Khi Mạng Xã Hội Ảo Trở Thành Nhu Cầu Thật Trong Xã Hội

Vania Van

Với những tính năng vượt trội trong việc lan truyền thông tin và lan tỏa những cảm xúc đến cuộc sống.  Cùng với sự phát triển của công nghệ thời đại 4.0, mạng xã hội đã thật sự tác động mạnh đến mọi mặt của  đời sống xã hội nhân loại, đặc biệt là giới trẻ.  Mạng xã hội là một phát minh vĩ đại. Sức hút của nó không có giới hạn ở quốc gia, độ tuổi, giới tính.  Sử dụng mạng xã hội để giải trí, cập nhật thông tin và giao lưu kết bạn…  Sẽ chẳng khó để bắt gặp hình ảnh một người, có thể già, có thể trung niên, có thể trẻ… ở ngoài phố, cũng như trong quán xá, mắt dán vào màn hình chiếc điện thoại để theo dõi facebook, tiktok, instagram… Có lẽ chưa khi nào việc tham gia mạng xã hội ảo lại là nhu cầu có thật của đại đa số quần chúng như hiện nay.  Mạng xã hội là ảo, nhưng nhu cầu tham gia mạng xã hội ảo là một nhu cầu thật.  Việc duy nhất còn lại, cũng là một điều cần cho những người dùng mạng xã hội là làm thế nào để tỉnh táo và thông minh khi sống ảo!

Hiểu thế nào về khái niệm mạng xã hội?

Mạng xã hội là cụm từ từ lâu đã trở nên quen thuộc với mọi người.  Mạng xã hội đã và đang trở thành một trong những kênh giao tiếp, một công cụ truyền thông, giải trí phổ biến.  Ở Khoản 22 Điều 3 Nghị Định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng, thuật ngữ mạng xã hội được giải thích như sau: Mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn, trò chuyện trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.

Với nhiều tính năng và bằng nhiều hình thức khác nhau, thông qua các công cụ hỗ trợ, mạng xã hội giúp người dùng kết nối với những người sống ở các vùng đất, thành phố khác nhau trên toàn thế giới qua việc cho phép người dùng chia sẻ bài viết, ý tưởng cá nhân, hình ảnh, video, đồng thời thông báo về hoạt động, sự kiện trên mạng hoặc trong thế giới thực… Mỗi người dùng trên mạng xã hội đều phải tạo tài khoản, hồ sơ riêng.  Mạng xã hội sẽ kết nối tài khoản người dùng đến các tài khoản cá nhân, tổ chức khác thông qua các tài khoản ảo do người dùng tạo ra.

Theo thống kê, cả nước có hơn 70 triệu người sử dụng mạng xã hội, thời gian sử dụng trung bình trong một ngày là của mỗi người là hơn 2 giờ. Bên cạnh những tiện ích vượt trội, mạng xã hội cũng là nơi lan truyền nhiều thông tin tiêu cực, sai lệch, hành vi ứng xử thiếu văn hóa, thậm chí là vi phạm pháp luật.  Nhiều người sử dụng mạng xã hội để thực hiện những mục đích xấu, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức, gây bức xúc cho xã hội.

Những tiện ích thật do mạng xã hội ảo mang lại trong cuộc sống

Mạng xã hội không hoàn toàn là thế giới giải trí ảo nữa mà đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống mỗi người, trở thành phương tiện để thực hiện quyền tự do ngôn luận thời nay.  Những tiện ích mạng xã hội mang lại trong đời sống thực là không thể phủ nhận.

