Cung Cấp Chứng Cứ Mới Trong Quá Trình Giải Quyết Tranh Chấp
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, vấn đề mà bất kỳ đương sự nào cũng quan tâm đó là liệu phía đối thủ còn chứng cứ nào chưa cung cấp cho Tòa án hay không và liệu rằng có bất kỳ thời hạn nào cho việc giao nộp tài liệu, chứng cứ hay không?
Quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự về thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ
Căn cứ theo Điều 96, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ sẽ do thẩm phán ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm. Sau thời gian này, tức sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, đương sự chỉ được nộp các chứng cứ sau:
- Tài liệu, chứng cứ mà thẩm phán phụ trách giải quyết vụ việc đã yêu cầu trước đó nhưng đương sự không cung cấp được vì lý do chính đáng; hoặc
- Tài liệu, chứng cứ mà trước đó thẩm phán phụ trách giải quyết vụ việc không yêu cầu cung cấp hoặc đương sự không thể biết được.
Theo đó với quy định tương tự, đương sự sẽ vẫn tiếp tục được nộp các tài liệu, chứng cứ thỏa mãn các điều kiện kể trên ở giai đoạn phúc thẩm 1 và giám đốc thẩm 2.
Như vậy, có thể thấy rằng việc giao nộp chứng cứ mới theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 đã có giới hạn về thời gian và không phải bất kỳ chứng cứ mới nào được giao nộp cho tòa án cũng được chấp nhận.
Thực tế áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự về giao nộp chứng cứ
Mặc dù quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 đã tạo ra rào cản nhất định cho đương sự trong việc giao nộp chứng cứ, theo đó góp phần bắt buộc đương sự phải giao nộp chứng cứ đầy đủ và đúng hạn, làm căn cứ giải quyết vụ việc tranh chấp, nhưng rào cản này lại không thực sự có hiệu quả trên thực tế. Bởi lẽ thế nào là lý do chính đáng lại không được Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định và việc này sẽ còn tùy thuộc vào quan điểm chủ quan của thẩm phán giải quyết cũng như liệu rằng thẩm phán có thể dự liệu hết được khía cạnh khánh quan của vụ việc để yêu cầu đương sự cung cấp đầy đủ, chính xác từng tài liệu khi mà đương sự cố tình che giấu sự thật của vụ việc hay không.
Hơn thế nữa, Bộ luật Tố tụng Dân sự lại không có bất kỳ quy định rõ ràng cũng như chế tài nào cho vấn đề này. Trên thực tế có rất nhiều Tòa án vẫn tiếp nhận tài liệu, chứng cứ do đương sự giao nộp không đúng thời hạn quy định và sử dụng những tài liệu này để làm căn cứ giải quyết vụ án (mặc dù trước đó đã có yêu cầu cung cấp, giao nộp).
Theo các bản án số 03/2019/KDTM-PT, 3 ngày 11/01/2019 của Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội (“Bản án 03”) và bản án số 04/2019/KDTM-PT, 4 ngày 17/7/2019 của Tòa án Nhân dân Tỉnh Hà Nam (“(“Bản án 04”), trong quá trình giải quyết phúc thẩm vụ việc tranh chấp, các đương sự đã cung cấp thêm các chứng cứ mới. Tuy nhiên, trong cả hai bản án, không có bất kỳ tòa án nào xem xét liệu chứng cứ này có được cung cấp đúng quy định hay không, tức trước đó tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu đương sự cung cấp hay chưa và nếu đã yêu cầu thì các đương sự có lý do chính đáng nào cho việc không cung cấp được hay không.
