Luật sư và những hiểu lầm của nhiều người về nghề luật sư
Hình ảnh các vị luật sư áo vest chỉnh chu, bảnh bao, tay xách cặp táp, đi đứng nhanh nhẹn, dứt khoát, cất tiếng nói sang sảng tại các phiên tòa trong các bộ phim trên màn ảnh hay trong thực tế luôn để lại ấn tượng cũng như thu hút sự chú ý của mọi người… Rất rất nhiều sinh viên, học sinh đã từng nuôi ước mơ sau này trở thành luật sư. Nghề luật sư ở Việt Nam có dễ dàng và đẹp như trên phim thế không?
Hiểu sâu sắc và đầy đủ các đặc điểm, ý nghĩa của nghề luật sư trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật sẽ thấy nhiều người đã và đang có những lầm tưởng về nghề này. Nào cùng tìm hiểu nhé!
Luật sư – họ là ai?
Theo Điều 2 Luật Luật sư 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012, luật sư là người hành nghề liên quan đến lĩnh vực pháp luật khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật của mỗi quốc gia. Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Luật sư thường gắn với các hoạt động như tư vấn và đưa ra lời khuyên pháp luật; nghiên cứu và thu thập bằng chứng, chứng cứ để soạn thảo tài liệu phục vụ cho vụ việc, tranh chấp, tư vấn soạn thảo hợp đồng, tư vấn trong các giao dịch mua bán, thực hiện bào chữa và và đại diện tham gia tranh tụng trước tòa cho khách hàng.
Theo đặc thù công việc, luật sư được phân ra thành luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng. Khi là luật sư tư vấn, thường luật sư sẽ thực hiện tư vấn các vấn đề pháp lý cho khách hàng. Khi là luật sư tranh tụng, luật sư sẽ là người đại diện cho khách hàng, tham gia vào phiên tòa để bào chữa, tranh luận, bảo vệ quyền và lợi ích cho thân chủ.
Muốn trở thành luật sư phải làm sao?
Lấy bằng cử nhân luật
Các điều kiện để trở thành luật sư tại Việt Nam được pháp luật quy định như sau: Để trở thành luật sư, tức là để được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, điểu kiện tiên quyết là phải có bằng cử nhân ngành luật. Tức là cá nhân phải tốt nghiệp trường Luật, ngành Luật của các trường đại học có đào tạo chuyên nghành luật như: Đại hoc luật Hà Nội, Đại học Luật Tp. HCM, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương… Thông thường thời gian đào tạo cử nhân luật là 4 năm.
Theo học chương trình đào tạo luật sư
Khi đã có bằng cử nhân Luật, muốn được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, người học phải tham gia học và tốt nghiệp chương trình đào tạo Luật sư. Lớp học được đăng ký tại Học viện Tư pháp. Thời gian học quy định hiện hành là 12 tháng. Đạt kết quả qua kỳ thi tốt nghiệp của Học viện Tư pháp, thì được cấp bằng tốt nghiệp lớp đào tạo luật.
Tập sự
Sau khi tốt nghiệp lớp đào tạo luật, người học bắt buộc phải đăng ký tập sự tại 01 tổ chức hành nghề luật sư với thời gian tập sự là 12 tháng. Tổ chức hành nghề ở đây phải là văn phòng luật sư hoặc công ty luật. Sau khi hoàn thành thời gian tập sự, người tập sự được tham gia kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề. Nếu đạt điểm thì được cấp chứng chỉ hành nghề Nếu không đạt điểm theo quy định thì được gia hạn tập sự và tham gia kỳ kiểm tra lại. Và nếu kỳ kiểm tra lại vẫn chưa đạt điểm qua thì người tập sự hành nghề luật phải đăng ký tập sự lại từ đầu, nghĩa là tập sự lại 12 tháng nữa.
