Nhận Diện Các Rủi Ro Pháp Lí Thường Gặp Trong kinh Doanh
Thực tế, doanh nghiệp thường phải đối mặt với rất nhiều rủi ro trong quá trình kinh doanh: Thị trường, chính sách, pháp luật, tài chính, nhân sự… Trong đó các rủi ro về pháp lý là điều không hiếm và thường để lại những hậu quả nặng nề khó khắc phục. Có doanh nghiệp vì chưa rõ kiến thức pháp luật vô ý hay cố ý dẫn đến vi phạm pháp luật. Có doanh nghiệp dù có đội ngũ chuyên gia hoặc cố vấn pháp lý thường xuyên nhưng vẫn vướng rủi ro. Rủi ro pháp lý là điều không mong muốn nhưng vẫn có thể hạn chế được nhờ vào việc hiểu rõ khuôn khổ và tuân thủ nghiêm pháp luật. Nhận diện những rủi ro pháp lý thường gặp trong doanh nghiệp, từ đó có biện pháp, phương hướng xử lý thích hợp là yêu cầu cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, là nội dung mà bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển bền vững đều phải lưu ý.
Hiểu thế nào là những rủi ro pháp lý trong kinh doanh?
Chính sách nhà nước, chiến lược kinh doanh, vận hành thương mại, quản trị điều hành… là những vấn đề doanh nghiệp phải đối mặt trong quá trình hoạt động. Tất cả đều chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn. Rủi ro pháp lý là những sự kiện khách quan, xảy ra bất ngờ có thể hình thành bởi yếu tố chủ quan của doanh nghiệp lẫn yếu tố khách quan đến từ bên ngoài. Có thể đây là các rủi ro từ thay đổi trong luật pháp hay các quy định của pháp luật đưa ra, gây ảnh hưởng và để lại những hậu quả nghiêm trọng hoạt động kinh doanh hoặc thay đổi cục diện cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp. Rủi ro pháp lý khiến cho người liên quan thậm chí có thể bị án phạt tù. Có rất nhiều loại rủi ro pháp lý khác nhau, hậu quả cũng khác nhau nhưng đa phần chủ yếu các doanh nghiệp thường mắc phải các rủi ro pháp lý về tài chính.
Rủi ro pháp lý luôn tồn tại song song cùng quá trình phát triển của doanh nghiệp, là một trong những nội dung tất yếu và quan trọng mà doanh nghiệp cần phải biết để có dự trù kế hoạch ứng phó, giúp cho hoạt động kinh doanh được thuận lợi, đồng thời giảm thiểu đến mức thấp nhất những tổn thất nếu có thể xảy ra. Các doanh nghiệp không chuẩn bị kế hoạch, thiếu kiến thức pháp lý trong các hoạt động giao dịch, được xem là nguồn gốc chủ yếu cho những rủi ro pháp lý có thể xảy ra.
Nhận diện các loại rủi ro pháp lý thường gặp trong kinh doanh
Pháp lý doanh nghiệp được phổ biến nhằm điều chỉnh hoạt động kinh doanh trong quan hệ đối nội cũng như đối ngoại đối ngoại của các. Rủi ro pháp lý xảy ra bởi các hành vi không đúng pháp lý trong kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu phát sinh từ việc không biết, thực hiện không đúng hoặc không thực hiện quy định của pháp luật. Thông thường các rủi ro pháp lý rơi vào hai nhóm phát sinh từ nội bộ và tác động từ bên ngoài.
Nhóm rủi ro xuất phát từ nội bộ doanh nghiệp. Rủi ro từ nội bộ doanh nghiệp thông thường xuất phát từ công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp và từ mối quan hệ giữa chủ sở hữu lao động và người lao động. Các vấn đề quản trị doanh nghiệp có thể kể đến như: tranh chấp giữa những thành viên góp vốn, cổ đông trong vấn đề góp vốn, định giá tài sản, định giá phần vốn góp, thời hạn góp vốn… Tranh chấp giữa những người sáng lập, chủ sở hữu với người quản lý, điều hành doanh nghiệp trong việc điều hành, quản lý doanh nghiệp, không thống nhất các nội dung, vượt quá thẩm quyền cho phép… Trong một số doanh nghiệp có nhiều đại diện pháp luật, rủi ro khi các đại diện pháp luật doanh nghiệp bất đồng hay mâu thuẫn dẫn đến những vướng mắc, sai phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp, gây thiệt hại cả về kinh tế cho doanh nghiêpj. Rủi ro trong việc ra nghị quyết, quyết định của hội đồng thành viên, hội đồng quản, đại hội đồng cổ đông như: quyết định, nghị quyết không đúng thẩm quyền, nội dung nghị quyết, quyết định không phù hợp với quy định của pháp luật. Nội quy, quy chế của doanh nghiệp đưa ra chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Rủi ro trong mối quan hệ với người lao động là các tình huống: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Rủi ro trong tranh chấp quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động về bảo hiểm xã hội. Trong thực hiện quy trình, nội dung xử lý kỷ luật lao động đặc biệt là xử lý kỷ luật lao động sa thải.
