Hạn chế Vi phạm Pháp luật trong Nhập khẩu Hàng hóa
Việt Nam là thị trường kinh doanh tiềm năng, thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp có nhu cầu rất lớn trong việc nhập khẩu máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu, linh kiện, phụ kiện,… vào Việt Nam để phục vụ cho quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường không có chuyên môn trong lĩnh vực hải quan, nhập khẩu hàng hóa. Khi cần nhập khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp thường sẽ phân công cho nhân viên công ty tự thực hiện các thủ tục cần thiết theo sự hiểu biết của họ hoặc thuê dịch vụ đại lý hải quan để thực hiện việc khai báo hải quan mà không có cơ chế quản lý, kiểm soát rủi ro cho doanh nghiệp. Do đó quá trình làm thủ tục nhập khẩu của các doanh nghiệp thường có các sai sót dẫn đến vi phạm pháp luật và các doanh nghiệp phải gánh chịu các rủi ro pháp lý nhất định.
Các Vi phạm Phổ biến trong Nhập khẩu Hàng hóa của Doanh nghiệp
Có rất nhiều hành vi vi phạm trong việc nhập khẩu hàng hóa, trong đó các vi phạm liên quan đến khai báo hải quan là phổ biến nhất, cụ thể:
- Khai sai tên hàng, mã số HS, xuất xứ hoặc thuế suất của hàng hóa nhập khẩu. Hành vi này thông thường có thể dẫn đến thiếu hoặc thừa số thuế phải nộp do có sự khai khác về mức thuế suất đối với các loại hàng hóa khác nhau. Tuy nhiên, cũng có trường hợp việc khai sai tên hàng, mã số HS hoặc xuất xứ không ảnh hưởng đến số thuế phải nộp vì các hàng hóa khai sai có cùng mức thuế suất. Cho dù có sai khác về số thuế phải nộp hay không thì hành vi khai sai tên hàng, mã số HS, xuất xứ hoặc thuế suất cũng là hành vi vi phạm pháp luật về xuất, nhập khẩu hàng hóa.
- Khai sai số lượng, chủng loại, trị giá hàng hóa so với thực tế. Hành vi này thông thường sẽ dẫn đến thiếu hoặc thừa số thuế phải nộp, vì số lượng, trị giá hàng hóa là các căn cứ dùng để tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu.
- Nhập khẩu hàng hóa thuộc trường hợp phải có giấy phép nhập khẩu/công bố hợp quy hoặc phải đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu… nhưng các doanh nghiệp không thực hiện các thủ tục xin giấy phép nhập khẩu/công bố hợp quy hoặc đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Các loại hàng hóa này thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện do nhà nước ban hành, việc nhập khẩu đòi hỏi phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
- Nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Nhà nước ban hành danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, nếu hàng hóa thuộc danh mục này thì các doanh nghiệp không được phép nhập khẩu, mọi hành vi nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu đều làm hành vi trái pháp luật.
Rủi ro Pháp lý
Việc xảy ra các vi phạm trong việc xuất, nhập khẩu hàng hóa có thể là do các doanh nghiệp hoặc cá nhân thực hiện thủ tục khai báo cố ý khai báo gian dối hoặc có thể do sự bất cẩn hoặc thiếu hiểu biết. Nhưng cho dù là lý do nào thì doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và cá nhân thực hiện việc khai báo hải quan cũng phải gánh chịu những hậu quả pháp lý nhất định như sau:
- Bị xử phạt vi phạm hành chính về xuất, nhập khẩu hàng hóa hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về ‘Tội buôn lậu’. Hành vi phạm Tội buôn lậu có thể bị phạt tù đến 15 năm.
- Trong quá trình mở rộng điều tra, Cơ quan điều tra có thể yêu cầu cung cấp tài liệu, sổ sách, chứng từ liên quan đến việc xuất, nhập khẩu hoặc kế toán, tài chính, thuế trong thời hạn 01 năm tính tới ngày bị lập biên bản vi phạm hành chính hoặc trong suốt quá trình hoạt động đã qua của doanh nghiệp.
- Bị điều tra, thanh tra, kiểm tra về tất cả hoặc một số lô hàng đã nhập khẩu trước đó có liên quan và/hoặc không liên quan đến lô hàng này.
