Quyết Định Số 1185.2022.QĐ-PQTT. Yêu Cầu Hủy Phán Quyết Trọng Tài Trong Tranh Chấp Quyết Toán Hợp Đồng Thi Công Công Trình
Quyết định số 1185/2022/QĐ-PQTT
Người yêu cầu: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Sản xuất Thương mại T
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng H
V/v: Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong tranh chấp quyết toán hợp đồng thi công công trình
Nội dung vụ việc
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Sản xuất Thương mại T (Công ty T) là Chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng H (Công ty H) là Nhà thầu xây dựng có ký kết bốn 04 hợp đồng thi công các công trình. Cụ thể là các hợp đồng: Hợp đồng 16/2016/HĐTT ký ngày 09/11/2016 về việc thi công công trình dự án PMR Evergreen. Hợp đồng PNH-KEN/2009/01 ký ngày 21/01/2019 về việc thi công xây dựng Khối nhà G+H & Hầm để xe Zone 2&4. Hợp đồng PNH-KEN/2009/07 ký ngày 24/12/2009 về việc thi công xây trát tường Khối nhà G+H thuộc dự án khu căn hộ cao cấp The Kenton. Hợp đồng KENTON/TN-HBC/2017 ngày 01/02/2017 về việc thi công công trình Landscape. Các hợp đồng đã được thực hiện theo ký kết của hai bên. Tuy nhiên, do chưa thống nhất được nội dung về giá trị quyết toán nên Công ty T chưa thực hiện thanh toán cho Công ty H. Ngày 10/11/2021, Công ty H khởi kiện Công ty T tại Trung tâm trọng tài V để yêu cầu thanh toán tổng số tiền nợ gốc từ 04 hợp đồng là: 89.581.856.989 đồng. Tiền lãi chậm thanh toán tính đến ngày 17/02/2022 là: 52.949.725.362 đồng. Tiền chi phí Luật sư và các chi phí tố tụng khác mà Công ty H phải chịu.
Phán quyết Trọng tài số 501/VIAC ngày 18/03/2022 của Trung tâm Trọng tài Quốc tế V (Gọi tắt là V): Chấp nhận một phần yêu cầu của Công ty H. Buộc Công ty T phải thanh toán cho Công ty H: Khoản tiền nợ gốc của 04 Hợp đồng là 74.829.203.860 đồng; Khoản tiền lãi của 04 Hợp đồng là 48.702.774.023 đồng; Phí Trọng tài là 1.266.666.701 đồng; Phí Luật sư là 400.000.000 đồng. Không đồng tình với Phán quyết trọng tài, Công ty T gửi đơn yêu cầu Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét hủy toàn bộ nội dung Phán quyết Trọng Tài số 501/VIAC-HCM ngày 18/03/2022 của V vì các lý do: Tranh chấp có thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được do Trung tâm Trọng tài mà các bên thỏa thuận đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, các bên không thỏa thuận được thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết, nhưng V lại giải quyết vụ việc theo đề nghị lựa chọn Trung tâm Trọng tài giải quyết của Nguyên đơn. Thủ tục trọng tài đã không tuân thủ quy định của Luật Trọng tài thương mại khi gộp giải quyết các vụ việc phát sinh từ nhiều Hợp đồng, nhưng có thỏa thuận trọng tài không tương thích với nhau. Thỏa thuận giữa các bên về việc cấn trừ công nợ là có thật, hợp pháp nhưng Phán quyết số 501/VIAC-HCM lại bỏ qua nội dung này, như vậy Phán quyết này đã trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Công ty H. Trong vụ việc này, không có Phán quyết Trọng tài số 501/VIAC-HCM ngày 18/3/2022 của Hội đồng Trọng tài thuộc V liên quan đến việc giải quyết tranh chấp giữa Công ty H với Công ty T. Do vậy, Công ty H đề nghị Hội đồng xét đơn yêu cầu xem xét việc Công ty T đề nghị Tòa án hủy Phán quyết Trọng tài số 501/VIAC-HCM ngày 18/3/2022 của Hội đồng Trọng tài thuộc V mặc dù không đúng đối tượng yêu cầu, nhưng đây là việc nhầm lẫn, sai sót chỉ cần rút kinh nghiệm với Công ty T.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Hội đồng xét đơn hủy Phán quyết Trọng Tài ngày 18 tháng 3 năm 2022 của V vì đã vi phạm thủ tục tố tụng trọng tài, không có thẩm quyền giải quyết, do đó việc gộp các hợp đồng là vi phạm tố tụng, bên cạnh đó, các bên có thỏa thuận việc cấn trừ nhưng phán quyết lại không ghi nhận là vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Nhận định của Tòa án