Nhóm rủi ro pháp lý đến từ tác động bên ngoài doanh nghiệp. Trong thực tế, nhóm rủi ro đến từ tác động bên ngoài rất đa dạng và thường để lại những tổn thất nặng nề. Nổi bật nhất trong nhóm rủi ro pháp lý giữa doanh nghiệp với mối quan hệ bên ngoài chính là tranh chấp giữa doanh nghiệp với đối tác kinh doanh, khách hàng trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng mua bán, hợp đồng dịch vụ… Trong đó việc thoả thuận chưa cụ thể, thiếu các điều khoản trong hợp đồng là một trong những nguyên nhân chính để xảy ra tranh chấp hợp đồng. Ngoài ra, việc thực hiện nghĩa vụ chưa đúng, không thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc những nguyên nhân khách quan, sự kiện bất khả kháng không có sự đo lường cẩn thận trước khi ký hợp đồng cũng là những nguyên nhân gây ra tranh chấp hợp đồng. Trong các rủ ro pháp lý, quyền sở hữu trí tuệ thường xuyên xảy ra. Tranh chấp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ có thể kể đến như: việc bị sao chép nhãn hiệu, sao chép logo, bộ nhận diện thương hiệu…. Hay như tranh chấp trong vấn đề chuyển giao công nghệ, nhượng quyền thương hiệu… Rủi ro pháp lý phải kể đến đã khiến không ít doanh nghiệp nhận hậu quả xử phạt là trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước, nhất là việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Ngoài ra còn những nghĩa vụ, quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, cấp phép hoạt động, kinh doanh… Doanh nghiệp cần lưu ý các quy định của pháp luật để tránh việc bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nghiêm trọng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Rủi ro pháp lý khi thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi cạnh tranh không phù hợp với quy định của pháp luật….
Hạn chế các rủi ro pháp có thể xảy ra trong quá trình kinh doanh
Hiểu luật sẽ tránh được những rủi ro pháp lý trong kinh doanh. Đó là điều tất yếu nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện hoàn chỉnh. Bởi rủi ro pháp lý có thể phát sinh từ nhiều khía cạnh, thậm chí từ những điều rất đơn giản và không ngờ tới. Tuy nhiên, nhận diện ra những khả năng có thể gây rủi ro pháp lý vàkiểm soát, hạn chế khả năng này là việc bắt buộc doanh nghiệp phải tiến hành.
Thứ nhất, doanh nghiệp phải tự nâng cao nhận thức về pháp luật kinh doanh, nhất là thương mại quốc tế. Chủ động tìm hiểu, cập nhật những quy định pháp lý liên quan đến quá trình kinh doanh như Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư, Luật Dân sự, Luật Thương mại…để có thể đưa ra những đối sách phù hợp. Đồng thời tuân thủ nghiêm những văn bản quy định pháp luật trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh. Trong những trường hợp không chắc chắn về mức độ an toàn pháp lý trong các công việc, hoạt động của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể hỏi trực tiếp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về các nội dung còn chưa hiểu rõ hay pháp luật chưa quy định rõ ràng, trước khi thực hiện.
Thứ hai, doanh nghiệp phải có kế hoạch phòng chống rủi ro pháp lý bằng cách xây dựng bộ phận pháp chế doanh nghiệp chuyên nghiệp với những nhân viên đủ năng lực, trình độ giúp nhận diện các mối nguy hại làm phát sinh tranh chấp hoặc vi phạm pháp luật. Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nói chung và bộ phận pháp chế nói riêng.
Thứ ba, doanh nghiệp nên tạo thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn, hỗ trợ từ luật sư, chuyên gia pháp lý trong hoạt động thương mại quốc tế để có thể được tư vấn, cung cấp những giải pháp tối ưu, dễ dàng hạn chế, giảm thiểu những rủi ro từ các hợp đồng thương mại quốc tế. Và khi xảy ra rủi ro tranh chấp trong thương mại, một trong những phương án xử lý rủi ro hiệu quả là các doanh nghiệp có thể mạnh dạn tìm đến trọng tài, bởi mọi tranh chấp đều có thể giải quyết bằng cơ chế trọng tài.
Thứ tư, chú ý các rủi ro, xung đột liên quan đến pháp lý hợp đồng. Trong các giao dịch, hợp đồng của doanh nghiệp luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, doanh nghiệp cần rà soát pháp lý các hợp đồng, các dự án một cách chặt chẽ, kiểm tra xác minh tư cách pháp lý và năng lực tài chính của đối tác trước khi chính thức ký hợp đồng mua bán hoặc thiết lập các quan hệ hợp tác khác với đối tác, nhất là đối tác nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với đối tác nước ngoài, do chưa thẩm tra năng lực của đối tác hoặc chủ quan, thiếu kinh nghiệm trong quá trình ký kết hợp đồng dẫn đến nhiều rủi ro trong ký kết hợp đồng, hoạt động xuất nhập khẩu. Chính những nguồn thông tin được rà soát kỹ là yếu tố quan trọng để phòng tránh, giảm thiểu được rủi ro khi tham gia các hoạt động thương mại quốc tế.
Thứ năm, để hạn chế rủi ro pháp lý trong thanh toán hay vi phạm nghĩa vụ thanh toán, cần chọn lựa phương thức thanh toán để bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp, tránh tổn thất về tài chính. Riêng trong lĩnh vực thanh toán quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam nên sử dụng dịch vụ thanh toán quốc tế của các ngân hàng lớn trong nước để thực hiện thanh toán với đối tác nước ngoài. Cũng cần có một vài phương thức thanh toán dự phòng trong trường hợp không thỏa thuận được với đối tác về phương thức tối ưu.
Hoạt động kinh doanh luôn đi kèm với những rủi ro pháp lý nhất định, doanh nghiệp cần nhận diện được những nguy cơ tiềm ẩn để có giải pháp hạn chế kịp thời. Cần phải có đội ngũ tư vấn pháp lý, chú trọng nâng cao nghiệp vụ, kiến thức pháp luật giúp vận hành quá trình phát triển của doanh nghiệp diễn ra bền vững.
Cùng tìm hiểu sâu hơn ở những bài viết tiếp theo. Đừng quên theo dõi và cập nhập thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: info@letranlaw.com