Đạo đức nghề Luật sư tại Việt Nam

Stephen Le

Luật sư là nghề cung cấp dịch vụ pháp lý mà ngoài năng lực, uy tín chính là thước đo về giá trị. Do đó, ngoài quy định pháp luật, Luật sư còn phải tuân theo khuôn khổ chuẩn mực đạo đức trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng để xứng đáng được xã hội công nhận và tôn vinh. Đây chính là lý do mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có một hệ thống quy tắc riêng điều chỉnh về đạo đức và ứng xử hành nghề của Luật sư, buộc Luật sư phải tuân theo.

Ở Việt Nam, bộ Quy tắc này đã được Hội đồng Luật sư toàn quốc Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành thông qua Quyết định 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20/7/2011. Theo đó, Luật sư buộc phải tuân thủ tuyệt đối những quy tắc ứng xử trong mối quan hệ với đồng nghiệp, với khách hàng, với cơ quan nhà nước và một số ứng xử cụ thể khác. Mặc dù vậy, trên thực tế, không ít trường hợp Luật sư vẫn cố tình vi phạm những quy tắc này, trong đó bao gồm những hành vi đáng chú ý sau:

Sử dụng tiểu xảo, chiêu trò

Luật sư là những người am hiểu pháp luật. Tuy nhiên, việc vận dụng kiến thức pháp luật để thực hiện sứ mệnh cao quý chính là “kỹ năng”, mà lạm dụng kiến thức pháp luật để chạy theo lợi ích vật chất trở thành “tiểu xảo, chiêu trò” trong giới Luật sư.

Nói về công tác quản lý nhà nước về Luật sư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Lê Thành Long từng giải trình với Thủ tướng Chính phủ 1 như sau: “Ở ta, có một số ít Luật sư vi phạm pháp luật đã đành, còn đương nhiên bỏ qua các quy tắc đạo đức – điều rất thiêng liêng của hành nghề”. Ông Long cũng cho biết ở các nước, quy định của pháp luật về Luật sư chỉ là một phần, việc tuân thủ quy tắc đạo đức hành nghề của Luật sư còn cao hơn cả luật.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Quy tắc Đạo đức và Ứng xử Nghề nghiệp trở thành khuôn mẫu để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của Luật sư. Để trở thành Luật sư, bắt buộc phải trải qua khóa đào tạo về Quy tắc Đạo đức và Ứng xử Nghề nghiệp Luật sư. Thực tế, đại đa số Luật sư đều hoạt động tích cực, tuân thủ Quy tắc Đạo đức hành nghề và có những đóng góp to lớn cho ngành Tư pháp nước nhà. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một bộ phận Luật sư chỉ chăm chút cho lợi ích cá nhân, luồng lách các quy phạm về đạo đức để thu lợi nhuận mà không bị xử lý trách nhiệm.

Dưới đây là những tiểu xảo, chiêu trò mà Luật sư sử dụng phổ biến:

  • Hứa hẹn kết quả tốt đẹp với khách hàng để nhận được hợp đồng dịch vụ với thù lao cao; xúi giục, kích động khách hàng kiện tụng dù biết rõ không có cơ sở pháp lý;
  • Dù biết rõ người thân thích của mình đang cung cấp dịch vụ pháp lý cho người có lợi ích đối lập với khách hàng của mình nhưng vẫn cố tình xem như không biết để nhận vụ việc từ khách hàng. Khi bị phát hiện thì Luật sư giãi bày là không biết, ngoài tầm kiểm soát;
  • Cố tình tạo ra các tình huống xấu, những thông tin sai sự thật, bất lợi cho khách hàng để lôi kéo, đe dọa, tạo áp lực nhằm tăng mức thù lao đã thỏa thuận hoặc mưu cầu lợi ích bất chính khác từ khách hàng;
  • Thông tin trực tiếp cho khách hàng hoặc dùng lời lẽ ám chỉ để khách hàng biết về mối quan hệ cá nhân của mình với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, nhằm mục đích tạo niềm tin với khách hàng về hiệu quả công việc;
  • Gợi ý khách hàng tặng quà “cảm ơn” người tiến hành tố tụng để đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc hoặc “lưu ý” đến yêu cầu của đương sự;
  • Tạo dựng mối quan hệ thân thiết với người tiến hành tố tụng để được giới thiệu khách hàng và chia hoa hồng cho người tiến hành tố tụng, làm ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ việc;
  • Thậm chí, Luật sư bày vẽ cho khách hàng “làm bùa” giấy tờ, tài liệu không đúng thực tế để hợp thức hóa chứng cứ, thuê, nhờ “người làm chứng” giả để tăng tính thuyết phục đối với Hội đồng xét xử.

Điển hình 2 là các vụ vi phạm của Luật sư Nguyễn Văn N – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Cần Thơ bị xử lý kỷ luật do nhận tiền mà không thực hiện cam kết với khách hàng; Luật sư Nguyễn Thanh H – Đoàn Luật sư Thành phố Cần Thơ khi lập Hợp đồng dịch vụ với khách hàng đã “hứa hẹn cho thân chủ được hưởng án treo”; Phạm Thị A.L – nguyên Luật sư, Đoàn Luật sư Tỉnh Đồng Tháp đã lợi dụng tư cách được ủy quyền của đương sự để nhận tiền từ Cục Thi hành án rồi tự ý sử dụng; Lương Anh T – nguyên Luật sư, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh hứa hẹn cho bị can được tại ngoại, yêu cầu người thân đưa tiền “chạy án” rồi chiếm đoạt.

