Mức độ Dân chủ tại Nơi làm việc cao hơn theo Quy định của Bộ luật Lao động 2019

Bộ luật Lao động 2019 của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Một trong những mục tiêu được đề ra của Bộ luật Lao động mới đó là Việt Nam phải thực hiện được những cam kết của Việt Nam về các tiêu chuẩn lao động quy định tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới gần đây, bao gồm Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Do đó, Bộ luật Lao động 2019 và những văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định các tiêu chuẩn về dân chủ cao hơn so với quy định pháp luật Việt Nam về lao động trước ngày 01/01/2021, đặc biệt là các yêu cầu về đối thoại tại nơi làm việc và ban hành quy chế dân chủ.

Bài viết này sẽ cung cấp cho các nhà quản lý doanh nghiệp những thông tin chi tiết và phân tích, đánh giá về những sửa đổi mang tính dân chủ trong môi trường làm việc trong Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là Nghị định 145/2020/NĐ-CP, khi những sửa đổi này có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và quản lý nguồn lực lao động của doanh nghiệp.

Đối thoại tại nơi làm việc

Đối thoại tại nơi làm việc được định nghĩa là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, và trao đổi ý kiến giữa doanh nghiệp với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc. Đối thoại được thực hiện nhằm tăng cường sự thấu hiểu, hợp tác, và nỗ lực song phương nhằm hướng tới những giải pháp có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Trước đây, các doanh nghiệp được yêu cầu tổ chức đối thoại định kỳ với người lao động mỗi ba tháng một lần hoặc đối thoại bất thường khi có yêu cầu của doanh nghiệp hoặc người lao động. Theo quy định của Bộ luật Lao động mới, đối thoại định kỳ chỉ phải diễn ra mỗi năm một lần. Hơn nữa, Bộ luật Lao động 2019 hiện tại quy định bổ sung những trường hợp mà doanh nghiệp phải tổ chức đối thoại bất thường với người lao động, bao gồm việc ban hành quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc nhằm đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do người lao động không hoàn thành công việc; thay đổi cơ cấu doanh nghiệp; xây dựng phương án sử dụng lao động; xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động; công bố quy chế thưởng; ban hành nội quy lao động; và tạm đình chỉ công việc. Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp có thể vẫn phải tổ chức đối thoại với người lao động kể cả trong trường hợp việc thay đổi cơ cấu doanh nghiệp chỉ ảnh hưởng đến việc làm của một người lao động.

Thêm vào đó, trái ngược với quy định của pháp luật về lao động trước ngày 01/01/2021, người lao động không phải là thành viên của công đoàn cơ sở hoặc của bất kỳ tổ chức đại diện người lao động nội bộ nào khác tại doanh nghiệp hiện tại có quyền đề cử người đại diện để tham gia đối thoại. Số lượng người đại diện tối thiểu tham gia đối thoại là từ 03 cho đến 24 người, tùy thuộc vào số lượng người lao động của doanh nghiệp.

Quy chế dân chủ

Quy chế dân chủ trong lao động không phải là một điểm mới của Bộ luật Lao động 2019. Hiện nay, doanh nghiệp có nhiều hơn mười người lao động bắt buộc phải ban hành quy chế dân chủ nhằm thực hiện việc đối thoại tại nơi làm việc. Cụ thể, Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn yêu cầu quy chế dân chủ phải quy định chi tiết các thủ tục tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, như số lượng và thành phần tham gia, trách nhiệm của người tham gia đối thoại, v.v.

Khi xây dựng quy chế dân chủ phải tham khảo ý khiến của công đoàn cơ sở và nhóm đại diện đối thoại và phải được phổ biến công khai đến toàn thể người lao động.

Những hệ quả pháp lý quan trọng

Các quy định mới về vấn đề dân chủ tại nơi làm việc trong Bộ luật Lao động 2019 yêu cầu doanh nghiệp phải ban hành quy chế dân chủ và tổ chức các cuộc đối thoại bất thường tại nơi làm việc với người lao động trong một số trường hợp nhất định. Những trường hợp này bao gồm việc ban hành nội quy lao động, thay đổi cơ cấu doanh nghiệp, và ban hành quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc nhằm đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do người lao động không hoàn thành công việc. Trường hợp không thực hiện đúng các thủ tục trên, doanh nghiệp sẽ phải chịu rủi ro về tính hợp pháp của nội quy lao động, quy trình thay đổi cơ cấu doanh nghiệp, hoặc quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do người lao động không hoàn thành công việc và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể không thừa nhận hiệu lực pháp luật của các quyết định, văn bản trên.

Nhìn chung, cơ chế dân chủ trong Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn trên giúp bảo vệ người lao động tốt hơn; trong khi đó, doanh nghiệp cần phải dành nhiều thời gian và công sức hơn để có thể hoàn toàn tuân thủ quy định.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc về quy định của pháp luật lao động Việt Nam, các luật sư lao động và việc làm kinh nghiệm của chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp tại info@corporate.letranlaw.com.