Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Trọng Tài Thương Mại Tại Việt Nam
Đi kèm xu hướng phát triển kinh tế hội nhập mở rộng toàn cầu là các xung đột pháp lý, những tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động thương mại. Giải quyết các tranh chấp này có nhiều phương thức, trọng tài thương mại là một trong những phương thức phổ biến và được lựa chọn.
Phương thức này cũng thể hiện quan điểm của nhà nước trong việc đa dạng hoá các phương thức giải quyết tranh chấp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các chủ thể kinh doanh được sự bảo hộ của nhà nước về mặt pháp lý trong quá trình thực hiện giao dịch thương mại.
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tại Việt Nam đang dần được biết đến nhiều hơn do những đặc trưng riêng. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết này!
Trọng tài thương mại là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010, Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tranh chấp được các bên thỏa thuận và tiến hành theo quy định của luật này.
Trọng tài là tổ chức tài phán độc lập do các trọng tài viên thành lập nhằm giải quyết các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực kinh doanh thương mại. Trọng tài được tạo nên bởi chính các bên trong quan hệ tranh chấp thương mại nhưng hoàn toàn độc lập với các bên tranh chấp, đứng giữa để giải quyết tranh chấp.
Phán quyết của trọng tài vừa là sự kết hợp giữa ý chí, sự thỏa thuận của các bên, vừa mang tính tài phán của cơ quan có thẩm quyền xét. Phán quyết của trọng tài không mang tính quyền lực nhà nước, không đại diện cho ý chí của Nhà nước mà đại diện cho ý chí của các bên tranh chấp.
Do vậy, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết thông qua hoạt động của Trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện.
Quyết định của trọng tài thường được xem là có hiệu lực và ràng buộc, giống như một phán quyết của tòa án
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
Khi tham gia tranh tụng, các trọng tài viên phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010. Đây là kim chỉ nam trong hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài của trọng tài viên.
– Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.
Khác với việc giải quyết tranh chấp tại tòa án, lựa chọn trọng tài là phương thức giải quyết được các bên tự do thỏa thuận, lựa chọn. Việc thỏa thuận được lập thành văn bản. Vì thế, Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và không trái đạo đức xã hội là nguyên tắc thể hiện sự tự do ý chí của các chủ thể khi lựa chọn trọng tài làm phương thức giải quyết tranh chấp thương mại.
– Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.
Đây cũng là nguyên tắc chung trong tố tụng. Việc xét xử phải đảm bảo khách quan, vô tư, đúng pháp luật và tôn trọng lợi ích các bên. Nguyên tắc này là cơ sở cho sự tin tưởng để các chủ thể chọn lựa trọng tài khi phát sinh tranh chấp trong kinh doanh.
– Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
Mọi người điều bình đẳng trước pháp luật về quyền và nghĩa vụ, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội, cá nhân, cơ quan, tố chức. Có như vậy mới đảm bảo sự công bằng trong khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại .
– Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Đây là ưu điểm của tố tụng trọng tài. Giải quyết tranh chấp tại trọng tài có thể đảm bảo được bí mật và giữ được uy tín của các bên tranh chấp. Những chủ thể không có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ tranh chấp sẽ không được quyền tham dự.
– Phán quyết trọng tài là chung thẩm.
Khi trọng tài đã ra phán quyết, phán quyết trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực thi hành ngay mà không có kháng cáo, kháng nghị. Nguyên tắc này khiến việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài kết thúc nhanh chóng, dứt điểm, tránh dây dưa kéo dài vì phải qua nhiều cấp xét xử.
Việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, vì vậy, có thể đáp ứng tốt yêu cầu của các bên khi đưa tranh chấp ra trọng tài và khiến trọng tài trở thành phương thức giải quyết tranh chấp được các nhà kinh doanh ưa chuộng. Nhưng ưu điểm này cũng khiến các chủ thể tranh chấp có thể không thực sự yên tâm vì nếu phán quyết trọng tài sai, phán quyết đó vẫn có hiệu lực thi hành mà không có cơ hội sửa như bản án, quyết định của toà án.
Và do vậy, đòi hỏi các Trọng tài viên phải có trình độ chuyên môn giỏi, có kĩ năng, kinh nghiệm tranh tụng, đạo đức nghề nghiệp để đưa ra phán quyết chính xác, nhằm bảo đảm quyền lợi của các bên và giữ gìn uy tín nghề nghiệp Trọng tài viên của chính mình.
Các hình thức trọng tài thương mại tại Việt Nam
Có hai hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tại Việt Nam được quy định tại Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau:
– Trọng tài quy chế.
