Làm sao để Người lao động Đồng ý Tham gia Công đoàn Cơ sở?

Hannah Huynh

Việc tham gia Công đoàn là quyền của người lao động, mang tính tự nguyện và không ai có thể ép buộc. Điều này dẫn đến một thực tế xảy ra là dù doanh nghiệp muốn thành lập Công đoàn Cơ sở (CĐCS) cũng không thể thành lập được nếu người lao động đều không tự nguyện tham gia CĐCS. Và có trường hợp mặc dù doanh nghiệp đã thành lập CĐCS nhưng một số người lao động không muốn tham gia, dẫn đến tình trạng trong cùng một doanh nghiệp có người tham gia, người không tham gia. Lý do người lao động không tình nguyện tham gia CĐCS là vì người lao động chưa thấy được những lợi ích từ việc trở thành Đoàn viên, đồng thời còn phải đóng thêm một khoản đoàn phí hàng tháng, trong khi đó, vẫn tồn tại thực trạng CĐCS sau khi được thành lập lại rất yếu thế, hoàn toàn đứng về phía người sử dụng lao động, không bảo vệ quyền lợi cho người lao động; CĐCS không hoạt động hoặc hoạt động chỉ mang tính phong trào, không thiết thực, không giúp ích cho người lao động; CĐCS quá tách biệt với tập thể người lao động, không có sự gắn kết, thấu hiểu lẫn nhau, v.v

Vì vậy, doanh nghiệp cần cho người lao động thấy được việc tham gia CĐCS sẽ mang đến những lợi ích như thế nào về vật chất lẫn tinh thần. Nói ngắn gọn hơn, doanh nghiệp phải trả lời được câu hỏi của người lao động: “Tại sao tôi nên tham gia CĐCS?”.

Lợi ích của Người lao động khi trở thành Đoàn viên CĐCS

Ngoài những quyền lợi cơ bản như những người lao động khác, việc tham gia CĐCS sẽ giúp người lao động có thêm một số quyền và lợi ích khác

Thứ nhất, người lao động sẽ nâng cao vai trò và tiếng nói của mình trong doanh nghiệp, mang đến sự cân bằng lợi ích và vị thế giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Khi trở thành Đoàn viên, người lao động sẽ nắm các quyền rất quan trọng như (i) tham gia xây dựng, cho ý kiến, thông qua hoặc không thông qua các nội quy, quy chế có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tập thể người lao động (như nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế thưởng, thang bảng lương) và (ii) cho ý kiến, tham gia tổ chức, lãnh đạo về việc đình công tại doanh nghiệp. Việc tham gia, phát triển tổ chức CĐCS đồng nghĩa với việc người lao động sẽ tham gia đấu tranh như một tập thể và mang đến những lợi ích lớn hơn cho mỗi người lao động. Nếu chỉ đứng riêng rẽ và đấu tranh vì lợi ích cá nhân, người lao động sẽ hoàn toàn yếu thế trước người sử dụng lao động.

Đây cũng là một xu thế trên toàn thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển. Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Lao động (Bộ Lao động Hoa Kỳ) năm 2016 1, tỉ lệ người lao động tham gia tổ chức Công đoàn khá cao, đặc biệt đối với các ngành có nguồn nhân lực trình độ cao như giáo dục, đào tạo (34,6%) và dịch vụ thư viện (34,5%); người lao động tham gia Công đoàn cũng có mức thu nhập trung bình cao hơn 20% so với người lao động không tham gia Công đoàn. Tại các Quốc gia Châu Âu, tỉ lệ tham gia Công đoàn luôn đứng đầu thế giới (tỉ lệ tham gia tại Iceland là 91%, Thụy Điển là 67%, Bỉ là 55,1%) 2; do đó, phong trào Công đoàn tại các nước này rất mạnh và các phúc lợi dành cho người lao động luôn được đảm bảo.

Thứ hai, người lao động sẽ được Công đoàn đứng ra bảo vệ và hỗ trợ khi quyền và lợi ích chính đáng bị xâm phạm, như được Công đoàn hỗ trợ, tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí về pháp luật lao động và công đoàn, được Công đoàn đại diện tham gia tố tụng các vụ án về lao động.

