Quản lý thu nợ Bảo Hiểm Xã Hội, Bảo Hiểm Y Tế, Bảo Hiểm Thất Nghiệp

Hannah Huynh

Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả công tác thu bảo hiểm xã hội (“BHXH”), bảo hiểm y tế (“BHYT”), bảo hiểm thất nghiệp (“BHTN”), hạn chế tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài và đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (“BLĐTBXH”) đã tiến hành soạn thảo và lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định quy định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN và bảo đảm quyền lợi của người lao động (“Dự thảo”). Theo đó, cơ quan BHXH sẽ siết chặt các hoạt động nghiệp vụ của ngành BHXH liên quan đến việc thu, quản lý nợ từ các đơn vị (người sử dụng lao động). [Xem toàn văn nội dung Dự thảo tại đây (tiếng Việt).]

1.   Dự thảo chia các trường hợp đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN thành 4 nhóm:

(i)   Nợ chậm đóng là các trường hợp đơn vị có thời gian nợ dưới 01 tháng.

(ii)   Nợ đọng là các trường hợp đơn vị có thời gian nợ từ 01 tháng đến dưới 03 tháng.

(iii) Nợ kéo dài là các trường hợp đơn vị có thời gian nợ từ 03 tháng trở lên nhưng không thuộc các trường hợp nợ khó thu nêu bên dưới.

(iv) Nợ khó thu, gồm các trường hợp:

  Đơn vị mất tích, tức đơn vị bỏ trụ sở ghi trong đăng ký kinh doanh không khai báo, cơ quan BHXH không thể liên lạc được theo quy định của pháp luật.

  Đơn vị đang trong thời gian làm thủ tục giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động; đơn vị không hoạt động, không có người quản lý, điều hành.

  Đơn vị có chủ sở hữu là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam.

  Đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật.

  Đơn vị nợ đang trong thời gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đơn vị được cấp có thẩm quyền cho khoanh nợ.

2.   Tương ứng với tính chất của từng nhóm đối tượng nợ BHXH, BHYT, BHTN, Dự thảo đưa ra các phương thức xử lý nợ ở các cấp độ khác nhau, như:

(i) Nhắc nhở bằng văn bản: Hàng tháng, cơ quan BHXH sẽ gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN, trong đó ghi rõ số tiền chậm đóng và tiền lãi chậm đóng (nếu có); đôn đốc đơn vị nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN kịp thời, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

(ii) Đến trực tiếp trụ sở đơn vị kết hợp với gửi văn bản để đôn đốc, nhắc nhở:

  Cơ quan BHXH trực tiếp đến đơn vị nợ đọng để đôn đốc, đồng thời gửi văn bản đôn đốc 15 ngày một lần.

  Sau 2 lần gửi văn bản mà đơn vị nợ đọng chưa nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN thì thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN và xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật (trừ đơn vị có văn bản cam kết nộp tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trong thời hạn tối đa 30 ngày).

(iii) Phối hợp với tổ chức công đoàn khởi kiện đơn vị ra Toà án hoặc đề nghị khởi tố hình sự về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (với mức phạt tiền đến 3 tỷ Đồng đối với tổ chức và phạt tù đến 07 năm đối với cá nhân): Áp dụng đối với trường hợp sau 06 tháng kể từ ngày cơ quan BHXH đến đơn vị đôn đốc và thực hiện các biện pháp đôn đốc mà đơn vị vẫn chưa đóng BHXH, BHYT, BHTN.

3.   Đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN sẽ phải chịu lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, cụ thể:

(i) Trường hợp chậm đóng BHXH, BHTN từ 30 ngày trở lên: Lãi chậm đóng bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH năm 2016 là 7,9%/năm.

(ii)    Trường hợp chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên: Lãi chậm đóng bằng 02 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 09 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.  Mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 09 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 23/6/2017 là 5,20%/năm.

Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 09 tháng thì áp dụng mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 09 tháng.

(iii)   Trường hợp truy thu đối với các trường hợp điều chỉnh tăng tiền lương tháng đã đóng BHXH, BHTN cho người lao động, đóng bù thời gian chưa đóng BHXH của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động nhưng sau 06 tháng, kể từ ngày có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương hoặc chấm dứt hợp đồng lao động về nước mới thực hiện truy đóng thì số tiền lãi phải thu bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian truy thu.

4.   Đứng ở góc độ của người lao động, Dự thảo đưa ra phương án bảo vệ quyền lợi của người lao động trong trường hợp đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật, đó là:

(i)  Ghi nhận thời gian đóng BHXH, BHTN trên sổ BHXH đến thời điểm người lao động nghỉ việc tại đơn vị giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động (thay vì đến thời điểm đơn vị thực đóng BHXH, BHTN) để làm cơ sở giải quyết quyền lợi về BHXH, BHTN đối với người lao động.

(ii) Sử dụng số tiền lãi mà đơn vị phải nộp do vi phạm quy định về trốn đóng, chậm đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

– Được biên soạn bới Le & Tran | Vietnam’s Premier Business Litigation Firm

Bản quyền của tài liệu này thuộc sở hữu độc quyền của Công ty Luật TNHH MTV Lê & Trần. Không được sao chép, phát tán hoặc truyền tải bất kỳ nội dung nào của tài liệu này dưới bất kỳ hình thức nào hoặc bằng bất kỳ phương thức nào, bao gồm sao chụp, ghi chép hoặc các phương thức thủ công hoặc điện tử khác, mà không có sự cho phép trước bằng văn bản từ Công ty Luật TNHH MTV Lê & Trần. Chúng tôi bảo lưu tất cả các quyền và sẽ ngay lập tức thực hiện mọi hành động tố tụng pháp lý (hình sự, dân sự và thương mại) theo các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế để xử lý (các) hành vi vi phạm của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.