Giám định thương tật, điều tra, báo cáo, trợ cấp khi xảy ra tai nạn lao động

Hannah Huynh

Khi rơi vào tình huống không mong muốn trong quá trình làm việc là tai nạn lao động, cùng với việc nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện điều trị thì việc phải thông báo cùng cơ quan chức năng vụ việc xảy ra là điều mà những người chứng kiến, thân nhân, đồng nghiệp của người bị nạn phải làm. Đây cũng là một trong những điều kiện để người bị nạn sau thời gian điều trị, phục hồi sẽ tiến hành giám định thương tật và hưởng chế độ trợ cấp tai nạn do lao động. Quá trình giám định như thế nào? Cùng tìm hiểu qua các câu hỏi của độc giả dưới đây.

Câu hỏi

Người lao động bị tai nạn lao động tại nơi làm việc, không ai chứng kiến lúc sự việc diễn ra. Công ty đã tạm ứng chi phí lương và y tế cho người lao động. Sau khi người lao động xuất viện về nhà thì cần xử lý các vấn đề sau đây như thế nào:

Vấn đề giám định thương tật

Công ty có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, người lao động cư trú tại Tỉnh Bình Dương. Người lao động sẽ đi giám định thương tật ở đâu?

Người lao động đã xuất viện. Vậy thời gian được xác định người lao động đã điều trị ổn định, đủ điều kiện khám giám định thương tật là khi nào? Và dựa trên cơ sở nào để xác định?

Thủ tục khám giám định thương tật thực hiện như thế nào?

Vấn đề trợ cấp và bồi thường

Ngoài tiền lương hàng tháng và chi phí y tế mà công ty đã thanh toán cho người lao động, trợ cấp tai nạn lao động do Cơ quan Bảo hiểm Xã hội chi trả sau này (nếu có), thì công ty có phải bồi thường thêm cho người lao động không?

Vấn đề điều tra tai nạn lao động

Hồ sơ đề nghị giám định thương tật yêu cầu phải có Biên bản điều tra tai nạn lao động. Vậy Biên bản này do công ty thực hiện nội bộ hay phải có sự tham gia của cơ quan có thẩm quyền? Việc kết luận lỗi gây ra tai nạn lao động dựa trên cơ sở nào?

Vấn đề báo cáo

Công ty có cần phải báo cáo vụ việc tai nạn lao động với cơ quan nào liên quan hay không?

Trả lời

Vấn đề giám định thương tật

Người lao động đi giám định thương tật trong trường hợp này được xác định là giám định lần đầu. Căn cứ theo Khoản 1 Điều 4, Thông tư 01/2023/TT-BYT, Hội đồng Giám định Y khoa cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền khám giám định cho “các đối tượng đang làm việc hoặc cư trú, sinh sống tại tỉnh, thành phố trên địa bàn.”. Như vậy, Hội đồng Giám định Y khoa ở Thành phố Hồ Chí Minh (nơi người lao động làm việc) và Tỉnh Bình Dương (nơi người lao động cư trú) đều có thẩm quyền khám giám định cho người lao động.

Thực tế, thông thường, nơi giám định thương tật sẽ xác định theo nơi công ty đăng ký đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, bởi liên quan đến việc Cơ quan Bảo hiểm Xã hội chi trả các chế độ tai nạn lao động cho người lao động.

Để xác định thời điểm người lao động đã được điều trị ổn định, tiến hành khám giám định thương tật, Hội đồng Giám định Y khoa sẽ căn cứ vào Giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án. Thông thường, người lao động bị tai nạn lao động sẽ đủ điều kiện được giám định thương tật khi đã hoàn tất việc chữa trị, xuất viện và không có lịch hẹn tái khám.

Hồ sơ và thủ tục khám giám định thương tật lần đầu được thực hiện theo Thông tư 56/2017/TT-BYT và Thông tư 01/2023/TT-BYT.

Thẩm quyền giải quyết: Hội đồng Giám định Y khoa cấp tỉnh.

Thành phần hồ sơ:

  • Giấy giới thiệu của công ty.
  • Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế cấp.
  • Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Biên bản Điều tra tai nạn lao động.
  • Giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án. Trường hợp người lao động không điều trị nội trú hoặc ngoại trú thì phải có giấy tờ về khám, điều trị thương tật phù hợp với thời điểm xảy ra tai nạn lao động và tổn thương đề nghị giám định. Lưu ý, trường hợp người lao động không có khả năng điều trị theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 47 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 thì trong bản tóm tắt hồ sơ bệnh án phải ghi rõ tổn thương do tai nạn lao động không có khả năng điều trị ổn định. (Điều 5.1.d, Thông tư 56/2017/TT-BYT).
  • Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu còn hiệu lực.

