Hiểu rõ & tuân thủ luật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam

Vania Van

Trong xã hội hiện đại ngày nay, chất lượng cuộc sống không chỉ được đánh giá bằng những thành tựu kinh tế và xã hội – mà còn đo lường bằng mức độ quan tâm, chăm sóc đến sức khỏe và an toàn của người lao động. Đó chính là lý do tại sao việc hiểu rõ và tuân thủ Luật An Toàn Vệ Sinh Lao Động (ASVSLĐ) tại Việt Nam trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong môi trường làm việc.

ATVSLĐ là một bộ luật quan trọng nhằm đảm bảo sự an toàn và vệ sinh trong quá trình làm việc, không chỉ bảo vệ sức khỏe của người lao động mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và toàn xã hội.

An toàn, vệ sinh lao động là gì?

Theo Khoản 2, Khoản 3 tại Điều 3 trong Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015:

  • An toàn lao động là các biện pháp nhằm ngăn chặn các rủi ro và bảo vệ người lao động khỏi thương tật hoặc tử vong trước các rủi ro nguy hiểm trong quá trình lao động. Trong khi đó, vệ sinh lao động tập trung vào việc loại bỏ yếu tố có hại trong môi trường làm việc, giảm thiểu nguy cơ bệnh tật và duy trì sức khỏe cho người lao động.

Vì sao phải huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động?

Tuân thủ Luật An toàn, Vệ sinh lao động là điều thiết yếu cho mọi tổ chức và cá nhân, giúp bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người lao động. Đồng thời giảm bớt nguy cơ tai nạn và bệnh nghề nghiệp. Việc này không chỉ tăng cường ý thức và trách nhiệm trong công tác an toàn lao động, mà còn giúp xây dựng một môi trường làm việc an toàn và sạch sẽ, giảm thiểu rủi ro liên quan đến lao động.

Áp dụng Luật An toàn,Vệ sinh lao động còn mang lại lợi ích cho hoạt động sản xuất và kinh doanh, thông qua việc tạo ra một môi trường làm việc ổn định và hiệu quả. Việc đảm bảo an toàn lao động giúp doanh nghiệp giảm thiểu tình trạng nghỉ việc của nhân viên, bảo toàn nguồn nhân lực và nâng cao năng suất lao động.

Tuân thủ Luật An toàn, Vệ sinh lao động còn góp phần xây dựng hình ảnh tích cực và uy tín cho doanh nghiệp trong mắt khách hàng, đối tác, cơ quan quản lý và toàn xã hội. Điều này không chỉ tăng giá trị thương hiệu và cơ hội kinh doanh, mà còn thu hút nhân tài. Hơn nữa, tuân thủ pháp luật còn giúp doanh nghiệp tránh khỏi hậu quả pháp lý và thiệt hại danh tiếng do các vụ tai nạn lao động có thể gây ra.

Nguyên tắc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động

Khi thực hiện an toàn và vệ sinh lao động, các nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ bao gồm:

  • Đảm bảo quyền lợi của người lao động (NLĐ) làm việc trong môi trường an toàn, vệ sinh.
  • Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn, vệ sinh trong suốt quá trình lao động.
  • Ưu tiên phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại nơi làm việc.
  • Tham khảo ý kiến từ Hội đồng an toàn, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và vệ sinh lao động trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan.

Chính sách của Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động

Nhà nước đưa ra các chính sách hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi người lao động trong lĩnh vực an toàn và vệ sinh lao động như sau:

  • Tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động và người lao động thực hiện các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động – bao gồm khuyến khích sử dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến và công nghệ thân thiện với môi trường.
  • Đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động – bao gồm hỗ trợ xây dựng các phòng thí nghiệm, thử nghiệm đạt chuẩn quốc gia.
  • Hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nhất là trong các ngành nghề có nguy cơ cao. Khuyến khích việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến về an toàn, vệ sinh lao động.
  • Cung cấp hỗ trợ huấn luyện an toàn và vệ sinh lao động cho những người lao động không theo hợp đồng lao động trong công việc có yêu cầu cao về an toàn, vệ sinh.
  • Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện và xây dựng cơ chế đóng, hưởng linh hoạt để phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người lao động.

