Nghĩa vụ Tài chính khi Xảy ra Tai nạn Lao động
Điều kiện Xác định một Tai nạn là ‘Tai nạn Lao động’
Theo quy định của Luật An toàn, Vệ sinh Lao động 2015, một tai nạn được xem là ‘tai nạn lao động’ khi đáp ứng 03 yếu tố sau:
Đối tượng bị ‘tai nạn lao động’ là người lao động
- Người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động; người thử việc; người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động;
- Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;
- NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động;
- NLĐ Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; và
- NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong
Mức độ tổn thương (tỷ lệ suy giảm khả năng lao động) được xác định theo các nguyên tắc quy định tại Thông tư Liên tịch 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 27/9/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 15/2016/TT-BYT và Thông tư Liên tịch 21/2014/TTLT-BYT-BLĐTBXH).
NLĐ khi bị tai nạn phải được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, thể hiện qua một văn bản kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động.
Tai nạn xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động
Đây là yếu tố quan trọng nhất khi xác định một tai nạn là ‘tai nạn lao động’. Tai nạn xảy ra trong các trường hợp sau được xem là thỏa yếu tố này:
- Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, bao gồm cả các khoảng thời gian cho việc thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép: nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
- Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động (NSDLĐ) hoặc người được NSDLĐ ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
- Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
Việc xác định yếu tố “trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý” hiện nay chưa có quy định mới hướng dẫn. Tham khảo một số quy định trước đây đã hết hiệu lực thì “trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý” được hiểu là:
Nghị định 152/2006/NĐ-CP (hết hiệu lực ngày 01/01/2016):
- “Khoảng thời gian hợp lý” là khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc.
- “Tuyến đường hợp lý” là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại.
Thông tư 03/2007/TT-BLĐTBXH (hết hiệu lực ngày 15/02/2016): Bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường mà hằng ngày NLĐ vẫn thường xuyên đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại.
Với cách quy định như trên thì việc xác định tai nạn có phải xảy ra “trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý” hay không để xác định có phải là ‘tai nạn lao động’ hay không tùy thuộc nhiều vào nhận định của cơ quan điều tra ‘tai nạn lao động’. Xem xét hai trường hợp ví dụ sau:
Trường hợp 1: Anh A đang trên đường từ công ty về nhà thì phát hiện để quên chìa khóa ở công ty nên quay trở lại lấy và bị tai nạn. Tai nạn của anh A là tai nạn ngoài nơi làm việc và ngoài giờ làm việc, cũng trên tuyến đường anh A thường xuyên đi và về giữa công ty và nơi ở của anh A. Tuy nhiên, lý do anh A quay lại công ty là do quên chìa khóa, mang tính đột xuất nên thời gian anh A quay lại công ty không được tính vào thời gian hợp lý để anh A đi từ công ty về nhà. Do đó, trường hợp của anh A không thể xem là bị tai nạn “trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý”.
Trường hợp 2: Chị B sau giờ làm việc thì đến trường đón con trước khi về nhà và bị tai nạn trên đường từ công ty đến trường. Câu hỏi là tuyến đường và thời gian chị B đi từ công ty đến trường học của con trong trường hợp này có được xem là hợp lý hay không? Xét đến yếu tố ‘thường xuyên’ và ‘cần thiết’ theo như quy định cũ thì nếu việc đón con là công việc hàng ngày sau khi tan làm của chị B và thời gian chờ đón con cũng kéo dài như thông thường thì có thể xem chị B bị tai nạn “trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý”; còn nếu việc đón con chỉ là đột xuất (ví dụ như từ trước đến nay, chồng của chị B là người đón con, nhưng do có việc bận nên chị B đi đón thay và bị tai nạn), thì trường hợp của chị B không thỏa yếu tố ‘thường xuyên’ và ‘cần thiết’.
Điều kiện Xác định NLĐ được Hưởng các Chế độ Tài chính do NSDLĐ Chi trả khi bị ‘Tai nạn Lao động’
Để được NSDLĐ chi trả các chế độ tài chính khi xảy ra ‘tai nạn lao động’, NLĐ phải thỏa mãn 03 điều kiện sau:
- Bị tai nạn được xác định là ‘tai nạn lao động’ như phân tích tại Mục 1 nêu trên.
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị ‘tai nạn lao động’.
