Hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế có phải là giải pháp?

Vania Van

Việc những người làm ăn kinh doanh vướng vào vòng lao lý vốn không phải là vấn đề mới. Nhất là thời gian gần đây, qua các phương tiện truyền thông, báo chí, bao nhiêu vụ án kinh tế lớn nhỏ có dính dáng đến tù tội liên tục được dư luận quan tâm. Thuật ngữ “hình sự hóa” cũng xuất hiện nhiều hơn. 

Câu hỏi: 

  • Có chăng các giao dịch dân sự, kinh tế đang bị “hình sự hóa” ngày càng nhiều? 
  • Giải pháp hình sự hóa đang được lựa chọn để giải quyết các giao dịch kinh tế, dân sự

Ở một góc độ nào đó doanh nghiệp, cá nhân làm ăn nếu có sai sót hoặc sai phạm, phải căn cứ vào quy định của pháp luật để xử phạt tùy theo mức độ. Nếu sai phạm đúng ra chỉ xử lý theo quan hệ dân sự, kinh tế lại mà lại bị hình sự hóa, chủ doanh nghiệp bị bắt, thì hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại không chỉ riêng doanh nghiệp. Thực trạng này cũng là nỗi lo lắng của không ít người dân và doanh nghiệp. Họ cảm thấy hoang mang và không an toàn. Phải chăng tư duy “hình sự hóa” cần một hồi chuông cảnh báo?

Quan điểm của Chính phủ là không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự

“Tinh thần là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng ai sai phạm thì phải xử lý; bảo vệ, khuyến khích những người làm đúng, những người làm ăn chân chính, hiệu quả.” 

Đó là phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong Hội nghị Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững chiều ngày 14 tháng 07 năm 2022. Chỉ đạo này có làm người dân, doanh nghiệp an lòng? 

Hình sự hóa là gì?

Hình sự hóa là khái niệm pháp lý được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực lập pháp hình sự. Hình sự hóa là việc biến một hành vi vốn không bị pháp luật xử lý hoặc chỉ bị xử lý bằng một chế tài khác và nhẹ thành một hành vi có tính tội phạm và bị pháp luật xử lý bằng chế tài hình sự – loại chế tài nặng nhất. 

Hoặc có một cách hiểu đơn giản hơn. Tương tự cách hiểu một số cụm từ như công nghiệp hóa, xã hội hóa, cụ thể hóa.., khi nói hình sự hóa, chúng ta sẽ hình dung đó là: một vấn đề có bản chất không giống hoặc chưa giống hình sự, nhưng bằng một cách nào đó, nó đang được hướng theo tính chất hình sự.

Hình sự hóa là công việc của cơ quan lập pháp, vì chỉ có cơ quan lập pháp mới có quyền ban hành pháp luật hình sự.

Nhà nước đặt ra pháp luật nhằm đưa mọi hành vi, cách ứng xử của con người vào trật tự, ổn định, duy trì, giữ gìn trật tự xã hội chung. Pháp luật cũng có những chế tài khác nhau cho các hành vi sai phạm.

Khi nói đến việc hình sự hoá một loại hành vi thì nên hiểu là loại hành vi đó trước đó không bị pháp luật cấm hoặc dù có bị cấm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vẫn còn được xem là chưa đến mức phải áp dụng loại chế tài nặng hơn. 

Trong hoàn cảnh mới, khi tình hình xã hội thay đổi, mức độ nguy hiểm của hành vi đó cho xã hội đã tăng lên, do vậy, thái độ của Nhà nước đối với loại hành vi đó phải có sự điều chỉnh, chế tài áp dụng phải được nâng lên, chuyển hoá. Đó là lúc mà việc hình sự hoá được đặt ra, được tiến hành.

Trong thực tiễn, khái niệm hình sự hoá được vận dụng để chỉ việc một cơ quan tư pháp, ở giai đoạn điều tra, quy kết một hành vi xác lập từ các giao dịch dân sự, kinh tế không cấu thành tội phạm thành hành vi có dấu hiệu hình sự và khởi tố.

Hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế được hiểu như thế nào?

Vài năm gần đây, quá trình chuyển đổi kinh tế diễn ra ngày một mạnh mẽ. Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là hiện tượng được đặc biệt lưu ý. 

Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là sự sai lầm trong việc áp dụng pháp luật hình sự, là dạng làm oan sai người vô tội. Sự sai lầm này có thể là do cố ý hoặc vô ý. 

Sai lầm có thể là do cơ quan tố tụng chưa điều tra đầy đủ, khách quan, nôn nóng trong khi giải quyết hoặc cũng có thể do một số cán bộ biến chất trong các cơ quan tố tụng cố ý hình sự hoá để trục lợi. Nội dung của sự sai lầm này là một hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự hoặc nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng kinh tế (chủ yếu là nghĩa vụ thanh toán, hoàn trả tài sản) không cấu thành tội phạm nhưng đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.

Cách hiểu về hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế kể trên cũng ám chỉ rằng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là sự can thiệp trái pháp luật của các cơ quan tố tụng vào sự vận động bình thường của các giao dịch dân sự, kinh tế, do đó xâm hại tới các quan hệ dân sự, kinh tế. Thể hiện ở việc cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố (tức là áp dụng pháp luật hình sự, áp dụng pháp luật tố tụng hình sự) ngay cả đối với hành vi chưa phạm tội (chưa đủ cấu thành tội phạm quy định trong Bộ luật hình sự). 

Một số vấn đề đặt ra từ việc hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế

Nhiều án oan sai vì hình sự hóa. Khởi tố, bắt giam doanh nhân sai phạm nếu có hành vi vi phạm pháp luật hình sự là cần thiết. Nhưng nếu sai phạm đúng ra chỉ xử lý theo quan hệ kinh tế lại bị hình sự hóa, chủ doanh nghiệp bị bắt, thì hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại không chỉ riêng doanh nghiệp. 

Những vụ oan sai nổi tiếng như vụ bắt chủ quán Cà phê Xin Chào chắc hẳn ai cũng còn nhớ. Các doanh nhân này, sau nhiều năm, tháng bị ngồi tù, rốt cuộc họ cũng được trả tự do và đình chỉ vụ án vì cơ quan tiến hành tố tụng đã không thể buộc tội đối với những tranh chấp thương mại của họ với đối tác. 

Trong quá trình thực hiện các hoạt động hành pháp, tư pháp mà áp dụng sai quan hệ pháp luật, nếu mối quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế lại bị cho là quan hệ pháp luật hình sự, xử lý người vi phạm nghĩa vụ dân sự, nghĩa vụ kinh tế bằng chế tài hình sự, đây là sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, dẫn đến oan sai.

Hình sự hoá như một con dao hai lưỡi. Một mặt giúp cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm được thực hiện một cách toàn diện, góp phần ngăn ngừa, trấn áp tội phạm, giữ gìn trật tự trị an. Mặt khác, lại gây ra sự khó khăn trong việc áp dụng pháp luật đối với các cơ quan chức năng.

Có hay không sự thiếu hiểu biết và lạm quyền của cơ quan chức năng khi cố tình hình sự hóa vụ việc? Điều giống nhau của tất cả các vụ việc bị hình sự hóa là sự bất bình của dư luận do việc xử lý không thấu tình, đạt lý và không thu phục được lòng người của cơ quan chức năng. Một số người thi hành công vụ lại lợi dụng quyền hành mượn pháp luật để “làm càn”. 