  • Khả năng kết nối, hội nhập.  Có thể nói khả năng kết nối của mạng xã hội là vô cùng, bỏ qua những trở ngại về khoảng cách, điều kiện địa lý, quốc gia… Mạng xã hội là phương tiện để người dùng có thể kết nối với nhau. Dựa vào việc áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, mạng xã hội cho phép người dùng có thể tương tác với bạn bè, gia đình, cộng đồng. Thông qua mạng xã hội, có thể nhắn tin, chia sẻ bài viết, gọi video call để gặp mặt bạn bè, người thân, hay thậm chí có thể có thể làm quen với những người chưa từng quen biết. Các mạng xã hội được tạo lập với mạng lưới xuyên quốc gia đã tạo ra những cơ hội, khả năng tiếp xúc, giao lưu văn hóa, thúc đẩy sự xích lại gần nhau, hiểu biết, hội nhập lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới.
  • Chia sẻ trao đổi thông tin và lan tỏa cảm xúc. Khả năng lan truyền của mạng xã hội cực nhanh, điều này lý giải vì sao tốc độ lan truyền tin tức trên mạng cũng nhanh chóng mặt.  Có thể nhận tin tức và truyền tải tin tức từ những người khác. Thông qua mạng xã hội, bạn có thể bày tỏ quan điểm cá nhân cũng như chia sẻ cảm xúc, ý kiến về một vấn đề nào đó. Và đôi khi niềm hạnh phúc của bạn sẽ được nhân lên khi có nhiều người bạn cùng chung vui hoặc nỗi buồn vơi đi khi có người cùng chia sẻ, đồng cảm thông tin mà bạn chia sẻ.
  • Học hỏi kiến thức, góp phần nâng cao nhận thức, tư duy, kỹ năng sống. Thông qua mạng xã hội dễ dàng có thể nắm bắt những thông tin, kiến thức mới trong một lĩnh vực nào đó mà bạn quan tâm bởi mạng xã hội là một kho thông tin và kiến thức khổng lồ, nhất là đối với những người làm công tác nghiên cứu, học sinh, sinh viên. Từ đó sẽ học hỏi và trau dồi thêm được nhiều kiến thức mới mẻ, giúp chúng ta tự hoàn thiện bản thân mình mỗi ngày.
  • Góp phần phát triển văn hóa cộng đồng.  Thực tế từ khi mạng xã hội phát triển, việc người dân tham gia vào các hoạt động của xã hội, hay sự tham gia của cá nhân vào các công việc chung của cộng đồng được thuận tiện hơn. Các công tác xã hội như cứu trợ thiên tai, xóa đói giảm nghèo… được biết đến và thực hiện dễ dàng hơn. Văn hóa cộng đồng được thể hiện tốt hơn.
  • Giải trí.  Không thể không nói đến lợi ích tuyệt vời của mạng xã hội đó là giúp người dùng có những giây phút giải trí, thư giãn với những tiện ích tích hợp như game, âm nhạc, phim ảnh. Thậm chí, việc xem và đọc những bài đăng mang ý nghĩa tích cực cũng giúp giảm bớt mệt mỏi và căng thẳng sau một ngày làm việc, học tập vất vả.
  • Kinh doanh online. Việc kinh doanh trên mạng xã hội ngày càng phổ biến và đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho các chủ shop, doanh nghiệp. Có thể bán hàng qua trang cá nhân hoặc tạo một trang doanh nghiệp riêng để kinh doanh, quảng bá sản phẩm. Nhiều nền tảng mạng xã hội cung cấp các tính năng, công cụ phục vụ cho việc bán hàng như livestream, mở shop online, đăng sản phẩm, tư vấn tự động,…

Những tác dụng phụ nhưng không hề là phụ của mạng xã hội

Không gian mạng dần dần đã không còn ảo nữa khi mà mọi người đang dành nhiều thời gian cho mạng. Tiện ích là thế, song không thể phủ nhận rằng mạng xã hội cũng có những mặt trái của nó. Như một chất gây nghiện, mạng xã hội khiến người dùng có thể chìm đắm trong “cuộc sống ảo”, mà quên đi “đời sống thực”. Và cả việc tất yếu, trên mạng không chỉ có lời hay ý đẹp, mà cũng tràn ngập những thông tin,  hành động không hề đẹp. Tác hại của không gian mạng cũng thật khó lường. Có thể dễ dàng nhận ra một số tác hại sau:

