Một số ý kiến về điều kiện Cấp Giấy Phép Lao Động cho Người Nước Ngoài
Ngày 16/6/2017, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017 với chủ đề “Tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới”, một số vấn đề về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã được Tiểu Nhóm Công tác Nguồn nhân lực nêu ra để thảo luận, cụ thể:
Về Hồ sơ Đề nghị cấp Giấy phép Lao động đối với Hình thức ‘di chuyển trong nội bộ Doanh nghiệp’
Theo Nghị định 11/2016/NĐ-CP và Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH thì đối với trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hình thức di chuyển nội bộ, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động phải có “văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài đó tuyển dụng trước khi làm việc tại Việt Nam ít nhất 12 tháng”. Quy định này dẫn đến nhiều trường hợp người lao động nước ngoài trong các tập đoàn/doanh nghiệp đa quốc gia không làm việc tại công ty mẹ sở hữu hiện diện thương mại tại Việt Nam mà làm việc tại các công ty con, chi nhánh khác trực thuộc tập đoàn/doanh nghiệp đa quốc gia nên không thỏa được điều kiện để cấp giấy phép lao động theo hình thức ‘di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp’ bởi vì các cơ quan cấp phép (Sở LĐTBXH, Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp) không chấp nhận kinh nghiệm làm việc của người lao động tại các công ty con, chi nhánh khác trực thuộc tập đoàn, mà bắt buộc phải là tại công ty mẹ trực tiếp sở hữu hiện diện thương mại tại Việt Nam.
Cũng theo các quy định của Nghị định 11/2016/NĐ-CP và Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH về trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hình thức ‘di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp’ thì “văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam” (hay còn gọi là thư bổ nhiệm) là tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động. Theo đó, cơ quan cấp phép yêu cầu thư bổ nhiệm cũng phải do công ty mẹ trực tiếp sở hữu hiện diện thương mại tại Việt Nam ký ban hành. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với thực tế quy chế quản lý nội bộ của các tập đoàn/doanh nghiệp đa quốc gia khi mà (i) công ty mẹ trực tiếp sở hữu hiện diện thương mại tại Việt Nam chỉ là một chi nhánh trong nhóm các công ty của tập đoàn/doanh nghiệp đa quốc gia và không có thẩm quyền phê duyệt thư bổ nhiệm đối với các trường hợp di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp hoặc (ii) thư bổ nhiệm sẽ được phê duyệt bởi Bộ phận Quản lý di chuyển toàn cầu hoặc Bộ phận nhân sự của trụ sở chính hoặc của nhóm các công ty trực thuộc tập đoàn/doanh nghiệp đa quốc gia, những thực thể này không nhất thiết phải là công ty mẹ trực tiếp sở hữu hiện diện thương mại tại Việt Nam.
Do đó, trong các trường hợp như trên, các doanh nghiệp không có sự lựa chọn khác ngoài việc làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho những người lao động này theo hình thức hợp đồng lao động (tức người lao động ký thêm hợp đồng lao động với hiện diện thương mại tại Việt Nam, bên cạnh hợp đồng lao động đã ký kết với công ty con, chi nhánh khác trực thuộc tập đoàn/doanh nghiệp đa quốc gia).
Về các Khái niệm ‘Nhà quản lý, Giám đốc Điều hành’
Nghị định 11/2016/NĐ-CP đã thay đổi khái niệm về ‘nhà quản lý, giám đốc điều hành’ so với Thông tư 03/2014/TT-BLĐTBXH (hướng dẫn Nghị định 102/2013/NĐ-CP) bằng việc tách riêng hai khái niệm ‘nhà quản lý’ và ‘giám đốc điều hành’. Theo đó, nhà quản lý là cá nhân giữ chức danh quản lý có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại điều lệ công ty. Thông qua việc dẫn chiếu đến quy định của Luật Doanh nghiệp, Nghị định 11/2016/NĐ-CP xác định nếu một cá nhân không phải là đại diện pháp lý của công ty thì sẽ không được xem là ‘nhà quản lý’ (khác với quy định trước đây về ‘nhà quản lý, giám đốc điều hành’ của Thông tư 03/2014/TT-BLĐTBXH, được định nghĩa chung là người “trực tiếp tham gia quản lý trong tổ chức, doanh nghiệp bao gồm việc chỉ đạo tổ chức, doanh nghiệp hoặc đơn vị trực thuộc tổ chức, doanh nghiệp đó; giám sát và kiểm soát công việc của các nhân viên chuyên môn, nhân viên quản lý hoặc nhân viên giám sát khác”).
