Lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 23/2015/TT-BKHCN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng

Stephen Le

Bộ Khoa học và Công nghệ (“BKHCN”) hiện đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư mới để thay thế Thông tư 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015 (“Dự thảo Thông tư”). Dự thảo Thông tư với một số quy định được đổi mới, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phục vụ cho mục đích hoạt động và kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, Dự thảo Thông tư này dự kiến sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2018 với một số điểm nổi bật như sau:

(i)   Nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng: Ngoài trường hợp thiết bị mà các nước đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường được BKHCN công bố trên Cổng Thông tin Điện tử, Dự thảo Thông tư bổ sung thêm trường hợp không được phép nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng là thiết bị kèm theo công nghệ không còn sử dụng phổ biến ở các quốc gia phát triển theo quy định tại Điều 11.1.(c), Luật Chuyển giao Công nghệ 2017 (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2018).

(ii)  Tuổi thiết bị (là thời gian được xác định từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu): Cũng giống như Thông tư 23, Dự thảo Thông tư quy định tuổi thiết bị đã qua sử dụng không được vượt quá 10 năm. Tuy nhiên, có một số đề xuất bổ sung như sau:

•  Đối với thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu theo dự án đầu tư, phải đáp ứng một số tiêu chí, trong đó:

Phương án 1: Các thiết bị chính của dây chuyền công nghệ có tuổi thọ không quá 20 năm;

Phương án 2: Các thiết bị chính của dây chuyền sản xuất có tuổi thọ còn lại không ít hơn 10 năm so với thiết kế của nhà sản xuất; hoặc

Phương án 3: Chất lượng còn lại của các thiết bị chính từ 75% trở lên.

Việc quy định một mức tuổi cụ thể áp dụng cho tất cả các thiết bị là không hợp lý, bởi vì mỗi một thiết bị có tính chất, mức độ giảm sút chất lượng khác nhau, tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chính vì thế, Phương án 3 quy định tỷ lệ % tối thiểu chất lượng còn lại của thiết bị đã qua sử dụng được xem là khả thi nhất, đảm bảo được tính hợp lý trong việc áp dụng trên thực tế. Tuy nhiên, việc xác định tỷ lệ như thế nào, dựa trên cơ sở nào, cần phải nộp những hồ sơ gì để chứng minh tỷ lệ, v.v. cần phải được quy định và hướng dẫn cụ thể.

•  Đối với linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng: không bị giới hạn bởi năm sản xuất.

Tương tự như Thông tư 23, khi tuổi thiết bị vượt quá quy định cho phép, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ kiến nghị lên BKHCN xem xét chấp thuận việc nhập khẩu. Dự thảo Thông tư bổ sung nguyên tắc không xem xét chấp thuận việc nhập khẩu nếu thiết bị đã qua sử dụng có (i) công nghệ sản xuất phức tạp, chịu tác động của thời gian, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến môi trường; hoặc (ii) tuổi thọ thiết bị còn lại so với thiết kế của nhà sản xuất tối thiểu 10 năm. Tuy nhiên, quy định này không rõ ràng, khá là mơ hồ khi Dự thảo Thông tư không đưa ra tiêu chí cụ thể xác định thế nào là công nghệ sản xuất được xem là phức tạp, chịu tác động của thời gian, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến môi trường.

(iii)  Thủ tục nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng trong các dự án đầu tư

Trong các dự án đầu tư, nếu doanh nghiệp dự kiến nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng để phục vụ cho dự án của mình thì doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục ở cả 02 giai đoạn: quyết định chủ trương đầu tư, đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư; và giai đoạn thực hiện dự án đầu tư.

Cụ thể, ngay từ giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng thiết bị đã qua sử dụng cho dự án của mình thì phải nộp hồ sơ để BKHCN xem xét có ý kiến sơ bộ về công nghệ và thiết bị (trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ). Sau khi có ý kiến sơ bộ của BKHCN, trước khi nhập khẩu thiết bị, doanh nghiệp lại phải gửi một bộ hồ sơ nhập khẩu về BKHCN. Theo đó, BKHCN sẽ phối hợp với các Bộ, ngành xem xét và có văn bản chấp thuận kèm theo Danh mục thiết bị đã qua sử dụng dự kiến nhập khẩu (trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ) và chỉ khi có văn bản chấp thuận này thì doanh nghiệp mới có quyền nhập khẩu thiết bị.

Việc quy định phải thực hiện 02 bộ hồ sơ, vừa mất thời gian lại còn tốn thêm chi phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện dự án đầu tư. Hơn thế nữa, trường hợp doanh nghiệp đã nhận được quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, nhưng sau đó, BKHCN lại không chấp thuận cho phép doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị đã qua sữ dụng thì lúc này việc thực hiện dự án đầu tư đã được thông qua của doanh nghiệp trở nên khó khăn và có thể phải tốn kém thêm chi phí để nhập khẩu, mua mới các thiết bị, máy móc để phục vụ cho dự án. Do đó, việc thực hiện thêm thủ tục sau khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư là không cần thiết. Thay vì buộc doanh nghiệp phải thực hiện thêm thủ tục, BKHCN cần xem xét và quyết định chính thức ngay tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp giấy phép đầu tư (tức thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư và đề nghị nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng chỉ nên thực hiện tại một giai đoạn duy nhất).

Sau khi lấy ý kiến, Dự thảo Thông tư sẽ tiếp tục được hoàn thiện, thẩm định và trình cho Bộ trưởng BKHCN xem xét ký ban hành.

– Được biên soạn bới Le & Tran | Vietnam’s Premier Business Litigation Firm

Bản quyền của tài liệu này thuộc sở hữu độc quyền của Công ty Luật TNHH MTV Lê & Trần. Không được sao chép, phát tán hoặc truyền tải bất kỳ nội dung nào của tài liệu này dưới bất kỳ hình thức nào hoặc bằng bất kỳ phương thức nào, bao gồm sao chụp, ghi chép hoặc các phương thức thủ công hoặc điện tử khác, mà không có sự cho phép trước bằng văn bản từ Công ty Luật TNHH MTV Lê & Trần. Chúng tôi bảo lưu tất cả các quyền và sẽ ngay lập tức thực hiện mọi hành động tố tụng pháp lý (hình sự, dân sự và thương mại) theo các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế để xử lý (các) hành vi vi phạm của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.