Lấy chứng chỉ hành nghề
Để được cấp chứng chỉ hành nghề và gia nhập đoàn luật sư sau khi đã đạt kết quả trong kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề luật, cá nhân làm hồ sơ theo quy định gửi đến Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư xin cấp: chứng chỉ hành nghề do Bộ Tư pháp cấp và thẻ hành nghề do Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp. Qua hết các thủ tục đó thì đã có thể hành nghề luật sự.
Những đặc trưng cơ bản của nghề luật sư
Luật sư là một nghề đặc biệt với vai trò, đặc trưng riêng. Những đặc trưng sau đây của nghề luật sư được được chỉ ra từ sự đối sánh với những ngành nghề khác.
Luật sư là nghề được đào tạo đặc biệt để có trình độ, kỹ năng pháp lý và đạo đức nghề luật thích hợp
Thông thường, nghề luật sư lựa chọn những người đã có trình độ pháp lý cao và có đạo đức thích hợp để đào tạo nghề. Hầu hết các nước đi theo khuynh hướng này, chứ không lựa chọn những người bình thường để đào tạo luật sư. Trong khi đó, hầu hết các nghề nghiệp khác đào tạo những người bình thường để có trình độ, kỹ năng và đạo đức phù hợp, trừ những yêu cầu nghề nghiệp đặc biệt về sức khỏe như quân đội, thợ mỏ, hàng hải…, về năng khiếu như kiến trúc, nghệ thuật….
Bác sĩ y khoa cũng không bắt đầu từ những người đã có trình độ y học nhất định. Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới, người ta đào tạo bác sĩ y khoa từ những người bình thường tốt nghiệp trung học phổ thông. Đối với nghề kiến trúc sư cũng vậy, nhưng bắt đầu từ người có năng khiếu nhất định về hội họa, tốt nghiệp trung học phổ thông…
Đặc điểm này của nghề luật sư dẫn tới sự khác biệt lớn trong quy chế vào nghề của luật sư so với quy chế vào nghề của thương nhân và những người cung cấp dịch vụ khác mà đòi hỏi pháp luật phải chú ý.
Luật sư là một nghề tự do
Luật sư độc lập trong hành nghề và tự chịu trách nhiệm về hoạt động nghề nghiệp của mình.
Đặc điểm này của nghề luật sư hình thành do chính tính chất hoạt động “không thể dựa dẫm” của luật sư liên quan tới từng hoàn cảnh cụ thể quy định. Đặc điểm này tác động rất lớn tới việc tổ chức hành nghề luật sư.
Vì vậy, việc quản lý nhà nước đối với luật sư cũng có những tính chất riêng biệt so với việc quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực thương mại hoặc dịch vụ khác. Hiện nay, số lượng luật sư được cấp thẻ hành nghề thì đông, nhưng số lượng luật sư hành nghề và kiếm sống được bằng nghề luật sư một cách thực chất, đúng với nghĩa là hành nghề luật sư thì không nhiều, có thể chỉ chiếm khoảng 1/3 trong tổng số các luật sư được cấp thẻ hành nghề.
Với số lượng luật sư như vậy, rõ ràng việc cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp toàn thời gian không nhiều. Số lượng luật sư làm theo kiểu “thời vụ” hoặc một phần thời gian cho thấy, việc ràng buộc luật sư vào một tổ chức nhất định không phải là khâu quản lý có tính chất bắt buộc.
Luật sư là một nghề cung cấp dịch vụ
Dịch vụ mà luật sư cung cấp có các chức năng: chỉ dẫn và phản biện.
Đây là các chức năng chủ yếu của luật sư đem lại nguồn thu nhập chủ yếu cho luật sư, thể hiện đúng tính chất luật sư là một nghề nghiệp, trừ những hoạt động có tính chất đóng góp cho xã hội gần giống như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, ví dụ như trợ giúp pháp lý, phổ biến, tuyên truyền pháp luật không lấy tiền.
Bởi luật sư là những người am hiểu tường tận về pháp luật, và cả những đường lối cũng như cách thức xử lý các vi phạm pháp luật. Cho nên, luật sư cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý nhằm chỉ dẫn cho khách hàng hành xử đúng pháp luật trong các hoạt động sống của mình, và góp phần phản biện để áp dụng đúng pháp luật cho những vụ việc tranh chấp cụ thể được đưa ra các cơ quan tài phán.