Quy định của Nghị định 11/2016/NĐ-CP đã khiến cho nhiều doanh nghiệp không thể đề nghị cấp giấy phép lao động theo nhóm ‘nhà quản lý, giám đốc điều hành’ cho những vị trí như ‘Giám đốc Tài chính’, ‘CEO’ và nhiều vị trí quản lý khác, với lý do các vị trí này không được ghi trong điều lệ của công ty hoặc tên của người lao động nước ngoài đề nghị cấp giấy phép lao động không được ghi trong điều lệ của công ty; trong khi đó, việc không đề cập đến các vị trí này hoặc tên những người giữ các vị trí này trong điều lệ công ty là điều phổ biến ở Việt Nam. Thay vào đó, các doanh nghiệp buộc phải nộp hồ sơ xin cấp giấy phép theo nhóm ‘chuyên gia’, dẫn đến việc phải đáp ứng thêm các yêu cầu về giấy tờ (bằng cấp, thư xác nhận kinh nghiệm). Quan trọng hơn là chức danh công việc của người lao động nước ngoài cũng phải được thay đổi cho phù hợp với nhóm ‘chuyên gia’, nhưng lại không chính xác với cơ cấu công ty (ví dụ như gây nhầm lẫn với quản lý cấp trung – giám đốc ngành/bộ phận), gây nên mối lo ngại cho khối quản lý cấp cao của các doanh nghiệp.
Việc thay đổi định nghĩa về nhóm ‘nhà quản lý, giám đốc điều hành’ còn ảnh hưởng đến những người lao động nước ngoài đã có giấy phép lao động được cấp theo quy định cũ vì họ có thể sẽ không còn đủ tiêu chuẩn để được gia hạn giấy phép lao động theo quy định về nhóm ‘nhà quản lý’ hay ‘giám đốc điều hành’ của Nghị định 11/2016/NĐ-CP. Khi đó, họ sẽ phải bổ sung thêm các giấy tờ để được tiếp tục cấp giấy phép lao động cho vị trí công việc mà họ vốn đã và đang được cấp giấy phép để làm việc.
Về các Yêu cầu Trình độ, Tay nghề đối với Nhóm ‘Chuyên gia’, ‘Lao động Kỹ thuật’
Ngày 08/7/2014, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2014 của Chính phủ số 47/NQ-CP đã thống nhất điều chỉnh những yêu cầu, điều kiện đối với nhóm ‘chuyên gia’ và ‘lao động kỹ thuật’ khi làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động. Cụ thể, Nghị quyết chỉ yêu cầu người lao động nước ngoài hoặc đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn đào tạo hoặc đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm phù hợp với vị trí công việc dự kiến làm việc tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Nghị định 11/2016/NĐ-CP được ban hành đã bãi bỏ quy định của Nghị quyết 47/NQ-CP và yêu cầu người lao động nước ngoài xin cấp giấy phép lao động ở vị trí ‘chuyên gia’ và ‘lao động kỹ thuật’ phải đáp ứng cả hai yêu cầu trên, tức phải có tài liệu chứng minh về trình độ chuyên môn đào tạo và chứng minh về kinh nghiệm làm việc. Quy định này có thể được xem là một ‘bước lùi’ trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính để hội nhập với thế giới.