  • Giảm tương tác giữa người với người. Nghiện mạng xã hội khiến người ta sống ảo nhiều hơn sống thật. Thời gian cho người thật việc thật bị giảm đi, xa rời thực tế, các mối quan hệ vì thế cũng dễ dẫn đến đổ vỡ, xa cách.
  • Xao lãng mục tiêu cá nhân. Quá chú tâm vào mạng xã hội thì khó có thời gian dành cho các nhiệm vụ, mục tiêu đã được đặt ra, cũng khó có thời gian cho việc đầu tư phát triển bản thân.
  • Bị xâm phạm quyền riêng tư.  Việc lừa đảo thông tin online, lấy đi thông tin người dùng bằng một đường dẫn dính virus đã khá phổ biến. Bằng việc mạo danh người dùng, các hành vi phạm pháp sẽ được thực hiện.
  • Nguy cơ mắc các bệnh về tâm lý. Trầm cảm, mất ngủ, suy nghĩ tiêu cực… là những căn bệnh thường thấy với những người có xu hướng sử dụng mạng xã hội qua mức theo các thông tin nghiên cứu được đăng tải trên báo chí.
  • Bị các thế lực phản động lợi dụng.  Các thế lực thù địch và phản động dùng các nền tảng mạng xã hội để tăng cường xuyên tạc, tuyên truyền, chống phá Đảng và Nhà nước, lợi dụng các vấn đề thời sự nhạy cảm, được dư luận quan tâm để lôi kéo, kích động người dân chống đối chính quyền.

Những điều cần lưu ý để trở thành người sử dụng mạng xã hội thông minh

Với những tiện ích tuyệt vời của mạng xã hội mang lại, khó ai có thể cưỡng lại việc sử dụng. Điều duy nhất còn lại là hãy trở thành người sử dụng mạng xã hội thông minh. Những lưu ý sau giúp bạn tỉnh táo hơn trong khi sử dụng mạng xã hội.

  • Bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư.  Để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân cũng như tuân thủ đúng các quy định pháp luật, khi sử dụng mạng xã hội, người dùng cần tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội.  Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.  Bên cạnh đó, cần thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội. Khi có sự cố xảy ra với tài khoản, cần nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ để trách việc bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
  • Chỉ kết bạn với những người quen biết. Điều này không thừa! Chỉ dùng mạng ảo làm công cụ kết nối người quen, ngượi thật.  Không truy cập vào những thông tin vô bổ, độc hại. Đừng chia sẻ thông tin cá nhân như hộ chiếu, căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, địa chỉ email… Cũng đừng lạm dụng mạng xã hội là nơi “giải tỏa” các bức xúc cá nhân với cuộc sống gia đình, công việc. Nếu những thông tin đời tư bị công khai, bạn rất dễ trở thành đối tượng của các cá nhân, tổ chức lừa đảo, chiếm đoạt thông tin, chiếm đoạt tài sản. Khi tham gia, mỗi chúng ta cần có ý thức rằng mình phải là người có trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng; biết tôn trọng nhân phẩm, danh dự, quyền lợi của người khác
  • Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, tin cậy.  Cần tỉnh táo trước những thông tin trên mạng.  Mỗi ngày có hàng trăm hàng nghìn thông tin được tung lên mạng mà chưa được thẩm định kiểm chứng. Vì thế hãy chỉ truy cập những trang mạng uy tín ,không chia sẻ không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác, hay sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép…
  • Cảnh giác với những hành vi lôi kéo, kích động.  Nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã lợi dụng sức mạnh truyền thông tin của mạng xã hội để chống phá Đảng và Nhà nước ta.  Nội dung chống phá, xuyên tạc từ kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, pháp luật, quốc phòng, an ninh, trật tự. Nếu thiếu hiểu biết, chúng ta rất dễ vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động.  Nhất là khi người dùng luôn tâm lý cho rằng các trang mạng xã hội là nơi thoải mái đăng tải mọi thứ, thể hiện quan điểm mà chẳng đoái hoài, suy nghĩ về hậu quả.
  • Cuối cùng, hãy hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội.  Mọi nghiên cứu đều cho thấy thời gian sử dụng mạng xã hội nhiều hơn 2 giờ/ngày sẽ làm người dùng dễ rơi vào trạng thái đờ đẫn, không tập trung, mất thăng bằng trong cuộc sống, sa vào cuộc sống ảo, trầm cảm vì thiếu tương tác thật sự với bên ngoài.  Hãy cài những phần mềm quản lý thời gian vào mạng ảo để có thêm thời gian cho cuộc sống thực.

Mạng xã hội có thể làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng cũng có thể hủy hoại con người nếu như sử dụng không đúng cách. Hãy là người sử dụng mạng xã hội thông minh, đúng cách, an toàn và hiệu quả, có chừng mực, có văn hóa. Có như vậy, mạng xã hội mới thực sự trở thành công cụ để lan tỏa những điều tốt đẹp của cuộc sống thực.  Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi.  Hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com