Nền Tảng Xác Lập Quan Hệ Lao Động Ổn Định Và Phát Triển
Việt Nam đang tiếp tục điều chỉnh để đáp ứng các thách thức, gia nhập vào nền kinh tế thế giới. Trong đó, việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải có mô hình quan hệ lao động thích hợp. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng góp phần ổn định môi trường đầu tư, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Quan hệ lao động không chỉ là một khía cạnh quan trọng trong cuộc sống xã hội và nghề nghiệp, mà còn đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Đảng, Chính phủ đã định hướng phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo nên sự ổn định và phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả việc làm, thúc đẩy thị trường lao động, từng bước cân đối giữa cung và cầu lao động làm tiền đề để phát triển quan hệ lao động tích cực. Nền tảng xây dựng và duy trì mối quan hệ lao động ổn định, tích cực đặc biệt đòi hỏi ý thức đóng góp từ cả người lao động và người sử dụng lao động.
Quan hệ lao động – mắc xích không thể thiếu trong vận hành doanh nghiệp
Theo giải thích tại Khoản 5 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019, quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cũng định nghĩa về quan hệ lao động là những mối quan hệ cá nhân và tập thể giữa người lao động và người sử dụng lao động tại nơi làm việc, cũng như các mối quan hệ giữa các đại diện của họ với nhà nước. Như vậy, quan hệ pháp luật lao động là mối quan hệ pháp lý phát sinh giữa các chủ thể là người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quan hệ pháp luật lao động phát sinh khi các chủ thể này thực hiện việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương cho người lao động, xoay quanh các vấn đề quan tâm là: tuyển dụng, đào tạo, lương, thời gian làm việc kỷ luật lao động, quyền và lợi ích…
Quan hệ lao động được xác lập qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau. Quan hệ lao động bao gồm quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể. Trong đó, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động, tổ chức đại diện người lao động xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định với sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong quan hệ lao động, vai trò của của Công đoàn – Tổ chức đại diện người lao động đặc biệt được đề cao. Công đoàn tham gia cùng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định, giám sát việc thi hành quy định của pháp luật về lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Bên cạnh đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động khác được thành lập theo quy định của pháp luật có vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. Quan hệ lao động được thiết lập và duy trì lành mạnh sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả người lao động và người sử dụng lao động, giúp kinh tế tăng trưởng, chính trị xã hội phát triển ổn định. Quan hệ lao động ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người trong xã hội. Thông thường, người lao động là thành viên chủ chốt trong gia đình, do đó, ổn định quan hệ lao động sẽ duy trì hạnh phúc của gia đình cá nhân.
Các hình thức thể hiện quan hệ lao động
Quan hệ pháp lý phát sinh giữa các chủ thể là người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên và cơ quan nhà nước có thẩm quyền là quan hệ lao động. Có hai loại quan hệ lao động là quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể, được thể hiện và duy trì dựa trên các hình thức pháp lý trong lao động. Có thể nhận diện mối quan hệ lao động trong các hình thức thể hiện sau:
- Hình thức tiêu chuẩn lao động. Hệ thống pháp lý lao động bao gồm pháp luật lao động, thỏa ước lao động, hợp đồng lao động, nội quy lao động, biên bản ghi nhớ hoặc cam kết của lãnh đạo và cũng có thể là các bộ quy tắc ứng xử…
- Hình thức đại diện. Bao gồm hình thức của các thiết chế đại diện cho người lao động, hình thức của các thiết chế đại điện cho người sử dụng lao động ở nhiều cấp bậc khác nhau, hình thức của các thiết chế đại diện cho nhà nước.
- Hình thức đối thoại. Là cách thức tổ chức kênh đối thoại giữa các chủ thể trong quan hệ lao động. Các kênh đối thoại này có thể diễn ra ở các cấp độ khác nhau như tham vấn, chia sẻ thông tin, thương lượng.
- Hình thức giải quyết xung đột. Thực tế tại mỗi doanh nghiệp luôn tồn tại xung đột giữa người lao động và người sử dụng lao động. Việc quan sát biểu hiện của các xung đột này giúp đánh giá tình trạng quan hệ lao động của doanh nghiệp. Xung đột trong doanh nghiệp có thể biểu hiện và phát triển đến các cấp độ khác nhau như mâu thuẫn, khiếu nại, hòa giải, tranh chấp, trọng tài, xét xử, đình công, đóng xưởng.
Nền tảng để xác lập quan hệ lao động ổn định và phát triển
Quan hệ lao động là một trong các bộ phận đóng vai trò then chốt cấu thành của quan hệ sản xuất. Quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động là một quan hệ được pháp luật công nhận, được xác lập, thực hiện, duy trì trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau.