- Không rơi vào một trong các trường hợp sau:
-
- Tai nạn xảy ra do mâu thuẫn của NLĐ (nạn nhân) với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
- Tai nạn xảy ra do NLĐ cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; hoặc
- Tai nạn xảy ra do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
Các Nghĩa vụ Tài chính mà NSDLĐ phải Chi trả cho NLĐ khi Xảy ra ‘Tai nạn Lao động’
NSDLĐ phải chi trả các khoản sau đây cho NLĐ bị ‘tai nạn lao động’ hoặc thân nhân của NLĐ bị ‘tai nạn lao động’:
Chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị ‘tai nạn lao động’, như sau:
- Toàn bộ chi phí y tế đối với NLĐ không tham gia bảo hiểm y tế hoặc phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với NLĐ tham gia bảo hiểm y tế.
- Phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do NSDLĐ giới thiệu NLĐ đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.
Tiền lương trong thời gian NLĐ phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.
Tiền bồi thường hoặc tiền trợ cấp. Trường hợp NSDLĐ đã mua bảo hiểm tai nạn cho người bị ‘tai nạn lao động’ tại các đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, thì người bị ‘tai nạn lao động’ được hưởng các khoản chi trả bồi thường, trợ cấp theo hợp đồng đã ký với đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Nếu số tiền mà đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm trả cho người bị ‘tai nạn lao động’ thấp hơn mức bồi thường/trợ cấp luật định, thì NSDLĐ phải trả phần còn thiếu để tổng số tiền người bị ‘tai nạn lao động’ hoặc thân nhân của người bị ‘tai nạn lao động’ nhận được ít nhất bằng mức bồi thường, trợ cấp luật định.
Khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm ‘tai nạn lao động’, bệnh nghề nghiệp do Quỹ bảo hiểm ‘tai nạn lao động’, bệnh nghề nghiệp (thuộc Quỹ bảo hiểm xã hội) chi trả nếu NSDLĐ không đóng bảo hiểm ‘tai nạn lao động’, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội.
Phân biệt Trách nhiệm Bồi thường và Trách nhiệm Trợ cấp của NSDLĐ khi Xảy ra Tai nạn Lao động
Khi xảy ra ‘tai nạn lao động’, tùy từng trường hợp mà NSDLĐ chỉ phải trả bồi thường hoặc trả trợ cấp cho NLĐ căn cứ trên yếu tố lỗi của NLĐ khi để xảy ra ‘tai nạn lao động’.
Tiền bồi thường
Tiền bồi thường được chi trả trong trường hợp ‘tai nạn lao động’ xảy ra không do lỗi hoặc chỉ có lỗi một phần của NLĐ.
Mức bồi thường căn cứ vào mức suy giảm khả năng lao động, cụ thể:
Mức suy giảm khả năng lao động | Mức bồi thường thấp nhất | ||
Từ 0% đến dưới 5% | ⇒ | Không phải bồi thường | |
Từ 5% đến 10% | ⇒ | 1,5 tháng tiền lương | |
Từ 11% đến 80% | ⇒ | 1,5 tháng tiền lương cho 10% đầu tiên + 0,4 tháng tiền lương cho mỗi 1% tăng thêm tính từ tỷ lệ thứ 11% | |
Từ 81% trở lên hoặc NLĐ bị chết | ⇒ | 30 tháng tiền lương |
Nếu ‘tai nạn lao động’ xảy ra trong khi người lao động đang thi hành công vụ hoặc chấp hành các quy định, mệnh lệnh của người sử dụng lao động ngoài phạm vi của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, nếu tai nạn do lỗi của người khác hoặc người gây tai nạn không được xác định, người sử dụng lao động vẫn có nghĩa vụ phải bồi thường cho người lao động các khoản tiền trên.
Trường hợp tai nạn xảy ra trên đường từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi cư trú theo lộ trình và thời gian hợp lý, do lỗi của người khác gây ra tai nạn hoặc không xác định được người gây tai nạn, người sử dụng lao động chỉ trả trợ cấp cho người lao động.
Tiền trợ cấp
Tiền trợ cấp được trả trong trường hợp tai nạn lao động xảy ra hoàn toàn do lỗi của người lao động. Mức trợ cấp thấp nhất bằng 40% mức bồi thường nêu trên.
Bài viết này chứa đựng kiến thức pháp luật và thuật ngữ chuyên môn, quý đọc giả có câu hỏi hoặc cần tư vấn về các vấn đề tai nạn lao động, hợp đồng lao động, bồi thường, trợ cấp và các vấn đề lao động khác theo quy định pháp luật lao động Việt Nam, vui lòng liên hệ các Luật sư Lao động của chúng tôi tại info@letranlaw.com.