Dự thảo Luật Cạnh tranh Mới Thay thế Luật Cạnh tranh 2004
Sau 12 năm thực thi, do bối cảnh kinh tế – xã hội của Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều thay đổi, một số quy định của Luật Cạnh tranh 2004 đã không còn phù hợp với thực tế. Do đó, cơ quan lập pháp đã ban hành Dự thảo Luật Cạnh tranh (“Dự thảo”) thay thế Luật Cạnh tranh 2004 với nhiều điểm mới nổi bật sau:
1. Theo Dự thảo thì cơ quan quản lý Nhà nước về cạnh tranh duy nhất là Cơ quan Cạnh tranh Quốc gia – cơ quan tham mưu giúp Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về cạnh tranh, thống nhất hai cơ quan quản lý Nhà nước về cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh hiện hành là Cục Quản lý Cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương và Hội đồng Cạnh tranh thuộc Chính phủ.
Quy định này góp phần khắc phục bất cập theo Luật Cạnh tranh hiện hành khi Hội đồng Cạnh tranh là cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh thì lại được thành lập và hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm, liên ngành đã dẫn đến sự thiếu tập trung trong quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh. Đồng thời, với cơ cấu Hội đồng Cạnh tranh như hiện nay, khi vụ việc cạnh tranh xảy ra trong ngành, lĩnh vực có đại diện Bộ, ngành đó là thành viên Hội đồng Cạnh tranh, thì việc xử lý vụ việc cạnh tranh khó đảm bảo tính độc lập, khách quan do có sự mâu thuẫn, xung đột về lợi ích.
2. Hành vi hạn chế cạnh tranh
• Quy định cấm mặc nhiên đối với những hành vi thoả thuận có bản chất hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng, đặc biệt là các hành vi thoả thuận ấn định giá, phân chia thị trường, kiểm soát sản lượng và thông đồng đấu thầu.
• Dự thảo xác định hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm dựa trên bản chất, tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường, không còn dựa trên yếu tố phần trăm như luật hiện hành.
Tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của một hành vi hạn chế cạnh tranh được xác định bởi Cơ quan Cạnh tranh Quốc gia dựa trên một số trong 09 yếu tố được quy định tại Dự thảo. Quy định mang tính chung, nguyên tắc này góp phần giúp cơ quan quản lý Nhà nước về cạnh tranh có thể xác định hành vi vi phạm trên cơ sở bản chất của hành vi đó, tránh trường hợp một hành vi có bản chất hạn chế cạnh tranh nhưng do không đáp ứng điều kiện về phần trăm nên không bị xử lý.
Tuy nhiên, quy định này vẫn có điểm hạn chế sau: (i) việc xác định hành vi hạn chế cạnh tranh mang tính chất chủ quan của Cơ quan Cạnh tranh Quốc gia, theo đó các bên liên quan không có cơ sở vững chắc để thực hiện việc khiếu kiện khi cần thiết, (ii) Cơ quan Cạnh tranh Quốc gia phải dựa trên bao nhiêu yếu tố để xác định hành vi hạn chế cạnh tranh khi mà Dự thảo chỉ quy định “một số” trong các yếu tố.
3. Tập trung kinh tế
• Thay vì cấm tập trung kinh tế khi thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế từ 50% trở lên trên thị trường liên quan, Dự thảo quy định Cơ quan Cạnh tranh Quốc gia xác định tập trung kinh tế trên cơ sở đánh giá cấu trúc thị trường, mức độ tập trung trên thị trường, khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường và tác động tích cực của việc tập trung kinh tế đối với nền kinh tế của Việt Nam.
• Dự thảo quy định các tiêu chí để doanh nghiệp có thể tự xác định giao dịch có thuộc trường hợp phải thông báo hay không, bao gồm: thị phần trên thị trường liên quan, giá trị giao dịch tập trung kinh tế và tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam.
4. Cạnh tranh không lành mạnh
Ngoài Luật Cạnh tranh hiện hành, một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn được quy định trong các văn bản pháp luật khác, chẳng hạn như Luật Sở hữu Trí tuệ, Luật Quảng cáo. Việc hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại văn bản luật khác nhau, được thực thi bởi các cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau dẫn đến chồng chéo về thẩm quyền xử lý hoặc khả năng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan Nhà nước. Do đó, Dự thảo đã khắc phục vấn đề này bằng việc loại bỏ các hành vi đã được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác.
– Được biên soạn bới Le & Tran | Vietnam’s Premier Business Litigation Firm
Bản quyền của tài liệu này thuộc sở hữu độc quyền của Công ty Luật TNHH MTV Lê & Trần. Không được sao chép, phát tán hoặc truyền tải bất kỳ nội dung nào của tài liệu này dưới bất kỳ hình thức nào hoặc bằng bất kỳ phương thức nào, bao gồm sao chụp, ghi chép hoặc các phương thức thủ công hoặc điện tử khác, mà không có sự cho phép trước bằng văn bản từ Công ty Luật TNHH MTV Lê & Trần. Chúng tôi bảo lưu tất cả các quyền và sẽ ngay lập tức thực hiện mọi hành động tố tụng pháp lý (hình sự, dân sự và thương mại) theo các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế để xử lý (các) hành vi vi phạm của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.