Để giảm thiểu rủi ro trong an toàn và vệ sinh lao động, nhất là khi làm việc trong môi trường có hóa chất độc hại, người lao động cần được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ như: khẩu trang, giày bảo hộ, găng tay, ủng, nút tai, yếm da, kính, mũ bảo hiểm, dây an toàn, bình oxy, mặt nạ chống độc, trang phục chống phóng xạ, chống a xít và các trang bị phòng hộ khác.

Người sử dụng lao động cần chú trọng đôn đốc và kiểm tra việc sử dụng các trang thiết bị bảo hộ cá nhân, cũng như thực hiện đánh giá môi trường lao động định kỳ để đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn vệ sinh lao động.

Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe người lao động, việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ là cần thiết. Người lao động cần được khám sức khỏe ít nhất một lần mỗi năm, trong khi đối với những người làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại cần được khám ít nhất 6 tháng một lần.

Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động

Người sử dụng lao động và người lao động có quyền được bảo vệ và nghĩa vụ tuân thủ các quy định về Luật An toàn, Vệ sinh lao động như sau:

1. Đối với người lao động có hợp đồng lao động

Người lao động theo hợp đồng lao động có các quyền sau:

  • Làm việc trong môi trường công bằng, an toàn và vệ sinh.
  • Yêu cầu người sử dụng lao động đảm bảo an toàn, vệ sinh tại nơi làm việc.
  • Nhận thông tin về nguy cơ và biện pháp phòng ngừa tại nơi làm việc.
  • Được đào tạo về Luật An toàn, Vệ sinh lao động.
  • Hưởng chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe và kiểm tra bệnh nghề nghiệp.
  • Được đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
  • Hưởng chế độ đầy đủ khi gặp tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp.
  • Được trả chi phí khám giám định thương tật hoặc bệnh tật.
  • Được khám định mức suy giảm khả năng lao động và hưởng trợ cấp tương ứng.
  • Yêu cầu công việc phù hợp sau khi ổn định sức khỏe do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.
  • Từ chối làm việc trong điều kiện nguy hiểm mà không bị vi phạm kỷ luật, đồng thời báo ngay cho quản lý để xử lý.
  • Làm việc trở lại khi đã đảm bảo an toàn và vệ sinh lao động.
  • Quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo luật định.

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có các nghĩa vụ sau:

  • Chấp hành nội quy, quy trình an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
  • Tuân thủ các điều khoản về an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng và thỏa ước lao động tập thể.
  • Sử dụng đúng cách và bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân.
  • Báo cáo ngay lập tức cho người quản lý khi nhận thấy nguy cơ tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.
  • Tham gia tích cực trong việc cấp cứu và khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo kế hoạch đã đề ra hoặc theo chỉ đạo của người sử dụng lao động hoặc cơ quan có thẩm quyền.

2. Đối với người lao động không có hợp đồng lao động

Người làm việc không theo hợp đồng lao động có các quyền sau:

  • Làm việc trong môi trường đảm bảo an toàn và vệ sinh.
  • Nhận sự hỗ trợ từ Nhà nước, xã hội, gia đình để làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh.
  • Tiếp cận thông tin, được giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động.
  • Được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho công việc đòi hỏi cao về an toàn, vệ sinh.
  • Tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo quy định của Chính phủ.
  • Chính phủ quy định chi tiết về hỗ trợ đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, tùy vào điều kiện kinh tế – xã hội và khả năng ngân sách.
  • Có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo luật pháp.

Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có các nghĩa vụ sau:

  • Chịu trách nhiệm về an toàn và vệ sinh trong công việc mình thực hiện theo luật định.
  • Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho những người liên quan trong quá trình làm việc.
  • Thông báo cho cơ quan chính quyền địa phương về các hành vi có nguy cơ gây mất an toàn, vệ sinh lao động để có biện pháp phòng ngừa kịp thời.