Luật sư là một nghề “bán kinh doanh”
Chức năng xã hội của luật sư được thể hiện thông qua khả năng đáp ứng nhu cầu pháp lý của người dân một cách minh bạch và giúp cho người dân nhận biết chân thực và công bằng các nhu cầu chính đáng ấy.
Với chức năng này, thì phẩm chất của luật sư trong điều kiện hiện nay được đánh giá không chỉ là người tuân thủ pháp luật, có kỹ năng và kỷ luật, trình độ tinh thông nghề nghiệp, tận tâm với khách hàng, mà còn phải là người có tấm lòng yêu thương đối với xã hội, có lối sống lành mạnh, lòng đầy tự tin vào chính nghĩa, tin vào công bằng xã hội.
Vì vậy, luật sư không chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ để lấy tiền như những nghề nghiệp khác, mà còn là những người đóng góp trực tiếp cho việc bảo đảm tuân thủ pháp luật.
Hoạt động kinh doanh đơn thuần thông qua việc mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ mà giá cả của nó do quan hệ cung cầu quyết định đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Còn trong nghề luật sư, mỗi hoạt động cung cấp dịch vụ đơn lẻ đều đóng góp trực tiếp cho sự tuân thủ pháp luật và bình ổn của xã hội.
Những hiểu lầm về nghề luật sư và nên hiểu như thế nào là đúng?
Do những đặc thù riêng trong nghề luật nên có rất nhiều sự nhầm lẫn về nghề luật sư. Những hiểu làm thường thấy sau đây.
Nghề luật sư là nghề nói nhiều
Trong thực tế, khi tiếp xúc với rất nhiều khách hàng, họ cho rằng người luật sư là người nói nhiều. Có những khách hàng cho rằng khi nhắc đến luật sư thì trong đầu họ mường tượng ra hình ảnh người luật sư gân cổ lên tranh cãi. Có người thì lại cho rằng luật sư mà không nói nhiều thì không thắng được. Vì thế hình tượng người luật sư vô tình ám vào đầu họ đó là một người nói nhiều. Đây chỉ là nhận định cảm tính, còn thực tiễn thì hoàn toàn khác.
Thực tiễn cho thấy việc nói nhiều hay nói ít là do tính cách của mỗi người. Đối với người luật sư thì cũng vậy, có người thích nói nhiều còn có người lại ít nói và chăm chú lắng nghe.
Nhưng nhìn chung thì luật sư thường là ít nói. Khi đã nói thì rõ ràng và có kèm theo dẫn chứng. Đây là một điều đặc trưng của nghề luật sư. Và lâu ngày nó cũng là thói quen của nhiều người luật sư. Tại sao lại như vậy?
Vì khi tiếp xúc gặp gỡ với khách hàng, với thân chủ thì việc đầu tiên luật sư cần làm đó là nhanh chóng nắm bắt nội dung sự việc và yêu cầu của khách hàng. Muốn làm được điều này thì luật sư sẽ đưa ra câu hỏi. Với câu hỏi rõ ràng, ngắn gọn để khách hàng kể lại nội dung sự việc cho luật sư nghe. Lúc này luật sư trở thành người ngồi nghe và nắm bắt nội dung. Những tình tiết nào chưa rõ, thì luật sư hỏi câu hỏi bổ sung và tiếp tục ngồi nghe khách hàng trình bày.
Khi nắm bắt được nội dung rồi thì thường các luật sư sẽ giải đáp các vấn đề một cách sơ lược nhất. Mà đã giải thích sơ lược thì đâu cần phải nói nhiều, do đó luật sư lúc này cũng nói rất ít.
Để xây dựng được một phương hướng giải quyết một vụ án thì luật sư cần phải có thời gian để suy xét tổng quan mọi vấn đề. Từ đó tập trung vào vấn đề cốt lõi của sự việc. Vì vậy không thể mới nghe nội dung vụ việc mà luật sư phán ngay kết quả được. Càng không thể mới nghe nội dung mà giải thích dài dòng về vấn đề đó cho khách hàng.
