Intellectual property là gì? Vì sao nó quan trọng?
Tài sản trí tuệ ngày càng được coi trọng không những trong phạm vi của một quốc gia, mà còn được bảo vệ trên phạm vi thế giới. Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa quan trọng đối với không chỉ chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, chủ thể sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng mà còn liên quan đến sự phát triển của quốc gia.
Intellectual property (Sở hữu trí tuệ) là gì? Sở hữu trí tuệ có ý nghĩa như thế nào trong đời sống hiện đại? Tại sao nó quan trọng? Có các loại quyền sở hữu trí tuệ phổ biến nào? Thủ tục đăng ký bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ thực hiện như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!
Sở hữu trí tuệ là gì?
Thuật ngữ sở hữu trí tuệ được dùng để chỉ quyền sở hữu tài sản từ những thành quả sáng tạo trí tuệ, tư duy của con người tạo ra. Trí tuệ được hiểu là nhận thức lý tính đạt đến một trình độ nhất định, là năng lực riêng có của con người.
Những thành quả do trí tuệ con người tạo ra thông qua hoạt động sáng tạo, là kết quả của hoạt động khoa học và công nghệ được thừa nhận là tài sản trí tuệ. Sở hữu trí tuệ được hiểu là việc sở hữu các tài sản trí tuệ này.
Đối tượng của sở hữu trí tuệ là các tài sản phi vật chất nhưng có giá trị kinh tế, tinh thần to lớn, góp phần quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nền văn minh, khoa học, công nghệ của nhân loại. Đó là các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ý tưởng, chương trình biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, tên thương mại; bí quyết kinh doanh, công thức pha chế, giống cây trồng mới, phầm mềm máy tính, các công trình khoa học kỹ thuật ứng dụng cũng như các tên gọi, hình ảnh được sử dụng trong các hoạt động thương mại…
Sở hữu trí tuệ được bảo vệ bởi pháp luật, cho phép người sáng tạo hoặc chủ sở hữu có quyền kiểm soát việc sử dụng các tác phẩm của họ
Các loại quyền Sở hữu trí tuệ phổ biến
Theo Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2019, quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Dựa vào bản chất, có thể phân chia thành các loại quyền sở hữu trí tuệ phổ biến:
Quyền sở hữu trí tuệ đối với sở hữu công nghiệp
Theo Khoản 4 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp có thể nhận ra ở hai nhóm: Các đối tượng mang tính sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn… Và các đối tượng mang tính là dấu hiệu phân biệt trong thương mại, như nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh…
Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập qua ghi nhận hoặc công nhận từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới dạng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu theo thủ tục đăng ký hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.
Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả
Tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, giải thích quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.
Quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng
Quyền sở hữu đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu. Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật sở hữu trí tuệ.
Theo Khoản 24 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2019, giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được.
Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là giống cây trồng và vật liệu nhân giống. Đối tượng được pháp luật hướng tới bảo vệ đối với giống cây trồng chính là tính mới, tính ổn định, đồng nhất và khả năng phân biệt với các giống cây trồng khác.
Hoạt động tạo ra giống cây trồng đòi hỏi phải đầu tư lớn về kỹ thuật, lao động, nguyên vật liệu, kinh phí, mất nhiều thời gian, vì vậy cơ chế xét đơn và bảo hộ quyền ưu tiên dài hơn so với các quyền khác.
Quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng liên quan đến việc bảo vệ các giống cây trồng mới đã được phát triển thông qua nghiên cứu và lai tạo.
Tại sao quyền Sở hữu trí tuệ quan trọng trong kinh doanh và đời sống hiện đại?
Khoa học, công nghệ và nghệ thuật sáng tạo có ý nghĩa quyết định đến cuộc sống hàng ngày. Những bước tiến lớn của khoa học, công nghệ qua các thời kỳ đã đưa loài người phát triển đi lên. Khoa học, công nghệ, nghệ thuật… là trí tuệ.
Tài sản trí tuệ tuy không quy ra được giá trị vật chất cụ thể nhưng mang lại giá trị tinh thần và những lợi ích khác cho cá nhân và tổ chức. Không là quá khi đánh giá sở hữu trí tuệ rất quan trọng trong kinh doanh và đời sống hiện đại vì ý nghĩa và vai trò góp phần vào thúc đẩy phát triển xã hội. Cụ thể:
Khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo, nghiên cứu nền tảng đầu tiên của sự phát triển
Sở hữu trí tuệ là kết quả của quá trình sáng tạo, đầu tư trí tuệ, công sức, tiền bạc của cá nhân, tổ chức. Hoạt động sáng tạo trí tuệ mong muốn đạt được những lợi ích nhất định.
Bằng việc bảo hộ tài sản trí tuệ, nhà nước khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sáng tạo nhiều hơn bởi bảo hộ tài sản trí tuệ sẽ đảm bảo quyền của chủ sở hữu đối với sản phẩm mà mình sáng tạo ra. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là khuyến khích sự sáng tạo, nỗ lực cống hiến của các cá nhân vào hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội.
