Luật Sư Tư Vấn Pháp Luật Giỏi

Stephen Le
Vania Van

Khi nền kinh tế càng phát triển, cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện, những vấn đề pháp lý ngày càng được xem trọng và giải quyết đúng.  Phương châm “Sống và làm việc theo pháp luật” cũng được mọi người ý thức và thực thi một cách nghiêm túc hơn. Nhu cầu tìm hiểu pháp luật theo đó cũng tăng lên.  Thế nhưng, làm sao để hiểu đúng và thực hiện đúng những quy định của luật pháp trong đời sống vốn là chuyện không hề dễ dàng với mọi ngườii?  Mong muốn được hỗ trợ, chỉ dẫn bởi những người có trình độ chuyên môn và có sự am tường về luật pháp cũng là nhu cầu có thật của rất nhiều người.  Luật sư tư vấn pháp luật đáp ứng nhu cầu đó! Hoạt động tư vấn pháp luật thời gian gần đây trở nên đa dạng, chuyên nghiệp và hiệu quả . Luật sư tư vấn pháp luật với kiến thức và trách nhiệm của mình sẽ có những hướng dẫn hợp lý, đưa ra những biện pháp kịp thời để bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong tất cả các lĩnh vực: thương mại, tài chính, gia đình, xã hội…

Thế nào là luật sư tư vấn pháp luật?       

Tư vấn pháp luật được hiểu như thế nào? Tư vấn pháp luật là một trong các hình thức trợ giúp pháp lý. Tư vấn pháp luật là việc giải đáp pháp luật,  hướng dẫn ứng xử đúng pháp luật, cũng như cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm giúp công dân, tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Luật sư tư vấn pháp luật là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề tư vấn pháp luật theo quy định của Luật Luật sư.  Dựa trên hồ sơ vụ việc, thông tin vụ việc cụ thể của khách hàng cung cấp, luật sư tư vấn pháp luật thực hiện các hoạt động hướng dẫn, đưa ra ý kiến cho khách hàng, thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo yêu cầu của khách hàng. Cũng như giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ. Trong tuyệt đại đa số các trường hợp, khách hàng sẽ thực hiện theo một phương án mà Luật sư tư vấn khuyến nghị là tốt nhất.

Tại Việt Nam các luật sư tư vấn pháp luật có thể hành nghề thông qua tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân. Nhưng thường thấy nhất vẫn là hành nghề thông qua tổ chức hành nghề luật sư. Luật sư tư vấn thực hiện tư vấn pháp luật theo hợp đồng dịch vụ pháp lý được ký kết giữa luật sư hoặc tổ chức hành nghề  luật sư và khách hàng mình.

Vai trò của luật sư tư vấn pháp luật

Đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần tạo ra một môi trường pháp lý an toàn, tin cậy cho xã hội. Hoạt động tư vấn pháp luật nói chung và luật sư tư vấn pháp luật nói riêng  thật sự cần thiết khi mà các vấn đề xã hội ngày càng phức tạp. Dù muốn thi hành đúng luật pháp, nhưng không phải tất cả những vấn đề của luật pháp đều được hiểu để thực hiện.  Thông qua hoạt động tư vấn, luật sư tư vấn pháp luật, cá nhân và tổ chức sẽ hiểu rõ hơn về những quy định của pháp luật, tránh được những hạn chế, sai phạm. Dễ dàng nhận thấy những vai trò sau của luật sư:

  • Là cầu nối quan trọng giữa người xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật và công dân. Trong vai trò tư vấn, thông qua nhiều hình thức công khai, trực tiếp, trên báo đài,… các luật sư tư vấn bằng các hoạt động có thể tư vấn cho người dân hiểu  những vấn đề mà họ đã gặp phải.  Để từ đó họ chọn lựa hướng xử lý đúng và phù hợp với những quy định của pháp luật.  
  •  Nâng cao hiểu biết của người dân về quyền và nghĩa vụ công dân cũng như ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật. Từ những tư vấn của luật sư tư vấn, người được tư vấn sẽ hiểu rõ vấn đề pháp lý của vụ việc mà họ yêu cầu tư vấn,  từ đó có nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử đúng, hình thành và phát huy ý thức tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh pháp luật.
  • Giảm nhẹ sự căng thẳng cho các cơ quan tố tụng, tránh được sự quá tải trong hoạt động xét xử. Việc tư vấn pháp luật của luật sư tư vấn  giúp người dân hiểu đúng những quyền lợi và nghĩa vụ của mình, góp phần hòa giải hoặc giải quyết mâu thuẫn theo hướng tích cực hơn tránh bớt khiếu nại, tố cáo.
  • Đưa ra những kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật. Thông qua hoạt động tư vấn nếu phát hiện những điểm hạn chế,  bất cập của luật pháp, họ sẽ  kiến nghị sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Điều kiện để trở thành luật sư tư vấn pháp luật

Điều kiện để trở thành luật sư tư vấn pháp luật được quy định theo Nghị Định Số 77/2008/NĐ-CP  của Chính phủ tại Điều 21 và hướng dẫn bởi Thông tư 01/2010/TT-BTP của Bộ Tư pháp tại Điều 17 như sau:

  • Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc cho Trung tâm tư vấn pháp luật hoặc Chi nhánh là luật sư đã đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân theo quy định của Luật Luật sư.
  • Luật sư làm việc cho Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh theo hợp đồng lao động có thời hạn hoặc không xác định thời hạn được ký kết giữa Trung tâm tư vấn pháp luật hoặc Chi nhánh với luật sư.
  • Phạm vi hành nghề, quyền và nghĩa vụ của luật sư được thực hiện theo hợp đồng lao động phù hợp với quy định của Luật Luật sư, Nghị định số 77/2008/NĐ-CP và pháp luật về lao động.
  • Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư làm việc cho Trung tâm tư vấn pháp luật phải tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng, Luật Luật sư.