Tuy nhiên người dân, khách hàng, thân chủ thì không hiểu được những điều trên mà cứ nghĩ trong đầu rằng luật sư là người nói nhiều, cãi nhiều. Cũng cần nhắc lại: Luật sư chỉ nói khi có chứng cứ, chỉ nói khi thấy cần thiết.
Người luật sư có phải là cái gì cũng “Biết tuốt”?
Câu trả lời là KHÔNG. Luật sư là người có óc tư duy phân tích logic. Một luật sư nhất thiết phải trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng và kiến thức xã hội. Thế nhưng, ngay cả trong giới hạn nghề Luật, một Luật sư chưa chắc đã giỏi trong việc đi kê khai, làm các thủ tục hành chính hơn một chuyên viên đã làm quen tay.
Luật sư phải là người hiểu biết. Tuy nhiên về mức độ hiểu biết chung, có thể nói đây là một yêu cầu cần có của một Luật sư. Có thể một Luật sư sẽ không quá am hiểu về thủ tục đăng ký đất đai, nhưng chắc chắc Luật sư đó biết để đăng ký đất đai sẽ cần những yêu cầu gì, hồ sơ tài liệu chuẩn bị được quy định ở đâu… Hoặc một Luật sư cũng phải biết về các thủ tục thương mại quốc tế theo như Incoterms, hoặc phải biết về thị trường tài chính…
Nói một cách dễ hiểu, luật sư không đòi hỏi và không thể đòi hỏi luật sư phải hiểu sâu tất cả các lĩnh vực, nhưng để là một luật sư giỏi thì cần phải có góc nhìn rộng, có mức độ am hiểu chung về xã hội, và đương nhiên là phải chuyên sâu một vài lĩnh vực nào đó mà mình thực sự có thế mạnh. Khi khách hàng cần trợ giúp pháp lý thuộc mảng nào đó, thì tổ chức luật sư sẽ phân công luật sư chuyên trách đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Người luật sư là người dữ dằn, hung tợn
Như đã trình bày ở phần trên khi nhắc đến luật sư là người ta nghĩ ngay đến việc tranh cãi, nghĩ ngay đến một người đang xắn tay áo lên gào thét để giành phần thắng. Do đó rất nhiều người thường nghĩ luật sư là người hung tợn, dữ dằn. Thậm chí nhiều người đã tìm những luật sư có tướng mạo dữ dằn để nhờ làm việc, nhờ tư vấn.
Việc khách hàng, thân chủ dùng cái cảm tính chỉ nhìn hình thức bề ngoài mà đánh giá một luật sư là điều sai lầm nghiêm trọng. Bởi lẽ luật sư là người có kiến thức về pháp lý. Do đó khi tranh cãi thì luật sư cũng tranh cãi dựa trên kiến thức về khoa học pháp lý.
Việc tranh cãi bằng khoa học pháp lý khác hoàn toàn với kiểu tranh cãi ngoài đường, ngoài chợ. Việc tranh cãi thắng thua của luật sư là hoàn toàn phụ thuộc vào chứng cứ, vào tình tiết vụ án, chứ không phải là ai khỏe thì người ấy thắng. Tại phiên tòa, việc tranh luận của các luật sư có sự chứng kiến của Thẩm phán, Kiểm sát viên và nhiều người khác nên luật sư nào có nhiều chứng cứ, vận dụng được nhiều kiến thức pháp lý thuyết phục được Hội đồng xét xử thì dành phần thắng.
Thực tiễn rất nhiều người dân cho rằng khi tranh cãi thì ai to mồm, ai nói nhiều, ai khỏe thì thắng. Đây là lối suy nghĩ sai lầm khi tiếp xúc và đánh giá luật sư.
