Luật Phòng Thủ Dân Sự – Sự Bảo Vệ Từ Xa Thiết Thực

Vania Van

Đối với mỗi quốc gia, song song cùng mục tiêu xây dựng phát triển vững mạnh trên tất các các lĩnh vực thì phòng thủ là vấn đề không thể thiếu và được đặt biệt quan tâm.  Phòng thủ dân sự nhằm để bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ nền kinh tế chính trị xã hội, giúp các quốc gia kịp thời có các biện pháp ứng phó với các thảm họa, sự cố xảy ra, giúp giảm thiểu thiệt hại và góp phần củng cố vững chắc nền an ninh quốc phòng toàn dân.  Hiểu được sự cần thiết, tầm quan trọng của việc phòng thủ, thực hiện hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Chính phủ đã xây dựng và ban hành Luật Phòng thủ dân sự.  Ngày 01/07/2024, Luật Phòng thủ dân sự chính thức có hiệu lực.  

Hiểu về khái niệm phòng thủ dân sự

Phòng thủ dân sự là khái niệm chắc hẳn còn khá xa lạ với nhiều người.  Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng thủ dân sự 2023  giải thích: Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.   

Trước những diễn biến khó lường, phức tạp của tình hình thiên tai, dịch bệnh, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, những biến động của thế giới và khu vực thì việc coi trọng công tác phòng thủ dân sự là hết sức cần thiết.  Thế giới và khu vực dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Cục diện thế giới đa cực, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ ngày càng quyết liệt, thậm chí có nguy cơ xung đột, đối đầu, tạo thách thức rất lớn đối với các nước đang phát triển sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.  Các nước lớn sẽ tăng cường điều chỉnh chiến lược, lôi kéo, tập hợp lực lượng, vừa hợp tác thoả hiệp, vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau và can dự, chi phối nội bộ nước khác.  Nhiều điểm nóng về an ninh tiếp tục tồn tại, có nguy cơ lan rộng, làm xuất hiện các hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến, không gian chiến lược mới.  Khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, tạo ra những biến đổi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.  An ninh truyền thống cũng như phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng, an ninh mạng… đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia.  

Bảo vệ Tổ quốc từ xa là tư duy, tầm nhìn mới của Việt Nam trong giai đoạn phát triển sắp tới.  Trên một số vùng chiến lược, địa bàn trọng điểm và trong một số nhóm đối tượng còn tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định.  Tranh chấp biển, đảo, chủ quyền lãnh thổ, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng… là những nguy cơ lớn luôn luôn có thể xảy ra.  Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước sẽ còn câu kết với nhau tăng cường các hoạt động “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang với âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi, công khai và trực diện hơn.  Vai trò của phòng thủ dân sự là  bảo vệ và giúp đỡ người dân và  đất nước trước những nguy cơ đe dọa trên. 

 

Những điểm nổi bật của Luật Phòng thủ dân sự 

Có thể điểm qua những điểm nổi bật chính của Luật Phòng thủ dân sự như sau: 

Đối tượng của phòng thủ dân sự.  Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Do đó, các đối tượng dễ bị tổn thương liên quan đến phòng thủ dân sự sẽ là người, nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ sự cố, thảm họa so với những nhóm người khác trong cộng đồng như quy định tại Khoản 4 Điều 2, bao gồm: Trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ người khuyết tật; người bị bệnh hiểm nghèo; người nghèo; người mất năng lực hành vi dân sự; người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế  xã hội khó khăn; người sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật. 