Nguyên tắc tôn trọng. Quan hệ lao động không chỉ đơn thuần mang tính kinh tế mà có cả tính xã hội. Sự tôn trọng của các bên được biểu hiện ở việc biết lắng nghe, chia sẻ, tạo điều kiện cho nhau tham gia và cùng quyết định công việc. Tôn trọng thể hiện ở hành vi ứng xử hàng ngày, bằng ngôn ngữ và cử chỉ có văn hóa, bảo toàn thể diện và nhân phẩm của nhau, biết thừa nhận xứng dáng những gì đối tác đã làm được, từ thái độ khiêm tốn, từ sự công bằng và từ việc thực hiện đúng các cam kết. Tôn trọng là cơ sở cho sự hợp tác giữa người sử dụng lao động và người lao động, đồng thời quyết định hiệu quả của quá trình hợp tác. quan hệ lao động không chỉ mang tính kinh tế thuần túy. Những yếu tố về nhân văn và tinh thần trong quan hệ lao động cũng rất sâu sắc làm cho quan hệ lao động trở nên nhạy cảm hơn so với các quan hệ khác. Sự khác biệt về địa vị kinh tế và về mục tiêu giữa người sử dụng lao động và người lao động chỉ không còn là rào cản tâm lý giữa các bên khi họ có thái độ đúng mực và thực sự tôn trọng lẫn nhau, cùng giải quyết các vấn đề nảy sinh xoay quanh quan hệ lao động một cách thực sự khách quan và không định kiến. Sự tôn trọng của các bên được biểu hiện ở việc biết lắng nghe, chia sẻ công việc, tạo điều kiện cho nhau tham gia và cùng quyết định. Tôn trọng thể hiện ở hành vi ứng xử hàng ngày, bằng ngôn ngữ và cử chỉ có văn hóa, bảo toàn thể diện và nhân phẩm của nhau, biết thừa nhận xứng đáng những gì đối tác đã làm được, ở thái độ khiêm tốn, ở sự công bằng và ở việc thực hiện đúng các cam kết.
Nguyên tắc hợp tác. Bản chất của mối quan hệ lao động là vừa thống nhất vừa mâu thuẫn. Thống nhất hợp tác nhưng mâu thuẫn lợi ích. Và hợp tác là nguyên tắc làm nền tảng chính cho mối quan hệ lao động. Hợp tác cho phép phát huy và hội tụ sức mạnh của các cá nhân vào thực hiện những nhiệm vụ chung. Khi hợp tác tốt, năng suất, hiệu quả lao động sẽ tăng và mang lại lợi ích cho cả hai bên. Hợp tác cũng giúp cho doanh nghiệp có thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn tạm thời, có thể duy trì và phát triển sản xuất. Sự hợp tác giữa người lao động và người sử dụng lao động tại nơi làm việc có thể được thực hiện trên một số phương diện chủ yếu, gồm sự phối hợp hoạt động, thái độ thiện chí, sự tạo điều kiện trong công việc và sự chia sẻ khó khăn. Trong phối hợp hoạt động, sự hợp tác được thể hiện ở khía cạnh chia sẻ thông tin, tham khảo ý kiến, cùng quyết định, thương lượng và phối hợp hoạt động trong tập thể lao động. Sự hợp tác trong quan hệ lao động còn là sự tạo điều kiện cho nhau làm việc và thực hiện mục tiêu. Đối với người sử dụng lao động điều này được hiểu là việc tạo ra môi trường để hoạt động của người lao động có thể được tiến hành thuận lợi như đầu tư những thiết bị cần thiết và hợp lý cho quá trình lao động, tạo cho người lao động mức thu nhập thỏa đáng, có thể ổn định cuộc sống và công việc, tạo điều kiện để người lao động học tập nâng cao trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn và tay nghề, phát huy sở trường và năng lực sáng tạo. Còn đối với người lao động, sự hợp tác được thể hiện ở thái độ có trách nhiệm cao với công việc, tôn trong kỷ luật lao động, giữ gìn bí mật kinh doanh, giữ gìn tài sản của doanh nghiệp, có ý thức tiết kiệm trong quá trong quá trình sản xuất. Cũng lưu ý rằng quá trình hợp tác phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố về trình độ văn hóa, nhận thức của người lao động.
Nguyên tắc cơ chế ba bên. Cơ chế là hệ thống, quá trình tổng hợp các yếu tố tạo nên sự hoạt động, vận hành. Trong quan hệ lao động, cơ chế ba bên là các quan hệ liên quan đến tổ chức, hoạt động, phát triển vận hành của quan hệ lao động, là sự tương tác tích cực của Nhà nước để điều chỉnh, duy trì và phát triển mối quan hệ lao động. Cơ chế ba bên là quá trình dân chủ hóa, hợp tác, chia sẻ quyền lực và trách nhiệm giữa người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước thông qua các tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp. Cơ chế ba bên hình thành và vận hành khá hiệu quả, có mối quan quan hệ liên kết với những tổ chức từ phía người lao động để cùng giải quyết những vấn đề có liên quan. Chính cơ chế này bằng hình thức tương tác đối thoại, thương lượng… đã thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa quan hệ lao động và hợp tác quốc tế, kiềm chế, giải quyết các xung đột trong lao động, tăng cường hiệu quả quản lý lao động, thực thi, điều chỉnh chính sách và pháp luật lao động một cách hiệu quả. Nhà nước quan tâm bảo vệ, tạo môi trường công bằng lành mạnh cho các bên cũng như có các chính sách hỗ trợ sự ổn định phát triển mối quan hệ lao động. Tuy nhiên, Để đạt được quan hệ lao động hài hòa ổn và tiến bộ cơ chế phải hoàn thiện hệ thống pháp luật. Pháp luật lao động phải là công cụ và tiêu chuẩn cho phát triển quan hệ lao động.
Sự tương tác giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa, pháp luật và kinh tế hình thành một mô hình quan hệ lao động đặc thù riêng của Việt Nam, góp phần vào việc cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo quyền lợi của người lao động và thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.
Cùng tìm hiểu sâu hơn ở những bài viết tiếp theo. Đừng quên theo dõi và cập nhập thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com