Bảo vệ quyền lợi của cá nhân, tập thể, hạn chế các hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Đối với các cá nhân, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả giúp cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn và được sử dụng các hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã hạn chế các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, tạo ra hàng nhái, hàng kém chất lượng và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác, góp phần giảm tổn thất cho các chủ thể sản xuất kinh doanh.
Góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại lành mạnh trên phạm vi toàn cầu
Sở hữu trí tuệ là một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút chuyển giao công nghệ và đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, với sự luân chuyển mạnh mẽ, liên tục của các tài sản hữu hình cũng như tài sản vô hình giữa các quốc gia, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là nghĩa vụ bắt buộc, là điều kiện tiên quyết đối với các quốc gia là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới và với các quốc gia muốn trở thành thành viên của Tổ chức này.
Nhiều nước, đặc biệt là những nước phát triển, đã coi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là điều kiện không thể thiếu để thiết lập các quan hệ thương mại, việc thực hiện không đầy đủ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có thể tạo ra sự căng thẳng về thương mại.
Thủ tục đăng ký bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ
Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ để quyền lợi hợp pháp của các cá nhân và tổ chức được đảm bảo là một việc làm quan trọng và rất thiết thực trong thời kỳ hội nhập kinh tế hiện nay. Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ là căn cứ pháp lý góp phần tạo sự tin tưởng trong các mối quan hệ đối tác, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trước những hành vi sai trái của các đối thủ có thể xảy ra.
Quy trình đăng ký sở hữu trí tuệ được thực hiện qua các bước sau:
Bước 1: Xác định đối tượng đăng ký quyền sở hữu trí tuệ
Để việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm đúng theo quy định của pháp luật, việc xác định và phân loại đối tượng đăng ký sở hữu trí tuệ là rất quan trọng. Chẳng hạn như Logo, thương hiệu sẽ thuộc đối tượng đăng ký sở hữu công nghiệp là đăng ký nhãn hiệu, hay như ý tưởng giải pháp tiết kiệm điện sẽ thuộc đối đối tượng đăng ký sáng chế… Xác định, phân loại đối tượng đúng mới có thể thuận lợi bắt đầu thủ tục đăng ký.
Bước 2: Xác định cơ quan tiếp nhận, tiến hành thủ tục hành chính đăng ký sở hữu trí tuệ
Cơ quan nào sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký sở hữu? Bởi hiện nay, tương ứng với 03 đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ sẽ có 03 cơ quan tiến hành thủ tục hành chính trong việc xác lập quyền cho chủ đơn đăng ký. Vì vậy, sau khi xác định đối tượng, cũng cần xác định sẽ tiến hành thực hiện thủ tục hành chính tại cơ quan nào. Cụ thể như sau:
- Quyền sở hữu trí tuệ đối với sở hữu công nghiệp sẽ được thực hiện thủ tục hành chính tại Cục Sở hữu trí tuệ.
- Quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả, quyền liên quan sẽ được thực hiện tại Cục Bản quyền Tác Giả.
- Quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng sẽ được tiến hành xác lập quyền tại Cục Trồng Trọt.
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ
Hồ sơ đăng ký sẽ được tiến hành bởi chủ đơn đăng ký hoặc người được chủ đơn ủy quyền. Chi tiết tùy vào từng loại đối tượng mà có hồ sơ khác nhau:
Hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ cho các đối tượng sở hữu công nghiệp
+ 02 bản tờ khai đăng ký của một trong các đối tượng sau: sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp theo mẫu;
+ 05 mẫu nhãn hiệu đình kèm với kích thước 8cm x 8 cm (Áp dụng đối với việc đăng ký nhãn hiệu);
+ 02 bản mô tả kiểu dáng công nghiệp kèm theo bản chụp sản phẩm đăng ký (Áp dụng đối với đăng ký kiểu dáng công nghiệp);
+ 02 bản mô tả sáng chế kèm theo hình vẽ (nếu có), yêu cầu bảo hộ sáng chế trong trường hợp đăng ký sáng chế;
+ 02 bản mô tả giải pháp hữu ích, yêu cầu bảo hộ trong trường hợp đăng ký giải pháp hữu ích;
+ Giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền;
+ Tài liệu khác liên quan nếu có.
Hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ áp dụng cho quyền tác giả và quyền liên quan tác giả
+ Đơn đăng ký bản quyền tác giả, quyền liên quan tác giả theo mẫu của Cục bản quyền tác giả;
+ Giấy cam đoan của tác giả sáng tác ra tác phẩm;
+ Quyết định giao việc cho tác giả hoặc hợp đồng, văn bản chứng minh việc đi thuê bên khác sáng tạo ra tác phẩm;
+ Tuyên bố của tác giả về chủ sở hữu tác phẩm;
+ Hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền cho đơn vị thứ 3 thực hiện việc đăng ký quyền tác giả;
+ Chứng minh thư nhân dân của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm;
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
+ Văn bản đồng ý của các tác giả trong trường hợp tác phẩm đăng ký có nhiều tác giả;
+ 02 bản tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc 02 bản sao bản định hình đăng ký quyền liên quan.
Hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ với giống cây trồng
+ Tờ khai đăng ký giống cây trồng theo mẫu;
+ Ảnh chụp kèm tờ khai về kỹ thuật theo mẫu quy định;
+ Giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền cho việc đăng ký trường hợp sử dụng dịch vụ đăng ký;
+ Tài liệu khác như tài liệu chứng minh quyền của người nộp đơn, quyền được chuyển giao, quyền được hưởng ngày ưu tiên…
Hồ sơ đăng ký sẽ được tiến hành bởi chủ đơn đăng ký hoặc người được chủ đơn ủy quyền
Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ tại cơ quan đăng ký
Sau khi hoàn tất việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký, chủ đơn hoặc người được chủ đơn ủy quyền sẽ tiến hành nộp hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại các cơ quan tiến hành thủ tục hành chính nêu trên phụ thuộc vào từng đối tượng đăng ký.
Địa chỉ 03 cơ quan nộp đơn đăng ký như sau:
- Cục sở hữu trí tuệ: Số 386 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội;
- Cục bản quyền tác giả: Số 33 Ngõ 294/2 phố Kim Mã, Quận Ba Đình, TP.Hà Nội;
- Cục Trồng Trọt: Nhà A6, 2, Ngọc Hà, Phường Ngọc Hà, Quận Ba Đình, Thành Phố Hà Nội, Ngọc Hồ, Ba Đình, Hà Nội;
Bước 5: Theo dõi hồ sơ và nhận quyết định cuối cùng về việc đăng ký sở hữu trí tuệ
Sau khi nộp xong hồ sơ đăng ký, hồ sơ sẽ chuyển qua các giai đoạn thẩm định khác nhau và thời gian sẽ kéo dài phụ thuộc vào từng đối tượng đăng ký sở hữu trí tuệ. Vì vậy thời gian dài ngắn có thể khác nhau theo từng loại đối tương. Chẳng hạn hồ sơ sở hữu nhãn hiệu sẽ khoảng từ 20- 28 tháng, hồ sơ kiểu dáng công nghiệp sẽ khoảng từ 14-17 tháng…
Trong quá trình thẩm định hồ sơ đăng ký, cơ quan đăng ký sẽ ra thông báo về tiến hành công việc, thông báo thiếu sót, thông báo dự định từ chối… Do đó, người nộp đơn cần hết sức chú ý để tránh trường hợp đơn đăng ký bị từ chối đăng ký.
Cuối cùng, sau khi hoàn thành xong quá trình thẩm định đơn đăng ký, Cơ quan đăng ký sẽ ra quyết định cuối cùng về việc đồng ý hoặc không đồng ý cấp giấy chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm đăng ký. Dựa vào thông báo này, người nộp đơn sẽ tiến hành các công việc tiếp theo.
Đăng ký sở hữu tài sản trí tuệ quốc tế
Khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, nguy cơ các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam bị đánh cắp thương hiệu ngày càng cao. Ngoài việc đăng ký sở hữu trí tuệ trong phạm vi nước Việt Nam, quyền đăng ký sở hữu trí tuệ còn được thực hiện trên phạm vi quốc tế.
Đăng ký sở hữu trí tuệ quốc tế là một hình thức ghi nhận tài sản trí tuệ và chủ sở hữu, tác giả của tài sản trí tuệ đó trên hệ thống đăng bạ quốc gia, được pháp luật ghi nhận và bảo hộ nhằm mục đích chống cạnh tranh không. Các đối tượng bảo hộ sở hữu trí tuệ thường theo nguyên tắc lãnh thổ, đăng ký quốc gia nào sẽ được quốc giá đó bảo hộ.
Vậy nên, khi muốn đăng ký sở hữu trí tuệ quốc tế, chủ sở hữu cần nộp đơn đăng ký tại các quốc gia muốn bảo hộ. Có thể nộp đơn đăng ký bản quyền tại cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia, khu vực hoặc sử dụng các hệ thống đăng ký toàn cầu do WIPO – Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới – thiết lập.
Hiện Việt Nam đã là thành viên của Hiệp ước Hợp tác về sáng chế – PCT- và Thỏa ước, Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu. Đây là hai hệ thống giúp cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm sự bảo hộ sáng chế ở 152 nước thành viên PCT và bảo hộ nhãn hiệu ở 101 nước thành viên một cách thuận lợi và tiết kiệm.
Thông qua việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, cá nhân và tổ chức tự bảo vệ được tài sản trí tuệ của chính mình. Đừng quên theo dõi và cập nhập thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Khi cần, Hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com