Trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động khi đi công tác nước ngoài

Hannah Huynh
Khi người lao động đi công tác nước ngoài ngắn hạn (dưới 1 tuần) mà công ty tại Việt Nam không mua bảo hiểm tai nạn tại nước ngoài mà người lao động xảy ra tai nạn hoặc ốm đau thì công ty sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả, bồi thường ở mức độ nào? Căn cứ pháp lý cho việc bồi thường đó như thế nào? 

Theo Điều 3.8, Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015, thì trường hợp người lao động bị tai nạn trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ cho người sử dụng lao động sẽ được xem là tai nạn lao động.  Theo đó, trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động được quy định tại Điều 38, Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015, tiêu biểu như sau:

“[…]

2.   Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau

a)   Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

b)   Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

c)   Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

3.   Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việctrongthời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

4.   Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

a)   Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b)   Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

5.   Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

[…]”

Theo Điều 39.3, Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 thì nếu người sử dụng lao động mua thêm bảo hiểm tai nạn cho người lao động (bên cạnh bảo hiểm bắt buộc) và người lao động được nhận các chế độ bồi thường từ các đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm thì số tiền bồi thường này sẽ được cấn trừ vào trách nhiệm của người sử dụng lao động (tức người sử dụng lao động chỉ phải trả thêm phần còn thiếu so với quy định của pháp luật, nếu có).

– Được biên soạn bới Le & Tran | Vietnam’s Premier Boutique Litigation Firm

Bản quyền của tài liệu này thuộc sở hữu độc quyền của Công ty Luật TNHH MTV Lê & Trần. Không được sao chép, phát tán hoặc truyền tải bất kỳ nội dung nào của tài liệu này dưới bất kỳ hình thức nào hoặc bằng bất kỳ phương thức nào, bao gồm sao chụp, ghi chép hoặc các phương thức thủ công hoặc điện tử khác, mà không có sự cho phép trước bằng văn bản từ Công ty Luật TNHH MTV Lê & Trần. Chúng tôi bảo lưu tất cả các quyền và sẽ ngay lập tức thực hiện mọi hành động tố tụng pháp lý (hình sự, dân sự và thương mại) theo các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế để xử lý (các) hành vi vi phạm của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.