Taking testimonies

Lấy lời khai của đương sự tại Toà án qua mạng Internet (trong các vụ án lao động, kinh doanh-thương mại, dân sự tại Toà án)

Stephen Le

Việc trao đổi thông tin qua các phương tiện điện tử như WhatsApp, Viber, Zalo, Zoom, Teams, Email v.v. đang là một hiện thực tất yếu trong công việc hàng ngày của mọi người. Tuy nhiên, theo Điều 98 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành không đề cập việc Toà án có được lấy lời khai của đương sự qua mạng Internet hay không.

Có thể hiểu rằng phương thức này chỉ được áp dụng khi đương sự không có mặt ở Toà án tại thời điểm lấy lời khai trực tiếp, nên có thể xem xét đây là trường hợp lấy lời khai ngoài trụ sở Toà án. Theo phương thức truyền thống đối với trường hợp biên bản ghi lời khai của đương sự được lập ngoài trụ sở Toà án thì phải có người làm chứng hoặc xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi lập biên bản. Đồng thời, đương sự phải ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, một trong những nguồn chứng cứ là những tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử; tài liệu nghe được, nhìn được sẽ được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.

Vì vậy, việc lấy lời khai của đương sự qua mạng internet có thể được thực hiện nếu đương sự đồng ý, khi đó, tại thời điểm lấy lời khai cần có người làm chứng như Trưởng ấp, khu vực, khu phố, v.v. được thu âm, thu hình. Thẩm phán có thể lập biên bản sau đó chuyển cho đương sự ký tên hoặc điểm chỉ, nếu đương sự không đồng ý ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản thì có thể sử dụng việc thu âm, thu hình đó làm nguồn chứng cứ cho quá trình giải quyết vụ án. Hơn nữa, Khoản 5, Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, bằng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định hoặc khai bằng lời tại phiên toà. Do đó, có thể xem lời khai của đương sự được thể hiện dưới các dạng nêu trên là chứng cứ.

Do đó, việc lấy lời khai của đương sự qua Internet là có căn cứ chấp nhận như là chứng cứ hợp lệ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Điều này là xu hướng tất yếu trong việc áp dụng công nghệ thông tin trong xét xử của Toà án, phù hợp với chủ trương tin học hoá, cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian, tăng tính chính xác, thuận lợi, hiệu quả trong giải quyết khối lượng vụ việc quá lớn (nhưng nhân sự lại thiếu hụt) tại các Toà án khắp cả nước hiện nay. Chủ trương này cũng đã được cụ thể hoá tại Chỉ thị 01/2020/CT-CA ngày 09/01/2020 của Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao về việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020 của các Toà án.

Nếu bạn có bất cứ vấn đề nào cần tư vấn, vui lòng liên hệ với luật sư của chúng tôi qua số điện thoại (+84-28) 38 42 12 42 hoặc email info@letranlaw.com.