Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành tại Việt Nam
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng không thuộc diện phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự.
1. Vi phạm hành chính là gì?
Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Xử lý vi phạm hành chính là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính của Nhà nước. Đây là vấn đề trực tiếp liên quan đến cuộc sống hàng ngày của nhân dân, tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Khoản 2, Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có định nghĩa về xử phạt vi phạm hành chính như sau: “Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính“.
2. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính
Nguyên tắc xử phạt các hành vi vi phạm hành chính bao gồm:
- Mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời và khắc phục hậu quả ngay. Quy trình xử lý vi phạm hành chính cần được tiến hành nhanh chóng, đúng thẩm quyền, công khai và đảm bảo công bằng theo quy định của pháp luật;
- Việc xử lý các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm hành chính phải được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật;
- Việc xử lý vi phạm hành chính sẽ dựa vào mức độ, tính chất vi phạm, đối tượng vi phạm và những tình tiết liên quan để tăng nặng, giảm nhẹ và đưa ra biện pháp xử lý thích hợp;
- Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
- Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;
- Không xử lý vi phạm hành chính thuộc các trường hợp: sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết hoặc người vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính.
- Việc xử lý vi phạm hành chính sẽ bao gồm mức tiền xử phạt và các biện pháp xử lý hành chính khác theo quy định của pháp luật.
3. Đặc điểm của vi phạm hành chính
Dựa vào những khái niệm về luật xử lý vi phạm hành chính đã nêu ở trên, chúng ta có thể rút ra một vài đặc điểm của hành vi vi phạm hành chính như sau:
Thứ nhất, vi phạm hành chính là những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vị phạm hành chính.
Hành vi vi phạm hành chính được thể hiện dưới dạng hành động (chủ thể thực hiện những hành vi bị ngăn cấm dựa trên luật pháp) hoặc không hành động nhưng bị bắt buộc phải thực hiện – trong trường hợp này chủ thể không phải bị xử lý hành vi vi phạm hành chính theo các quy tắc quản lý nhà nước.
Thứ hai, vi phạm hành chính là những hành vi có lỗi được thực hiện bởi chủ thể có năng lực đầy đủ để chịu xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Lỗi là dấu hiệu nhận biết ý chí và mong muốn thực hiện vi phạm hành chính của chủ thể. Lỗi trong vi phạm hành chính sẽ thể hiện dưới dạng cố ý và vô ý.
Chủ thể vi phạm hành chính là cá nhân, tổ chức có năng lực trách nhiệm hành chính theo quy định của pháp luật hành chính và phải chịu trách nhiệm đối với hành vi trái pháp luật của mình.
Thứ ba, những chủ thể thực hiện hành vi vi phạm hành chính sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc xử phạt vi phạm hành chính còn được quy định trong các Luật xử phạt khác có liên quan.
4. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Đảm bảo xác định tính thẩm quyền xử phạt hành chính minh bạch, rõ ràng, tránh xung đột và thực hiện theo đúng quy định trong Luật xử phạt hành chính hiện hành.
Thứ nhất, áp dụng thẩm quyền xử phạt đối với các đối tượng vi phạm hành chính với mức phạt và hình thức theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, mức phạt tiền được quy định cụ thể do những người có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính. Trong đó, mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ cao gấp 02 lần so với cá nhân.
Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc các lĩnh vực: an toàn xã hội, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, giao thông đường bộ với mức phạt không vượt quá 02 lần dựa trên quy định của pháp luật đối với các trường hợp xảy ra trong nội thành của thành phố trực thuộc trung ương; mức phạt vi phạm hành chính cụ thể sẽ do hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quyết định căn cứ theo Khoản 1 và Khoản 3, Điều 23 trong Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền ở mức đến 250.000 đồng (đối với cá nhân), 500.000 đồng (đối với tổ chức) – người có thẩm quyền xử phạt sẽ ra quyết định xử phạt tại chỗ mà không cần lập biên bản (trừ các trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản).
Trong trường hợp bị phạt từ 250.000 đồng (cá nhân) hoặc 500.000 đồng (tổ chức) trở lên thì cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện thủ tục xử phạt như sau:
- Lập biên bản vi phạm hành chính, có chữ ký của người lập biên bản và chủ thể vi phạm. Trong trường hợp có người bị thiệt hại hoặc người làm chứng thì họ phải kỳ vào biên bản. Nếu cả hai từ chối ký thì phải nêu rõ lý do vào biên bản.
- Biên bản xử phạt sẽ có 2 bản, một cho người lập biên bản và một giao cho tổ chức, cá nhân. Nếu vụ vi phạm vượt quá quyền xử phạt của người lập biên bản, bắt buộc phải gửi biên bản đến cơ quan có thẩm quyền cao hơn.
- Sau khi lập biên bản vi phạm, người có thẩm quyền cần thực hiện tổ chức một, một số hoặc toàn bộ công việc: Xác định cụ thể các tình tiết liên quan đến sự việc để xem xét và đưa ra quyết định.
5. Các hình thức xử lý vi phạm hành chính
Căn cứ theo Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành, gồm có các hình thức xử phạt dưới đây:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền;
- Tước chứng chỉ hành nghề, quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc tạm đình chỉ hoạt động có thời hạn;
- Tịch thu các phương tiện, tang vật vi phạm hành chính không vượt quá mức tiền phạt theo quy định của trưởng công an cấp huyện có thẩm quyền;
- Trục xuất.
Trong đó, phạt cảnh cáo và phạt tiền được xét vào hình thức phạt chính. Còn các hình phạt khác có thể được quy định là phạt chính hoặc hình phạt bổ sung tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Ngoài ra, cùng với việc áp dụng các hình thức xử phạt nêu trên, cơ quan có thẩm quyền có thể các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính.
Tùy vào từng vụ việc và mức độ nguy hiểm của từng chủ thể mà quy định sẽ áp dụng hình phạt hành chính khác nhau. Đồng thời, hình phạt được xem xét tăng nặng hoặc giảm nhẹ dựa trên tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm.
Nếu độc giả có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào về xử phạt vi phạm hành chính, vui lòng liên hệ với các luật sư dày dặn kinh nghiệm của chúng tôi tại info@letranlaw.com.