Tổng quan về Pháp luật Phá sản Việt Nam
Hầu hết mọi người thường nghĩ rằng phá sản là lựa chọn bất lợi cho doanh nghiệp và cố gắng né tránh. Tuy nhiên, nếu được áp dụng đúng cách, phá sản sẽ là một giải pháp pháp lý hiệu quả để giải quyết các vấn đề có liên quan cho dù doanh nghiệp hiện là chủ nợ hay là con nợ.
Nếu là chủ nợ, tại sao nên nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản?
Để thu hồi nợ, các chủ nợ thường lựa chọn tiến hành khởi kiện theo thủ tục thông thường thay vì tiến hành yêu cầu mở thủ tục phá sản vì các lý do sau: (i) thủ tục phá sản rất phức tạp và (ii) thủ tục phá sản sẽ kéo theo sự tham gia của các chủ nợ khác, và do đó các tài sản của con nợ cũng cần phải chia với những chủ nợ này1. Tuy nhiên, thủ tục phá sản sẽ là một lựa chọn phù hợp trong những tình huống dưới đây:
Các biện pháp pháp lý đối với con nợ được thực hiện chậm trễ hơn so với những chủ nợ khác
Trong một vụ kiện thông thường, Tòa án và cơ quan thi hành án thường giải quyết vụ việc theo thứ tự, tức ai nào có yêu cầu trước sẽ được giải quyết trước. Vì vậy, nếu đơn khởi kiện được nộp chậm trễ thì những chủ nợ khác sẽ có được bản án và nắm giữ tài sản của con nợ trước. Kết quả là sẽ chẳng còn gì để đòi từ con nợ.Trong trường hợp này, việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sẽ là một giải pháp hiệu quả. Sau khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án sẽ quyết định tạm đình chỉ các vụ việc có khả năng ảnh hưởng đến tài sản của con nợ, bất kể vụ việc đó đang được giải quyết ở giai đoạn tranh tụng hay thi hành án. Sau đó, nếu yêu cầu mở thủ tục phá sản được thụ lý và Tòa án chính thức mở thủ tục phá sản, những vụ việc này sẽ được chuyển và nhập vào để giải quyết trong cùng một vụ việc phá sản. Do đó, việc nộp đơn đề nghị mở thủ tục phá sản sẽ ngăn chặn hiệu quả các chủ nợ khác lấy tài sản của con nợ và buộc họ phải tiếp tục cạnh tranh trong cùng một thủ tục tố tụng. Thêm vào đó, nếu việc phá sản đi đến giai đoạn thanh lý tài sản, các chủ nợ không có bảo đảm sẽ có vị trí ưu tiên thanh toán như nhau2, vì vậy ngay cả khi là chủ nợ cuối cùng thực hiện hành động pháp lý đối với con nợ, người này vẫn có thể được nhận một phần tài sản.
Con nợ đang che giấu tài sản của mình
Khi đối mặt với các hành động pháp lý của các chủ nợ, điều hiển nhiên là con nợ sẽ chuyển tài sản của mình cho các chủ thể khác (ví dụ như các doanh nghiệp khác có cùng chủ sở hữu hoặc có người thân của chủ sở hữu) để che giấu tài sản của mình.Ngăn chặn hành vi này thường rất khó khăn, vì không thể biết chính xác con nợ có những tài sản gì; khi nào, như thế nào và ai là người mà họ sẽ chuyển tài sản. Mặc dù có thể yêu cầu Tòa án tuyên các giao dịch này vô hiệu, tuy nhiên quá trình tố tụng này sẽ mất rất nhiều thời gian, và trong thời gian một giao dịch bị tuyên vô hiệu thì con nợ đã có thể tiếp tục thực hiện hai hoặc ba giao dịch khác.Để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản và bảo vệ tài sản của con nợ, thủ tục phá sản sẽ là biện pháp pháp lý mạnh mẽ. Theo đó, sau khi Tòa án chính thức mở thủ tục phá sản, Tòa án sẽ chỉ định một doanh nghiệp quản lý tài sản hoặc một quản tài viên (“Doanh nghiệp Quản lý Tài sản”) để kiểm kê và quản lý các tài sản của con nợ. Bất kỳ giao dịch tài sản nào của con nợ đều phải báo cáo và được chấp thuận bởi Doanh nghiệp Quản lý Tài sản, bất kỳ hành vi che giấu, tẩu tán tài sản của con nợ đều bị cấm. Thêm vào đó, những giao dịch đáng ngờ trong vòng 06-18 tháng trước thời điểm mở thủ tục phá sản cũng có thể bị Tòa án tuyên vô hiệu và khôi phục lại tình trạng ban đầu. Tuyên vô hiệu các giao dịch trong thủ tục phá sản thường nhanh và đơn giản hơn so với thủ tục tố tụng thông thường, bởi vì đã có sẵn một thẩm phán biết rõ về vụ việc và sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản các tài sản của con nợ.