Thứ ba, người lao động được Công đoàn hỗ trợ về mặt vật chất và tinh thần:

Khi CĐCS được thành lập, CĐCS được phép giữ lại 67% kinh phí công đoàn (do doanh nghiệp đóng), 60% đoàn phí (do người lao động là Đoàn viên đóng) và 100% các nguồn thu khác để phát triển các hoạt động của CĐCS và người lao động trong doanh nghiệp. Các khoản giữ lại này sẽ được sử dụng để hỗ trợ kinh phí cho người lao động về mặt vật chất và tinh thần, như:

  • Chi tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của Đoàn viên Công đoàn và người lao động: Chi hỗ trợ thuê luật sư bảo vệ cán bộ CĐCS khi thực hiện quyền đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động mà bị chủ doanh nghiệp sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc chuyển làm việc khác mà thu nhập giảm; chi tổ chức đình công theo quy định của pháp luật; chi án phí, chi phí tố tụng khác khi công đoàn tổ chức khởi kiện, v.v.
  • Chi thăm hỏi, trợ cấp: Chi thăm hỏi Đoàn viên và người lao động ốm đau, thai sản, tai nạn, gia đình có việc hiếu (cha, mẹ đẻ hoặc bên vợ, bên chồng; vợ; chồng; con) và việc hỉ của Đoàn viên; chi thăm hỏi, tặng quà cho người lao động nhân dịp tết cổ truyền; tặng quà sinh nhật cho Đoàn viên; chi trợ cấp cho Đoàn viên và người lao động gặp khó khăn do tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, thiên tai, hỏa hoạn, bệnh tật hiểm nghèo gây tổn thất về sức khỏe hoặc tài sản, v.v
  • Chi động viên, khen thưởng: Chi khen thưởng người lao động đạt thành tích xuất sắc trong công tác; chi khen thưởng con của Đoàn viên và người lao động đạt thành tích xuất sắc trong học tập; chi phối hợp tổ chức hoạt động nhân ngày quốc tế thiếu nhi, tết trung thu, v.v
  • Chi tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch: Chi tổ chức cho người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; chi khen thưởng tập thể, cá nhân đạt giải trong các cuộc hội diễn, hội thao do CĐCS tổ chức; chi phối hợp với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức cho Đoàn viên và người lao động đi du lịch, v.v
  • Chi tổ chức các hoạt động về giới và bình đẳng giới: Chi hỗ trợ mua đồ dùng, thiết bị mẫu giáo, nhà trẻ tại đơn vị (nếu có); hỗ trợ Đoàn viên và người lao động có con gửi nhà trẻ, học mẫu giáo; chi tuyên truyền, tổ chức hoạt động nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày Gia đình Việt Nam 28/6, ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, ngày Dân số 26/12; v.v.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chú trọng các chương trình phúc lợi cơ bản cho người lao động là Đoàn viên

Thực tế, ngày 09/03/2017, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Hướng dẫn số 284/HD-TLĐ thực hiện chủ đề năm 2017 ‘Năm vì lợi ích Đoàn viên Công đoàn’. Theo đó, các chương trình phúc lợi cơ bản mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chú trọng cho người lao động là Đoàn viên có thể kể đến như sau:

  • Ký kết các thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trên nguyên tắc: Đoàn viên là một nhóm khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp, khi Công đoàn hướng nhóm khách hàng tiềm năng đó sử dụng sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải giảm giá cho Đoàn viên. Các thỏa thuận tập trung vào những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với Đoàn viên như các sản phẩm lương thực, thực phẩm; các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, hàng gia dụng, điện tử; các dịch vụ đi lại, nghỉ ngơi, khám chữa bệnh, thể dục, thể thao, văn hóa, thiết bị đồ dùng học tập cho con của Đoàn viên.
  • Các cơ sở du lịch, văn hóa, thể thao, dạy nghề của Công đoàn Việt Nam thực hiện các ưu đãi dành cho Đoàn viên cao hơn so với đối tượng chưa là Đoàn viên, cụ thể như:
    • Các khách sạn, nhà nghỉ của Công đoàn có quy định giảm giá đối với Đoàn viên;
    • Các trường đại học, trường trung cấp, trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề của Công đoàn nghiên cứu xây dựng các chương trình hỗ trợ đối với Đoàn viên, hoặc con của Đoàn viên đang học tập trung tại trường;
    • Các trung tâm, văn phòng tư vấn pháp luật nghiên cứu xem xét việc thực hiện tư vấn pháp luật, khởi kiện miễn phí khi có yêu cầu của Đoàn viên có nội dung liên quan đến lĩnh vực lao động và công đoàn;
    • Các nhà trẻ, mẫu giáo của Công đoàn nghiên cứu có chế độ đón sớm, trả muộn đối với con của Đoàn viên phù hợp với thời gian làm việc của người lao động là Đoàn viên tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; có chính sách giảm chi phí gửi trẻ là con của Đoàn viên.
  • Khi các cấp Công đoàn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao; hoạt động tham quan, nghỉ mát, vui chơi, giải trí thì Đoàn viên, chồng, hoặc vợ và con của Đoàn viên được ưu tiên tham gia trước; và được hưởng các chính sách miễn, giảm phí tham gia đối với Đoàn viên.
  • Các hoạt động xã hội của Công đoàn (như Chương trình nhà ở ‘Mái ấm Công đoàn’, cho vay vốn giải quyết việc làm thông qua các Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ Trợ vốn cho công nhân lao động nghèo tự tạo việc làm; hoạt động hỗ trợ con người lao động thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Công đoàn Việt Nam; các hoạt động thăm hỏi, trợ giúp thông qua các Quỹ xã hội từ thiện, Quỹ Tấm Lòng Vàng của tổ chức Công đoàn) tập trung trước hết dành cho Đoàn viên, sau đó mới đến các đối tượng khác cùng hoàn cảnh.

