Đơn phương Chấm dứt Hợp đồng Lao động do Covid-19
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) đang gây ra hàng loạt thiệt hại cho nền kinh tế thế giới. Tại Việt Nam, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19.
Theo thông tin của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong 10 tháng đầu năm 2020 là 41.783 doanh nghiệp, tăng 58,7% với cùng kỳ năm 2019. Mặt khác, không ít doanh nghiệp dù không đăng ký tạm ngừng kinh doanh nhưng trên thực tế đã phải ngừng sản xuất kinh doanh, cho nhân viên nghỉ việc hoặc tạm thời nghỉ làm.
Giải quyết Nghĩa vụ với Người lao động
Bộ luật Lao động 2012 cũng như Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021) cho doanh nghiệp các lựa chọn không tốn kém như: không thanh toán tiền lương (nếu người lao động xin nghỉ không hưởng lương), tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động với sự đồng ý của người lao động và thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, về phía người lao động, họ cần tiền lương để trang trải chi phí sinh hoạt và đời sống cá nhân nên thỏa thuận của doanh nghiệp khó đạt được.
Để chia sẻ khó khăn mùa dịch, doanh nghiệp cũng có thể chọn nhóm giải pháp khác tiết kiệm chi phí, gia hạn thời gian thanh toán như: (i) trả lương ngừng việc theo mức do hai bên thỏa thuận hoặc (ii) chậm trả lương không quá 01 tháng trong trường hợp đặc biệt vì ‘lý do bất khả kháng’ mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Vậy, giải pháp nào cho doanh nghiệp nếu vẫn không có nguồn tiền để thanh toán, không thỏa thuận được với người lao động?
Đơn phương Chấm dứt Hợp đồng Lao động – Được hay Không?
Căn cứ quy định tại Điều 38.1.(c) Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây: “Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.”
Căn cứ quy định tại Điều 12.2.(a) Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ thì dịch bệnh Covid-19 được xem là lý do bất khả kháng.
Căn cứ quy định tại Điều 36.1(c) Bộ luật Lao động 2019, người sử dung lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp: “Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc.”
Như vậy, quy định của Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 hầu như không có sự khác biệt đáng kể so với Bộ luật Lao động 2012 trong trường hợp này. Bộ luật Lao động 2019 yêu cầu điều kiện áp dụng phải là ‘dịch bệnh nguy hiểm’, thay vì ‘dịch bệnh’ như Bộ luật Lao động 2012. Dịch Covid-19 là dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm 1, do đó, doanh nghiệp được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do Covid-19 nếu đáp ứng điều kiện ‘đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc’.
Vướng mắc Thực tiễn
Phần lớn các tranh chấp lao động tại Tòa án đều xuất phát từ việc người sử dụng lao động ‘đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động’ vì lý do gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do dịch bệnh (Covid-19) thì có nghĩa vụ phải chứng minh rằng ‘đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc’.
Thế nào là ‘đã tìm mọi biện pháp khắc phục’ và ‘buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc’? Quy định này là ‘định tính’, không rõ ràng, là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp và quyền quyết định thuộc về Tòa án.
Vì vậy, để có cơ sở giải quyết khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp chú ý phải lưu giữ các tài liệu, chứng cứ chứng minh quá trình tìm kiếm giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động và thu hẹp quy mô sản xuất, giảm chỗ làm việc, ví dụ như:
- Email, văn bản thể hiện doanh nghiệp đã liên hệ với các đối tác để tìm kiếm nguyên liệu sản xuất thay thế (do hết nguyên liệu sản xuất);
- Email, văn bản thể hiện doanh nghiệp đã thông báo các đối tác về lý do bất khả kháng để đề nghị gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng (bị hủy hợp đồng do vi phạm thời hạn);
- Các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh để phòng, chống dịch;
- Báo cáo tài chính, báo cáo thuế, báo cáo tổng hợp chứng minh kết quả sản xuất kinh doanh giảm sút; và
- Quyết định ngừng hoạt động một phần dây chuyền sản xuất, một bộ phận của nhà máy sản xuất, v.v.
Bài viết này chứa đựng kiến thức pháp luật và thuật ngữ chuyên môn, quý độc giả quan tâm đến quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc giải quyết tranh chấp lao động do dịch bệnh Covid-19 theo Pháp luật Việt Nam, vui lòng liên hệ với các Luật sư Lao động của chúng tôi tại info@letranlaw.com.
- Ngày 29/01/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-BYT về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra vào danh mục những bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007.