Những Vấn đề cần Lưu ý khi Thỏa thuận Thi hành án
Thỏa thuận là quyền dân sự của công dân trong giao lưu dân sự được pháp luật công nhận và bảo vệ. Theo đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 (Bộ luật Dân sự) quy định nguyên tắc tôn trọng quyền định đoạt của các bên trong quan hệ dân sự. Và Luật Thi hành án dân sự, được sửa đổi bổ sung năm 2014 cũng ghi nhận về quyền thỏa thuận của các đương sự trong quá trình thi hành án.
Có hiệu lực từ ngày 01/5/2020, Nghị định 33/2020 ngày 17/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã quy định chi tiết về quyền thỏa thuận trong thi hành án (Nghị định 33/2020/NĐ-CP).
Thỏa thuận thi hành án là giải pháp cần được ưu tiên trong thi hành án dân sự. Nó không chỉ đảm bảo quyền tự định đoạt của các đương sự mà còn là biện pháp thi hành án hiệu quả, tiết kiệm được thời gian và chi phí cho các bên. Vì vậy, pháp luật tôn trọng quyền thỏa thuận của các bên trong thi hành án dân sự.
Vấn đề đặt ra là, khi nào các bên đương sự có quyền thực hiện thỏa thuận thi hành án? Người được thi hành án cần làm gì khi thỏa thuận thi hành án bị vi phạm? Nghĩa vụ nộp phí thi hành án khi các bên thực hiện thỏa thuận thi hành án?
Thỏa thuận Thi hành án là gì?
Thỏa thuận thi hành án là sự tự nguyện của các đương sự nhằm bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi để đi đến thống nhất thi hành án một phần hay toàn bộ nội dung bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên cơ sở quyền và nghĩa vụ dân sự đã được xác lập theo bản án, quyết định đó.
Chủ thể Tham gia Thỏa thuận Thi hành án
Chủ thể tham gia thỏa thuận về thi hành án là đương sự tức là người được thi hành án và người phải thi hành án. Trên thực tế, tùy từng vụ việc cụ thể có thể bao gồm cả người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia thỏa thuận thi hành án.
Nguyên tắc Thỏa thuận Thi hành án
Nội dung thỏa thuận không được vi phạm điều cấm pháp luật
Theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự: “Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”. Như vậy, nội dung thỏa thuận thi hành án của đương sự phải không vi phạm những điều cấm mà pháp luật cấm các chủ thể thực hiện.
Thỏa thuận không được trái đạo đức xã hội
Điều 123 Bộ luật Dân sự quy định: “Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”. Đạo đức là giá trị tinh thần được hình thành theo thời gian, được mọi người thừa nhận và tự nguyện thực hiện. Thỏa thuận của các đương sự trong thi hành án phải đảm bảo không trái với đạo đức xã hội.
Thỏa thuận không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án
Người thứ ba ở đây được hiểu là cá nhân hoặc tổ chức có quyền, lợi ích liên quan hoặc lợi ích công cộng. Khi thỏa thuận về thi hành án các bên không được thỏa thuận các nội dung làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ ba hoặc trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
Mặt khác, thỏa thuận của các đương sự cũng không được trái với thực tế. Người được thi hành và người phải thi hành án phải thỏa thuận những nội dung gắn liền với thực tiễn và có thể thực hiện được.
Hình thức Thỏa thuận Thi hành án
Thỏa thuận về thi hành án phải được lập thành văn bản thể hiện rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận và có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia.
Để nội dung thỏa thuận không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba thì khi chứng kiến hoặc ghi nhận sự thỏa thuận của đương sự cần phải có thêm người thứ ba, nếu có.
Các bên đương sự có thể yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận về thi hành án. Và Theo quy định mới của Nghị định 33/2020/NĐ-CP, việc chứng kiến thỏa thuận phải được thực hiện tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự, đây là một trong những nội dung mới được sửa đổi. Vì trước đây, theo quy định của Nghị định 62/2015, việc yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến thỏa thuận có thể được thực hiện tại trụ sở cơ quan Thi hành án dân sự hoặc ngoài trụ sở Cơ quan thi hành án dân sự. Nếu việc chứng kiến thỏa thuận ngoài trụ sở cơ quan Thi hành án dân sự mà phát sinh chi phí thì người yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến phải thanh toán chi phí hợp lý cho Cơ quan thi hành án dân sự.
Nội dung Thỏa thuận Thi hành án
Nội dung thỏa thuận về thi hành án cần nêu rõ:
- Thời gian, địa điểm thi hành án.
- Phương thức, nội dung thi hành án: Thỏa thuận thi hành án một phần hay toàn bộ nghĩa vụ phải thi hành án; hậu quả pháp lý đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung đã thỏa thuận, v.v,.
Thời điểm Thỏa thuận Thi hành án và các Vấn đề Người được Thi hành án cần Lưu ý khi Thực hiện Thỏa thuận
Việc thỏa thuận thi hành án có thể ở bất kỳ thời điểm nào, có thể thỏa thuận trước khi yêu cầu thi hành án hoặc đã yêu cầu nhưng cơ quan Thi hành án dân sự chưa ra quyết định thi hành án hoặc cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành án
- Trường hợp đương sự lập thỏa thuận thi hành án trước khi yêu cầu thi hành án hoặc đã yêu cầu nhưng cơ quan Thi hành án dân sự chưa ra quyết định thi hành án, thì các bên có nghĩa vụ thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận mà thời hiệu yêu cầu thi hành án vẫn còn thì bên có quyền được yêu cầu thi hành án đối với phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định.
- Trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án, đương sự vẫn có quyền tự thỏa thuận. Trường hợp bên có nghĩa vụ không tự nguyện thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận thì người được thi hành án thông báo kết quả đã thi hành theo thỏa thuận và đề nghị cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục tổ chức thi hành án.
- Trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành án và việc thỏa thuận thi hành án đượcc thực hiện sau khi tài sản đã được bán hoặc giao cho người khác nhận để thi hành án thì phải được sự đồng ý của người mua được tài sản hoặc người nhận tài sản để thi hành án.
Nghĩa vụ nộp phí thi hành án khi các bên thực hiện thỏa thuận thi hành án
Nếu các đương sự có thỏa thuận thi hành án và đã tự giao, nhận tiền, tài sản cho nhau trong trong thời hạn tự nguyện thi hành án thì người được thi hành án không phải chịu phí thi hành án.
Đối với trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án nhưng chưa ra quyết định cưỡng chế thi hành án hoặc đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng chưa thực hiện việc cưỡng chế thi hành án mà các bên đương sự thỏa thuận việc thi hành án, tự giao, nhận tiền, tài sản cho nhau thì người được thi hành án phải nộp 1/3 mức phí thi hành án dân sự theo quy định tại tính trên số tiền, tài sản thực nhận.
Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã thu được tiền hoặc đã thực hiện việc cưỡng chế thi hành án thì người được thi hành án phải nộp 100% mức phí thi hành án dân sự theo quy định tính trên số tiền, tài sản thực nhận.