Nghề luật sư là nghề giàu và nhàn hạ
Nhiều người cho rằng nghề luật sư là nghề nhàn hạ, ngồi mát ăn bát vàng. Nhưng sự thực thì hoàn toàn khác xa. Trước hết hãy xét về quá trình học hành gian nan để có đủ điều kiện hành nghề luật sư như sau:
- Hoàn thành 4 năm đại học chuyên ngành luật
- Học thêm về nghiệp vụ luật sư
- Tập sự luật sư
- Hành nghề luật sư
1. Hoàn thành 4 năm đại học chuyên ngành luật
Trong 04 năm này phải học hành nghiêm túc. Ở đây tôi không so sánh sự vất vả với các ngành khác. Tuy nhiên cần biết rằng để có lượng kiến thức mà đi các bước tiếp theo thì sinh viên luật phải đọc rất nhiều các luật, văn bản dưới luật. Số lượng các loại văn bản này nhiều không đếm nổi. Đặc biệt là các văn bản dưới luật thì thường thay đổi. Do vậy đòi hỏi trong thời gian học các sinh viên luật thường xuyên phải cập nhật mới.
2. Học thêm về nghiệp vụ luật sư
Tổng thời gian học và hành là 02 năm. Trong đó 01 năm học còn 01 năm tập sự. Trong thời gian học nghiệp vụ luật sư này, học viên chủ yếu học về kỹ năng làm việc, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xử lý tình huống chứ không học về luật, vì hệ thống các luật đã học ở thời đại học rồi. Thời kỳ này cũng rất vất vả. Đòi hỏi phải tự nỗ lực bản thân.
3. Tập sự luật sư
Đến thời kỳ đi tập sự luật sư thì sẽ gặp khó khăn gấp nhiều lần nữa. Bởi vì với tâm lý là người đi tập sự do đó khi bạn đến các văn phòng luật sư xin tập sự sẽ thường bị soi xét, bắt bẻ đủ thứ chuyện. Nếu bạn thể hiện bạn giỏi cũng bị người ta ghét, thể hiện bạn khờ dại cũng bị người ta chê. Thời kỳ này rất khó để làm vừa lòng các luật sư đi trước.
Ngoài ra chi phí cho thời kỳ tập sự luật sư rất tốn kém. Như vậy về thời gian nếu suôn sẻ thì mất 06 năm mới có được chứng chỉ hành nghề luật sư và thẻ luật sư. Chi phí cho 06 năm này thì không hề nhỏ.
4. Hành nghề luật sư
Rồi đến khi hành nghề luật sư thực sự còn gặp muôn vàn khó khăn khác nữa. Đối với những hồ sơ vụ án có khi phải đi lại rất nhiều nơi, nhiều lần để tìm hiểu các tình tiết, các chứng cứ. Thậm chí để bảo vệ cho một người, luật sư phải chống lại rất nhiều người. Mà nhiều người đó sẵn sàng làm mọi chuyện nguy hiểm cho bản thân luật sư. Đây là một yếu tố vô cùng nguy hiểm.
Tiếp nữa là nghề luật sư ở Việt Nam hiện tại chưa có nhiều điều kiện để phát triển. Điều này là yếu tố khách quan, với tâm lý ngại kiện tụng phiền phức của người dân Việt Nam. Với tâm lý dĩ hòa vi quý, tránh kiện tụng phiền phức chính là lực cản để khó phát triển nghề luật sư.
Ngoài ra một bộ phận không nhỏ người dân khi gặp vấn đề pháp lý khó khăn thì hướng giải quyết là chạy chỗ này, chạy chỗ kia, chứ không tìm đến luật sư. Có nhiều trường hợp chạy chọt còn tốn kém hơn nhiều so với chi phí thuê luật sư, nhưng họ vẫn chấp nhận chạy chọt. Vì những lý do đó, nên nghề luật sư hiện tại khó khăn chứ không như mọi người nghĩ.
Trên đây là một số chi tiết về nghề luật sư. Với những nội dung trên, mong rằng sẽ giúp mọi người hiểu đúng hơn về nghề luật sư ở Việt Nam cũng như những khó khăn trong nghề. Khi bạn muốn tìm kiếm một luật sư giỏi, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com.