Trình tự giải quyết:

Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị giám định, Hội đồng Giám định Y khoa sẽ thực hiện các bước cơ bản sau:

  • Bác sĩ thụ lý hồ sơ kiểm tra đối chiếu thông tin người lao động.
  • Bác sĩ thụ lý hồ sơ tiến hành khám tổng quát và trình Lãnh đạo duyệt chỉ định khám chuyên khoa phù hợp với hồ sơ đề nghị giám định.
  • Giám định viên chuyên khoa thực hiện khám và kết luận.
  • Họp Hội đồng Giám định Y khoa.
  • Ban hành Biên bản giám định y khoa (trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ khi Hội đồng Giám định Y khoa có kết luận).

Thời hạn giải quyết: Tùy thuộc vào thương tật của người lao động bị tai nạn lao động.

Vấn đề trợ cấp và bồi thường

Các khoản mà công ty phải thanh toán cho người lao động khi xảy ra tai nạn lao động được quy định tại Điều 38 Luật An toàn Vệ sinh Lao động 2015 và Điều 3, Điều 4 Thông tư 28/2021 TT-BLĐTBXH . Theo đó, ngoài những khoản tiền lương, chi phí y tế,… công ty sẽ phải bồi thường hoặc trả trợ cấp cho người lao động tùy theo việc xác định lỗi của người lao động khi xảy ra tai nạn lao động, cụ thể:

Mức suy giảm khả năng lao động Mức bồi thường thấp nhất Mức trợ cấp thấp nhất
1 Dưới 5% Không phải bồi thường Không phải trợ cấp
2 Từ 5% đến 10% 1,5 tháng tiền lương 0,6 tháng tiền lương
3 Từ 11% đến 80% Ít nhất 1,5 tháng tiền lương cho 10% đầu tiên + 0,4 tháng tiền lương cho mỗi 1% tăng thêm tính từ tỷ lệ thứ 11% Bằng số tháng tiền lương được bồi thường  x  0,4
4 Từ 81% trở lên hoặc người lao động bị chết Ít nhất 30 tháng tiền lương Ít nhất 12 tháng tiền lương

Vấn đề điều tra tai nạn lao động

Quy trình điều tra tai nạn lao động được quy định chi tiết tại Điều 35, Luật An toàn Vệ sinh Lao động 2015 và các Điều 11, 12, 13, 16, 18 của Nghị định 39/2016/NĐ-CP. Khi xảy ra tai nạn lao động, Đoàn điều tra tai nạn được thành lập để tiến hành điều tra. Tùy theo tính nghiêm trọng mà thành phần Đoàn và thẩm quyền lập Đoàn sẽ khác nhau. Thông thường Đoàn điều tra bao gồm:

  • Trưởng đoàn: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
  • Thành viên: Người đại diện của Ban chấp hành Công đoàn tại doanh nghiệp hoặc người đại diện tập thể người lao động khi chưa thành lập Công đoàn; người làm công tác an toàn lao động, người làm công tác y tế tại doanh nghiệp và một số thành viên khác.
  • Trường hợp nạn nhân là người lao động không thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp, thì mời đại diện người sử dụng lao động của nạn nhân đó tham gia Đoàn điều tra.

Sau khi điều tra, thu thập dấu vết, chứng cứ, Đoàn điều tra Tổ chức cuộc họp công bố Biên bản điều tra dưới sự chủ trì của Trưởng Đoàn điều tra và các thành viên, người bị nạn hoặc đại diện, người biết sự việc, người có liên quan đến vụ tai nạn. Biên bản điều tra sau khi công bố phải được gửi đến Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở và nơi xảy ra tai nạn.

Vấn đề báo cáo

Theo Điều 24 Nghị định 39/2016/NĐ-CP và Điều 36 Luật An toàn, vệ sinh lao động, tình hình tai nạn lao động phải được doanh nghiệp báo cáo định kỳ cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính mỗi 6 tháng 1 lần, trước ngày 05 tháng 7 và ngày 10 tháng 01 của năm sau.  Riêng trong các trường hợp dưới đây thì công ty cần phải khai báo ngay khi phát hiện ra ra tai nạn bằng cách nhanh nhất , trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử..:

  • Tai nạn làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên
  • Tai nạn làm chết người
  • Nội dung khai báo theo mẫu quy định tại Phụ lục III, Nghị định 39/2016/NĐ-CP.