 

Cấp độ phòng thủ dân sự.  Cấp độ phòng thủ dân sự là sự phân định mức độ áp dụng các biện pháp của các cấp chính quyền trong phạm vi quản lý để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, làm cơ sở xác định trách nhiệm, biện pháp, nguồn lực của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự.  Phòng thủ dân sự được phân thành 03 cấp độ: Cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trọng phạm vi địa bàn cấp huyện, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của lực lượng chuyên trách và chính quyền địa phương cấp xã. Cấp độ 2 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp huyện.  Cấp độ 3 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp tỉnh. Căn cứ để xác định cấp độ phụ thuộc vào phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng và hậu quả có thể xảy ra của sự cố, thảm họa; vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, dân cư, đặc điểm tình hình quốc phòng, an ninh của địa bàn chịu ảnh hưởng của sự cố, thảm họa; diễn biến, mức độ gây thiệt hại và thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra;  Khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa của chính quyền địa phương và lực lượng phòng thủ dân sự. 

 

Nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự. Điều 3 Luật Phòng thủ dân sự 2023 quy định hoạt động phòng thủ dân sự phải tuân thủ các nguyên tắc sau:  Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.  Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy vai trò, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể và nhân dân.  Được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương; có sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và lực lượng trong hoạt động phòng thủ dân sự. Phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; thực hiện phương châm bốn tại chỗ kết hợp với chi viện, hỗ trợ của trung ương, địa phương khác và cộng đồng quốc tế; chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra sự cơ, thảm họa, xác định cấp độ phòng thủ dân sự và áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân. Kết hợp phòng thủ dân sự với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, bảo vệ môi trường, hộ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc áp dụng các biện pháp, huy động nguồn lực trong phòng thủ dân sự phải kịp thời, hợp lý, khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với đối tượng, cấp độ phòng thủ dân sự theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Hoạt động phòng thủ dân sự phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch, bình đẳng giới và ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương. 

 

Nguồn tài chính dành thực hiện phòng thủ dân sự.  Theo khoản 1 và 2 Điều 40 Luật Phòng thủ dân sự năm 2023, Quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương và cấp tỉnh để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự. Nguyên tắc hoạt động của quỹ phòng thủ dân Không vì mục đích lợi nhuận; Quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch. Quỹ phòng thủ dân sự được ưu tiên thực hiện các hoạt động: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra và hỗ trợ tu sửa, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học tại địa điểm bị ảnh hưởng do sự cố, thảm họa gây ra.  Quỹ được hình thành từ các ngồn tài chính ngoài ngân sach như đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và nguồn điều tiết từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa. 

 

Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động phòng thủ dân sự 

Nhằm bảo đảm các hoạt động phòng thủ dân sự được thực hiện có kiểm soát và có trách nhiệm, Điều 10 Luật Phòng thủ dân sự quy định 09 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động phòng thủ dân sự là: 

– Chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép. 

– Làm hư hỏng, phá hủy, chiếm đoạt trang thiết bị, công trình phòng thủ dân sự 

– Gây ra sự cố, thảm họa làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; thiệt hại tài sản của Nhà nước, Nhân dân, cơ quan, tổ chức, môi trường và nền kinh tế quốc dân. 

– Đưa tin sai sự thật về sự cố, thảm họa. 

– Cố ý tạo chướng ngại vật cản trở hoạt động phòng thủ dân sự 

– Xây dựng công trình làm giảm hoặc làm mất công năng của công trình phòng thủ dân sự, xây dựng trái phép công trình trong phạm vi quy hoạch công trình phòng thủ dân sự, công trình phòng thủ dân sự hiện có. 

– Sử dụng trang thiết bị phòng thủ dân sự chuyên dụng không đúng mục đích; khai thác, sử dụng không đúng công năng của công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng. 

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự, bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng thủ dân sự, lợi dụng sự cố, thảm họa để huy động, sử dụng nguồn lực cho phòng thủ dân sự không đúng mục đích. 

– Lợi dụng hoạt động phòng thủ dân sự hoặc sự cố, thảm họa để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 

Luật Phòng thủ dân sự có ý nghĩa thiết thực bảo vệ lợi ích của đất nước và nhân dân, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền Việt Nam.   

Cùng tìm hiểu sâu hơn ở những bài viết tiếp theo.  Đừng quên theo dõi và cập nhập thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi.  Hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn:  info@letranlaw.com