“Chơi xấu” đồng nghiệp

Quy tắc Ứng xử và Đạo đức Nghề nghiệp Luật sư yêu cầu Luật sư phải thể hiện sự tôn trọng và hợp tác đối với đồng nghiệp. Thực tế, không ít Luật sư không kiểm soát được bản thân, chỉ trỏ đồng nghiệp ngay tại phiên tòa vì quyền lợi đối nghịch. Thậm chí, trong quá trình tư vấn, làm việc với khách hàng, một số Luật sư còn dùng lời lẽ khiếm nhã, sai sự thật nói về đồng nghiệp để giành giật khách hàng cũng như xúi giục khách hàng từ chối đồng nghiệp để nhận vụ việc về cho mình.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, Luật sư lợi dụng mạng xã hội để đăng tải các bài viết có nội dung liên quan đến vụ việc đang được giải quyết và bình luận theo chiều hướng tiêu cực để hạ thấp uy tín, năng lực của Luật sư đối thủ, cũng như để khẳng định năng lực của chính bản thân mình. Bên cạnh đó, phạm vi ảnh hưởng của vấn đề này đôi khi không chỉ dừng lại ở Việt Nam, mà nhiều Luật sư còn cố tình nói xấu, nói sai sự thật về đồng nghiệp của mình ở những diễn đàn quốc tế, như Trung tâm Trọng tài Quốc tế.

Không chỉ thế, Luật sư còn cố tình không tuân theo quy trình tố tụng, cản trở Luật sư đối thủ tiếp cận hồ sơ, tài liệu của vụ việc. Cụ thể theo quy định Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam, khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác. Tuy nhiên, Luật sư vẫn cố tình không tuân theo quy định này, chỉ đến khi có phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, Luật sư đối thủ mới biết được sự tồn tại của những tài liệu này, dẫn đến bị động trong việc phản biện, phải yêu cầu Tòa án cho thêm thời gian để nghiên cứu hồ sơ, làm cho thời gian giải quyết vụ việc bị kéo dài.

Những thủ thuật này vi phạm Quy tắc Ứng xử và Đạo đức Nghề nghiệp Luật sư, tuy nhiên, xử lý như thế nào là vấn đề mà Nhà nước và xã hội quan tâm.

Xử lý vi phạm về đạo đức – có dễ không?

Một số trường hợp vi phạm Quy tắc Đạo đức và Ứng xử Nghề nghiệp Luật sư nhưng cũng đồng thời vi phạm quy định pháp luật khác, thì việc xử lý trở nên dễ dàng và rõ ràng hơn.

Ví dụ: Luật sư có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của khách hàng khi cố ý đưa ra những tình tiết không có thật trong vụ án làm cho khách hàng hoang mang để đưa tiền “chạy án” và Luật sư chiếm đoạt số tiền này. Hay trường hợp Luật sư vay tiền của khách hàng nhưng không trả.

Theo đó, Luật sư bị xử lý trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự, tùy theo mức độ vi phạm.

Còn lại, đa số các trường hợp vi phạm đạo đức nghề Luật sư đều rất khó xử lý. Bởi lẽ, mọi hành vi đều mơ hồ, không rõ ràng, không có chứng cứ để xác định vi phạm. Nhất là các trường hợp Luật sư vi phạm nhưng lại phù hợp với lợi ích khách hàng, nhận được sự đồng tình ủng hộ của khách hàng. Cụ thể, quá trình tiếp xúc với khách hàng, Luật sư sử dụng lời lẽ bóng gió để thông tin về “mối quan hệ thân thiết” với Cơ quan tiến hành tố tụng, gợi ý “tặng quà” cho người tiến hành tố tụng… Hoặc Luật sư đưa ra những thông tin bịa đặt, phức tạp hóa vấn đề để yêu cầu lợi ích từ khách hàng thì việc chứng minh Luật sư vi phạm đạo đức hầu như là không thể. Đó là chưa kể, Luật sư luôn biết cách thể hiện như thế nào để vi phạm của mình không có cơ sở chứng minh và xử lý.

Bởi những lẽ đó, để nghề Luật sư luôn xứng đáng được xã hội tôn vinh thì cần có một đội ngũ Luật sư tự giác ý thức đạo đức nghề nghiệp của mình. Luật sư là một nghề chuyên môn nhưng không phải là nghề kinh doanh thuần túy với mục đích chủ yếu là đánh bóng tên tuổi để kiếm tiền. Luật sư phải bản lĩnh, độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.


  1. Nguồn: https://plo.vn/phap-luat/xu-ly-nghiem-ls-vi-pham-phap-luat-dao-duc-nghe-nghiep-761832.html
  2. Nguồn: http://cand.com.vn/Ban-doc-cand/Tuyt-coi-nhung-luat-su-vi-pham-dao-duc-nghe-nghiep-355625/ & https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/khi-luat-su-bi-xoa-ten-do-vi-pham-dao-duc-nghe-nghiep/727112.antd