Nếu là con nợ, tại sao nên nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản?
Việc này có thể cứu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Doanh nghiệp thường không cân nhắc đến việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, vì cho rằng đây là một hành động “tự sát”. Tuy nhiên, thủ tục phá sản không phải lúc nào cũng kết thúc bằng việc doanh nghiệp bị phá sản, thay vào đó thông qua thủ tục phá sản, doanh nghiệp còn có thể tiến hành tổ chức lại và phục hồi hoạt động kinh doanh.Nếu doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán, doanh nghiệp đó chắc hẳn sẽ phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ chủ nợ, thậm chí là việc bị khởi kiện. Doanh nghiệp có thể cố gắng đàm phán với các chủ nợ để gia hạn việc trả nợ bằng cách giải thích tình hình khó khăn của mình. Tuy nhiên, nhiều chủ nợ sẽ không lắng nghe vấn đề của doanh nghiệp, họ chỉ tập trung vào khoản nợ quá hạn mà họ phải thu hồi. Trong tình huống này, nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có thể là một giải pháp tốt. Như đã đề cập ở trên, lợi thế đầu tiên và trước mắt của thủ tục phá sản sẽ là chuyển và nhập tất cả các vụ kiện đối với doanh nghiệp vào giải quyết trong cùng một thủ tục phá sản. Điều này có nghĩa thay vì phải đối mặt với nhiều vụ kiện ở nhiều Tòa án khác nhau, doanh nghiệp chỉ cần tham gia vào một thủ tục phá sản ở một Tòa án, điều mà sẽ làm giảm bớt áp lực.Sau đó, Tòa án sẽ tổ chức một hội nghị chủ nợ, nơi mà doanh nghiệp có thể trình bày phương án phục hồi hoạt động kinh doanh/trả nợ. Sẽ dễ dàng hơn để thuyết phục các chủ nợ chấp nhận phương án trong tình huống này bởi vì:
- Các chủ nợ có thể thực sự thấy hoàn cảnh khó khăn của doanh nghiệp, và hiểu rằng nếu dồn doanh nghiệp quá mức thì doanh nghiệp sẽ bị phá sản và họ có thể sẽ không nhận được gì.
- Nếu phương án phục hồi hoạt động kinh doanh/trả nợ được chấp thuận, thì phương án này sẽ được giám sát bởi Doanh nghiệp Quản lý Tài sản được chỉ định bởi Tòa án vì vậy chủ nợ sẽ dễ dàng tin tưởng vào phương án hơn.
- Doanh nghiệp không cần phải thuyết phục tất cả các chủ nợ, mà chỉ cần đáp ứng tỷ lệ được luật quy định, tức là có quá nửa tổng số chủ nợ có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm trở lên chấp thuận thì phương án sẽ có hiệu lực ràng buộc đối với tất cả các chủ nợ.
Việc này giúp hạn chế trách nhiệm cá nhân nếu doanh nghiệp bị Tòa án tuyên bố phá sản
Theo quy định của pháp luật, người đại điện theo pháp luật và một số người có chức vụ khác3 của doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Nếu như họ thực hiện đúng nghĩa vụ này thì hầu như sẽ không có trách nhiệm cá nhân nào4. Trong tình huống xấu nhất khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, tất cả các tài sản của doanh nghiệp sẽ bị thanh lý để thanh toán cho chủ nợ, doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoạt động và người đại diện theo pháp luật (và những người có chức vụ khác) có thể tiếp tục công việc khác. Tuy nhiên, nếu người đại diện theo pháp luật và những người có chức vụ khác chậm trễ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà không có lý do chính đáng khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân cho bất kỳ thiệt hại nào xảy ra do việc chậm trễ này. Thêm vào đó, họ thậm chí có thể bị cấm thành lập doanh nghiệp cũng như làm người quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào trong thời hạn 3 năm.Vì vậy, pháp luật khuyến khích việc tự nguyện nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán. Thời gian trì hoãn và che giấu tình hình tài chính của doanh nghiệp càng lâu, trách nhiệm cá nhân phải gánh chịu càng nhiều.
Lĩnh vực Liên quan: Phá sản & Tái cấu trúc
- Ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt ví dụ như chủ nợ có bảo đảm.
- Một vài khoản nợ sẽ được ưu tiên thanh toán, ví dụ như chi phí phá sản, các khoản thanh toán liên quan đến các quyền lợi của người lao động và các chi phí để phụchồi hoạt động kinh doanh sau khi mở thủ tục phá sản.
- Một số người có chức vụ theo luật phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bao gồm chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân hay công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần, chủ tịch hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
- Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như khi doanh nghiệp sở hữu bởi Nhà nước.