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Do thỏa thuận Trọng tài trong 02 Hợp đồng PNH-KEN/2009/01 và PNH-KEN/2009/07 không xác định được tổ chức Trọng tài cụ thể, không thực hiện được, nên ngày 26/10/2021, Công ty H đã gửi đến Công ty T Công văn số 83/2021/CV-HBC, đề xuất việc lựa chọn V làm Tổ chức Trọng tài để giải quyết tranh chấp liên quan đến các hợp đồng và đề nghị Công ty T có ý kiến phản hồi trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận được công văn nêu trên. Đến hết ngày 09/11/2021, quá thời hạn 07 ngày quy định, Công ty H không nhận được ý kiến phản hồi của Công ty T về việc lựa chọn Tổ chức Trọng tài. Như vậy, thể hiện rõ việc các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Tổ chức Trọng tài để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, tại phiên họp, Công ty T xác nhận khi Công ty H thông báo việc nộp đơn và lựa chọn V là Trung tâm giải quyết tranh chấp, phía Công ty T không phản đối và cũng không chọn Trung tâm Trọng tài nào để giải quyết. Trong suốt quá trình tố tụng trọng tài, Công ty T không phản đối về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài. Như vậy, việc Công ty T không phản đối về thẩm quyền giải quyết của V được xem là đã đồng ý xác lập thỏa thuận trọng tài với Công ty H trong việc giải quyết vụ tranh chấp tại V. Do đó, việc Công ty T cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng Trọng tài là không có cơ sở.
Việc gộp các thỏa thuận trọng tài để giải quyết trong cùng một vụ tranh chấp. Theo các quy định tại Khoản 4 Điều 7 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP: “Quy tắc tố tụng trọng tài cho phép gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp vào giải quyết trong cùng một vụ kiện.” và Quy tắc tố tụng trọng tài của V: “Các yêu cầu khởi kiện phát sinh từ hoặc liên quan đến nhiều hơn một hợp đồng có thể được gộp trong một Đơn khởi kiện để được giải quyết trong một vụ tranh chấp cho dù các yêu cầu đó được lập trên cơ sở một hoặc nhiều thỏa thuận trọng tài”. Luật Trọng tài thương mại và Quy tắc V đều không quy định các thỏa thuận trọng tài phải tương thích với nhau thì mới được quyền giải quyết gộp trong một vụ tranh chấp. Ngoài ra, như đã phân tích trên, các thỏa thuận trọng tài là có hiệu lực và thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng Trọng tài thuộc V. Do đó, việc Công ty T cho rằng V gộp các thỏa thuận trọng tài không tương đồng và không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài để giải quyết trong cùng một vụ tranh chấp là trái với quy định của Luật Trọng tài thương mại là không có cơ sở.
Về Phán quyết Trọng tài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Công ty T cho rằng Hội đồng Trọng tài không căn cứ theo thỏa thuận của các bên về việc cấn trừ công nợ tại Công văn số 151-tckt/18 đề ngày 31/01/2018 là trái với nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận hợp pháp giữa các bên, vi phạm nguyên tắc cơ bản tại Khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015. Trên thực tế, tại thời điểm giải quyết vụ tranh chấp tại V (tức sau ngày 07/02/2018), các bên vẫn chưa ký kết hợp đồng mua bán nhằm cấn trừ công nợ như thỏa thuận. Tại phiên họp, Công ty T cũng xác nhận, đến thời điểm đó, các bên chưa tiến hành các thủ tục chuyển nhượng căn nhà số 01 tại Block F, khu City Villa thuộc dự án PMR Evergreen tọa lạc tại phường M, Quận Y, Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty T đang quản lý tài sản này, tại phiên họp trọng tài, các bên cũng không thống nhất thủ tục chuyển nhượng, cấn trừ bất động sản. Hội đồng Trọng tài không ghi nhận việc cấn trừ của các bên là có căn cứ.
Quyết định của Tòa án
Không chấp nhận yêu cầu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Sản xuất Thương mại T đề nghị hủy Phán quyết Trọng tài số 501/VIAC-HCM ngày 18 tháng 3 năm 2022 của Trung tâm Trọng tài Quốc tế V.
Cơ sở pháp lý
Khoản 2 Điều 31, Điểm a Khoản 3 Điều 38, Khoản 3 Điều 414 và Điều 415 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Khoản 1 Điều 43, Điều 68, Khoản 1 Điều 69, Điều 71, Điều 72 Luật Trọng tài thương mại; Căn cứ Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP.