Doanh Nghiệp Nợ Bảo Hiểm Xã Hội Có Bị Xử Lý Hình Sự Không?
Doanh nghiệp có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đúng hạn và đầy đủ cho cơ quan BHXH trong quá trình hoạt động. Thế nhưng, không ít doanh nghiệp để nợ BHXH kéo dài, thậm chí cố tình chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm đóng vì muôn vàn lý do. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và chế độ của người lao động. Người lao động không hưởng được những quyền lợi đáng lý ra họ được hưởng. Đơn cầu cứu của người lao động khắp nơi.
Tình trạng nợ BHXH kéo dài của các doanh nghiệp càng trầm trọng hơn trong tình hình kinh tế khó khăn sau các đợt dịch. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm hiện tại, theo ghi nhận có gần 48.700 đơn vị nợ BHXH, BHYT từ ít nhất 01 tháng trở lên. Ngành Bảo hiểm xã hội trở thành ông chủ nợ khổng lồ với con số nợ lên tới hàng ngàn tỷ đồng theo như các báo cáo. Thực trạng nhức nhối này cũng khiến các cơ quan chức năng rất đau đầu khi giải quyết. Làm sao để thu được tiền BHXH? Các doanh nghiệp trốn đóng BHXH có bị xử lý hình sự không?… Đây cũng là hạn chế của các cơ quan chức năng bởi rất nhiều khó khăn phiền toái do chế tài xử lý nợ đọng BHXH còn hạn chế. Việc doanh nghiệp nợ BHXH không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động mà còn ảnh hưởng tới niềm tin và tính nghiêm minh của pháp luật.
Thế nào là nợ bảo hiểm xã hội?
Chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động thành nợ BHXH từ lâu đã trở thành căn bệnh ác tính, khiến các cơ quan chức năng ngán ngẩm. Thậm chí, nó còn được ví như khối u gây nhức nhối trên thị trường lao động, khiến người lao động phải lên tiếng kêu cứu khắp nơi. Theo quy định tại Quyết định 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành có quy định về nợ bảo hiểm xã hội như sau: “Nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN: là số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN của đơn vị, cơ quan lao động – thương binh và xã hội, cơ quan tài chính và người tham gia (bao gồm cả tiền lãi chậm đóng) theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, nợ bảo hiểm xã hội là số tiền bảo hiểm xã hội mà người sử dụng lao động và người lao động phải đóng theo quy định của pháp luật nhưng chậm đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Tiền nợ sẽ bao gồm cả tiền lãi chậm đóng.
Doanh nghiệp có thể được nợ bảo hiểm xã hội trong bao lâu?
Theo Điều 85, Điều 86 Luật BHXH năm 2014, và Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH (được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 13 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH) thì tiền bảo hiểm xã hội được đóng hàng tháng; một số trường hợp đặc biệt có thể đăng ký đóng 03 tháng hoặc 06 tháng một lần. Nếu đóng hằng tháng thì chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, người sử dụng lao động phải đóng BHXH bắt buộc. Trường hợp đăng ký đóng 03 tháng hoặc 06 tháng thì người sử dụng lao động phải đóng chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đã đăng ký.
Trường hợp người sử dụng lao động đóng tiền bảo hiểm xã hội sau ngày cuối cùng của phương thức đã đăng ký thì sẽ bị xử lý như sau:
- Phải đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội;
- Bị phạt tiền tối đa 75.000.000 Đồng (đối với cá nhân) hoặc 150.000.000 Đồng (đối với tổ chức);
- Nếu chậm đóng từ 30 ngày trở lên thì phải nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo Thông báo số 230/TB-BHXH ngày 17/ 01/ 2022 của Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh thì lãi suất tính lãi chậm đóng BHXH áp dụng kể từ ngày 01/01/2022 là 0.7316%/ tháng.
Nếu người sử dụng lao động không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, nếu nợ không đóng BHXH trên 03 tháng thì doanh nghiệp rất có thể sẽ bị thanh tra. Ngày 18/11/2022 vừa qua, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chỉ đạo tăng cường các giải pháp thực hiện giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN những tháng cuối năm 2022, trong đó có nội dung: Tăng cường thanh tra chuyên ngành đối với các doanh nghiệp chậm đóng từ 03 tháng trở lên và kiên quyết xử phạt vi phạm theo quy định; đối với doanh nghiệp đã bị xử phạt nhưng chưa đóng hoặc cố tình chây ì không đóng tiền BHXH sẽ bị cưỡng chế thi hành. Cơ quan BHXH đồng thời cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an để thu thập hồ sơ, tài liệu chứng minh yếu tố gian dối, gian lận trong chậm đóng BHXH của doanh nghiệp và chuyển sang cơ quan điều tra xử lý.
Doanh nghiệp không đóng BHXH có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động như sau:
Điều 216. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
- Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
- Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
- Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
- Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
- Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;
- Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;
- Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
- Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.
Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn chi tiết thêm cho việc áp dụng Điều 216 của Bộ luật Hình sự như sau:
Trốn đóng bảo hiểm là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trường hợp cố ý không kê khai hoặc kê khai không đúng thực tế việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với cơ quan có thẩm quyền.
Không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trường hợp người sử dụng lao động không gửi hồ sơ đăng ký đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động hoặc có gửi hồ sơ và đã xác định rõ, đầy đủ số người phải đóng hoặc các khoản phải đóng, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp, nhưng không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định.
Không đóng đầy đủ là việc người sử dụng lao động đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp nhưng chỉ đóng một phần tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định.
06 tháng trở lên được xác định là 06 tháng liên tục hoặc 06 tháng cộng dồn trở lên.
Phạm tội 02 lần trở lên là trường hợp đã thực hiện hành vi phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ 02 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động là trường hợp người sử dụng lao động đã thu hoặc đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm từ tiền lương tháng đóng bảo hiểm của người lao động nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm.
Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp nợ BHXH thì căn cứ vào tính chất hành vi, mức nợ đóng mà có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Doanh nghiệp không đóng BHXH, nợ BHXH, người lao động sẽ bị thiệt, ngân sách nhà nước không đảm bảo… Ở một góc nhìn, trên hết vẫn là ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp khi tự giác thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Đừng quên theo dõi và cập nhập thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com