- Bị điều tra, thanh tra, kiểm tra về thuế trong suốt quá trình hoạt động hoặc trong một khoảng thời gian theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
- Tốn chi phí xử lý, giải quyết hậu quả như phạt vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng với khách hàng, chậm quá trình kinh doanh, sản xuất, mất cơ hội cạnh tranh, tốn chi phí xuất trả hàng hóa, ….
- Để lại tiền sự vì đã bị xử phạt vi phạm hành chính và làm giảm uy tín của doanh nghiệp trong lĩnh vực hải quan dẫn đến hàng hóa nhập khẩu sau này sẽ thường xuyên bị phân luồng vàng (kiểm tra hồ sơ, chứng từ) hoặc luồng đỏ (kiểm tra thực tế hàng hóa).
Giải pháp Hạn chế Rủi ro Pháp lý đối với các Doanh nghiệp trong Nhập khẩu Hàng hóa
Sau đây chúng tôi sẽ được ra một số giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hạn chế rủi ro pháp lý liên quan đến việc nhập khẩu hàng hóa, cụ thể như sau:
Thứ nhất, trước khi nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp/người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cần làm rõ những vấn đề sau:
- Hàng hóa nhập khẩu là loại mặt hàng gì, có thuộc danh mục hàng hóa bị cấm nhập khẩu không?
- Hàng hóa nhập khẩu có cần phải có hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu, công bố hợp quy, kiểm tra chuyên ngành trước khi nhập khẩu không? Nếu có, của cơ quan nào?
- Kiểm tra lại với phía đối tác nước ngoài để đảm bảo hàng hóa nhập khẩu đúng theo hợp đồng mà doanh nghiệp đã ký kết.
Thứ hai, khi giao cho nhân viên hoặc tìm kiếm đại lý khai báo hải quan, doanh nghiệp/người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ năng lực chuyên môn của các chủ thể này. Nên chọn đại lý khai báo hải quan uy tín hoặc nhân viên có kiến thức chuyên môn về khai báo hải quan.
Thứ ba, việc thuê dịch vụ của đại lý hải quan phải được giao kết bằng văn bản và quy định rõ quy trình thực hiện giám sát khai báo của doanh nghiệp; quyền của doanh nghiệp và trách nhiệm của đại lý hải quan.
Thứ tư, doanh nghiệp phải yêu cầu đại lý hải quan, nhân viên khai báo gửi cho doanh nghiệp/người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bản dự thảo tờ khai hải quan để kiểm tra trước khi truyền tờ khai. Doanh nghiệp phải kiểm tra về tất cả các thông tin của hàng hóa, bao gồm tên gọi, mã HS, thuế suất, số lượng, chủng loại, trị giá, xuất xứ,…của hàng hóa trên tờ khai so với bộ chứng từ nhập khẩu. Nếu có vấn đề nào mà pháp luật không quy định và đại lý hải quan không biết rõ thì nên yêu cầu đại lý hải quan có văn bản hỏi tổng cục hoặc cục hải quan có thẩm quyền trước khi mở tờ khai.
Thứ năm, khi hàng hóa bị phân luồng đỏ, trước khi kiểm tra thực tế hàng hóa, doanh nghiệp nên chủ động làm việc với phía đối tác để xác định hàng hóa được gửi có đúng với chứng từ nhập khẩu hay không? Nếu có nhầm lẫn trong việc gửi hàng, doanh nghiệp cần thông báo ngay cho cơ quan hải quan. Doanh nghiệp nên thông báo đến cơ quan hải quan bằng văn bản và trước khi tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa. Khi kiểm tra thực tế hàng hóa, doanh nghiệp nên cử người am hiểu về xuất, nhập khẩu hàng hóa và đặc biệt là hàng hóa thuộc lô hàng bị kiểm tra để đại diện chủ hàng tham gia kiểm tra thực tế với cơ quan hải quan để có thể làm việc, giải trình rõ về nhầm lẫn, sai sót (nếu có).
Bài viết này chứa đựng kiến thức pháp luật và thuật ngữ chuyên môn, quý đọc giả có thắc mắc hoặc cần trao đổi về chuyên môn liên quan đến nhập khẩu hàng hóa hoặc cấu thành Tội buôn lậu trong xuất, nhập khẩu hàng hóa hoặc mã số HS, thuế suất trong xuất, nhập khẩu hàng hóa vui lòng liên hệ Luật sư Hình sự của chúng tôi tại info@letranlaw.com.