Theo Khoản 6 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại, Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp của Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật này và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó. Trung tâm trọng tài là tổ chức phi chính phủ, không nằm trong hệ thống cơ quan nhà nước, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và tồn tại độc lập với nhau.
Đây là hình thức trọng tài được tổ chức khá chặt chẽ, có bộ máy, trụ sở làm việc thường xuyên. Mỗi trung tâm trọng tài tự quyết định về lĩnh vực hoạt động và có quy tắc tố tụng riêng. Hoạt động xét xử của trung tâm trọng tài được tiến hành bởi các Trọng tài viên của trung tâm. Đa số các tổ chức trọng tài lớn, có uy tín trên thế giới đều được thành lập theo mô hình này.
– Trọng tài vụ việc.
Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này và trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận. Đặc trưng của trọng tài vụ việc là được thành lập khi phát sinh các tranh chấp và chấm dứt khi giải quyết xong tranh chấp. Ở hình thức này, Quy tắc tố tụng và lựa chọn Trọng tài viên do các bên tự thỏa thuận.
Thông thường trọng tài vụ việc không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành và danh sách trọng tài viên cố định. Kết quả giải quyết vụ tranh chấp được thực hiện dựa trên thỏa thuận lựa chọn từ bất kỳ một quy tắc tố tụng của các bên.
Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
Để được giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại cần đáp ứng những điều kiện theo Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010:
- Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
- Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
- Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Ưu – Nhược điểm khi giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại
Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại có những ưu điểm và nhược điểm riêng:
Ưu điểm
- Thủ tục trọng tài đơn giản, nhanh chóng, các bạn tranh chấp có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp, có quyền chỉ định Trọng tài viên, giúp các bên lựa chọn được Trọng tài viên giỏi, nhiều kinh nghiệm, am hiểu sâu sắc vấn đề đang tranh chấp. Qua đó có điều kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng nhanh chóng, chính xác.
- Nguyên tắc trọng tài không công khai giúp các bên hạn chế sự tiết lộ các bí mật kinh doanh, giữ được uy tín của các bên trên thương trường. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại được thành lập theo ý chí các bên, xét xử phục vụ mục đích của các bên không nhân danh quyền lực nhà nước nên rất phù hợp để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại phù hợp để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài
Nhược điểm
- Trung tâm trọng tài không đại diện cho quyền lực tư pháp của nhà nước nên có thể gặp khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp như xác minh, thu thập chứng cứ. Phán quyết của trung tâm trọng tài phụ thuộc rất nhiều vào sự tự nguyện của các bên tranh chấp.
- Thỏa thuận trọng tài là điều kiện bắt buộc phải có để tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài. Và cuối cùng là chi phí cho giải quyết tranh chấp bằng trọng tài khá cao, tùy thuộc vào giá trị tranh chấp. Giá trị tranh chấp càng lớn, số lượng Trọng tài viên càng nhiều thì chi phí giải quyết tranh chấp càng cao.
Thủ tục giải quyết tranh chấp Trọng tài thương mại
Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại được thực hiện qua các giai đoạn sau:
– Xem xét hồ sơ.
Khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp, cần xem xét hồ sơ để xác định thời hiệu hiệu khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài tại Điều 33 Luật Trọng tài thương mại 2010 là 02 năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên bị xâm phạm.
– Nộp đơn khởi kiện yêu cầu Trung tâm trọng tài giải quyết.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật Trọng tài thương mại 2010, trường hợp giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn.
– Thành lập Hội đồng trọng tài.
Theo Điều 39 Luật Trọng tài thương mại 2010, Trung tâm trọng tài thành lập Hội đồng trọng tài. Thành phần Hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều Trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thoả thuận về số lượng Trọng tài viên thì Hội đồng trọng tài bao gồm ba Trọng tài viên.
– Hòa giải.
Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Nếu hòa giải thành thì lập biên bản và ra quyết định công nhận hòa giải thành như quy định tại Điều 58 Luật Trọng tài thương mại 2010.
– Mở phiên họp giải quyết tranh chấp.
Phiên họp giải quyết tranh chấp được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Các bên có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người đại diện tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp, có quyền mời người làm chứng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong trường hợp có sự đồng ý của các bên, Hội đồng trọng tài có thể cho phép những người khác tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp.
– Phán quyết của Hội đồng trọng tài.
Theo Điều 60 Luật Trọng tài thương mại 2010, Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số. Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong thương mại là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay bởi sự tiện lợi mà phương thức này mang lại. Những thông tin hữu ích từ bài viết sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn về phương thức này. Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com