Cụ thể nội dung của các bản án nêu trên như sau:
Bản án 03 giải quyết tranh chấp giữa (i) nguyên đơn – Công ty Cổ phần L và (ii) bị đơn – Công ty TNHH V liên quan đến số tiền 2.000.000.000 Đồng mà Công ty TNHH V vay của Công ty Cổ phần L. Bị đơn – Công ty TNHH V không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và đưa ra lập luận cho rằng ngày 20/5/2013 giữa hai bên đã ký Hợp đồng số 24/HĐKT với số tiền tạm ứng ngay sau khi ký hợp đồng là 3.000.000.000 Đồng, sau đó ngày 21/5/2013 các bên đã ký biên bản xác nhận công nợ tạm ứng hợp đồng, đồng ý chuyển số tiền vay 2.000.000.000 đồng thành tiền tạm ứng của Hợp đồng sồ 24/HĐKT. Không đồng ý với quan điểm này, nguyên đơn xác định mặc dù đã ký biên bản xác nhận công nợ nhưng Công ty TNHH V đã không thực hiện hợp đồng nên Công ty TNHH V vẫn có nghĩa vụ hoàn trả khoản vay cho nguyên đơn. Trong quá trình giải quyết sơ thẩm, bị đơn – Công ty TNHH V được triệu tập 02 lần nhưng không có mặt mà không có lý do chính đáng, theo đó tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào hồ sơ, tài liệu hiện có để giải quyết buộc Công ty TNHH V phải hoàn trả số tiền vay 2.000.000.000 Đồng và tiền lãi phát sinh cho Công ty Cổ phần L.
Tuy nhiên, sau đó Công ty TNHH V tiến hành kháng cáo và cung cấp cho tòa án cấp phúc thẩm các tài liệu chứng cứ chứng minh các công việc liên quan đến Hợp đồng số 24/HĐKT đã được thực hiện, đồng nghĩa với việc số tiền vay 2.000.000.000 Đồng trên thực tế đã được sử dụng để chuyển thành tiền tạm ứng cho Hợp đồng số 24/HĐKT và Công ty TNHH V không có nghĩa vụ phải hoàn trả cho Công ty Cổ phần L. Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ này, tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định sửa bản án sơ thẩm, theo đó bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần L.
Với nội dung vụ việc ở trên, ở khía cạnh khách quan có thể thấy rằng các chứng cứ mà Công ty TNHH V cung cấp tại giai đoạn phúc thẩm hoàn toàn có thể cung cấp được ở giai đoạn sơ thẩm để làm căn cứ giải quyết vụ án và với nội dung trình bày của các bên, có khả năng tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu Công ty TNHH V cung cấp tài liệu chứng minh Hợp đồng số 24/HĐKT đã được thực hiện. Tuy nhiên, khi giải quyết phúc thẩm vụ việc với những chứng cứ mới do Công ty TNHH V cung cấp, tòa án cấp phúc thẩm hoàn toàn không xem xét, phân tích tính hợp pháp của những tài liệu, chứng cứ này mà nội dung của bản án đã đi thẳng vào việc sử dụng tài liệu, chứng cứ cho việc giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng trong giai đoạn sơ thẩm, bị đơn – Công ty TNHH V đã được triệu tập hợp lệ 02 lần nhưng vẫn vắng mặt mà không có lý do chính đáng thì liệu rằng Công ty TNHH V có lý do chính đáng nào cho việc không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh Hợp đồng sồ 24/HĐKT đã được thực hiện khi giả sử rằng tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu Công ty TNHH V cung cấp những tài liệu này.
Bản án 04 giải quyết tranh chấp giữa (i) nguyên đơn – Công ty TNHH Nhựa đường P và (ii) bị đơn – Tổng Công ty Xây dựng Công trình GT 1 liên quan đến các khoản thanh toán còn thiếu theo các hợp đồng mua bán nhựa đường. Trong đó giữa nguyên đơn và bị đơn có tranh chấp với nhau về số tiền 1.829.688.300 Đồng là được thanh toán cho hợp đồng nào, tức thuộc các hợp đồng đang được khởi kiện hay các hợp đồng sau khi khởi kiện. Theo đó, nguyên đơn cho rằng đây là khoản thanh toán cho các hợp đồng sau khi khởi kiện, còn phía bị đơn cho rằng đây là khoản thanh toán cho các hợp đồng trước khi khởi kiện và cần phải trừ vào số tiền mà nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán.
