
Hậu quả của sự kiện bất khả kháng chính là làm cho bên bị ảnh hưởng không thể thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Điều 351.2, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
Phân biệt ‘Sự kiện Bất khả kháng’, ‘Trở ngại Khách quan’ và ‘Hoàn cảnh Thay đổi Cơ bản’
Trở ngại khách quan
‘Trở ngại khách quan’ là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình 3. Trở ngại khách quan giống sự kiện bất khả kháng ở yếu tố ‘khách quan’ nhưng không cần phải thỏa hai yếu tố còn lại (không thể lường trước, không thể khắc phục).
Trở ngại khách quan có hậu quả phát sinh rộng hơn sự kiện bất khả kháng, không chỉ làm cho bên bị ảnh hưởng không thể thực hiện nghĩa vụ mà còn có thể áp dụng cho trường hợp bên bị ảnh hưởng không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Hoàn cảnh thay đổi cơ bản
‘Hoàn cảnh thay đổi cơ bản’ khi có đủ 05 điều kiện sau đây 4:
- Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
- Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
- Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
- Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên; và
- Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.
Như vậy, ‘hoàn cảnh thay đổi cơ bản’ cũng là sự kiện mang tính khách quan, không thể lường trước, và không thể khắc phục. Điểm khác biệt của hoàn cảnh thay đổi cơ bản so với sự kiện bất khả kháng thể hiện ở ba yếu tố: (i) yếu tố ‘không thể lường trước được’ có phạm vi áp dụng rộng hơn, không bị giới hạn ở sự kiện bất ngờ, mà bao gồm bất kỳ sự kiện nào xảy ra không được các bên dự liệu tại thời điểm giao kết hợp đồng, (ii) hoàn cảnh thay đổi phải lớn đến mức tác động đến cơ sở nền tảng giao kết hợp đồng của các bên và (iii) việc tiếp tục thực hiện hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên.
Hoàn cảnh thay đổi cơ bản không phải là cơ sở để được hoãn thực hiện nghĩa vụ hoặc miễn trừ trách nhiệm của bên bị ảnh hưởng. Mặc dù hoàn cảnh thay đổi làm cho bên bị ảnh hưởng nếu tiếp tục thực hiện nghĩa vụ sẽ chịu thiệt hại nghiêm trọng, nhưng hoàn cảnh thay đổi không khiến cho bên bị ảnh hưởng không thể thực hiện hợp đồng (bên bị ảnh hưởng vẫn có thể thực hiện hợp đồng, nhưng chịu thiệt hại nếu nội dung hợp đồng không được sửa đổi). Khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên bị ảnh hưởng chỉ được quyền (i) yêu cầu bên còn lại đàm phán lại hợp đồng hoặc (ii) yêu cầu Tòa án sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, bên nhận được đề nghị đàm phán lại hợp đồng không có nghĩa vụ phải đàm phán hoặc phải chấp nhận bất kỳ đề nghị nào từ bên bị ảnh hưởng.
Dịch Covid-19 có phải là ‘Sự kiện Bất khả kháng’ trong Hợp đồng Thương mại?
Covid-19 đã được công bố là ‘dịch bệnh’ tại Việt Nam 5. Luật Thương mại 2005 6 không có định nghĩa về sự kiện bất khả kháng, cũng như không có quy định ‘dịch bệnh’ là cơ sở cho phép một bên hoãn thực hiện nghĩa vụ hoặc được miễn trừ trách nhiệm.
Nếu hợp đồng ghi nhận thỏa thuận ‘dịch bệnh’ là sự kiện bất khả kháng
- Hai bên có nghĩa vụ tuân thủ thỏa thuận trong hợp đồng và các quy định của Luật Thương mại 2005 về miễn trừ trách nhiệm đối với sự kiện bất khả kháng (kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng); và
- Theo kinh nghiệm của chúng tôi, nếu có tranh chấp xảy ra, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thường ưu tiên áp dụng thỏa thuận của các bên trong hợp đồng để công nhận miễn trừ trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng.
Nếu hợp đồng không có thỏa thuận ‘dịch bệnh’ là sự kiện bất khả kháng
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp viện dẫn định nghĩa sự kiện bất khả kháng quy định tại Điều 156.1 Bộ luật Dân sự năm 2015 để xem xét 03 yếu tố: (i) khách quan, (ii) không thể lường trước và (iii) không thể khắc phục.