CĐCS cần Cải thiện và Phát huy Vai trò Bảo vệ Người lao động

Xét trên khía cạnh thực tiễn, hoạt động của CĐCS trong thời điểm hiện nay vẫn chưa thật sự hiệu quả, nhiều CĐCS còn rất yếu thế, hoàn toàn đứng về phía người sử dụng lao động, không bảo vệ quyền lợi cho người lao động; hoạt động chỉ mang tính phong trào, không thiết thực, khiến người lao động mất niềm tin vào CĐCS và không muốn trở thành Đoàn viên. Vai trò mờ nhạt của CĐCS thể hiện rõ nhất trong số liệu về các cuộc đình công bất hợp pháp tại Việt Nam trong nhiều năm. Theo số liệu thống kê từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 3, chỉ tính từ năm 2013 (năm Bộ luật Lao động 2012 có hiệu lực) đến hết tháng 6/2016, cả nước xảy ra hơn 1.000 cuộc đình công, nhưng tất cả đều diễn ra không tuân theo các quy định của Bộ luật Lao động 2012.

Để khắc phục thực trạng trên và để người lao động tình nguyện tham gia CĐCS, CĐCS phải thể hiện đúng vai trò của mình là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho Đoàn viên nói riêng và người lao động nói chung trong các buổi đối thoại trong doanh nghiệp, xây dựng thỏa ước tập thể. CĐCS có thể đề xuất các các quy định có lợi hơn cho người lao động là Đoàn viên. Đồng thời có những hoạt động, phong trào thiết thực, bổ ích như các hoạt động thăm hỏi người lao động khi ốm đau, hỗ trợ Đoàn viên gặp hoàn cảnh khó khăn, các hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích. Từ đó, người lao động sẽ tin tưởng và hiểu rằng tham gia Công đoàn không phải là việc tốn thời gian vô nghĩa mà sẽ giúp họ có nhiều lợi ích về vật chất, tinh thần và là chỗ dựa khi họ gặp tình huống khó khăn.

Bình luận pháp lý liên quan: Vì sao Người lao động nên tham gia Công đoàn Cơ sở?

Bài viết này chứa đựng kiến thức pháp luật và thuật ngữ chuyên môn, quý độc giả quan tâm đến các quy định về thành lập Công đoàn Cơ sở, lợi ích khi tham gia Công đoàn Cơ sở, cách giúp người lao động nhận ra các lợi ích đó và tự nguyện tham gia Công đoàn Cơ sở hoặc các vấn đề khác liên quan đến Công đoàn Cơ sở  theo Pháp luật Việt Nam, vui lòng liên hệ với các Luật sư Lao động của chúng tôi tại info@letranlaw.com.


  1. Bài viết “Union Members Summary”, đăng trên Cổng thông tin điện tử của Văn phòng Thống kê Lao động (Bộ Lao động Hoa Kỳ) ngày 26/01/2017.
  2. Bài viết “Which countries have the highest levels of Labor Union Membership?” (Niall McCarthy) đăng trên Cổng thông tin điện tử của Tạp chí Forbes ngày 20/6/2017.
  3. Bài viết “Để đình công đúng luật” (Bảo Duy) đăng trên Cổng thông tin điện tử Công đoàn Việt Nam ngày 13/9/2016.