Tại cấp sơ thẩm, tòa án tuyên xử xác định số tiền 1.829.688.300 Đồng được thanh toán cho các hợp đồng trước khi nguyên đơn khởi kiện và do đó sẽ được tính trừ vào khoản tiền mà bị đơn còn thiếu nguyên đơn trong vụ kiện này trên cơ sở lập luận rằng “Do xét thấy nguyên đơn không xuất trình được các tài liệu chứng cứ về việc hai bên có tiếp các hợp đồng mua bán hàng hóa kể từ sau ngày 01/12/2017, nên Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận quan điểm của bị đơn về việc đối trừ số tiền 1.829.688.300 Đồng mà bị đơn chuyển khoản cho nguyên đơn vào ngày 07/12/2017 vào các khoản nợ cũ đang tranh chấp (thuộc các hợp đồng đang khởi kiện) nên Tòa án chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn”.
Tuy nhiên tại cấp phúc thẩm, nguyên đơn giao nộp các tài liệu chứng minh số tiền 1.829.688.300 Đồng được thanh toán cho các giao dịch sau khi nguyên đơn khởi kiện, cụ thể bao gồm Công văn số 1173 ngày 12/12/2017 do bị đơn gửi cho nguyên đơn và các chứng cứ khác có liên quan. Trong đó, nội dung của Công văn số 1173 ngày 12/12/2017 ghi rõ bị đơn – Tổng Công ty Xây dựng Công ty GT 1 xác nhận số tiền 1.829.688.300 Đồng được thanh toán cho các đơn đặt hàng kể từ ngày 01/12/2017, tức cho các giao dịch sau khi nguyên đơn khởi kiện. Trên cơ sở chứng cứ này, tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (tức không cấn trừ số tiền 1.829.688.300 Đồng vào số tiền mà nguyên đơn khởi kiện).
Nội dung của bản án này thể hiện rõ ràng rằng tòa án cấp sơ thẩm đã có xem xét đến các tài liệu, chứng cứ thể hiện giữa nguyên đơn và bị đơn còn các giao dịch khác sau khi nguyên đơn tiến hành khởi kiện, và vì nguyên đơn không xuất trình được tài liệu này nên tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên xử theo hướng có lợi cho bị đơn. Tuy nhiên, khi giải quyết phúc thẩm vụ việc, tòa án cấp phúc thẩm đã không tiến hành xem xét yếu tố này để quyết định có chấp nhận hay không các chứng cứ mà nguyên đơn cung cấp mà theo đó, bản án phúc thẩm đã mặc nhiên dựa vào những tài liệu mới để tiến hành giải quyết vụ án.
Ý kiến của LeTran
Xét thấy Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 đã có bước tiến quan trọng hơn so với Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 trong việc quy định rõ thời hạn cung cấp, giao nộp chứng cứ. Trên thực tế, dường như tòa án các cấp vẫn còn “quen” với trình tự, thủ tục trước đây cũng như lo ngại rằng bản án, quyết định có thể bị hủy hoặc sửa do không phù hợp với sự thật khách quan của vụ án; và do đó hầu như quy định liên quan đến vấn đề này của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 không được áp dụng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bên cạnh việc tôn trọng sự thật khách quan của vụ án, tòa án các cấp nói chung và thẩm phán giải quyết vụ việc nói riêng cũng cần đưa ra bài học răn đe cho các đương sự, theo đó đảm bảo rằng các đương sự sẽ phải tôn trọng “luật chơi” mà Bộ luật Tố tụng Dân sự đã đưa ra để đảm bảo không cố tình kéo dài thời gian giải quyết vụ án cũng như không tạo ra công việc không cần thiết cho tòa án các cấp.
- Điều 287, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
- Điều 330, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
- Vui lòng xem nội dung chi tiết của bản án số 03/2019/KDTM-PT ngày 11/01/2019 của Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội tại ĐÂY.
- Vui lòng xem nội dung chi tiết của bản án số 04/2019/KDTM-PT ngày 17/7/2019 của Tòa án Nhân dân Tỉnh Hà Nam tại ĐÂY.