Những kỹ năng không thể thiếu của một luật sư tư vấn luật pháp giỏi

Khác với luật sư tranh tụng – người xuất hiện kiện trước tòa giúp thân chủ, khách hàng xử lý các vụ việc, luật sư tư vấn pháp luật là những người hoạt động âm thầm sau cánh cửa của các văn phòng, công ty luật.  Họ ít xuất hiện ngoài công chúng, ít ồn ào và ít được biết đến hơn.  Tuy nhiên, không gì thế mà những đòi hỏi về nghề của họ ít khó khăn hơn. Ngoài những điều kiện, kỹ năng cần có của một luật sư như kiến thức, tư duy, khả năng giải quyết vấn đề,… Một luật sư tư vấn pháp luật giỏi còn có những kỹ năng riêng trong nghề.  Kỹ năng, kinh nghiệm của mỗi luật sư tư vấn được hình thành từ quá trình hành nghề.  Thường luật sư tư vấn giỏi sẽ chuyên và có kinh nghiệm, kỹ năng trong một lĩnh vực nhất định, nhưng nhìn chung sẽ có những kỹ năng:

  • Khả năng nắm bắt vấn đề một cách khách quan chính xác. Thực tiễn hoạt động tư vấn pháp luật cho thấy hình thức tư vấn trực tiếp bằng miệng và tư vấn bằng văn bản là chính, trong đó hình thứ tư vấn trực tiếp bằng miệng là hình thức phổ biến nhất. Với các vụ việc có tính chất đơn giản, khách hàng thường đến gặp gỡ luật sư để tìm hiểu bản chất pháp lý của vụ việc. Trên cơ sở đó nhờ luật sư giúp tìm giải pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Tuy nhiên khách hàng thường mang suy nghĩ chủ quan, luôn cho mình đúng, muốn luật sư biến cái sai thành cái đúng, khai thác lợi ích từ những điểm, vấn đề sai đó để họ được lợi hoặc khách hàng nhờ luật sư tư vấn để khắc phục, nhằm giảm bớt tổn thất, giảm bồi thường thiệt hại do lỗi của họ gây ra. Do đó, khi tiếp xúc với luật sư, họ tìm mọi cách thuyết phục luật sư hiểu như mình, vì vậy luật sư cần tỉnh táo để nắm bắt vấn đề đúng với bản chất của nó.
  • Kỹ năng tiếp xúc và khai thác. Đây là bước quan trọng trong quá trình tư vấn, ảnh hưởng đến kết quả tư vấn. Khi tìm đến luật sư tư vấn, đa phần khách hàng đều tin tưởng và kỳ vọng sẽ có được một hướng giải quyết hợp lý. Do vậy luật sư tư vấn không được tỏ ra bi quan hoặc lạc quan thái quá sau khi biết được những thông tin đầu tiên của khách hàng. Cần lắng nghe, nếu một lần chưa đủ có thể đề nghị họ trình bày nhiều lần và yêu cầu họ cung cấp thêm tài liệu hoặc hẹn gặp để thông qua giao tiếp nắm được một cách cụ thể bản chất của vấn đề mà khách hàng yêu cầu. Có những vấn đề khách hàng yêu cầu tư vấn ngay luật sư vẫn phải thận trọng trước khi đưa ra các kết luận, bởi một kết luận sai sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của khách hàng.
  • Giữ thế chủ động, am hiểu lĩnh vực tư vấn, sẵn sàng cung cấp tất cả các thông tin cần thiết cho khách hàng.  Để làm được điều này luật sư phải tìm hiểu lĩnh vực của khách hàng đang thực hiện. Trong trường hợp khách hàng vi phạm pháp luật, luật sư có thể áp dụng các biện pháp thẩm tra đặc điểm của khách hàng, đề nghị giải đáp về những yêu cầu bất thường và thảo luận về những nội dung gây lo lắng trong cuộc giao dịch với khách hàng.
  • Khả năng định hướng cho khách hàng. Việc đưa ra giải pháp giúp cho khách hàng là trả lời các vấn đề mà khách hàng yêu cầu, cung cấp cho khách hàng những lời khuyên tốt nhất. Trong quá trình tư vấn, luật sư cũng có thể kết hợp làm công tác của người hoà giải, giúp hai bên đương sự hoà giải, thoả thuận với nhau để tìm một giải pháp thoả đáng. Tuy nhiên, trong trường hợp hoà giải, luật sư phải cho khách hàng biết bản chất của vấn đề, tức là nếu đưa vụ án ra xét xử tại toà án hoặc trọng tài họ sẽ được lợi gì và nếu tự hoà giải họ cũng sẽ được lợi gì.

 Trên đây là những hiểu biết của chúng tôi về luật sư tư vấn pháp luật. Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com