Quay trở lại vụ việc xảy ra tại quán Café Xin Chào, ông Nguyễn Văn Tấn chủ quán, bị truy tố trước pháp luật về hành vi kinh doanh trái phép. Ở đây, mọi tình tiết liên quan đến vụ việc được đưa ra không quá phức tạp, nhưng, chính các cán bộ được giao điều tra, truy tố vụ việc lại cố tình đẩy vụ việc lên cao, khi liên tục, dồn dập kiểm tra, lập biên bản cơ sở này từ lúc mới đi vào hoạt động để tạo căn cứ “đã vi phạm hành chính mà vẫn vi phạm” làm cơ sở xử lý hình sự. Trong khi, về bản chất của vụ việc, hoạt động kinh doanh bình thường của ông Tấn không thể biến thành hành vi nguy hiểm cho xã hội, nên ngay sau khi các cơ quan tố tụng thực hiện việc truy tố, đã vướng phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận về dấu hiệu lạm quyền. Kết cục, khi các cơ quan có thẩm quyền cấp trên lật lại toàn bộ hồ sơ, những người có trách nhiệm đã bị xử lý. 

Vậy, mấu chốt của vụ án ở đây là gì? Liệu điều tra viên, kiểm sát viên có phải tác nhân đóng vai trò then chốt dẫn đến oan sai của vụ án? Tại vụ việc có tình tiết phức tạp hay tại hiểu biết của các bộ tham gia tố tụng có hạn?

Muôn vàn hệ lụy, đó là những gì hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự đã gây ra. Trong số đó, có những vụ việc một số người thi hành công vụ vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân mà đã mượn pháp luật tư lợi, khiến cho hình ảnh, uy tín của các cơ quan tố tụng bị giảm sút.

Nỗi ám ảnh và sợ hãi của các cá nhân và doanh nghiệp 

Trong hoạt động kinh doanh, dù lớn dù nhỏ, gần như doanh nghiệp nào cũng phải vay mượn vốn để sản xuất, kinh doanh. Nhưng khi không trả được nợ, thì rất nhiều trường hợp bị quy vào hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị truy tố trước tòa. Đây chính là hiện tượng hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, gây nên án oan sai, là nỗi sợ hãi của cá nhân và doanh nghiệp khi mà ranh giới giữa dân sự – hình sự trong nhiều vụ án kinh tế khá mong manh.

Thông thường, hành vi không hoàn trả vốn và lãi chỉ là vi phạm hợp đồng và chịu chế tài vật chất theo hợp đồng như áp dụng lãi suất quá hạn, phạt vi phạm hợp đồng, xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ… Trong trường hợp vẫn không thu hồi được nợ, tổ chức tính dụng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết, kể cả yêu cầu tuyên bố phá sản theo pháp luật phá sản doanh nghiệp…

Hiện tượng lạm dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự trong giải quyết các tranh chấp tín dụng ngân hàng thường biểu hiện dưới trường hợp: Đến hạn trả nợ, người đi vay không trả được nợ cho ngân hàng, theo yêu cầu của ngân hàng, cơ quan điều tra thực hiện các thủ tục khởi tố bắt giam, điều tra, xét hỏi, theo Điều 139 và Điều 140 Bộ luật Hình sự Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đọat tài sản hoặc Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Có thể thấy việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự như một bóng ma ám ảnh các doanh nghiệp, nỗi lo sợ bị hình sự hóa hành vi kinh tế khiến các doanh nhân luôn sống trong tâm trạng bất an khi phải vay để kinh doanh. Sau các vụ án này, người dân và doanh nghiệp đều cảm thấy hoang mang, không an toàn. 

Nếu cứ tiếp tục quy chụp tội danh hình sự cho các quan hệ dân sự, kinh tế như một giải pháp tối ưu để thu hồi vốn thì không chỉ gây nên án oan sai, mà còn khiến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam bị mất đi nhiều cơ hội.

Tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, an ninh, an toàn để các doanh nghiệp bình đẳng, tin tưởng, an tâm sản xuất kinh doanh. Làm sao để bóng ma hình sự hóa không còn là nỗi ám ảnh với các doanh nghiệp? Câu trả lời dành cho các cơ quan chức năng!

Trên đây một vài kiến thức về việc hình sự hóa giao dịch dân sự, kinh tế xin chia sẻ cùng quý vị. Hãy liên hệ với công ty luật của chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com.