Tùy từng trường hợp mà dịch Covid-19 có được xem là ‘sự kiện bất khả kháng’ hay không. Lý do là:
- Yếu tố thứ (ii) ‘không thể lường trước’ có thể không còn vì dịch Covid-19 đã xảy ra từ đầu năm 2020 và kéo dài gần hai năm; và
- Yếu tố thứ (iii) ‘không thể khắc phục được’ cần phải xem xét từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể tùy thuộc vào các hành động và biện pháp khắc phục mà một bên đã thực hiện.
Ví dụ 1: Tranh chấp yêu cầu miễn trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng về thời gian cung cấp dịch vụ du lịch trong mùa dịch Covid-19.
Hợp đồng đã ký trước khi xuất hiện dịch bệnh nhưng đến thời điểm khởi hành tour thì công ty du lịch không thể tiến hành do cơ quan chức năng yêu cầu tạm dừng khai thác khách du lịch và lệnh hạn chế nhập cảnh của quốc gia X.
Trường hợp này được xem là ‘sự kiện bất khả kháng’ do ‘không thể khắc phục được’.
Ví dụ 2: Tranh chấp yêu cầu miễn trừ trách nhiệm bồi thường hợp đồng mua bán hàng hóa do khan hiếm nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, dẫn đến không đảm bảo số lượng và thời gian giao hàng.
Do dịch bệnh, nơi có nguyên liệu đầu vào không thể cung ứng cho Công ty A theo kế hoạch thì Công ty A phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu khác thay thế để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng (bán hàng hóa) cho Công ty B, dù chi phí cao hơn dự kiến ban đầu.
Trường hợp này không được xem là ‘sự kiện bất khả kháng’ vì ‘có thể khắc phục được’.
Dịch Covid-19 có phải là ‘Trở ngại Khách quan’ hoặc làm ‘Hoàn cảnh Thay đổi Cơ bản’?
Chưa có cơ sở nào rõ ràng để kết luận rằng dịch Covid-19 là trở ngại khách quan hoặc làm hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Nếu các bên muốn áp dụng chế định về ‘trở ngại khách quan’ hoặc ‘hoàn cảnh thay đổi cơ bản’ thì phải chứng minh thỏa mãn các yếu tố đặc trưng của từng chế định. Cần lưu ý rằng, nếu áp dụng chế định về ‘hoàn cảnh thay đổi cơ bản’, thì thời điểm giao kết hợp đồng là yếu tố then chốt. Nếu hợp đồng được ký kết sau thời điểm xuất hiện dịch Covid-19 thì sẽ khó lý giải rằng các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh gây ra bởi dịch Covid-19.
Kinh nghiệm Đề phòng Rủi ro khi Giao kết Hợp đồng
Khi soạn thảo và giao kết hợp đồng thương mại, cần lưu ý xây dựng điều khoản ‘sự kiện bất khả kháng’ gồm những trường hợp nào (dịch bệnh, thiên tại, hỏa hoạn, chiến tranh, v.v.), hệ quả cụ thể đi kèm và nghĩa vụ thông báo khi xảy ra sự kiện bất khả kháng để giảm thiểu thiệt hại phát sinh.
Thông thường, khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, hệ quả của nó sẽ là miễn trừ trách nhiệm đối với bên có nghĩa vụ (bên có nghĩa vụ không phải bồi thường). Tuy nhiên, các bên vẫn có thể thỏa thuận hệ quả ngược lại, cụ thể là bên có nghĩa vụ vẫn phải bồi thường, tùy vào nhu cầu cụ thể của các bên khi tham gia hợp đồng.
Bài viết này bao gồm các kiến thức pháp luật và các thuật ngữ chuyên môn, độc giả quan tâm đến các quy định của hợp đồng thương mại hoặc trường hợp bất khả kháng theo Luật Thương mại Việt Nam, vui lòng liên hệ với Luật sư tranh tụng và xét xử thương mại của chúng tôi tại info@letranlaw.com.
- Nghị định 37/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.
- Thông tư 02/2019/TT-BCT (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió.
- Điều 156.1 Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Điều 420.1 Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020.
- Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005, sửa đổi bổ sung năm 2017 và 2019.