3. Đối với người sử dụng lao động

Người sử dụng lao động có các quyền sau:

  • Yêu cầu người lao động tuân thủ nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
  • Khen thưởng người lao động tuân thủ tốt và áp dụng kỷ luật đối với những người lao động vi phạm quy định an toàn, vệ sinh lao động.
  • Cho phép người lao động khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định pháp luật.
  • Huy động người lao động tham gia cứu hộ và khắc phục sự cố, tai nạn lao động khi cần thiết.

Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau:

  • Xây dựng và thực hiện các chính sách an toàn, vệ sinh lao động, phối hợp với cơ quan liên quan để bảo vệ người lao động và người liên quan.
  • Đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
  • Tổ chức đào tạo, hướng dẫn về các quy định an toàn, vệ sinh lao động.
  • Trang bị đầy đủ dụng cụ lao động an toàn và vệ sinh.
  • Thực hiện chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
  • Cung cấp chế độ đầy đủ cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.
  • Không ép người lao động làm việc trong điều kiện nguy hiểm.
  • Giám sát việc thực hiện quy định an toàn, vệ sinh lao động.
  • Thiết lập bộ phận hoặc người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động.
  • Hợp tác với công đoàn để lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên.
  • Phân công trách nhiệm, quyền hạn về an toàn, vệ sinh lao động.
  • Thực hiện báo cáo, điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự cố kỹ thuật.
  • Tuân thủ quyết định của thanh tra an toàn, vệ sinh lao động và tham khảo ý kiến công đoàn khi lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động.
  • Xây dựng nội quy, quy trình an toàn, vệ sinh lao động dựa trên pháp luật và tiêu chuẩn kỹ thuật.

Những hành vi bị nghiêm cấm trong Luật An toàn, Vệ sinh lao động

Điều 12 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định nghiêm cấm những hành vi bị dưới đây:

  • Che giấu, khai báo hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không thực hiện các yêu cầu, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động gây tổn hại hoặc có nguy cơ gây tổn hại đến người, tài sản, môi trường; buộc người lao động phải làm việc hoặc không được rời khỏi nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của họ hoặc buộc người lao động tiếp tục làm việc khi các nguy cơ đó chưa được khắc phục.
  • Trốn đóng, chậm đóng tiền bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không đúng quy định của pháp luật; truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
  • Sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động không được kiểm định hoặc kết quả kiểm định không đạt yêu cầu hoặc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng, gây ô nhiễm môi trường.
  • Gian lận trong các hoạt động kiểm định, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động, giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động, người sử dụng lao động.
  • Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phân biệt đối xử vì lý do người lao động từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình; phân biệt đối xử vì lý do đã thực hiện công việc, nhiệm vụ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở của người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, an toàn, vệ sinh viên, người làm công tác y tế.
  • Sử dụng lao động hoặc làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động khi chưa được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
  • Trả tiền thay cho việc bồi dưỡng bằng hiện vật.

Xử lý hành vi vi phạm luật an toàn vệ sinh lao động như thế nào?

Dựa vào nội dung của Điều 90 trong Luật An toàn, vệ sinh lao động – các quy định xử lý vi phạm trong lĩnh vực này bao gồm:

  • Vi phạm luật an toàn, vệ sinh lao động sẽ phải đối mặt với hình thức xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm. Bên cạnh đó, người vi phạm cần bồi thường và khắc phục hậu quả nếu gây thiệt hại.
  • Người lợi dụng chức vụ hoặc quyền hạn để vi phạm luật này, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.   Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
  • Người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.
  • Các hình thức và mức phạt đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động cũng được quy định cụ thể tại Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ.

Tuân thủ Luật An toàn, Vệ sinh lao động không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là biểu hiện của sự quan tâm đối với sức khỏe và an toàn của người lao động. Nếu bạn cần thêm thông tin hay hỗ trợ pháp lý liên quan đến Luật An toàn, Vệ sinh lao động, đừng ngần ngại liên hệ với Lê & Trần Lawyer. Chúng tôi luôn cung cấp cho bạn những lời khuyên pháp lý chính xác và hiệu quả, giúp doanh nghiệp của bạn tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh.