Dự Thảo Nghị Định Về Các Biện Pháp Phòng Vệ Thương Mại

Stephen Le

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý Ngoại thương 2017 về các biện pháp phòng vệ thương mại (“Dự thảo”) đã được Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến công khai vào ngày 29/8/2017 cùng với sự tham dự của Cục Quản lý Cạnh tranh, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tổng cục Hải quan Việt Nam. Nghị định dự kiến có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018, thay thế các Nghị định hiện đang hướng dẫn về vấn đề phòng vệ thương mại. Dưới đây là một số điểm quan trọng hiện đang được Bộ Công Thương tập trung lấy ý kiến:

Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

Đây là một điểm mới trong pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam. Theo đó, quy định về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cho phép cơ quan điều tra có thể mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khi cần thiết.

 Tuy nhiên, để tránh trường hợp cơ quan điều tra lạm quyền, Dự thảo cũng quy định cụ thể một số trường hợp không được xem là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại như (i) nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thấp hơn 60% tổng giá trị nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư sản xuất hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tại Việt Nam, (ii) giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất hàng hóa cao hơn 30% tổng chi phí sản xuất hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, v.v.

 Việc Dự thảo quy định cụ thể những tỷ lệ như vậy sẽ tránh được nguy cơ lạm quyền của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, nếu những tỷ lệ này không được tính toán một cách hợp lý, nó sẽ vô tình “trói chân” cơ quan điều tra, khiến họ không thể dùng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Trên thực tế, mỗi ngành nghề sẽ có những đặc thù khác nhau nên việc quy định một con số chung cho toàn bộ mọi ngành nghề như vậy sẽ không hợp lý và dễ dẫn đến bất cập trong tương lai. Pháp luật phòng vệ thương mại của nhiều nước trên thế giới chỉ đặt ra những nguyên tắc cơ bản để xác định hành vi lẩn tránh chứ không quy định những tỷ lệ cụ thể như vậy.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại

Hiện nay, rất nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp của Việt Nam lại thiếu quan tâm đến việc yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng vệ để bảo vệ mình tại thị trường trong nước. Một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là (i) vấn đề phòng vệ thương mại rất phức tạp nên nhiều doanh nghiệp không hiểu rõ về chúng; (ii) thiếu sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề và (iii) chi phí bỏ ra cho một vụ kiện phòng vệ thương mại là khá cao. Cục Quản lý Cạnh Tranh cũng chia sẻ rằng họ đã nhiều lần tuyên truyền, vận động một số doanh nghiệp thịt gà, sợi để nộp hồ sơ yêu cầu nhưng các doanh nghiệp này mãi vẫn không thể thống nhất được với nhau, dẫn đến việc ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng từ sự gia tăng hàng nhập khẩu nước ngoài.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng có những quy định để làm dễ dàng hơn thủ tục yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như (i) cho phép cơ quan điều tra xác định ngành sản xuất trong nước không nhất thiết bao gồm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam mà có thể xác định tại một thị trường địa lý nhất định; (ii) không còn quy định các vấn đề chi tiết liên quan đến tổ chức tham vấn (như thời hạn phát biểu, chủ tọa, điều tra viên tham dự, v.v.); v.v. Tuy nhiên, những quy định như vậy là vẫn chưa đủ mà cần thêm một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, các hiệp hội ngành nghề để hỗ trợ và vận động doanh nghiệp sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để tự bảo vệ mình.

Xử lý trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tại nước ngoài

Dự thảo cũng bổ sung những quy định về sự trợ giúp từ các cơ quan Nhà nước trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tại nước ngoài. Đây là một vấn đề rất quan trọng vì thực tiễn cho thấy, nếu có sự giúp đỡ và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong làm việc với các cơ quan nước ngoài, cung cấp thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp trả lời các câu hỏi điều tra, v.v. thì khả năng bị áp dụng các biện phòng vệ thương mại tại nước ngoài sẽ được giảm đáng kể.

Tuy nhiên, những quy định hiện nay trong Dự thảo vẫn còn khá sơ sài, chưa thể hiện được cụ thể cách thức, quy trình phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng như trách nhiệm cụ thể của các cơ quan Nhà nước trong trường hợp không kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, khiến ngành xuất khẩu bị thiệt hại, v.v.