Lao Động Là Người Nước Ngoài Có Tham Gia Công Đoàn Và Đóng Kinh Phí, Đoàn Phí Công Đoàn Không
Trong xu thế hội nhập, theo nhu cầu phát triển của nền kinh tế, sản xuất, việc người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam là một thực tế. Do vậy các chính sách đối với lao động nước ngoài cũng rất cần được quan tâm nhiều hơn. Theo Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2018 của Chính phủ, lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện việc tham gia BHXH, cũng như được hưởng các quyền lợi về BHXH như lao động Việt Nam. Đây là một chính sách rất mới và nhân văn của Chính phủ nhằm thu hút, tạo điều kiện và đảm bảo quyền lợi của lao động là người nước khác khi đến làm việc và sinh sống tại Việt Nam. Lao động nước ngoài có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện việc tham gia BHXH như lao động Việt Nam, đồng nghĩa với việc phải đóng 2% kinh phí công đoàn? Phải tham gia công đoàn?… Đây là những thắc mắc chúng tôi nhận được từ bạn đọc là người nước ngoài gửi đến khi đón nhận chính sách mới. Lao động nước ngoài có được tham gia công đoàn và đóng kinh phí, đoàn phí công đoàn không? Chúng tôi sẽ giúp các bạn tìm hiểu về vấn đề này nhé!
Tổ chức công đoàn là gì?
Theo quy định tại Điều 1 Luật Công đoàn năm 2012 thì công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Như vậy Công đoàn là một tổ chức của người lao động, do người lao động bầu ra và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người lao động trong các doanh nghiệp, tổ chức. Gia nhập và hoạt động công đoàn là một trong các quyền của người lao động. Công đoàn và doanh nghiệp không có quyền ép buộc người lao động gia nhập, hoạt động công đoàn. Theo quy định hiện hành, khi người lao động gia nhập công đoàn thì mới trở thành đoàn viên của công đoàn. Và khi đó người lao động phải có trách nhiệm đóng đoàn phí công đoàn.
Lao động là người nước ngoài có được tham gia công đoàn?
Những ai được tham gia vào tổ chức công đoàn theo quy định? Tại Điều 1 Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Hướng dẫn 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 quy định đối tượng tượng gia nhập tổ chức công đoàn như sau:
Người Việt Nam làm công hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động đang hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp; cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Đối với cơ quan xã, phường, thị trấn bao gồm những người hưởng lương, định suất lương, phụ cấp, đang làm việc trong cơ quan hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội cấp xã.
- Người lao động làm công hưởng lương đang làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã.
- Người lao động đang làm việc trong các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.
- Người lao động tự do, hợp pháp thuộc khu vực lao động phi chính thức, nếu có nguyện vọng, được gia nhập Công đoàn Việt Nam và được sinh hoạt theo hình thức nghiệp đoàn cơ sở.
- Người lao động được cơ quan có thẩm quyền cử làm đại diện quản lý phần vốn của Nhà nước, đang giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Như vậy, đối tượng gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam là người Việt Nam làm công hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động đang hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Mặt khác theo Hướng dẫn 03 /HD-TLĐ năm 2020 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, tại điểm 3.2 quy định về đối tượng không kết nạp vào tổ chức công đoàn Việt Nam sẽ có:
- Người nước ngoài lao động tại Việt Nam.
- Người lao động làm công tác quản lý trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, bao gồm: Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại điều lệ công ty.
- Hiệu trưởng, viện trưởng; phó hiệu trưởng, phó viện trưởng được ủy quyền quản lý đơn vị hoặc ký hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
- Xã viên trong các hợp tác xã nông nghiệp.
- Người đang trong thời gian chấp hành các hình phạt tù theo quyết định của tòa án.
Như vậy, dù làm việc hợp pháp, có tham gia BHXH tại Việt Nam, nhưng lao động là người nước ngoài không được gia nhập công đoàn. Tuy nhiên, Điều 1 Điều lệ Công đoàn Việt Nam 2020 cũng khuyến khích người nước ngoài lao động hợp pháp tại Việt Nam tham gia các hình thức tập hợp của tổ chức Công đoàn Việt Nam như hình thành các câu lạc bộ để tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện, hoạt động quần chúng. Những người này cũng sẽ được động viên, thăm hỏi, hỗ trợ khi có khó khăn vướng mắc hoặc khi có đề nghị của công đoàn quốc tế có quan hệ hợp tác với Công đoàn Việt Nam.
Lao động là người nước ngoài có phải đóng đoàn phí, kinh phí công đoàn?
Cần phân biệt giữa đoàn phí công đoàn và kinh phí công đoàn.
Đoàn phí: Căn cứ khoản 1 Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012 qui định đoàn phí là do đoàn viên công đoàn đóng. Vì lao động là người nước ngoài theo quy định không được kết nạp vào tổ chức công đoàn, không phải đoàn viên công đoàn nên đương nhiên sẽ không phải đóng đoàn phí công đoàn.
Kinh phí công đoàn:
Căn cứ khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012 quy định: Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nếu có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề và ký hợp đồng lao động thời hạn từ đủ 01 năm trở lên.
Vì vậy, nếu doanh nghiệp sử dụng người lao động là người nước ngoài, doanh nghiệp vẫn sẽ phải đóng kinh phí công đoàn theo tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của cả người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài.
Nếu không đóng kinh phí công đoàn đầy đủ thì sao?
Như đã trình bày ở phần trên, kinh phí công đoàn là nghĩa vụ bắt buộc của tất cả các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư. Không phân biệt doanh nghiệp quy mô lớn hay quy mô nhỏ. Mức đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Nếu không đóng kinh phí công đoàn nghĩa là doanh nghiệp vi phạm quy định và sẽ bị xử phạt theo qui định. Và do vậy, nếu không đóng hoặc đóng không đủ kinh phí công đoàn đối với người lao động là người nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo Điều 38 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Chậm đóng kinh phí công đoàn.
- Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định.
- Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.
Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.
Chúng tôi vừa trả lời cho câu hỏi lao động là người nước ngoài có tham gia công đoàn và có trách nhiệm đóng kinh phí đoàn phí công đoàn hay không. Đừng quên theo dõi và cập nhập thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com