Làm thế nào để Đòi lại Nhà ở Một cách Hợp pháp?
Trường hợp cho mượn, cho ở nhờ nhà ở khá phổ biến hiện nay. Thông thường, qua các mối quan hệ xã hội, chủ sở hữu nhà ở đồng ý cho người thân, người quen mượn nhà hoặc ở nhờ mà không lập hợp đồng hay văn bản, cũng không có thỏa thuận thời hạn, điều kiện ngay từ ban đầu.
Vấn đề phát sinh là sau một thời gian, chủ sở hữu muốn lấy lại nhà ở nhưng người mượn, người ở nhờ lại không muốn trả. Chủ sở hữu thường sẽ nghĩ rằng mình có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, thậm chí, có quyền trục xuất người mượn, người ở nhờ ra khỏi nhà nếu họ không trả theo yêu cầu. Tuy nhiên, hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác”.
Vì vậy, chủ sở hữu cần phải biết rõ việc đòi lại nhà ở phải thực hiện như thế nào để bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Quyền Đòi lại Nhà của Chủ Sở hữu
Căn cứ quy định tại Điều 2.9 Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Chỗ ở là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật”.
Điều này có nghĩa là, mặc dù nhà ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp của đối tượng A, nhưng nếu đã cho đối tượng B mượn hoặc ở nhờ thì trở thành ‘chỗ ở’ của B.
Điều 158 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
“Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;
c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;
d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.
…”
Ngoài ra, chủ sở hữu còn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản tài sản” nếu có hành vi gây hư hại đến tài sản của người mượn, người ở nhờ trong quá trình đòi lại nhà ở.
Như vậy, chủ sở hữu hoàn toàn có quyền đòi lại nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình. Tuy nhiên, việc đòi lại nhà phải trong khuôn khổ pháp luật. Nếu chủ sở hữu có các hành vi như nêu trên sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Làm thế nào để Chủ Sở hữu Đòi lại Nhà ở Hợp pháp?
Lập hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ
Để hạn chế rủi ro cho chủ sở hữu, việc cho mượn, cho ở nhờ nhà ở nên lập thành Hợp đồng, trong đó, nêu rõ thời hạn cho mượn, cho ở nhờ và quyền, nghĩa vụ của mỗi bên, đặc biệt là thỏa thuận về các trường hợp chủ sở hữu được quyền lấy lại nhà ở.
Trường hợp đã cho mượn, cho ở nhờ nhà ở nhưng không có hợp đồng hoặc không thỏa thuận về thời hạn
Bước 1: Gửi thông báo yêu cầu trả lại nhà trong một thời hạn nhất định
Căn cứ quy định tại Điều 499 Bộ luật Dân sự 2015:
“Điều 499. Quyền của bên cho mượn tài sản
1.Đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn; nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý.
2.Đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn.
…”
Như vậy, chủ sở hữu phải báo trước cho người mượn, người ở nhờ về yêu cầu trả lại nhà trong một thời gian hợp lý (tốt nhất nên gửi thông báo bằng văn bản). Hiện tại, pháp luật không có quy định thời gian hợp lý là bao lâu mà phụ thuộc vào nhận định của Cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi xảy ra tranh chấp. Thời hạn này được hiểu là thời gian hợp lý để người mượn, người ở nhờ nhà ở tìm chỗ ở mới.
Bước 2: yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Sau khi hết thời hạn chủ sở hữu đã thông báo mà người mượn, người ở nhờ vẫn không trả lại nhà thì chủ sở hữu có thể chọn 1 trong 2 phương án sau:
Phương án 1
Trình báo Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi có nhà ở để buộc chấm dứt hành vi vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính đối với người mượn, người ở nhờ nhà ở về hành vi ‘chiếm giữ trái phép tài sản của người khác’.
Trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, nếu nhận thấy có dấu hiệu tội phạm, Uỷ ban Nhân dân sẽ chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để giải quyết theo thẩm quyền.
Phương án 2
Khởi kiện tại Tòa án Nhân dân cấp huyện nơi có nhà ở để đòi lại nhà. Tòa án sẽ giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng dân sự.
Những Điều cần Lưu ý trong Quá trình Đòi lại Nhà ở
Để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phải bồi thường thiệt hại thì trong quá trình đòi lại nhà, chủ sở hữu không được thực hiện các hành vi sau:
- Tự ý, ủy quyền hoặc thuê người khác thực hiện các hành vi uy hiếp, khống chế, đe dọa, dùng vũ lực buộc người mượn, người ở nhờ ra khỏi nhà hoặc cản trở quá trình sinh hoạt của họ;
- Tự ý, ủy quyền hoặc thuê người khác đập phá, di chuyển đồ đạc, tài sản trong nhà.
Bài viết này chứa đựng kiến thức pháp luật và thuật ngữ chuyên môn, quý độc giả quan tâm đến quy định về đòi lại nhà ở hoặc giải quyết tranh chấp cho mượn tài sản theo Pháp luật Việt Nam, vui lòng liên hệ với các Luật sư Tranh tụng của chúng tôi tại info@letranlaw.com.